Vietnamdefence.com

 

Nguy cơ đổ bể thương vụ tiêm kích Ấn Độ

VietnamDefence - Việc công bố hãng thắng cuộc thầu mua tiêm kích MMRCA của Ấn Độ bị lùi sang sớm nhất là tháng 1.2012.

Eurofighter Typhoon (eurofighter.com)
Việc này bị trì hoãn liên tục, trước đây đã dự kiến công bố trước cuối năm 2011.

Một nguồn tin gần gũi với hãng Rosoboronoexport cho biết, Bộ Quốc phòng Ấn Độ có thể hủy cuộc thầu này vì không một máy bay lọt vào vòng chung kết phù hợp với khuôn khổ ngân sách dự chi cho mua sắm tiêm kích.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ mở cuộc thầu MMRCA từ tháng 8.2007. Tham gia từ đầu có 6 công ty: RSK MiG, Eurofighter, Dassault, Saab, Boeing và Lockheed Martin với các máy bay lần lượt là MiG-35, Typhoon, Rafale, JAS 39 Gripen IN, F/A-18 Super Hornet và F-16IN Super Viper.

Hai hãng lọt vào vòng chung kết được công bố cuối tháng 4.2011 là Eurofighter và Dassault. Hiện nay, ứng viên nhiều khả năng giành chiến thắng hơn là Typhoon.

Ngay trước khi công bố hãng thắng thầu cung cấp cho Không quân Ấn Độ (IAF) 126 máy bay tiêm kích, Thủ tướng Anh, Đức, Italia và Tây Ban Nha đã quyết định hợp lực ủng hộ tiêm kích Eurofighter khi có thư mật chung gửi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, và “hỗ trợ chính trị” trong đại hợp đồng này.

Eurofighter đang cạnh tranh với Rafale của Pháp trong cuộc thầu của IAF vốn đang thiếu trầm trọng máy bay chiến đấu. Phía Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, dự kiến sẽ có quyết định về vấn đề này trong vài tuần tới, và công bố hãng thắng thầu vào tuần đầu tháng 1. Trong lá thư “mật”, các vị thủ tướng Âu châu khẳng định Eurofighter là “máy bay xuất sắc nhờ những thành tích của riêng nó”. Trong lá thư chung, họ cũng chào đón Ấn Độ như “quốc gia đối tác thứ năm” trong việc sản xuất chung tiêm kích đa năng hạng trung MMRCA nếu Ấn Độ chọn Eurofighter.

Lá thư chung này là vô tiền khoáng hậu bởi vì 4 nước này đã có sự ủng hộ chiến lược cho một thương vụ trước khi có quyết định cuối cùng.

Hãng thắng thầu sẽ nhận được hợp đồng trị giá ước 11 tỷ USD. Trước đó, giới quân sự Ấn Độ cho biết, Typhoon và Rafale đầy đủ hơn cả tất cả các yêu cầu kỹ thuật của Không quân Ấn Độ, có nghĩa là máy bay thắng cuộc sẽ được xác định căn cứ vào giá cả máy bay và chi phí bảo dưỡng kỹ thuật trong suốt vòng đời sử dụng. Giá của Rafale tùy thuộc phương án trang bị dao động trong khoảng 85-124 triệu USD. Typhoon thì có giá gần 120 triệu USD/chiếc.

Theo điều kiện cuộc thầu, 18 tiêm kích đầu tiên sẽ được hãng thắng thầu cung cấp ở dạng hoàn chỉnh trực tiếp cho Không quân Ấn Độ, số còn lại sẽ được sản xuất theo giấy phép trên lãnh thổ Ấn Độ. Ngoài ra, hợp đồng có thể có điều khoản phụ mua thêm 64 chiếc tiêm kihs. Nếu cuộc thầu bị hủy bỏ, MiG-35 lại có cơ hội ở Ấn Độ.
  • Nguồn: indianexpress.com, Lenta, MP, 29.12.11.

Print Print E-mail Print