Vietnamdefence.com

 

Nga bí mật phát triển MiG tàng hình thế hệ 5

VietnamDefence - Nhà sản xuất máy bay chiến đấu Nga RSK MiG không hề gây ồn ào, đang phát triển khái niệm tiêm kích hạng nhẹ tương lai, một máy bay rẻ tiền 1 động cơ tương đương Т-50/PAK FA, tuần san JDW của Anh đưa tin.

Tiêm kích tàng hình đầu tiên của Liên Xô MiG 1.44

Theo đó, những bàn tán xung quanh dự án tiêm kích mới của RSK MiG đã có từ lâu. Lần bùng lên mới nhất bàn tán về chủ đề này xảy ra vào cuối tháng 12/2013, khi các quan chức hãng MiG chính thức thông báo rằng, mẫu bay thử duy nhất của tiêm kích thế hệ 5 MiG 1.44 của họ sẽ được niêm cất và đưa đi cất giữ tại hăng-ga của Viện Nghiên cứu bay mang tên M.M. Gromov.

Các nhà phân tích trong ngành hàng không vũ trụ Nga cho biết: “Đó là sự lựa chọn thú vị - dung tha MiG 1.44 và hủy bỏ Tu-160 - mặc dù chương trình chế tạo máy bay ném bom tương lai PAK DA đã tiến xa hơn chương trình tiêm kích hạng nhẹ tương lai, và hơn nữa là được sự ủng hộ lớn của Bộ Quốc phòng và Không quân Nga”.

Việc giữ lại MiG 1.44 có thể là chỉ dấu cho thấy, ở đâu đó trong Bộ Quốc phòng và Không quân Nga, người ta vẫn muốn để các công trình sư MiG phát triển một máy bay thế hệ mới nào đó, “phòng khi không thể sản xuất Т-50 với số lượng đủ lớn hay việc sản xuất nó bị chậm trễ nhiều so với lịch trình”, vị chuyên gia Nga giấu tên trong ngành hàng không vũ trụ nói.

Các quan chức RSK MiG từ chối bình luận về kế hoạch đối với mẫu bayu thử MiG 1.44, cũng như 4 máy bay làm dở của chương trình và đang nằm tại Nhà máy máy bay Sokol ở Nizhny Novgorod.

Tuy nhiên, một nhà phân tích chính sách quốc phòng ở Moskva cho biết, trong Không quân Nga và công ty mẹ của RSK MiG là Tổng công ty chế tạo máy bay thống nhất OAK, “ý tưởng phát triển một tiêm kích thế hệ mới hạng nhẹ nữa không phải tất cả đều thích.

Т-50 cuối cùng sẽ tốn kém hơn dự định ban đầu, còn việc hoàn thành dự án sẽ mất nhiều thời gian hơn, giống như thường xảy ra với tất cả các chương trình tương tự, do đó Tổng giám đốc OAK và Viện OKB Sukhoi, ông Mikhail Pogosyan muốn mọi bàn tán về dự án tiêm kích hạng nhẹ tương lai phải chấm dứt.

Những người ủng hộ dự án thì bảo vệ nó khi khẳng định rằng, nó sẽ không đắt tiền vì sẽ sử dụng khá nhiều công nghệ đã có sẵn. Ví dụ như động cơ phản lực RD-33 Klimov/Sarkisov vốn đang dùng trên MiG-29.

Vị chuyên gia cho hay, hiện tại dự án tiêm kích hạng nhẹ tương lai “vẫn là chiếc máy bay nhỏ bằng giấy chỉ tồn tại ở các bản vẽ phác thảo, chương trình này không có nguồn tài trợ từ bên ngoài nên việc phát triển hoàn toàn do RSK MiG tự chi trả.

Công nghiệp quốc phòng Nga hiện thiếu một máy bay tiêm kích nhỏ thật hợp túi tiền có thể bán cho những nước không đủ sức mua biến thể xuất khẩu của Т-50. Các nước này trước đây đã mua MiG-21 hay các sao chép của nó do Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin Nga cho rằng, việc phát triển một tiêm kích mới như thế có thể lắp lại kịch bản với máy bay chở khách Sukhoi Superjet: đã chi quá nhiều tiền để nhận lấy kết quả khá tầm tầm trong một nỗ lực sao chép cái gì đó đã có sẵn trên thị trường, mặc dù tổ chức sản xuất chúng theo giấy phép tại Nga sẽ đơn giản hơn (với Superjet, người ta ám chỉ máy bay Embraer E-Jet).

“Khi tôi thảo luận chương trình với những người quen biết trực tiếp làm trong chương trình, tôi nói với họ rằng, máy bay mà họ cố phát triển và sản xuất tại Nga, hiện đã có và đang bay ở một số nước. Nó được gọi là Gripen”, nguồn tin nói.

Giống như Không quân Mỹ, Không quân Nga (trước đây là Liên Xô) đã cố có một lực lượng cân đối gồm các máy bay hạng nặng giành ưu thế trên không và các máy bay đánh chặn hạng nhẹ hỗ trợ cho chúng.

Để duy trì cơ cấu đó, cần xây dựng đội máy bay hạng nặng gồm các máy bay Т-50, còn đội máy bay hạng nhẹ, tức là MiG-29 cũng phải thay thế bằng loại nào đó giống như F-35 sẽ thay thế F-16, JDW kết luận.

Tuy nhiên, trang tin quân sự Nga đã đăng lại bài báo của JDW đã cảnh báo là bài báo này không hề được củng cố bằng bằng chứng nào, nhưng khá thú vị.

Nguồn: Jane’s Defence Weekly, VZ, 17.1.2014.

Print Print E-mail Print