Vietnamdefence.com

 

Thổ cả gan chọn tên lửa Trung Quốc bất chấp hăm dọa của Mỹ và NATO

VietnamDefence - Thắng lợi khó tin của HQ-9 trước Patriot và Antei-2500.

HQ-9
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc đã giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu mua các hệ thống tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa tầm xa T-LORAMIDS của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vì giá bỏ thầu thấp nhất.

Theo Hürriyet Daily News, quyết định chọn công ty CPMIEC (China National Precision Machinery Import and Export Corporation) với HQ-9 (ký hiệu xuất khẩu là FD-2000) trong cuộc đấu thầu T-LORAMIDS (Turkish Long Range Air And Missile Defence System) được Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ kỳ (Undersecretariat for Defense Industries) thông qua ngày 26/9/2013 tại cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.

Phía Trung Quốc bỏ giá thầu thấp nhất trong 3 ứng viên, là 3 tỷ USD, một cái giá cực kỳ hấp dẫn. Trước đó, có tin giá bỏ thầu của Mỹ là gần 4 tỷ USD. Ankara đã chọn hồ sơ thầu của Trung Quốc bất chấp lo ngại về tính tương thích của HQ-9 với các hệ thống cảnh báo sớm tên lửa tấn công của NATO.

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSM) đã gửi thư yêu cầu cung cấp thông tin cho chương trình mua sắm T-LORAMIDS từ đầu tháng 3/2007. Từ năm 2009, dự án liên tục bị chậm trễ. Các ứng viên thắng thầu là liên danh Lockheed Martin/Raytheon của Mỹ với hệ thống được chế tạo dựa trên hệ thống Patriot PAC-2 GMT và РАС-3, CPMIEC với HQ-9, Rosoboronoexport với S-300VM Antei-2500, cũng như liên doanh Pháp-Italia Eurosam với SAMP/T dùng tên lửa Aster 30 Block 1. Trước đó, Rosoboronoexport đã không để S-400 dự thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ như dự định giai đoạn đầu.

Quân đội Thổ dự định mua 12 hệ thống (tiểu đoàn) tên lửa phòng không tầm xa. Đồng thời, các hãng dự thầu phải đưa ra các đề xuất hợp tác với Thổ phát triển một hệ thống tên lửa phòng không cải tiến.

Cần lưu ý là Raytheon đã triển khai sản xuất linh kiện cho Patriot tại các hãng Roketsan và Aselsan của Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta đã dự định nếu Ankara chọn tên lửa Mỹ thì tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện khối lượng công việc trị giá 2 tỷ USD. Raytheon đã cam kết sản xuất tại Thổ gần 80% linh kiện cho hệ thống.

Eurosam cũng nói có ý định mở rộng hợp tác với các hãng công nghiệp quốc phòng lớn nhỏ của Thổ, cũng như tổ chức hàng loạt liên doanh với sự tham gia của Thales và MBDA.

Các quan chức các tập đoàn Mỹ và châu Âu liên tục thuyết phục phía Thổ là dù các hệ thống của Nga và Trung Quốc có tính năng cao, nhưng không thể tích hợp chúng với hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa của NATO.

CPMIEC liên tục bị gây áp lực từ phía Mỹ. Tháng 2/2013, Mỹ đã thông báo áp đặt trừng phạt với công ty này vì cáo buộc cung cấp vũ khí cho Iran, Bắc Triều Tiên và Syria. Tuy nhiên, những cáo buộc cụ thể đã không được đưa ra.

Cuộc thầu T-LORAMIDS đã bước vào giai đoạn cuối vào tháng 5/2013. Toàn bộ 4 ứng viên đã quyết định tham gia triển lãm quốc phòng IDEF-2013 ở Istanbul.

Như vậy, Thổ sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua HQ-9 do Học viện công nghệ quốc phòng (Học viện số 2) của tổng công ty CASIC (China Aerospace Science and Industry Corporation) phát triển. HQ-9 được cho là được phát triển với sự tham gia của các hãng Nga.

Nguồn: Armstrade, bmpd, 27.9.2013.

Print Print E-mail Print