VietnamDefence -
Phái đoàn Nga tại cuộc hội đàm ở Brazil sẽ đề xuất hợp tác với Brazil phát triển các mẫu máy bay tiên tiến thế hệ 5 như Т-50, một thành viên phái đoàn tiết lộ hôm 14/10/2103.
|
PAK FA T-50
|
Phái đoàn Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu dẫn đầu sẽ thăm Peru và Brazil từ ngày 14-17/10/2013. Tham gia đoàn có cả Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự (FS VTS) Aleksandr Fomin và Tổng giám đốc Rosoboronoexport Anatoly Isaikin. Trong quá trình hội đàm, dự kiến, hai bên sẽ thảo luận các vấn đề hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự.
“Trong hội đàm ở Brazil, chúng tôi sẵn sàng đề nghị các đối tác của chúng tôi không chỉ mua các mẫu máy bay hiện đại có sẵn như Su-35, mà còn hợp tác sản xuất các mẫu máy bay tiên tiến như Т-50”, nguồn tin nói.
Ông nhắc lại là Nga và Brazik hiện là thành viên nhóm BRICS, vốn đang triển khai quan hệ đối tác chiến lược, kể cả về hợp tác kỹ thuật quân sự.
Brazil đến nay vẫn chưa đưa ra quyết định về hãng giành thắng lợi trong cuộc đấu thầu bán 36 tiêm kích hạng nặng cho Không quân Brazil trị giá 4 tỷ USD. Trong danh sách rút gọn chỉ còn lại 3 máy bay là Rafale của Dassault Aviation (Pháp), F/A-18E/F Super Hornet của Boeing (Mỹ), JAS-39 Gripen-NG của SAAB (Thụy Điển). Su-35 của Sukhoi đã không lọt vào danh sách này. Vì vậy, phía Nga đã quyết định đề nghị Brazil hợp tác sản xuất máy bay tiên tiến thế hệ 5 thay vì mua các máy bay có sẵn, nguồn tin khẳng định.
VietnamDefence: Nước cờ này của Nga khá cao tay. Nên nhớ, Su-35 mà Nga đưa dự thầu ở Brazil và thất bại là Su-35 khác hẳn, tính năng kém và chưa được trau chuốt. Còn Su-35 hiện nay là tiêm kích thế hệ 4++, có tính năng hơn hẳn các tiêm kích thế hệ 4 hiện nay như Rafale, Typhoon, F/A-18E/F và JAS-39 Gripen-NG. Vậy mà Nga lại đề nghị Brazil cùng sản xuất hẳn thế hệ 5 là PAK FA T-50.
Hơn nữa, sau vụ Snowden tiết lộ tình báo Mỹ nghe trộm điện thoại, chặn thu thư điện tử của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, cơ hội của máy bay Mỹ tại Brazil hầu như đã đóng lại, ít ra là chừng nào bà Rousseff còn cầm quyền. JAS-39 Gripen-NG thì tương lai vẫn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào trang bị của Mỹ và kém danh tiếng hơn T-50. Như vậy, PAK FA sẽ có cơ hội lớn với một thành viên nữa của BRICS.
Phải chăng Nga đưa T-50 ra nhử Brazil là nhằm hất cẳng Rafale, ứng cử viên tưởng chừng chắc ăn mười mươi? Hay là chương trình PAK FA đang gặp khó khăn về tài chính hoặc công nghệ, khiến Nga kéo Brazil vào chia xẻ rủi ro như họ từng làm với Ấn Độ?
Nguồn: RIA Novosti, Telegrafist, 14.10.2013.