Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc tăng cường do thám bí mật công nghệ động cơ phản lực của Nga

VietnamDefence - Hoạt động ráo riết của các nhân viên công nghiệp hàng không và các sĩ quan tình báo Trung Quốc tại Nga gần đây cho thấy Bắc Kinh vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ động cơ phản lực của Nga.

Các chuyên gia động cơ máy bay Trung Quốc chụp ảnh mẫu trưng bày từ mọi góc độ có thể tại triển lãm động cơ máy bay ở Moskva. Đoàn Trung Quốc là đoàn đông nhất cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ động cơ phản lực của Nga (Reuben F. Johnson/The Washington Times)

Tại triển lãm động cơ máy bay được tổ chức 2 năm một lần diễn ra mới đây ở Moskva, có sự góp mặt của một đội quân khách hàng Trung Quốc đông đảo. Năm này, triển lãm có quy mô nhỏ hơn vì Moskva đã hợp nhất gần như tất cả các xí nghiệp phát triển và sản xuất động cơ máy bay vào một hãng lớn dưới sự bảo trợ của nhà nước.

“Đoàn nước ngoài đông nhất đến từ Trung Quốc - 30 chuyên gia, rõ ràng là đến với nhiệm vụ cụ thể thu thập thông tin kỹ thuật về các hệ thống động cơ phản lực của Nga”, - một nhà phân tích công nghiệp hàng không Nga nói khi trả lời phỏng vấn với tờ Washington Times. - “Họ chia thành các tốp 2-3 người và lần lượt xuất hiện trước các mẫu động cơ hay mô hình triển lãm có liên quan đến động cơ phản lực mà họ được giao nhiệm vụ tìm hiểu tất cả những gì có thể”.
 
Những năm gần đây, trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh, dự án phát triển động cở phản lực của Trung Quốc đã có sự tiến bộ rõ rệt; mới đây họ đã chế tạo được một máy bay phản lực của mình và phát triển một máy bay tiêm kích mới hiện đại hơn được công bố vào tháng 11.2009.

Các triển lãm hàng không và quân sự thường là cái dịp cho các chuyên gia và tình báo nước ngoài thu thập tin tức về các khái niệm mới trong lĩnh vực thiết kế và công nghệ của công nghiệp Nga, nhà phân tích Nga cho biết thêm.

“Nhưng lần “đi địa bàn” này của các chuyên gia Trung Quốc thì thật quá mức. Trước tiên là đông quá, cứ như đàn kiến ấy”, - ông bình luận.

Ông cũng cho biết rằng, tại triển lãm năm nay, người Trung Quốc hành xử đặc biệt mạnh bạo: “Có thể thấy quá rõ là họ đã có những chỉ dẫn cụ thể ai phải thu thập thông tin gì”.

Quan hệ đối tác Trung-Nga trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng bắt đầu phát triển mạnh vào đầu thập kỷ 1990, khi Trung Quốc mua lô đầu máy bay tiêm kích Su-27, còn sau đó là đạt được thỏa thuận sản xuất các máy bay này theo giấy phép tại hãng chế tạo máy bay Thẩm Dương (SAC), Trung Quốc. Trong thập niên sau đó, Trung Quốc đã mua nhiều máy bay kiểu tối tân hơn là Su-30MKK.

Từ thập niên 1990, qua con đường thương mại đó, nhiều bí quyết công nghệ Nga đã lọt vào tay Trung Quốc, đem lại sự hồi sinh cho ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và giúp sản xuất ra các hệ thống vũ khí đẳng cấp thế giới.

Nhưng sản xuất các động cơ phản lực hiện đại có thể hoạt động với độ tin cậy và hiệu quả quân sự chấp nhận được vẫn nằm ngoài khả năng của công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc. Hai loại tiêm kích tối tân nhất được phát triển và sản xuất tại tập đoàn chế tạo máy bay Thành Đô (CAC), tỉnh Tứ Xuyên là FC-1 và J-10 vẫn được trang bị động cơ Nga được sản xuất tại Moskva và St. Petersburg dành riêng cho máy bay Trung Quốc và cung cấp cho CAC dưới dạng thành phẩm lắp ráp sẵn, vì thế việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc được giảm tới mức tối thiểu.

Tiêm kích J-10 sử dụng động cơ Al-31FN của Nga (wikipedia)

J-10 được thiết kế dựa trên thiết kế tiêm kích bị hủy bỏ Lavi của Israel vốn có sử dụng công nghệ Mỹ. Mẫu tiêm kích này mới đây đã được chọn để trang bị cho phi đội biểu diễn Bai-Yi.

Ngành sản xuất động cơ phản lực là một trong số ít các lĩnh vực mà Bắc Kinh vẫn không thể sánh với người Nga, chủ yếu là do những yêu cầu phức tạp đặt ra đối với việc sản xuất động cơ máy bay.

Ngoài động cơ cho tiêm kích phản lực, Trung Quốc đang cho nghiên cứu chế tạo các động cơ turbine quạt cho lực lượng tên lửa hành trình đang lớn mạnh. Ví dụ, tháng 10.2009, Trung Quốc đã giới thiệu tên lửa hành trình tầm xa tấn công mặt đất đầu tiên DH-10 của họ.

Các vũ khí này nằm trong nhóm mà Lầu Năm góc gọi là nhóm vũ khí “ngăn chặn tiếp cận” mà Trung Quốc sẽ sử dụng chống các tàu sân bay Mỹ, những phương tiện chắc chắn sẽ được cử tới vùng biển gần Đài Loan một khi xuất hiện xung đột quanh hòn đảo này trong tương lai. Dường như các mục tiêu chiến tranh là ưu tiên cao nhất cho các nhà thiết kế vũ khí ở Trung Quốc.

“Người Trung Quốc túm tụm xúm quanh mô hình động cơ “TRDD-50” của hãng Salyut [dành cho tên lửa hành trình] khiến tôi mường tượng giống như một bầy ong xúm quanh một miếng mật”, - một người Nga tham gia triển lãm nói với tờ The Times.

  • Nguồn: China eager for Russian air technology / Reuben F. Johnson // The Washington Times, 4.5.2010.

Print Print E-mail Print