Vietnamdefence.com

 

So sánh binh khí duyệt binh Nga-Trung

VietnamDefence - Qua TV có thể thấy ông Hồ Cẩm Đào rất thích thú xem duyệt binh. Có lẽ chủ tịch Trung Quốc đang so sánh lễ duyệt binh ở Moskva với duyệt binh nhân 60 năm quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Ông Hồ Cẩm Đào nghĩ gì tại lễ duyệt binh Chiến thắng tại Moskva?

Về quân số binh sĩ đi đội ngũ diễu binh thì Trung Quốc thua xa vì họ chỉ có 5.000 quân, còn tham gia duyệt binh của Nga là hơn 10.000.

Nga cũng không có các khối hoành tráng mang tính phô trương chụp ảnh. Tuy nhiên, lực lượng cơ giới tham gia duyệt binh ở Bắc Kinh thì đông hơn nhiều duyệt binh ở Nga với gần 500 phương tiện kỹ thuật thuộc 52 loại và đi thành 30 khối, trong khi ở Moskva chỉ có 161 xe chiến đấu đi thành 15 khối.

Đó là vì quảng trường Thiên An Môn lớn hơn nhiều Quảng trường Đỏ. Sau khi khôi phục Cổng Iverskye và xây dựng tổ hợp tại Manezhnaya, Quảng trường Đỏ không thật thuận tiện cho tổ chức duyệt binh. Số các đoàn xe cơ giới và chiều rộng di chuyển trên quảng trường bị hạn chế.

Bởi vậy, lần duyệt binh này không có sự tham gia của các phương tiện kỹ thuật của Bộ đội Đổ bộ đường không; không có các hệ thống tên lửa phòng không Tor, Tunguska; các xe tăng T-80U vẫn không có mặt như những năm trước chỉ là để giới thiệu các loại phương tiện mới và những xe chiến đấu mang tính lịch sử.

Mục đích của duyệt binh cũng khác nhau. Người Trung Quốc muốn phô trương nói chung là tất cả những gì quân đội của họ có, kể cả những vũ khí trang bị được chế tạo với sự tham gia của Nga.

Còn Nga thì có mục đích vinh danh những người chiến thắng và Chiến thắng. Tại lễ duyệt binh năm 2010, đã giới thiệu không ít vũ khí trang bị mới cùng với các mẫu đã tham gia trước đó.

Nếu so sánh với Trung Quốc thì các xe tăng Т-90А, xe chiến đấu bộ binh BMP-3, pháo tự hành Msta-S, hệ thống rocket phóng loạt Smerch dĩ nhiên là ngon lành hơn những “hàng nhái nửa mùa” mà Trung Quốc chế tạo với sự tham gia của Nga.

Xe ô tô bọc thép tuần thám Dozor, hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsyr-S1 lần đầu tiên xuất hiện tại lễ duyệt binh. Hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-1A Soltsepek cũng lần đầu tiên ra mắt, tuy biến thể đầu tiên là TOS-1 có cái tên buồn cười là Buratino từng tham chiến ở Afghanistan.

Soltsepek có khả năng “nướng chín” đối phương bằng các tên lửa không điều khiển 220 mm mang đầu đạn nhiệt áp hoặc cháy ở cự ly đến 6 km. Vì thế, TOS-1А được dùng để chi viện hỏa lực trực tiếp cho bộ đội trên chiến trường (đây cũng là khác biệt chủ yếu của hệ thống này so với các hệ thống rocket phóng loạt Grad, Uragan và Smerch, lắp trên khung gầm xe tăng và được bọc giáp chắc chắn. Hệ thống này độc đáo và hoàn toàn không có đối thủ tương đương.

Hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa cơ động Topol-M cũng lần đầu ra mắt, mặc dù trong năm nay, Nga đã thành lập tiểu đoàn đầu tiên trang bị tên lửa đường đạn xuyên lục địa cơ động mới nhất Yars với đầu đạn kiểu tách.

Trung Quốc có hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa cơ động DF-31A, nhưng đây thậm chí không chỉ là hệ thống của thế hệ khác mà đó là một thế kỷ khác.

Còn các tốp máy bay của Nga và Trung Quốc tham gia duyệt binh là tương đương: Trung Quốc có 151 máy bay và trực thăng, Nga có 127. Nhưng nếu như so sánh về cơ cấu chất lượng thì người Trung Quốc không hề có gì giống với các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS, tiêm kích đánh chặn MiG-31B và tiêm kích-bom Su-34SM, trực thăng Mi-28N và Ка-52А.

Đội hình máy bay bay qua cũng được tổ chức hoàn toàn khác - trên bầu trời Bắc Kinh, các máy bay bay cao hơn một chút và đội hình không dày như ở Moskva. Không hề có chuyện “giãn cách 3-5 m, cự ly 1-3 m như của các máy bay của các đội bay trình diễn Russky Vityaz và Strizh.

Phần duyệt binh hàng không của Nga cũng có sự tham gia của các máy bay mới. Thực hiện bay theo hình con số “65” là 12 tiêm kích MiG-29SMT và 11 cường kích Su-25SM lần đầu tiên tham gia duyệt binh mặc dù Su-25SM đã kịp giao chiến với người Gruzia năm 2008. Loại máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 mới đưa vào trang bị cho Không quân Nga cũng có màn ra mắt.

Trung Quốc hiện còn đang thử nghiệm bản nhái của nó có sửa đổi chút ít vốn được chế tạo theo bản vẽ kỹ thuật mua của Viện OKB mang tên Yakovlev (Nga) là L-15.

Lần đầu tiên, Nga cũng cho tham gia duyệt binh loại máy bay ít được biết đến là máy bay sở chỉ huy Il-80, nó chính là Il-86VKP. Chiếc máy bay khổng lồ này dùng để bảo đảm công tác chỉ huy chiến đấu tin cậy cho quân đội Nga trong cuộc chiến tranh toàn cầu. Trong cuộc chiến đó thì không thể chỉ trộng mong vào các sở chỉ huy chủ yếu và dự bị kiên cố ngầm dưới đất. Bởi vậy mà có các sở chi cơ động trên không đặt trên trực thăng và máy bay.

Il-80 khác với Il-86 thông thường ở chỗ có phần gồ lên chứa khí tài liên lạc vệ tinh và chỉ huy tác chiến, không có các cửa sổ, có nhiều anten bên trên thân máy bay và các thùng chứa khí tài dưới cánh. Máy bay được trang bị hệ thống phòng chống vũ khí hạt nhân. Máy bay Il-96-300PU cũng là máy bay sở chỉ huy.

Bởi vậy, nhiều khả năng Chủ tịch Trung Quốc khi dự khán màn trình diễn hoành tráng của vũ khí Nga đã nghĩ đến chuyện có thể mua thêm cái gì đó của Nga cho quân đội Trung Quốc. Và có thể nghĩ đến cả chuyện đánh nhau với nước Nga là vô ích, tốt hơn là “bóp chết trong vòng tay hữu nghị”.

  • Nguồn: AN.-N.-18(208), 12.5.2010.

Print Print E-mail Print