Vietnamdefence.com

 

Ấn Độ sản xuất loạt tên lửa chiến thuật Shaurya

VietnamDefence - Chính phủ Ấn Độ đã chấp thuận bắt đầu sản xuất loạt tên lửa tầm trung chiến thuật mới Shaurya sau vụ thử thành công hôm 24.9.2011.

Phóng tên lửa Shaurya (kumar_rvce, flickr.com)

Tên lửa Shaurya có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân, sẽ được sản xuất tại hãng Bharat Dynamics.

Theo nguồn tin từ Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng DRDO của Ấn Độ, trong vụ thử ngày 24.9, tên lửa Shaurya đã bay lên được độ cao 40 km với tốc độ 7,5 M (8.600 km/h), vượt qua khoảng cách 700 km, bay tới khu vực rơi trong vòng 500 s, sau đó đã tiêu diệt thành công mục tiêu ở vịnh Bengal (tên lửa được phóng đi từ trường thử ITR ở bang Orissa). 

Ở giai đoạn bay cuối, phần chiến đấu của tên lửa đã thực hành cơ động. Phần chiến đấu chỉ có độ sai lệch không quá vài mét tại khu vực rơi tính toán trên vịnh Bengal.

Tên lửa phóng hôm 24.9 từ bệ phóng container mặt đất ở trường thử Chandipur, bang Orissa được chế tạo theo cấu hình cuối cùng. Đây là lần phóng thành công thứ tư của tên lửa này.

Theo kiểm soát viên trưởng DRDO về tên lửa và các hệ thống chiến lược Avinash Chandra, vụ thử diễn ra thành công, tất cả các mục đích đặt ra đã hoàn thành.

Theo DRDO, Shaurya có khả năng bay lên độ cao tới 50 km, nơi phần chiến đấu của tên lửa tách ra rồi bay tới mục tiêu đã định như một tên lửa hành trình.

Tên lửa Shaurya do DRDO chế tạo, là biến thể của K-15 vốn dùng để trang bị cho tàu ngầm nguyên tử Arihant. Shaurya có trọng lượng 6,2 tấn, chiều dài 10 m và đường kính 0,72 m.

Với đầu đạn nặng 1 tấn, Shauarya có tầm bay 700-750 km. Trước đó, có tin nói rằng, tùy theo chế độ phóng, tên lửa này có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly từ 600-2.600 km.

Tên lửa được để trong container đặc biệt, nên thuận lợi cho vận chuyển và bảo dưỡng. Shaurya có thể phóng từ giếng phóng sâu từ 30-50 m và các container lắp trên khung gầm ô tô tải.

Lục quân Ấn Độ dự kiến đưa Shaurya vào trang bị.

DRDO đánh giá Shaurya là một trong 10 tên lửa cùng loại tốt nhất thế giới. Các động cơ và khoang nhiên liệu cho tên lửa do Phòng thí nghiệm các hệ thống tiên tiến ASL ở Hyderabad chế tạo. Trung tâm nghiên cứu quốc gia Imarat ở Hyderabad phát triển các hệ thống đạo hàng, điều khiển và dẫn hiện đại.

Shaurya có khả năng cơ động cao nên khó bị các phương tiện phòng không/phòng thủ tên lửa của đối phương phát hiện. Việc bố trí tên lửa trong giếng phóng khiến các phương tiện trinh sát vũ trụ và đường không khó phát hiện tên lửa.

Giới lãnh đạo Ấn Độ cho rằng, các tên lửa như Shaurya sẽ cho phép tăng cường tiềm lực răn đe chiến lược và tạo ra khả năng đánh đòn trả đũa.

  • Nguồn: Lenta, Armstrade, 28.9.2011.

Print Print E-mail Print