Vietnamdefence.com

 

Thổ Nhĩ Kỳ phân bua chuyện HQ-9

VietnamDefence - Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc thắng cuộc thầu T-Loramids vì một số nguyên nhân, lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSM) Murad Bayar cho biết.

HQ-9 (ausairpower.net)
Quan trọng nhất trong số đó là giá cả thấp nhất - công ty CPMIEC của Trung Quốc chỉ chào giá 3,44 tỷ USD cho 12 hệ thống (tiểu đoàn) HQ-9.

Ngoài ra, theo hồ sơ thầu của Trung Quốc, tỷ lệ nội địa hóa sản xuất HQ-9, một bản sao chép có sửa đổi của S-300P của Nga, tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là hơn 50%.

Phía Trung Quốc cũng đã cam kết bắt đầu sản xuất và chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không trong thời gian ngắn hơn.

Hơn nữa, sẽ không có khó khăn gì với việc tích hợp HQ-9 với hệ thống phòng không của Thổ và liên kết chúng với hệ thống phòng không của NATO.

Theo ông Bayar, hệ thống phòng không Thổ đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO và được tích hợp chặt chẽ với hệ thống phòng không của liên minh này.

Các hệ thống HQ-9 có thể được kết nối với hệ thống phòng không và thông qua nó để phối hợp với phòng không NATO khi đáp ứng được tất cả các yêu cầu cần thiết. Chuyện rò rỉ thông tin mật mà Mỹ và NATO lo ngại sẽ không xảy ra.

Nhà lãnh đạo SSM cũng nói rằng, các hệ thống S-300 quả thực đã được Rosoboronoexport cho tham dự cuộc đấu thầu T-Loramids, nhưng bị loại từ trước khi quyết định chọn hãng thắng thầu được đưa ra ngày 26/9/2013. Ông Bayar không tiết lộ nguyên nhân loại S-300.

Các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Thổ tiết lộ, lý do loại Rosoboronoexport là giá chào thầu cao (4,5 tỷ USD) và không có những đề xuất đầu tư và đền bù lớn. Những đề xuất đó là việc cùng sản xuất và phát triển, cũng như đầu tư vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tham dự T-Loramids, ngoài CPMIEC và Rosoboronoexport còn có liên danh Raytheon/Lockheed Martin của Mỹ và Eurosam của châu Âu.

Theo ông Bayar, nếu vì lý do nào đó mà không thỏa thuận được với CPMIEC về việc mua HQ-9, Thổ sẽ đàm phán với Eurosam. Nếu đàm phán với Eurosam thất bại, đối tác tiếp theo sẽ là Lockheed Martin.

Mỹ và NATO đã tỏ ý bực tức với việc Thổ chọn HQ-9. Họ đã tuyên bố là Thổ sẽ không thể kết nối HQ-9 với các hệ thống phòng không tiêu chuẩn NATO và hệ thống kiểm soát không phận thống nhất của khối này. Sự tức giận của Mỹ một phần còn là bởi Thổ định mua vũ khí của một công ty mà Mỹ đang áp đặt trừng phạt vì cung cấp vũ khí cho Iran, Syria và Bắc Triều Tiên.

Nguồn: Jane’s, Lenta, 4.10.2013.

Print Print E-mail Print