Vietnamdefence.com

 

Tiêm kích tàng hình Nga gặp đại hạn

VietnamDefence - Kremlin cắt giảm chi phí cho PAK FA Т-50


Chỉ mới đây, Nga còn dự định vào cuối thập kỷ này tiếp nhận vào trang bị 52 tiêm kích tàng hình tiên tiến Т-50. Ít ra đó là ý đồ.

Nhưng nay thì dường như chương trình Т-50 đã vấp phải những khó khăn lớn và Nga có thể cắt giảm mạnh số luowngj máy bay dự định sản xuất.

Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy có gì đó không ổn trong vụ này xuất hiện trong tháng trước. Ngày 24/3/2015, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov nói với tờ Kommersant rằng, quân đội Nga sẽ cắt giảm mạnh số lượng Т-50 mua sắm. Thay vì 52 tiêm kích tàng hình, Nga sẽ chỉ sản xuất có 12 chiếc. Con số này là quá ít.

Đến nay, Nga đã chế tạo 5 mẫu thử nghiệm Т-50, còn 1 chiếc khác bị hư hại nặng do cháy. Trong khi đó, tham gia phát triển máy bay này còn có Ấn Độ và sự tài trợ của New Delhi đang giúp duy trì sự sống cho dự án này. Tuy nhiên, nay các lãnh đạo Không quân Ấn Độ đã hoàn toàn ngừng nói chuyện với các đồng nghiệp Nga về vấn đề này.

Tất cả những cái đó đang thu hút sự chú ý tới các vấn đề khó khăn của Nga trong chế tạo tiêm kích thế hệ 5 mà Nga cần để cạnh tranh với các mẫu máy bay tốt nhất mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra.

Chế tạo các mẫu thử nghiệm rất dễ, nhưng chế tạo ra một máy bay có khả năng hoạt động thực sự, nhất là trong giai đoạn suy thoái kinh tế là rất khó. Và điều đó đặc biệt đúng khi nói không phải về một lô nhỏ mà là một số lượng lớn.

“Trong những điều kiện kinh tế mới, các kế hoạch ban đầu có thể được điều chỉnh. Tốt nhất là chúng ta có sẵn kết quả ban đầu ở dạng PAK FA và khả năng sau đó lại tiến lên, cho đến khi tận dụng hết mọi khả năng từ các tiêm kích thế hệ 4+”.

Ý ông nói đến các tiêm kích đa năng hiện đại nhưng không có tính năng tàng hình là Su-30 và Su-35. Theo ông Borisov, các máy bay này sẽ điền đầy chỗ trống tạo ra do cắt giảm sản xuất Т-50.

Về lý thuyết, Т-50 sẽ là địch thủ của các tiêm kích Mỹ F-22 và F-35. Thoạt nhìn, Т-50 là một máy bay mạnh mẽ và uy lực chiến đấu cao. Đây là máy bay lớn, tốc độ cao và tầm bay xa. Tại triển lãm hàng không, máy bay này thể hiện sức cơ động cao.

Nó có 2 động cơ lớn có vẻ ngoài đáng sợ đặt cách xa nhau để bảo đảm sự ổn định. Sải cánh máy bay là hơn 15 m. Т-50 có một khoang vũ khí bên trong lớn và có các đặc tính tàng hình, cho phép né tránh radar đối phương. Nếu như máy bay mà có các khó khăn kỹ thuật thì Nga cũng sẽ không tiết lộ chúng.

Về chính thức, lý do cắt giảm sản xuất T-50 là tình hình kinh tế khó khăn ở Nga. Tổng chi phí phát triển máy bay không rõ và có thể là từ 10-30 tỷ USD. Ấn Độ đã chi cho dự án này 5 tỷ USD. Nhưng trên mặt kỹ thuật, không phải mọi thứ đều ổn.

Vấn đề là ở chỗ chúng ta sẽ biết vì Ấn Độ sẽ nói ra những vấn đề với máy bay này.
Đã hơn một năm qua, tờ báo Ấn Độ Business Standard viết về những dự cảm xấu của New Delhi. Biến thể Т-50 dành cho Ấn Độ có tên là FGFA.

“Các động cơ Al-41F1 hiện có của FGFA có công suất không đủ mạnh, còn người Nga thì không muốn chia xẻ thông tin thiết kế quan trọng, do đó, cuối cùng tiêm kích sẽ quá đắt”, tờ báo Ấn Độ dẫn nguồn buổi họp báo của lãnh đạo Không quân Ấn Độ vào tháng 12/2013.

Một tháng sau, những tin khó chịu khác lại lọt lên báo chí. Ấn Độ muốn có tỷ trọng tham gia nhiều hơn trong dự án này. Nhưng các động cơ vẫn kém như cũ, giá quá đắt, radar của máy bay “không đáp ứng các yêu cầu”, còn “các đặc tính tàng hình được thiết kế yếu”.

Sau đó, vào tháng 6/2014, khi Т-50 hạ cánh xuống sân bay thử nghiệm ở Zhukovsky, ngoại ô Mosсkva,... một động cơ của nó đã bốc cháy. Phía Nga nói rằng, hư hại không lớn, nhưng trên các bức ảnh thấy rõ rằng, toàn bộ phần sau máy bay bị cháy đen.

“Vụ bê bối nghiêm trọng thêm... do Nga từ chối nói chi tiết về sự cố. Đến mức, đội đánh giá kỹ thuật của Không quân Ấn Độ có mặt tại chỗ đã bị từ chối tiếp cận máy bay bị hư hỏng”, Monika Chansoria từ Trung tâm Nghiên cứu chiến tranh mặt đất (Center for Land Warfare Studies) nói với Defense News.

Ấn Độ và Nga đã phải tiếp tục đàm phán về hợp đồng phát triển máy bay. Nhưng nay, New Delhi không bắt liên lạc với Moskva. Bộ Quốc phòng Nga muốn gặp các đối tác ẤN Độ từ tháng 2 đến tháng 3. Nhưng Ấn Độ không trả lời.

“Bộ chỉ huy [Không quân Ấn Độ] lo ngại rằng, FGFA sẽ làm suy yếu luận cứ bênh vực việc mua tiêm kích Pháp Rafale. Hợp đồng trị giá 18-20 tỷ USD này hiện ở giai đoạn đàm phán không kết quả”, Business Standard cho hay.

Báo chí Nga cho rằng, một trong những nguyên nhân chính cắt giảm sản xuất Т-50 là giá dầu giảm. Kremlin không đủ tiền nên trong điều kiện đó sẽ khó có thể luận cứ cho chi phí nhiều tỷ đô la cho máy bay tàng hình mới ở số lượng 52 chiếc.

Nếu như thế, có nghĩa là sau khi tình hình kinh tế tốt lên ở Nga, Kremlin có thể quay lại lịch trình chế tạo T-50 ban đầu, tuy là có sự chậm trễ đôi chút. Đó là trường hợp tốt nhất khi có các hoàn cảnh thuận lợi.

Trong trường hợp xấu nhất, máy bay này sẽ có những vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng và bí ẩn. Còn nếu như Ấn Độ đi xa hơn là từ chối tham gia chương trình thì Т-50 từ một vấn đề sẽ biến thành thảm họa.

Điều đó có nghĩa là tính toán cho khoản đầu tư nhiều tỷ là sai và Nga mất đi khách hàng lớn nhất trên thị trường thế giới.

Không quân Nga hiện sở hữu chủ yếu các máy bay sản xuất thời Liên Xô đang mỗi ngày một già cỗi. Nga đơn thuần là không có khả năng thay thế đủ nhanh các tiêm kích đang lão hóa của mình và chế tạo các máy bay hiện đại nhất với tốc độ nhanh như Washington và Bắc Kinh.

Tuy vậy, Moskva có thể từng bước hoàn thiện các thiết kế hiện có như Su-30 và Su-35. Mà điều đó thì nói lên rằng, Nga không đủ sức nghiên cứu chế tạo một máy bay có tính cách mạng như Т-50.

Nguồn: Medium, 5.4.2015.

Print Print E-mail Print