Vietnamdefence.com

 

Ấn Độ từ chối trang bị tên lửa chống tăng LAHAT cho Arjun MK II

VietnamDefence - Ấn Độ sẽ không mua tên lửa chống tăng có điều khiển hạng nhẹ LAHAT của Israel, Tổng giám đốc Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ Avinash Chander.

LAHAT (upload.wikimedia.org)
DRDO đã bắt tay thực hiện dự án phát triển tên lửa chống tăng nội địa phóng qua nòng pháo cho xe tăng chủ lực Arjun MK II.

“Mua tên lửa LAHAT không còn nằm trong kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi đã từ chối tên lửa này. Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu chế tạo tên lửa chống tăng có điều khiển phóng từ ống phóng. Tôi hy vọng, có thể cải hoàn các tên lửa này để phóng từ pháo tăng”, ông Avinash Chander nói.

Theo lời ông, Ấn Độ không hài lòng với tầm bắn của tên lửa LAHAT vì chúng không thể tiêu diệt hiệu quả mục tiêu ở cự ly dưới 1.200 m, không đáp ứng yêu cầu của quân đội Ấn Độ.

Quân đội Ấn Độ đã định mua LAHAT cho biến thể mới của tăng Arjun là Arjun Mk II.

Lục quân Ấn Độ đã đặt mua 118 Arjun MK I, trị giá 66 tỷ rupi (1,1 tỷ USD). So với biến thể MK I, biến thể mới Arjun MK II có 93 nội dung cải tiến, trong đó có 19 cải tiến then chốt như có giáp phản ứng nổ và máy ngắm đêm truyền hình cho trưởng xe. Kíp xe gồm 4 người: trưởng xe, pháo thủ, pháo thủ nạp đạn và lái xe. Arjun MK II có trọng lượng 65-66 tấn. DRDO dự kiến, Arjun MK II sẽ sẵn sàng để đưa vào sử dụng vào đầu năm 2015.

Tuy Arjun MK II được gọi là xe tăng nội địa của Ấn Độ, tỷ lệ linh kiện nội địa trong xe tăng này chỉ có 36-38% so với 60% ở Arjun Mk I.

Trung đoàn Arjun MK I đầu tiên của Lục quân Ấn Độ được thành lập vào tháng 5/2009 sau hơn 35 năm bắt đầu dự án. Hiện nay, nòng cốt của lực lượng xe tăng của Lục quân Ấn Độ là T-90 và T-72 của Nga.

Phóng tên lửa LAHAT (btvt.narod.ru)

Công nghiệp quốc phòng Ấn Độ đã gặp khó khăn lớn khi tích hợp LAHAT (Laser Homing Attack) phóng qua nòng pháo tăng với các hệ thống của Arjun Mk II, trong khi khả năng phóng tên lửa LAHAT qua nòng pháo 120 mm phải là một trong những đặc điểm chính của MK II. Nhưng do nhiều trục trặc ở hệ dẫn của LAHAT khi thử nghiệm, dự án đã trễ tiến độ nghiêm trọng và buộc DRDO phải tự phát triển tên lửa nội địa.

Arjun MK II (img.vz.ru)

Nguồn: Hindustan Times, Arms-expo, 23.9.2014.

Print Print E-mail Print