VietnamDefence -
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, ngày 9/10/2013, đã lên tiếng về sự lo ngại mà một số quan chức Mỹ và NATO nêu lên đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ chọn hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (tên xuất khẩu là FD-2000).
|
HQ-9 (FD-2000) ru-aviation.livejournal.com |
Hoa Xuân Oánh nói rằng, quyết định của Ankara về việc hợp tác sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không với công ty Trung Quốc CPMIEC là bước tiến mới trong sự phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự song phương Trung-Thổ.
Bà ta cho rằng, “sự lo ngại của các nước phương Tây là vô căn cứ và không cần thiết”.
Phía Trung Quốc tỏ ý hy vọng “các nước phương Tây sẽ coi hợp tác quân sự Trung-Thổ một cách khách quan, không chính trị hóa kết quả của cuộc đấu thầu vừa diễn ra”.
Theo bà Hoa, “Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc duy trì cân bằng sức mạnh trong khu vực, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước nhập khẩu vũ khí trang bị và thực hiện các cam kết quốc tế của mình”.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ İsmet Yılmaz, ngày 26/9/2013, đã thông báo chọn CPMIEC (China National Precision Machinery Import and Export Corporation) là ứng viên ưu tiên cung cấp các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa tầm xa theo chương trình T-LORAMIDS và bắt đầu đàm phán với công ty Trung Quốc về việc ký hợp đồng. Quyết định được đưa ra trong cuộc hợp của ban lãnh đạo Tổng cục Quốc phòng Thổ (Undersecretariat for Defense Industries).
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, ngày 8/10, đã tuyên bố rằng, “mong đợi Thổ Nhĩ Kỳ chọn hệ thống sẽ tương tích với các phương tiện phòng không/phòng thủ tên lửa của các nước đồng minh”.
Mỹ cũng bày tỏ sự lo ngại thật sự với quyết định của Thổ và nhấn mạnh rằng, FD-2000 (HQ-9) sẽ không thể hoạt động chung với các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa của NATO.
Nguồn: Armstrade, 10.10.2013.