Vietnamdefence.com

 

Cú đột phá hạt nhân của Nga

VietnamDefence - Nga đã thực hiện cú đột phá hạt nhân khi sắp hoàn thành phát triển lò phản ứng thế hệ 4 có tính cách mạng.

Lò phản ứng Brest, còn gọi là “Dự án Proryv”, sẽ giải quyết được một số lượng vấn đề quốc tế đến mức có thể nhận được giải Nobel Hòa bình.

Các nhà máy điện hạt nhân hiện cung cấp 17% tổng lượng điện năng cho Nga, ở miền Tây Bắc Nga là hơn 40%. Nga hiện có 10 nhà máy điện hạt nhân, 33 tổ máy. Tất cả đều là các lò phản ứng thông thường kiểu chu trình hở. Chúng chạy bằng uranium làm giàu thấp, không đốt kiệt được nhiên liệu, kết quả là tích tụ thành những núi chất thải hạt nhân.

Hiện đã tích tụ 18 ngàn tấn uranium đã qua sử dụng, và mỗi năm lại thêm 670 tấn. Trên thế giới, hiện có tổng cộng 345 ngàn tấn chất thải rắc rối này, trong đó có 110 ngàn tấn ở Mỹ. Chỉ có hai nước là Nga và Pháp có các công nghệ công nghiệp để tái chế.

Chỉ có lò phản ứng kiểu mới hoạt động theo chu trình kín mới có thể giải quyết vấn đề.

Nó đồng thời sẽ giúp đối phó với việc rò rỉ công nghệ hạt nhân quân sự. Các lò phản ứng chu trình kín có thể bán cho bất kỳ nước nào vì từ chúng không thể nhận được nguyên liệu cho đầu đạn hạt nhân. Nhưng điều chủ yếu là an toàn. Lò phản ứng chu trình kín có thể chạy cả bằng nhiên liệu cũ đã qua sử dụng. “Ngay cả những tính toán sơ bộ cũng nói lên rằng, dự trữ uranium đã qua sử dụng tích lũy trong 60 năm hoạt động của ngành năng lượng nguyên tử cũng đủ cho mấy trăm phát điện”, Tiến sĩ toán lý A. Kryukov nói.

Brest chính là dự án có tính cách mạng đó. Nó được cơ quan phát triển động cơ hạt nhân cho tàu ngầm nổi tiếng - Viện Nghiên cứu Kỹ thuật năng lượng (NIIET) của Nga bắt đầu tiến hành từ cuối thập kỷ 1980.

Thời điểm bước ngoặt là phát biểu của Tổng thống Nga V. Putin tại “Thượng đỉnh Thiên niên kỷ” ở LHQ. Tại đó, ông đã hứa với thế giới loại năng lượng hạt nhân mới, sạch, an toàn, loại trừ được khả năng sử dụng làm vũ khí. Đó chính là nói về các lò phản ứng Brest.

Từ đó, công việc đã có tiến bộ lớn. Năm 2010, chính phủ Nga đã thông qua chương trình nhà nước “Công nghệ hạt nhân thế hệ mới đến năm 2015” với ngân sách 160 tỷ rúp. Thời hạn đã đến, dự án đã sẵn sàng, các tài liệu kỹ thuật đã trình cho ủy ban nhà nước.

Trong khi đó, Tổng công ty Năng lượng nguyên tử Nga Rosatom đã bắt đầu xây dựng một nhà máy, nơi nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sẽ được biến thành các thanh nhiên liệu làm giàu cho lò phản ứng Brest. Mẫu lò thử nghiệm đầu tiên sẽ có công suất 300 MW, các lò Brest sản xuất loạt sẽ có công suất 700-1.200 MW. Đó là lớn hơn công suất của lò phản ứng chủ lực của ngành năng lượng nguyên tử Nga - VVER-1000.
 

Nguồn: stockinfocus, 1.4, politikus, 3.4.2015.

Print Print E-mail Print