Vietnamdefence.com

 

Mỹ quyết bẻ gãy Hồng kỳ

VietnamDefence - Mỹ gia tăng áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ về vụ HQ-9.

>> Thổ cả gan chọn tên lửa Trung Quốc bất chấp hăm dọa của Mỹ và NATO

HQ-9 có thực hiện được cú đột phá ra thị trường thế giới?
Dưới sức ép của Mỹ, các quan chức Thổ bình luận loạn xạ về việc chọn hệ thống tên lửa phòng không HQ-9.

Ankara có thể xem lại quyết định hợp tác sản xuất các hệ thống phòng không dựa trên hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bülent Arınç cho biết.

Ông Bülent Arınç cũng khẳng định, Thổ không có trách nhiệm gì trong việc thực hiện những biện pháp trừng phạt do các nước khác áp đặt (ám chỉ các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt đối với công ty CPMIEC của Trung Quốc) và bất kỳ quyết định nào cũng phải được đưa ra trên lợi ích quốc gia của mình.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Mỹ bày tỏ “sự quan ngại lớn” về quyết định của Thổ chọn HQ-9 của Trung Quốc thắng cuộc đấu thầu mua các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của nước này.
Ông Arınç nói rằng, trong thời gian tới, chính phủ Thổ phải tiến hành tham vấn nội bộ để đưa ra quyết định cuối cùng.

Còn tờ Hürriyet Daily News lại dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gül tuyên bố rằng, Thổ không định ký hợp đồng với CPMIEC trong thời gian tới và công ty Trung Quốc chỉ là hãng dẫn đầu danh sách ứng viên rút gọn trong cuộc đấu thầu. Theo ông Gül, Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách một quốc gia thành viên NATO phải tính đến lợi ích của tổ chức này.

Về thực chất, tuyên bố này hoàn toàn trái ngược phát biểu của Phó Thủ tướng Bülent Arınç.

Rõ ràng là hợp đồng với CPMIEC thực sự còn lâu mới được ký kết, còn tuyên bố chọn HQ-9 của Thổ có thể là sự tung tin thăm dò ý kiến của các đồng minh NATO một khi quyết định đó được đưa ra trên thực tế.

Tuần trước, Hürriyet Daily News đã đưa tin cuộc đầu thầu mua các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa tầm xa T-LORAMIDS (Turkish Long Range Air And Missile Defence System) của quân đội Thổ đã kết thúc với phần thắng thuộc về công ty Trung Quốc.

Tham dự cuộc thầu có liên danh Mỹ Lockheed/Raytheon với hệ thống chế tạo dựa trên các biến thể Patriot РАС-2 GMT và РАС-3, công ty Trung Quốc CPMIEC với HQ-9, Rosoboronoexport của Nga với S-300V Antei-2500, liên danh Pháp-Italia Eurosam với SAMP/T sử dụng tên lửa Aster 30 Block 1.

Quyết định chọn CPMIEC với HQ-9 (tên xuất khẩu là FD-2000) được đưa ra tại phiên họp của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (Undersecretariat for Defense Industries) với lý do Trung Quốc chào giá thấp nhất trong cả 4 ứng viên là 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức khẳng định HQ-9/FD-2000 đã thắng cuộc thầu T-LORAMIDS.


Nguồn: Reuters, Armstrade, 1.10.2013.

Print Print E-mail Print