Vietnamdefence.com

 

Đài Loan thủ Vạn kiếm sẵn sàng chiến Trung Quốc

VietnamDefence - Tên lửa hành trình không đối đất Vạn kiếm của Đài Loan có thể đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào với Trung Quốc.

Tiêm kích IDF trang bị Vạn kiếm


IDF lắp Vạn kiếm
Không quân Đài Loan ngày 16/1/2014 đã tiết lộ loại tên lửa hành trình không đối đất mới có thể đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào với Trung Quốc.

Tên lửa hành trình này có tên Vạn kiếm, (Wan Chien) do Viện Khoa học và công nghệ Trung Sơn (CSIST) phát triển. Mặc dù tên lửa khó có thể đưa vào sản xuất loạt trước năm 2015, tên lửa này được cho là sẽ được đưa và trang bị cho các tiêm kích nội địa F-CK-1 theo chương trình nâng cấp giữa vòng đời.

Buổi lễ hôm 16/1 được tổ chức tại căn cứ không quân Đài Nam ở miền nam Đài Loan, đánh dấu việc hoàn thành dự án Hsiang-Chan, chương trình nâng cấp giữa vòng đời dành cho 71 tiêm kích IDF của Phi đoàn tiêm kích chiến thuật 443 đóng ở Đài Nam.

56 chiếc IDF khác thuộc Phi đoàn tiêm kích chiến thuật 427 ở Đài Trung dự kiến cũng sẽ được nâng cấp từ năm nay, dự án này dự định hoàn thành vào năm 2017. Đến lúc đó, toàn bộ 127 chiếc IDF đều có khả năng sử dụng Vạn kiếm.

Từ năm 2006, theo dự án Hsiang-Chan, IDF được hiện đại hóa ở 3 lĩnh vực chính là hệ thống điều khiển máy bay nay chạy trên nền tảng 32 bit thay vì 16 bit trước đây; thiết bị điện tử hàng không và hệ thống radar.

Một màn hình hiển thị chính diện 3 màu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc dẫn đường và điều khiển, còn phần mềm nâng cấp cho hệ thống radar do hãng Han Shiang phát triển cho phép bám đồng thời nhiều mục tiêu và mang lại các biện pháp đối phó chống gây nhiễu điện tử.

Các tiêm kích IDF nâng cấp nay có thể mang 4 tên lửa không đối không thay vì 2 như trước đây và nay được trang bị tên lửa Thiên kiếm II (Tien Chien II). Đài Loan cũng đang tiến hành nghiên cứu để trang bị cho máy bay này tên lửa chống radar Thiên kiếm IIA.

Mặc dù, thiết bị avionics của máy bay cũng được cải tiến, nhưng các động cơ turbine quạt Honeywell F125-70 vẫn được giữ nguyên.

Có lẽ khía cạnh đáng kể nhất của việc nâng cấp là nó tập trung mở rộng khả năng tấn công mục tiêu mặt đất cho IDF bằng tên lửa Vạn kiếm, một loại vũ khí tấn công ngoài tầm liên quân với tính năng giống với AGM-154 JSOW của Mỹ và Storm Shadow của Pháp/Anh. Vạn kiếm sử dụng hệ dẫn GPS/quán tính để dẫn vào mục tiêu, có tầm khoảng 200 km, có nghĩa là nó có thể phóng từ ngoài tầm các hệ thống tên lửa phòng không mà Trung Quốc hiện triển khai dọc bờ biển đông nam (các hệ thống tầm xa hơn như S-400 mà quân đội Trung Quốc hy vọng mua được từ Nga nhiều khả năng chỉ được triển khai ở các trung tâm đô thị lớn và hạ tầng quân sự trọng yếu).

Mặc dù quân đội Đài Loan bác bỏ, nhưng Vạn kiếm chủ yếu được sử dụng làm phương tiện mang bom chùm với mục tiêu chính là các đường băng của Trung Quốc, các mục tiêu khác có thể là các trận địa radar và căn cứ tên lửa.

Vạn kiếm gia nhập kho vũ khí có tính chất tiến công mà Đài Loan đã mua hoặc sản xuất trong những năm gần đây như tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM) Hùng Phong IIE (HF-2E), hiện đã đưa vào sản xuất loạt, và tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm UGM-84L Harpoon mà hải quân Đài Loan đã nhận được vào cuối năm 2013 (dùng để tấn công các mục tiêu vùng nước nông, kể cả hạ tầng cảng, mạng điện và khu vực tập kết quân đội).

Bất chấp những cải thiện tương đối trong quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh kể từ khi Mã Anh Cửu được bầu làm tổng thống Đài Loan vào năm 2008, quân đội Đài Loan vẫn tiếp tục các nỗ lực mua sắm và phát triển các phương tiện tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc (HF-2E phóng từ mặt đất có tầm bắn ước tính 650 km).

Đáng chú ý là Mỹ, đồng minh và nguồn cung chủ yếu công nghệ quốc phòng của Đài Loan có vẻ đã giảm giọng phản đối Đài Loan tìm kiếm các công nghệ vũ khí tiến công. Có thể Mỹ có thái độ đó là do Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường các khả năng quân sự để đe dọa sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.

Nguồn: The Diplomat, 17.1. 2014.

Print Print E-mail Print