Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay Sơn Đông

VietnamDefence - Ngày 26/4/2017, Tổng công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc lớp Type 001A tại xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Tàu sân bay Sơn Đông lớp Type 001A

Type 001A là tàu sân bay đầu tiên được thiết kế và đóng hoàn toàn ở Trung Quốc. Lễ hạ thủy đã diễn ra lúc 9 giờ, ngày 26/4/2017. Sắp tới, tàu sân bay mới với tên gọi Sơn Đông sẽ bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật và sau đó là chạy thử. 

Trước đó, tàu Type 001A được đưa ra khỏi đốc khô vào ngày 23/4/2017 vào dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc. 

Tàu sân bay lớp Type 001A được thiết kế từ năm 2013 mà theo các chuyên gia là trên cơ sở thiết kế tàu sân bay lớp 1143.6 Krechet của Liên Xô. Trung Quốc được cho là đã mua bộ tài liệu thiết kế các tàu này từ Ukraine trong thập niên 1990 cùng với tàu sân bay đóng dở Varyag. Ban đầu, dự kiến cải tạo tàu Varyag thành sòng bạc nổi, sau đó, Trung Quốc quyết định đóng hoàn thiện tàu này. Tàu được đặt tên là Liêu Ninh và gia nhập biên chế hải quân Trung Quốc vào năm 2012. Hiện nay, tàu này đang tiến hành các loại thử nghiệm trong biên chế hải quân Trung Quốc.

Tàu sân bay Liêu Ninh (sinodefence.com)

Tàu sân bay đầu tiên của lớp Type 001A được đóng từ năm 2015. Dự kiến, việc đóng hoàn thiện tàu ở trạng thái nổi và tiến hành các thử nghiệm sẽ hoàn thành vào năm 2020, sau đó tàu sẽ được nhận vào trang bị. Tàu sân bay mới có phần thượng tầng dài và cao hơn so với thượng tầng của tàu Liêu Ninh. Ngoài ra, tàu cũng được lắp các trang thiết bị hiện đại hơn. Phần còn lại thì tàu Sơn Đông giống với tàu Liêu Ninh. Tàu dự định được bàn giao cho hạm đội vào năm 2020.

Krechet là loạt tàu sân bay được Liên Xô bắt đầu đóng vào năm 1970. Một thập kỷ sau, thiết kế này được hiện đại hóa: boong bay được kéo dài, một phần vũ khí tên lửa, pháo bị tháo gỡ, tàu có thể sử dụng máy bay không phải cất/hạ cánh thẳng đứng. Tàu đầu tiên của thiết kế mới là tàu Đô đốc Kuznetsov mà tên khi khởi đóng là Liên Xô. Tàu thứ hai là Varyag do Liên Xô sụp đổ đã không được đóng hoàn thiện và trở thành sở hữu của Ukraine, sau đó, nước này bán cho Trung Quốc. Thế là Trung Quốc có tàu sân bay của mình. 

Tàu sân bay lớp Krechet (Liên Xô và Nga gọi là tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng) kết hợp các tính năng của tàu tuần dương tên lửa và tàu sân bay kiểu như tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga. Trung Quốc đã tháo gỡ các bệ phóng đồ sộ của tên lửa hành trình Granit và lắp các thùng nhiên liệu máy bay thay vào đó, lắp đặt lên tàu trang thiết bị điện tử của mình.

Tàu sân bay Sơn Đông còn có những thay đổi lớn hơn nữa. Phần thượng tầng có dáng góc cạnh tàng hình, hăng-ga ở đuôi được kéo dài thêm 15 m, giải phóng thêm không gian cho 2 tiêm kích J-15 nữa. Phi đoàn trên tàu sẽ gồm 24 chiếc, song có khả năng tăng lên đến 36 chiếc.

Tàu Liêu Ninh có lượng giãn nước 59.500 tấn, chiều dài 304 m và chiều rộng 75 m, có thể đạt tốc độ đến 29 hải lý/h, cự ly hành trình gần 8.000 hải lý. Phi đoàn không quân trên tàu hiện chưa được hình thành đầy đủ. Nòng cốt của phi đoàn này là các tiêm kích hạm J-15 vốn là biến thể sao chép có cải tiến của tiêm kích Su-33 của Liên Xô, được chế tạo trên cơ sở mẫu chế thử T-10K-1 cũng mua lại từ Ukraine trong thập niên 1990.

Tàu sân bay Sơn Đông lớp Type 001A

Ngoài tàu sân bay lớp Type 001A, hiện nay, ở Đại Liên còn dang đóng 1 tàu sân bay lớp Type 002A. Tàu này hoàn toàn do các chuyên gia Trung Quốc thiết kế từ con số 0. Khác với Liêu Ninh và Sơn Đông được lắp động cơ turbine nồi hơi, chạy dầu mazut, tàu sân bay lớp Type 002A dự đoán sẽ sử dụng động lực hạt nhân. Tàu sân bay lớp Type 002A dự định hoàn thành vào năm 2021 và đưa vào biên chế vào năm 2024.

Trung Quốc đóng tàu sân bay Type 002A theo kiểu Mỹ. Tàu sẽ có 3 máy phóng máy bay thay cho cầu bật, phần thượng tầng sẽ nhỏ đi 10% để có thêm không gian trên boong bay cho các máy bay. Bên trên phần thượng tầng sẽ lắp 4 anten lớn của radar nhìn vòng. Vũ khí phòng không của tàu gồm 4 hệ thống hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn, mỗi hệ thống có 24 ngăn phóng tên lửa.

Hiện nay, Trung Quốc đang ráo riết tăng số lượng tàu sân bay để đối trọng với Ấn Độ (hiện có tàu sân bay Vikramaditya và dự định sở hữu tổng cộng 3 tàu sân bay) và Mỹ (hiện có 10 tàu sân bay và sẽ tăng lên con số 11 chiếc vào cuối năm 2017). 

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ có ít nhất 5 tàu sân bay vào năm 2025. Trung Quốc biện minh cho việc phải có các tàu sân bay là cần duy trì cán cân quân sự trên thế giới và bảo vệ an ninh quốc gia.

Tàu sân bay Sơn Đông lớp Type 001A

Đầu tháng 4/2017, có tin Công ty đóng tàu Hỗ Đông Trung Hoa (Hudong Zhonghua Shipbuilding  Company) ở Thượng Hải đã bắt tay vào đóng tàu đốc đổ bộ chở trực thăng (tàu sân bay trực thăng) lớn nhất của Trung Quốc lớp Type 075 và sẽ bàn giao cho hải quân Trung Quốc vào năm 2020. Dự kiến, hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng tàu Type 075 để tuần tra ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tàu Type 075 với chiều dài 250 m, chiều rộng 30 m, lượng giãn nước 40.000 tấn sẽ là một trong những tàu lớn nhất trong các tàu sân bay trực thăng hiện có. Trong khi đó, tàu sân bay trực thăng lớp Wasp của Mỹ có lượng giãn nước 40.500 tấn, tàu Mistral của Pháp có lượng giãn nước 21.300 tấn.

Trên boong tàu Type 075 sẽ có thể bố trí đồng thời 30 trực thăng các loại. Tàu sẽ có tốc độ đến 23 hải lý/h. Các chi tiết khác về tàu này chưa được công bố. Giống các tàu cùng loại, Type 075 sẽ có thể tự dìm để các xuồng đổ bộ có thể bơi ra từ khoang hàng của nó.

Nguồn: rg, n+1, 25, 26.4.2017.

Print Print E-mail Print