|
S-300PMU-1 của Việt Nam
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh gỡ bỏ lệnh cấm cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, cơ quan báo chí của Điện Kremlin thông báo.
“Sắc lệnh gỡ bỏ lệnh cấm di chuyển quá cảnh qua lãnh thổ Liên bang Nga (kể cả bằng phương tiện vận tải đường không), đưa từ lãnh thổ Liên bang Nga sang Cộng hòa Hồi giáo Iran, cũng như chuyển giao cho Cộng hòa Hồi giáo iran ở bên ngoài biên giới Liên bang Nga có sử dụng các tàu biển và tàu bay mang quốc kỳ Liên bang Nga các hệ thống teenlwar phòng không S-300”, tài liệu đi kèm văn bản đăng trên site của Tổng thống Nga viết.
“Bổ sung vào sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga ngày 22/9/2010 số 1154 “Về các biện pháp thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ số 1929 ngày 9/6/2010” (...) sư thay đổi là loại bỏ khỏi tiểu mục “b” của mục 1 các từ “các hệ thống tên lửa phòng không S-300”, sắc lệnh viết.
Tiểu mục “b” của mục 1 sắc lệnh ngày 22/9/2010 cấm vận chuyển quá cảnh qua Nga “mọi xe tăng chiến đấu, xe bọc thép chiến đấu, các hệ thống pháo cỡ nòng lớn, các máy bay chiến đấu, trực thăng chiến đấu, tàu quân sự, các tên lửa hay hệ thống tên lửa, các hệ thống tên lửa S-300, hay các phương tiện vật chất liên quan đến tất cả những thứ kể trên, kể cả các phụ tùng, hay các vật dụng được nêu ra bởi Hội đồng Bảo an LHQ hay Ủy ban của Hội đồng Bảo an LHQ được thành lập theo nghị quyết 1737 ngày 23/12/2006”.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sắp tới sẽ phát biểu liên quan đến việc hủy lệnh cấm cung cấp S-300 của Nga cho Iran.
Năm 2007, Nga đã ký hợp đồng bán cho Iran 5 tiểu đoàn S-300PMU-1 với 40 bệ phóng trị giá gần 800 triệu USD. Do lệnh cấm vận Iran áp đặt vào năm 2010, hợp đồng S-300 nói trên bị tạm ngưng. Iran sau đó đã kiện hãng Rosoboronoexport ra tòa trọng tài Geneva, Thụy Sĩ đòi bồi thường khoảng 4 tỷ USD. Nga đã đề xuất cung cấp Tor-M1E và S-300V thay cho S-300PMU-1 cho Iran nhưng nước này không đồng ý.
|
S-400 đang hành quân
|
Trong khi đó, tờ Kommersant (NGa) ngày 13/4 đã dẫn lời Tổng giám đốc Rosoboronoexport, ông Anatoly Isaikin cho hay, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
“Tôi sẽ không tiết lộ chi tiết hợp đồng, nhưng đúng là Trung Quốc đã thực sự trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống phòng không tối tân này của Nga, điều chỉ nhấn mạnh mức độ chiến lược quan hệ giữa hai nước chúng ta”, ông Isaikin nói trong cuộc phỏng vấn của tờ Kommersant.
“Nhiều nước muốn mua S-400. Nhưng công nghiệp của chúng ta mà cụ thể là tập đoàn Phòng không-vũ trụ Almaz-Antei trước hết phải cung cấp chúng cho Bộ Quốc phòng Nga. Và kể cả khi mở rộng các cơ sở sản xuất của mình, thì lập tức cung cấp các hệ thống này cho mấy nước là khó. Trung Quốc về mặt này trở thành con chim én đầu tiên”, ông Isaikin cho hay.
Năm 2014, báo chí Nga loan tin Rosoboronexport đã ký với Bộ Quốc phòng Trung Quốc bán S-400 cho Trung Quốc. Hợp đồng đã được ký từ đầu mùa thu năm 2014, bán cho Trung Quốc không dưới 6 tiểu đoàn S-400, mỗi tiểu đoàn biên chế 8 bệ phóng, trị giá hơn 3 tỷ USD. Mùa xuân năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn việc bán
S-400 cho Trung Quốc và tháng 7/2014, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga,
ông Sergei Ivanov đã xác nhận, Bắc Kinh sẽ là khách hàng nước ngoài đầu
tiên mua S-400. Năm 2012, báo chí đưa tin, Nga có thể bán S-400 cho Trung Quốc sớm nhất là vào năm 2017.
Trước đó, ngày 4/4/2015, Phó Tư lệnh Bộ đội Phòng không-vũ trụ Nga phụ trách phòng không Kirill Makarov đã cho biết, tên lửa mới có tầm bắn 400 km dành cho hệ thống S-400 đã được thử nghiệm thành công.
Ngày 9/4, có tin quân đội Nga trong năm 2015 sẽ nhận vào trang bị tên lửa mới cho S-400 có khả năng tiêu diệt tên lửa đường đạn tầm trung ở trong vũ trụ gần.
S-400 Triumf là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung/xa thế hệ mới của Nga, dùng để tiêu diệt tất cả các loại phương tiện tiến công đường không-vũ trụ đương đại và tương lai như máy bay trinh sát, máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến thuật, tên lửa đường đạn chiến dich-chiến thuật, tên lửa đường đạn tầm trung, các mục tiêu siêu vượt âm, các máy bay gây nhiễu, máy bay chỉ huy/báo động sớm... Mỗi hệ thống S-400 cho phép bắn đồng thời 36 mục tiêu và dẫn 72 tên lửa vào chúng.
|
Hình ảnh đã xử lý được cho là của bệ phóng cơ động tầm xa P222 (Izdelyie
14Ts033) của hệ thống phòng thủ tên lửa tương lai Nudol (có nguồn nói là S-500) của Tập đoàn Almaz-Antei đăng trong cuốn lịch năm 2015 (Almaz-Antei /
militaryrussia.ru) |
Còn Nga thì dự định vào năm 2017 sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng và trực chiến các hệ thống tên lửa phòng không tối tân thế hệ mới S-500.
S-500 hệ thống vạn năng tầm xa, đánh chặn tầm cao, với khả năng phòng thủ tên lửa tăng cường và có thể đánh chặn tên lửa đường đạn. S-500 có thể tiêu diệt cả mục tiêu đường đạn, lẫn mục tiêu khí động (máy bay, trực thăng...) lẫn tên lửa hành trình.
Theo các nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga, vào cuối tháng 6/2014, Nga đã thử thành công tên lửa chống tên lửa tầm xa dành cho hệ thống tên lửa phòng không tương lai S-500.
S-500 có bán kính tác chiến 600 km và có khả năng phát hiện và tiêu diệt đồng thời đến 10 mục tiêu đường đạn siêu âm bay với tốc độ đến 7 km/s ở độ cao 200 km, cũng như có khả năng tiêu diệt các đầu đạn của tên lửa siêu vượt âm.