Vietnamdefence.com

 

Nga sẽ nối lại sản xuất MiG-31?

VietnamDefence - Duma Quốc gia Nga ngày 11/4/2013 theo sáng kiến của Ủy ban Quốc phòng sẽ tổ chức điều trần về vấn đề “Nối lại sản xuất MiG-31: hiện thực và triển vọng”.

MiG-31 (Bộ Quốc phòng Nga)
Theo đánh giá của thành viên Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga, ông Aleksandr Tarnayev, cần có các máy bay mới để kiểm soát đầy đủ hơn không phận của Nga mà việc bảo vệ không phận ở độ cao nhỏ hiện chỉ bảo đảm ở mức 1/3, ở độ cao lớn là ½ lãnh thổ Nga.

Ngoài ra, theo nghị sĩ này, trong những năm gần đây, mối đe dọa quân sự từ phía NATO đã tăng mạnh. Đó là việc hạ tầng quân sự quân sự NATO tiến gần biên giới Nga, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, triển khai các hệ thống vũ khí chiến lược phi hạt nhân chính xác cao và “việc quân sự hóa không gian vũ trụ quy mô lớn” dự kiến.

Theo Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia Nga, chương trình hiện đại hóa tiêm kích đánh chặn MiG-31 lên tiêu chuẩn MiG-31BM đang tiến hành sẽ không tăng được hiệu quả bảo vệ không phận Nga.

Ngoài ra, các nghị sĩ Nga cho rằng, ý tưởng thích ứng hóa các tiêm kích Su-35 và Т-50 (PAK FA) để thực hiện vai trò của MiG-31 là đáng ngờ, bởi lẽ các máy bay này ngay từ đầu được thiết kế cho loại nhiệm vụ khác.

Nga vẫn còn cơ sở kỹ thuật để nối lại sản xuất các biến thể MiG-31 hiện đại hóa. Ví dụ, tại các đơn vị quân đội, cũng như ở Nhà máy động cơ Perm và Nhà máy sửa chữa máy bay ở Gatchina đang cất giữ gần 1.000 động cơ D-30F6 dành cho MiG-31. Số động cơ này đủ để sản xuất ít nhất 300 máy bay với tuổi thọ phục vụ 20 năm.

Ngoài ra, các xí nghiệp sản xuất vẫn giữ được phần lớn cơ sở sản xuất, hạ tầng và tài liệu công nghệ để nối lại lắp ráp MiG-31. Các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga cũng đã chuẩn bị một số đề xuất hiện đại hóa hệ thống vô tuyến điện tử và vũ khí của MiG-31.

Trước khi quyết định nối lại sản xuất MiG-31, Ủy ban Quốc phòng dự định đánh giá nhu cầu số lượng MiG-31 mới của quân đội Nga, khả năng của các xí nghiệp sản xuất tiêm kích và vũ khí hàng không, cũng như chi phí để nối lại sản xuất và thời gian cần để thực hiện việc này.

Tiêm kích đánh chặn MiG-31 được Liên Xô phát triển vào nửa đầu thập kỷ 1970. Máy bay có thể đạt tốc độ đến 3.000 km/h, bán kính chiến đấu 720 km. MiG-31 được trang bị 1 pháo 6 nòng 23 mm với cơ số đạn 260 viên, 6 điểm treo tên lửa không đối không các loại.

Các máy bay nâng cấp MiG-31BM có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 320 km và tiêu diệt chúng ở tầm 280 km. Tổng số MiG-31 các đời đầu hiện có trong Không quân Nga là gần 190 chiếc. Một tốp 4 chiếc MiG-31 tùy thuộc biến thể có thể kiểm soát vùng trời có chính diện 900-1.200 km. Nga dừng sản xuất MiG-31 vào năm 1994.

Tuy nhiên, phát biểu tại Duma Quốc gia Nga, Tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev đã phản đối việc nối lại sản xuất MiG-31. Ông Bondarev đề nghị không chi tiền nối lại sản xuất các máy bay cũ mà chi cho hiện đại hóa các máy bay hiện có và chế tạo các mẫu mới.

Trong bài phát biểu tại cuộc điều trần tại Duma Quốc gia Nga, ông nói rằng, chương trình nối lại sản xuất MiG-31 sẽ cần tổng cộng gần 50 tỷ rúp. “Tốt nhất là đầu tư số tiền này vào chương trình tiếp theo và chế tạo ra một máy bay mới hiện đại”, Tướng Bondarev nói.

Nguồn: Krasnaya Zvezda, Lenta, 10.4.2013; VPK, 16.4.2013.

Print Print E-mail Print