Vietnamdefence.com

 

Tranh cãi quyền chỉ huy, Nauy rút F-16 khỏi chiến dịch Libya

VietnamDefence - Hôm thứ hai, 21.3, Nauy đã hạ lệnh triệu hồi từ Libya 6 tiêm kích F-16 của Không quân nước này được cử tham gia sứ mệnh kiểm soát vùng cấm bay ở Libya.

Getty Images/Fotobank.ru

Gần như cùng thời gian, Lầu năm góc đã tuyên bố dự định giảm bớt sự tham gia chiến dịch quân sự chống Tripoli.

Bộ trưởng Quốc phòng Nauy Grete Faremo cho biết, các máy bay sẽ không tham gia chiến dịch của liên quân ở Libya chừng nào làm rõ được vấn đề chỉ huy.

Trước đó, Pháp khẳng định, các cơ cấu chỉ huy để chỉ đạo chiến dịch quân sự ở Libya sẽ được thành lập trong thời gian tới. Về vấn đề này, các thành viên liên quân có sự bất đồng. Anh và Canada muốn chuyển giao quyền chỉ huy cho NATO, còn Pháp phản đối. Paris nói rằng, “hiện nay việc điều phối can thiệp do Washington thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ của Pháp và Anh”.

Bản thân Mỹ thì muốn hạn chế sự tham gia của mình vào chiến sự ở Libya. “Trong 2-3 ngày đầu chiến dịch, chúng tôi đã thực sự đóng vai trò quan trọng, nhưng sắp tới, chúng tôi dự kiến vai trò của chúng tôi sẽ là hỗ trợ, các nước khác sẽ gánh vác nhiều hơn để bảo đảm vùng cấm bay”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói - “ Điều quan trọng là TT Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rất rõ là ông không muốn quân đội Mỹ có mặt trên đất Libya”.

Tại cuộc họp báo chung với TT Chile Sebastian Pinera ở Santiago, ông Obama tuyên bố Muammar Gaddafi “cần phải ra đi”, song khẳng định mục đích chính của chiến dịch quân sự ở Libya không phải là lật đổ ông Gaddafi mà là "ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo và bảo vệ thường dân”. Ông Obama cũng thông báo, trong vài ngày tới Mỹ sẽ nhường vai trò dẫn đầu trong chiến dịch ở Libya cho đồng minh. “Chúng tôi trông đợi việc chuyển giao này sẽ diễn ra sau vài ngày, chứ không phải sau vài tuần”, ông Obama nói.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Châu Phi AFRICOM của Mỹ, tướng Carter Ham khẳng định, mục tiêu của liên quân không phải là yểm trợ quân nổi dậy mà bảo vệ dân thường Libya trước quân đội của ông Gaddafi. Ông cũng nói nếu có thêm các nước khác tham gia thì có thể mở rộng vùng cấm bay lên 1.000 km, nhờ đó mới có thể cứu trợ nhân đạo cho dân chúng sở tại. Tướng Ham cho biết, trong một ngày, các máy bay thực hiện gần 80 phi vụ.

Quân đội phương Tây trong khi đó cũng giảm đáng kể cường độ bắn tên lửa. Đêm chủ nhật, rạng sáng thứ hai, họ chỉ bắn không quá 12 tên lửa vào Libya, ít hơn nhiều lần những ngày trước. Giới quân sự Mỹ cho biết, trong 24 giờ đầu họ tạo điều kiện cho vùng cấm bay và nay họ chuyển sang tuần tra. Họ cho rằng, các đơn vị trung thành của ông Gaddafi đã rút khỏi thành phố Benghazi.

Còn Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố, liên quân đã đạt được một số mục đích ở Libya như thiết lập vùng cấm bay, ngăn chặn chém giết ở Benghazi, đồng thời khẳng định loại trừ khả năng tiến hành một chiến dịch trên bộ. Ông Cameron nói rằng, chiến dịch quân sự sẽ tạo điều kiện cho nhân dân Libya tự quyết định số phận của mình.

Trong khi đó, đêm qua, liên quân tiếp tục tấn công Libya, các trạm radar tại 2 căn cứ không quân ở miền Đông, dinh thự của ông Gaddafi ở Tripoli, các thành phố Sebha và Sirte đã bị oanh kích.

Các hãng tin cho biết, bất chấp liên quân không kích, quân đội Gaddafi tiếp tục tiến công quân nổi dậy.

  • Nguồn: Dni, VZ, 21, 22.3.2011.

Print Print E-mail Print