Vietnamdefence.com

 

So sánh F-22A Raptor và PAK FA T-50

VietnamDefence - Cuối tháng 1.2010, máy bay tiêm kích  PAK FA của Nga thực hiện chuyến bay đầu tiên báo hiệu sự cáo chung cho ưu thế của Mỹ về phát triển máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5.

PAK FA T-50

Các nhà phân tích quân sự và các nước đã bàn luận bất tận và tranh cãi quyết liệt về việc cấu tạo cuối cùng của máy bay tiêm kích này sẽ ra sao và thức chong chong chờ đợi chuyến bay đầu tiên, nhưng Nga giữ bí mật chương trình này rất nghiêm ngặt nên không có ai ngoài một số ít người được biết hình thù máy bay sẽ ra sao.

Các máy bay chiến đấu đóng vai trò lớn trong sức mạnh quân sự quốc gia và vai trò then chốt trong các trận không chiến. PAK FA, còn được biết đến với tên gọi Т-50, có thể sẽ có ký hiệu Su-50, là máy bay mà không chỉ Nga mà cả thế giới này đang cần có. Mỹ sẽ buộc phải tính đến không chỉ thế giới Hồi giáo mà cả các nước như TQ, Nga và Brazil.

Thậm chí một số nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng cảm thấy mình là nô lệ hơn là đồng minh hay bạn bè. Ví dụ, Mỹ hứa hẹn với các đồng minh dự án chung chế tạo máy bay tiêm kích F-35, trên thực tế việc phát triển máy bay này đã trở thành cái xích phụ thuộc, trong đó các mã phần mềm có tầm quan trọng sống còn và bảo dưỡng kỹ thuật nay sẽ chỉ thuộc quyền của riêng Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Tây Âu ca ngợi PAK FA mặc dù nó là của Nga.

PAK FA là câu trả lời đối với máy bay tiêm kích F-22 của Mỹ, loại máy bay đến nay vẫn chưa có đối thủ. Bài báo này so sánh 2 loại máy bay tiêm kích F-22 và T-50.

Cần phải hiểu rằng, Т-50 không chỉ là máy bay chiến đấu mà còn là sự đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật vốn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của công nghiệp Nga. Nó sẽ có ý nghĩa kinh tế không chỉ với Nga mà cả với các khách hàng tương lai của Su-50, những nước bằng cách đó sẽ có thể tránh được các cuộc xung đột quân sự khi xây dựng tiềm lực kiềm chế hiệu quả. Ví dụ, 2 phi đội máy bay tiêm kích này được đưa vào trang bị của Không quân Iran sẽ xoá tan mọi ảo tưởng về một cuộc tấn công của Israel vào nước này.

Hiệu quả

Hiện chỉ có rất ít thông tin về PAK FA, nhưng việc phân tích kỹ lưỡng các hình ảnh và video cho phép đưa ra đánh giá chung. Dưới đây là các thông số do tác giả bài báo đưa ra.

Chiều dài 19,5 m; chiều cao 5 m; sải cánh 14 m; trọng lượng rỗng 18,5 t; diện tích cánh 75 m2. Khó xác định tính năng bay của máy bay do chưa biết tính năng của động cơ. Tuy nhiên, tốc độ tối đa có thể là 2,5М, trần bay thực tế 20000 m và khả năng lên nhanh hơn 350 m/s.

Vũ khí: 1 pháo 30 mm; số lượng điểm treo chưa biết, có thể là 8.

Radar:
Máy bay được trang bị 5 anten radar (module) mạng pha chủ động. Điểm mới là việc lắp các anten trong mép cánh trước hoạt động ở tần số thấp (có thể là băng L), F-22 không có.

Phân tích chung

Đặc tính khí động

Cánh PAK FA có diện tích lớn, với góc hình tên lớn theo mép cánh trước và được tối ưu hoá tốt cho bay siêu âm ở độ cao lớn. Thậm chí khi có động cơ thua kém nhiều F-22, máy bay tiêm kích của Nga cũng sẽ bay nhanh hơn và lâu hơn, bay hành trình siêu âm sẽ hiệu quả hơn nhờ tiêu thụ ít nhiên liệu hơn, dù là ở tốc độ cao hơn.

Cánh PAK FA được thiết kế theo các nguyên tắc thành công được áp dụng cho Su-27 và MiG-29, có không gian bên trong rộng để chứa nhiều hơn nhiên liệu hay các khoang vũ khí. Việc giảm lực cản chính diện và các đặc tính mang cao làm tăng khả năng lên nhanh, tầm bay xa và tải trọng hữu ích lớn là ưu thế của PAK FA so với F-22.

Các bộ hút khí

Cấu trúc các kênh của bộ hút khí thuận lợi để tăng lực nâng cho máy bay, cho phép có bề mặt tán xạ hiệu dụng nhỏ và khả năng cho thông qua dòng khí lớn để cấp khí cho các động cơ. Mép trước gốc cánh di động được (LERX - Leading Edge Root Extensions) rất mới và có thể nó nâng cao các phẩm chất siêu cơ động của máy bay tiêm kích. Mép trước gốc cánh di độnggiống các cánh liệng và có thể nó đóng vai trò cánh ngang phía trước. Điểm mới thú vị này là một giải pháp tốt để điều khiển dòng khí bên trên cánh. Máy bay cũng được lắp cánh ổn định ngang ở đuôi và 2 cánh đứng đuôi nghiêng  dạng tam giác.

Các cánh đứng đuôi quay toàn phần

Các cánh đứng đuôi điều khiển toàn phần là một điểm mới ở chỗ chúng cho phép chỉ cần sử dụng cánh đuôi ngang kích thước nhỏ hơn, nhưng có hiệu quả như cánh đuôi ngang bình thường. Tính đến việc PAK FA có thể điều khiển vector lực đẩy 3 chiều (TVC - 3D Thrust Vector Controls), cánh cánh đứng đuôi cho phép PAK FA có bề mặt tán xạ hiệu dụng (BMTXHD) cực nhỏ, bởi vì ta biết rằng cánh đứng đuôi thông thường cỡ lớn làm tăng đáng kể tín hiệu radar của máy bay. Một lợi điểm nữa của các cánh đứng đuôi quay toàn phần là giảm được trọng lượng, bảo đảm sự ổn định của máy bay tiêm kích khi cơ động và cho phép cơ động vòng ngoặt gấp ở tốc độ siêu âm.

Bánh lăn lớn

Những chiếc bánh lăn đường kính lớn của bộ càng chính cho thấy, người Nga đánh giá một cách thực tế diễn biến chiến đấu có thể với kẻ địch tương đương về sức mạnh khi mà nhiều sân bay có thể bị kẻ địch tấn công tiêu diệt, còn các máy bay sẽ phải cất/hạ cánh ở các đường băng ngắn.

Công nghệ và sản xuất công nghiệp

PAK FA được thiết kế, chế tạo với sự áp dụng những phương pháp sản xuất công nghiệp mới, chưa từng có ở Liên Xô - là "công nghệ phay điện hoá" (electro-chemical milling), chứ không phải là phương pháp hàn truyền thống. Tuy công nghệ này được áp dụng ở phương Tây từ cuối thập kỷ 1950, nhưng chỉ bây giờ nó mới được vận dụng ở nước Nga. Điều đó cho phép thực hiện tốt hơn các công nghệ stealth. Cùng với việc chế tạo các lớp phủ hấp thụ radar và sử dụng rộng rãi vật liệu composite, phương pháp này bước nhảy vọt công nghệ lớn của công nghiệp Nga.

Các sensor

Điện tử và thiết bị điện tử hàng không (avionics) là những lĩnh vực Nga thường bị tụt hậu so với phương Tây. Tuy vậy, được trang bị 5 anten PAK FA, như các nguồn tin cho hay, có mức độ "hợp nhất thông tin" cao, hệ thống tác chiến điện tử mạnh và các kênh truyền dữ liệu theo một "giao diện người-máy" (Man-Machine Interface) chung. Công nghệ này đã tiến xa thế nào chúng ta sẽ còn phải xem, nhưng tính đến vai trò chủ chốt của Nga trong phát triển công nghệ thông tin ở quy mô thế giới, thì nước Nga đã thực hiện được cú nhảy vọt này và bây giờ vấn đề chỉ còn là ứng dụng vào công nghiệp hàng không.

Giảm BMTXHD

PAK FA là máy bay tiêm kích tàng hình đầu tiên không phải của Mỹ. BMTXHD chính diện của F-22 được so sánh với metal marble (thường có nghĩa là hòn bi sắt nhỏ cho trẻ em chơi có đường kính 1,25 cm), còn của F-35 với quả bóng golf. Có thể BMTXHD của PAK FA là tương đương F-35.

Người Nga không cố tìm giải pháp thoả hiệp theo hướng ưu tiên các công nghệ stealth như người Mỹ vẫn làm, vì nhiều lý do khác nhau, kể cả giá trình cao của các công nghệ đó. Xét tới yếu tố hiệu quả công nghệ stealth trong điều kiện thực tế thấp hơn nhiều bởi vì máy bay tiêm kích tàng hình sẽ không chỉ bay ở đằng trước ở góc hình chiếu chính diện, mà sẽ bị chiếu xạ không chỉ bằng 1 radar mà nhiều radar trên không và trên mặt đất hoạt động ở nhiều tần số khác nhau. Ngoài ra, trong điều kiện chiến đấu thực tế, sự ăn mòn và các vết nứt kết cầu có thể làm giảm độ tàng hình.

Như vậy, trong thiết kế PAK FA, Nga chú ý hơn đến việc giảm trọng lượng và cải thiện đặc tính khí động hơn là tính bí mật (tàng hình). Các kênh dẫn khí hình chữ S của các bộ hút khí không thể giấu kín các lá cánh quạt động cơ từ mọi ghóc nhìn, có thể 5% diện tích cửa vào các động cơ sẽ bị nhìn thấy từ các góc nhất định.

PAK FA từ bỏ đặc tính tàng hình ở 1/4 thân máy bay phía sau. Những kẻ vu khống có thể chê cười, nhưng xét tới đặc tính khí động tiên tiến, trần bay và tốc độ bay cao, máy bay có thể không cần sự thoả hiệp đó. F-35 cũng không có đặc tính tàng hình ở 1/4 phần sau thân máy bay. Các tên lửa tự dẫn hồng ngoại và các sensor hồng ngoại (IRST) sẽ có hiệu quả trong mọi trường hợp.
Dường như người Nga đã theo dõi sát sao các chương trình máy bay tiêm kích của Mỹ và tiếp thu những gì tốt đẹp nhất của chúng.

So sánh

PAK FA vượt trội F-22 về nhiều thông số, trong khi F-22 cũng có ưu thế ở một số lĩnh vực nhất định. Tương quan này không khác với sự so sánh Su-27 và F-15. F-22 trước hết là máy bay tàng hình, còn PAK FA có thể vượt trội F-22 ở chế độ tác chiến giới hạn "độ cao bay lớn/tốc độ cao". Máy bay tiêm kích của Nga có thể mang nhiều vũ khí hơn trong các khoang bên trong, cũng như nhiều nhiên liệu hơn trong các thùng nhiên liệu bên trong máy bay.

So sánh về khả năng tác chiến và giá thành, máy bay tiêm kích PAK FA hấp dẫn hơn F-22 vì F-22 có giá thành cao và khó sử dụng hơn. Việc sửa chữa PAK FA sẽ dễ dàng hơn Su-27. Giá của PAK FA có thể chỉ bằng 1/3 giá F-22 vì công nghệ chế tạo đơn giản hơn và số lượng máy bay được Không quân Nga và Ấn Độ đặt mua nhiều hơn, chưa tính các khách hàng khác.

Chừng nào Mỹ chưa sản xuất được máy bay thế hệ mới thì đây là tín hiệu chấm dứt sự thống trị độc quyền của người Mỹ đối với máy bay tiêm kích thế hệ 5. Sắp tới có thể xuất hiện cả những đấu thủ mới, ví dụ như TQ hay có thể có hy vọng châu Âu cũng sẽ chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 5 của mình để không hạ thấp chủ quyền của mình khi mua sắm F-35.

Các máy bay cánh vịt của châu Âu (Euro-canards, có lẽ ý nói các máy bay Eurofighter Typhoon, Rafale và Gripen đều chế tạo theo sơ đồ "kiểu vịt" có cánh ngang phía trước) giờ đã lỗi thời và mất vị thế. Xét tới thái độ của Mỹ đối với các đối tác trong chương trình F-35, hiện nay châu Âu đang kẹt ở thế trên đe dưới búa. Không loại trừ khả năng, châu Âu sẽ tập hợp cùng nhau để chế tạo các máy bay tiêm kích thế hệ 5 của mình.

Hậu quả đối với tiểu lục địa Ấn Độ

Xét đến việc, trước năm 2018, Không quân Ấn Độ sẽ được trang bị các  máy bay tiêm kích PAK FA, hậu quả nghiêm trọng sẽ đến đối với các nước láng giềng của nước này, nhất là đối với Pakistan. Đối diện với Ấn Độ, Bangladesh có thể sẽ dừng phát triển không quân của mình bởi vì khoảng cách về khả năng của hai nước quá lớn để bù đắp sự tụt hậu.

Liên quan đến Pakistan, những chi phí và nỗ lực to lớn của nước này nhằm giảm khoảng cách sức mạnh không quân với Ấn Độ sẽ lại gia tăng. Tương lai các trận không chiến sẽ liên quan đến độ cao lớn và tốc độ cao nơi JF-17 sẽ ít tác dụng. J-10B còn có thể cạnh tranh, song không thể sánh với PAK FA. Chỉ cần nói rằng, động cơ của J-10B chỉ bằng 1/2 động cơ của PAK FA, thêm vào đó máy bay tiêm kích Pakistan thua trắng về công nghệ stealth.

Tương lai của không quân Pakistanа sẽ phụ thuộc vào hợp tác với TQ trong việc sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ 5 và các công việc trên hướng này cần phải bắt đầu ngay bây giờ và đạt đến thành công. Máy bay thế hệ 5 một động cơ sẽ có tính năng chiến đấu kém hơn, nhưng có thể có sức cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới. Máy bay này có thể chế tạo với việc sử dụng động cơ WS-15 của TQ và có khoang vũ khí bên trong nhỏ. Máy bay tiêm kích có thể có cánh tam giác đặt cao, nhưng TQ chưa chắc đã quan tâm đến viêc phát triển loại máy bay này vì việc sản xuất loạt JF-17 mới chỉ vừa triển khai. 

Kết luận

Giống như việc thế giới đang tranh cãi về quyền lãnh đạo của nước Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu và đang có sự chống đối với chính sách đế quốc của Mỹ, hàng không quân sự cũng phản ánh các quá trình này dưới dạng các máy bay như Rafale của Pháp, J-10 của TQ và Su-30MKI của Ấn Độ. PAK FA là đỉnh cao của các nỗ lực này và đẩy quả bóng trở lại nửa sân của Mỹ. Liệu Mỹ có thể chuyển sang chế tạo thế hệ máy bay tiêm kích khác hay không? Với một nền kinh tế suy yếu, đang mất sức cạnh tranh và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các nguồn đầu tư của nhà nước và sự phụ thuộc gia tăng vào thu thuế gián tiếp từ thế giới còn lại thông qua phá giá đồng đô la, việc chi nhiều tỷ USD cho việc chế tạo máy bay tiêm kích mới có thể là nhiệm vụ quá sức đối với Mỹ. Hoàn toàn rõ ràng là, PAK FA đưa ra sự thách thức chính là biểu tượng của những khả năng đó.

  • Nguồn:

1 - http://www.grandestrategy.com/2010/02/russian-are-coming-t-50s-flight-to.html
2 - Т-50: chuyến bay vào tương lai / Meinhaj Hussain, chuyên gia của website Grande Strategy // MP - 08.02.10

Print Print E-mail Print