Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc củng cố lá chắn hạt nhân

VietnamDefence - Các vệ tinh của Mỹ đã phát hiện Trung Quốc đang đóng 2 tàu ngầm mang 12 bệ phóng tên lửa.

Trung Quốc đang đóng các tàu ngầm nguyên tử và từ chối cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. So với Nga và Mỹ, kho vũ khí này không lớn và chỉ dùng để phòng thủ, Bắc Kinh tuyên bố. Nhưng các nhà phân tích phương Tây cáo buộc Trung Quốc bí mật hiện đại hoá lực lượng hạt nhân của họ.

Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn
tối tân nhất lớp Jin 094 của Trung Quốc

Đầu tháng 5.2010, tại New York sẽ khai mạc hội nghị về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngay trước hội nghị này, các nhà phân tích phương Tây chỉ trích Trung Quốc không muốn gia nhập quá trình cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và Mỹ và Nga đã khởi xướng.

Trung Quốc sẽ giữ vị trí trung gian giữa các cường quốc hạt nhân chủ yếu và những quốc gia không có vũ khí hạt nhân, Viện Nghiên cứu Hoà bình Stockholm (SIPRI) danh tiếng dự báo.

Việc các tổng thống Nga và Mỹ ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược đã đưa bào nghị trình câu hỏi Trung Quốc đang ráo riết hiện đại hoá các lực lượng hạt nhân của mình để làm gì. Nếu các cường quốc sở hữu những kho vũ khí hạt nhân lớn nhất đang cắt giảm chúng thì tại sao Trung Quốc và các quốc gia khác thuộc câu lạc bộ hạt nhân độc quyền lại không noi theo?

Trong hội nghị tới, Trung Quốc có thể sẽ bác bỏ những lời kêu gọi Trung Quốc dừng phát triển các phương tiện hạt nhân của họ và ủng hộ những yêu cầu của các quốc gia phi hạt nhân đòi Washington và Moskva cắt giảm mạnh hơn nữa số lượng đầu đạn của mình. "Trung Quốc chắc chắn sẽ không tham gia vào các hành động giải trừ hạt nhân đơn phương hay đa phương trong tương lai gần hoặc trung hạn", - Ông Bates Gill, Giám đốc Viện SIPRI khẳng định trong báo cáo của mình. Theo ông, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đổi mới kho vũ khí hạt nhân của mình. Tuy là thành viên câu lạc bộ hạt nhân, nhưng Trung Quốc cũng sẽ ủng hộ các yêu cầu của các quốc gia đang phát triển đối với câu lạc bộ này.

Theo Hiệp ước START-3 mới được ký kết, Nga và Mỹ phải hạn chế số lượng đầu đạn triển khai xuống còn 1550. Theo số liệu của SIPRI, Trung Quốc hiện có 186 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai. Trung Quốc tuyên bố sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên. Nhưng trong bối cảnh Mỹ đang phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa, Bắc Kinh lo ngại rằng, "vũ khí báo thù" của họ sẽ trở nên vô ích.

Sự đáp trả của Bắc Kinh đối với kẻ thù tiềm tàng Mỹ, theo hãng Reuters, chính là việc Trung Quốc đang thay thế các tên lửa nhiên liệu lỏng bằng tên lửa nhiên liệu rắn và đóng các tàu ngầm mới lớp Tấn (Jin) trang bị tên lửa đường đạn.

Trong khi các thành viên khác của câu lạc bộ hạt nhân ở mức độ nhất định tiết lộ thông tin về kho vũ khí hạt nhân của mình, chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn kín bưng đối với người ngoài. Mọi thông tin về nó đều chỉ được lấy từ các báo cáo của tình báo phương Tây.

Các quan chức Lầu Năm góc cho rằng, yếu tố đó tạo ra tình trạng khó dự báo, đánh giá các kế hoạch chiến lược của Bắc Kinh.
SIPRI chưa kịp công bố báo cáo thì Bắc Kinh đã phản ứng rất nhanh. Đại diện bộ ngoại giao Trung Quốc nói với tờ Hoàn cầu thời báo (Global Times) xuất bản ở Bắc Kinh rằng, Trung Quốc không bao giờ né tránh trách nhiệm giải trừ hạt nhân và ủng hộ việc cấm hoàn toàn và thủ tiêu vũ khí hạt nhân. Còn Gou Golian, chuyên gia về kiểm soát vũ khí của Viện khoa học xã hội Trung Quốc thì nói rằng, báo cáo của ông Bates Gill xuyên tạc chính sách của Trung Quốc. Trung Quốc chỉ muốn có phương tiện kiềm chế hạt nhân chống lại các siêu cường hạt nhân, những quốc gia đang sử dụng ưu thế của mình để can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Như vây, từ trước khi hội nghị ở New York khai mạc, giữa các chuyên gia về giải trừ vũ khí của phương Tây và Trung Quốc đã nổ ra cuộc đấu khẩu dữ dội.

Bình luận các ý kiến của hai bên, Vụ trưởng Vụ Giải trừ quân bị và kiểm soát xung đột của Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (IMEMO) Viện Hàn lâm khoa học Nga Aleksandr Pikayev đã xác nhận rằng, các thông tin về tình trạng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc đều dựa trên phỏng đoán. Nếu Trung Quốc có không quá 200 đầu đạn thì tiềm lực của họ còn nhỏ hơn cả Israel. Nhưng chắc chắn con số 500 đầu đạn sẽ phù hợp với với thực tế.

"Dù sao chăng nữa, hiện Trung Quốc đang xây dựng thành phần trên biển của bộ ba vũ khí hạt nhân. Các vệ tinh Mỹ đã phát hiện 2 tàu ngầm mang 12 bệ phóng tên lửa đang được đóng. Không loại trừ các tên lửa đường đạn này sẽ lắp phần chiến đấu mang nhiều đầu đạn tách. Điều đó có nghĩa là tiềm lực của Trung Quốc sẽ lập tức tăng lên hàng trăm đầu đạn. Tương lai thật đáng lo. Việc thông báo cho các đối tác đàm phán về lực lượng hạt nhân của mình là nằm trong lợi ích của chính Trung Quốc. Nó sẽ tạo ra bầu không khí tin tưởng cần thiết", - ông Pikayev kết luận.

  • Nguồn: Vladimir Skosyrev// NG, 28.4.2010.

Print Print E-mail Print