Vietnamdefence.com

 

Indonesia mua lá chắn tên lửa Pháp/Anh

VietnamDefence - Lục quân Indonesia đã ký hợp đồng mua hệ thống phòng không tổ hợp ForceSHIELD của công ty Thales.

Xe bệ phóng RapidRANGER

Hệ thống ForceSHIELD bao gồm các bệ phóng tên lửa phòng không và radar lắp trên khung gầm ô tô.

Indonesia mua hệ thống tên lửa này nhằm khắc phục vấn đề bảo đảm phòng không tầm ngắn.

Theo tuyên bố của Phó chủ tịch Thales UK, ông David Beatty, theo hợp đồng, các phân hãng của Thales ở Anh và Pháp sẽ cung cấp cho Indonesia 5 đại đội phòng không, bao gồm radar/hệ thống điều khiển hỏa lực CONTROLMaster200, các bệ phóng hạng nhẹ mang nhiều tên lửa LML (Lanceurs Multiples Legers) và các bệ phóng cơ động RapidRANGER lắp các tên lửa phòng không Starstreak.

Xe bệ phóng RapidRANGER

Hợp đồng không có các điều khoản phụ trù tính mua thêm các hệ thống, nhưng Thales hy vọng sau khi sử dụng thử nghiệm hệ thống trong quân đội Indonesia sẽ ký thêm được các hợp đồng với Lục quân Indonesia.

Hợp đồng có trị giá hơn 100 triệu bảng Anh (164 triệu USD) và bao gồm hợp đồng đối tác với công ty quốc doanh PT LEN Industri của Indonesia về việc tích hợp một số hệ thống.

Hợp đồng được công bố trong tuần này về thực chất là sự kết hợp 2 hợp đồng. Hợp đồng đầu tiên ký với Indonesia vào tháng 11/2011 và trù tính mua sắm đại đội đầu tiên trong 5 đại đội. Việc chuyển giao vũ khí theo hợp đồng này hiện chưa được thực hiện và nay người ta sẽ lên lịch trình chung chuyển giao theo cả 2 hợp đồng.
Thales hy vọng bắt đầu chuyển giao các bộ phận riêng lẻ của hệ thống ngay trong năm 2014, còn các trang thiết bị có thời gian sản xuất dài, trong đó có các hệ thống điều khiển hỏa lực CONTROLMaster200 sẽ được thực hiện muộn hơn. Tổng cộng sẽ mất vài năm để chuyển giao hệ thống.

Hệ thống tên lửa phòng không Starstreal sẽ bảo đảm bảo vệ chống các máy bay chiến đấu, trực thăng tiến công, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình, và có lẽ sẽ thay thế các hệ thống tên lửa phòng không lạc hậu Rapier.

Tên lửa STARStreak HVM (High Velocity Missile) có khả năng bay với tốc độ hơn 3М và dùng để tiêu diệt nhiều loại vũ khí tấn công đường không, trong đó có máy bay, trực thăng tiến công bay thấp và UAV ở tầm 0,3-6 km và độ cao đến 5.000 m.

Thales đã giành được hợp đồng của Indonesia sau khi thắng thầu trước hệ thống RBS-70 của hãng Saab, Thụy Điển. Dự thầu còn có một số công ty từ Ba Lan, Trung Quốc...

Bệ phóng RapidRanger mang 4 tên lửa STARStreak sẵn sàng phòng và hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ được bố trí trên các xe chiến đấu thiết giáp VAMTAC do Tây Ban Nha phát triển.

Biến thể LandRover Defender sẽ được sử dụng để lắp các bệ phóng hạng nhẹ mang nhiều tên lửa STARStreak. Bệ phóng nhẹ còn cón thể sử dụng giá ba chân.

Đây là thương vụ bán giải pháp xây dựng hệ thống phòng không kiểu hoàn chỉnh chìa khóa trao tay đầu tiên của Thales. Hãng này đã nối lại chiến dịch tiếp thị nhằm xúc tiến giải pháp ForceSHIELD gần 2 năm trước. Nội dung chào hàng gồm tích hợp các bộ phận khác nhau, trong đó có radar, các hệ thông vũ khí, các khí tài liên lạc vào một hệ thống phòng không thống nhất.

Ở cấu hình cơ bản, hệ thống phòng không tích hợp bao gồm các bệ phóng tên lửa phòng không mang vác STARStreak, cũng như họ trung tâm điều khiển hỏa lực CONTROLMaster bố trí trong các container tiêu chuẩn lắp trên khung gầm bánh lốp như CONTROLMaster60 (radar tầm ngắn GROUNDMaster60 và hệ thống chỉ huy chiến đấu CONTROLView) và CONTROLMaster200 (radar tầm trung GROUNDMaster200 và hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hóa CONTROLView)

Radar GROUNDMater200 là radar đa năng 3 tọa độ băng S, cho phép phát hiện mục tiêu bay, trong đó có tiêm kích, trực thăng, tên lửa có điều khiển và tên lửa hành trình, UAV ở tầm đến 250 km và độ cao đến 24 km.

Hệ thống phòng không cơ động với moduled chiến đấu RapidRANGER (tháp điều khiển từ xa lắp 4 tên lửa STARStreak sẵn sàng phóng và hệ thống điều khiển hỏa lực quang-điện tử) lắp trên khung gầm bánh lốp được đề xuất là một trong các phương tiện hỏa lực.

Việc mua sắm hệ thống phòng không tầm ngắn được thực hiện trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa Lục quân Indonesia vốn còn trù tính mua tăng chủ lực, pháo 155 mm, xe chiến đấu bộ binh và các loại vũ khí khác.

Năm 2013, Lục quân Indonesia đã mua các hệ thống tên lửa chống tăng mang vác thế hệ mới NLAW NLAW (Next Generation Light Anti-tank Weapon) do Saab phát triển và đang được sản xuất tại nhà máy của công ty Thales UK ở Belfast, Bắc Ireland.

Nguồn: Defense News, Armstrade, 17.1.2014.

Print Print E-mail Print