Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc tưởng tượng máy bay ném bom chiến lược mới?

VietnamDefence - Ngày 17.9.2011, diễn đàn của site china-defense.com đăng tin bằng tiếng Trung nói Trung Quốc đang phát triển 2 loại máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới.


Chưa rõ đây là các dự án cạnh tranh nhau hay là các dự án tiến hành riêng rẽ.

Khi trả lời phỏng vấn của một ấn phẩm nào đó, các chuyên gia quân sự Trung Quốc Li Xiaoning và Ma Dingsheng đã nói về các dự án này.

Li Xiaoning nói rằng, các máy bay ném bom hạng nặng truyền thống là В-52 của Mỹ, Tu-95 và Tu-160 của Nga. Chúng là “các bệ mang lý tưởng” để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa trong khi vẫn ở ngoài khu vực hoạt động của phòng không đối phương.

Trung Quốc đang phát triển máy bay ném bom hoàn toàn mới theo 2 sơ đồ thiết kế H-8 (sơ đồ kiểu “cánh bay”) và Н-9 (còn có ký hiệu khác là Н-10, là máy bay ném bom đường không-vũ trụ theo sơ đồ kiểu “vịt”), bởi vì các máy bay Н-6 (sao chép Tu-16 của Liên Xô) hiện có đã lạc hậu và cần thay thế. Theo ông Li, máy bay mới “có tính cách mạng” sẽ xuất hiện trong thời gian sắp tới”.

Ông Ma Dingsheng thì cho biết, các máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc có 2 nhiệm vụ: tấn công hạt nhân vào các mục tiêu mặt đất và tác chiến chống các tàu sân bay đối phương. Máy bay mới sẽ được trang bị tên lửa có tầm bắn không dưới 1.000 km để ở ngoài khu vực hoạt động của phòng không đối phương.

VND: Có lẽ khá nhiều thông tin do 2 chuyên gia Trung Quốc đưa ra trên đây là tưởng tượng hơn là sự thật.

Công nghệ Trung Quốc tụt hậu do với Mỹ không dưới 20-30 năm, chuyên gia này thừa nhận. Máy bay ném bom Н-6 được chế tạo trong thập niên 1960 dựa trên Tu-16 của Liên Xô, có độ bộc lộ radar lớn, tầm bay không đủ xa và tải trọng chiến đấu nhỏ, không có mấy cơ hội đột phá hệ thống phòng không, và còn nhiều “nhược điểm rõ ràng” khác. Bởi vậy, chúng ta cần phát triển máy bay ném bom mới để thay thế Н-6, ông Ma nói.

Ma Dingsheng còn nói rằng, Trung Quốc sẽ không đi theo cách sao chép các máy bay В-1 và В-2 của Mỹ, Tu-160 của Nga, mà có quan niệm riêng trong lĩnh vực này. Theo ông Ma, máy bay chiến lược cao tốc mới Н-9 sẽ bay cả trong khí quyển, cũng như ở độ cao bán quỹ đạo (sub-orbital). Máy bay ném bom sẽ được trang bị hệ thống động cơ kết hợp: 4 động cơ Taihang cải tiến để bay trong khí quyển và 2 động cơ tên lửa đặc biệt để vượt ra ngoài ranh giới khí quyển lên độ cao khoảng 100 km. Như vậy, sơ đồ khí động của máy bay này sẽ không giống với các máy bay ném bom hiện có.

Theo ông Ma, máy bay có hình dáng giống một tên lửa đường đạn có cấu trúc kiểu “vịt” với cánh ngắn. Máy bay sẽ được trang bị hệ thống quan sát mọi góc độ. Khung thân sẽ được làm bằng vật liệu composite sợi carbon. Trong khoang vũ khí trong máy bay sẽ bố trí 6 tên lửa hành trình dẫn bằng radar và vệ tinh, cũng có thể treo tên lửa ở các mẫu treo bên ngoài.

Biến thể Н-9 sẽ cất cánh từ đường băng thông thường, sẽ tăng tốc đến tốc độ 2-3М trong khí quyển, khi đạt độ cao 15.000 m sẽ bật các động cơ phản lực-không khí dòng thẳng để đưa máy bay lên độ cao 100 km so với mực nước biển. Ở độ cao đó, máy bay sẽ có thể bay với tốc độ 8М, nhanh chóng đến khu vực tấn công và phóng tên lửa vào các mục tiêu. Н-9 sẽ hạ cánh như máy bay thông thường bằng các động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có buồng tăng lực.

Việc điều khiển máy bay với phần lớn thời gian bay diễn ra ở độ cao ngoài khí quyển sẽ do các hệ thống trên khoang được tích hợp với các vệ tinh đảm trách. Máy bay ném bom sẽ được trang bị các tên lửa thông minh, không đòi hỏi sự can thiệp của thiết bị điện tử trên máy bay mà sẽ tự dẫn đến mục tiêu.

Từ giữa thập niên 1990, Trung Quốc đã phát triển thiết kế máy bay ném bom chiến lược FBS-1 (Hong-7). Các tham số thiết kế của nó là tải trọng chiến đấu không dưới 18 tấn, tốc độ tối đa 1,2 М, vũ khí gồm các tên lửa hành trình mới có tầm bắn không dưới 10.000 km, có khả năng tiếp dầu trên không. Hồi đó, Trung Quốc đơn giản là cố sao chép các công nghệ của Liên Xô vì họ không có trường phái thiết kế mạnh, ông Ma cho biết. Khác vớ FBS-1, máy bay mới sẽ được phát triển trên cơ sở những công nghệ và sơ đồ khí động tiên tiến nhất.

Khi phát triển máy bay ném bom Н-8 (kiểu “cánh bay”), người ta nghiên cứu và sử dụng rộng rãi công nghệ tàng hình. “Cánh bay” có triển vọng lớn về mặt giảm độ bộc lộ radar và hồng ngoại. Các động cơ được bố trí sâu bên trong khung thân, nhờ đó mà giảm mạnh được bề mặt tán xạ hiệu dụng và độ bộc lộ hồng ngoại. Một khung thân như vậy hầu như không có “các kẽ hở” và nhìn rất đẹp, ông Li Xiaoning nói.

Trong kết cấu khung thân có sử dụng nhiều vật liệu composite sợi carbon. Các ưu điểm của vật liệu composite là có thể giảm trọng lượng khung thân máy bay, tăng dung tích nhiên liệu chứa bên trong, và qua đó làm tăng mạnh tầm bay và tải trọng chiến đấu.

Ngoài ra, các vật liệu này có các đặc tính tàng hình tuyệt vời. Máy bay sẽ được trang bị hệ thống điều khiển máy tính số, thay thế cho các cơ cấu thủy lực nặng nề. Các dữ liệu của chuyến bay sắp tới được nạp vào bộ nhớ của máy tính trên khoang, nhờ đó giảm đáng kể tải làm việc đối với tổ lái.

Vũ khí của máy bay sẽ gồm 6 tên lửa hành trình Red Bird-3 (Hồng Điểu-3?) có tầm bắn 3.000 km, 6 tên lửa nữa có thể treo ở 2 mấu treo ngoài. Như vậy, máy bay có thể mang tổng cộng đến 12 tên lửa hành trình. Nếu không mang các tên lửa này, máy bay có thể mang các loại tên lửa và bom chính xác cao.

Máy bay sẽ được trang bị thiết bị avionics và các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến nhất. Các nghiên cứu tiếp đó đã cho thấy rằng, các mẫu máy bay mới có thể được trang bị công nghệ tàng hình plasma.

Trung Quốc sẽ rất chú ý phát triển các vật liệu hấp thụ radar hiện đại. Hiện nay, Trung Quốc đã phát triển được vật liệu hấp thụ radar thế hệ mới. Lớp phủ này sẽ không chỉ làm giảm bề mặt tán xạ hiệu dụng của máy bay mà còn giảm mạnh công suất bức xạ của các hệ thống radar trên khoang của bản thân máy bay.

Bốn động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có buồng tăng lực mới sẽ cho phép Н-8 bay hành trình siêu âm với tốc độ 1,4М, bay xa 11.000 km không cần tiếp dầu. Điều đó có nghĩa là máy bay ném bom chiến lược cất cánh từ một căn cứ không quân ở Hắc Long Giang có thể tấn công bằng tên lửa vào mọi mục tiêu ở Bắc Mỹ.

  • Nguồn: china-defense.com, MP 6.10.11.

 

Print Print E-mail Print