Vietnamdefence.com

 

Nga-Ấn thống nhất thiết kế chung của tiêm kích thế hệ 5 FGFA

VietnamDefence - Ấn Độ và Nga dự định đầu tư cho dự án phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA (Fifth Generation Fighter Aircraft) mỗi nước 6 tỷ USD với tư cách tiền bảo đảm. Tiêm kích này về trình độ công nghệ phải là một bước đi trước F-22 Raptor của Mỹ hiện đang thống trị bầu trời.

Các nguồn tin cấp cao trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã xác nhận rằng, sau mấy năm đàm phán nhọc nhằn, hai bên đã thống nhất được hợp đồng thiết kế sơ bộ của máy bay (PDC - preliminary design contract). Đây là văn kiện then chốt, cho phép các bên cuối cùng bắt tay vào phát triển máy bay.

“Các nhà đàm phán đã làm xong công việc của mình và chính phủ có lẽ trong tháng này sẽ xem xét văn kiện này”, các nguồn tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay. Ủy ban an ninh chính phủ sẽ xem xét văn kiện trước cuối tháng này, và nếu được thông qua thì hợp đồng sẽ được ký trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 12 tới của TT Nga Dmitry Medvedev.

Chủ tịch ban giám đốc hãng chế tạo máy bay Ấn Độ HAL Ashok Nayak đã tuyên bố rằng, nếu như tỷ lệ thích hợp của các bên tham gia chương trình này được thông qua và hợp đồng thiết kế sơ bộ sẽ được ký kết thì việc thiết kế máy bay sẽ hoàn tất trong vòng 18 tháng. Theo ông, công tác phát triển toàn quy mô và chế tạo máy bay tiêm kích có thể mất 8-10 năm.

Không quân Nga và Ấn Độ dự định mua mỗi bên khoảng 250 tiêm kích với đơn giá tính toán 100 triệu USD. Như vậy, mỗi bên sẽ phải chi thêm 25 tỷ USD.

Những con số trên trời này sẽ còn có tính thời sự hơn nữa, khi mà vào năm ngoái, Mỹ đã buộc phải dừng chương trình F-22 do giá thành quá cao - mỗi máy bay có giá 340 triệu USD.

Bởi vì các công nghệ của F-22 dã được coi là cực kỳ quan trọng để bảo đảm ưu thế công nghệ của Mỹ nên máy bay này dã được phát triển và sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ Mỹ.

Kết quả là Lầu Năm góc đã phải từ chối mua thêm F-22 mà chỉ dừng ở con số 187 chiếc, tức một nửa số lượng dự định mua sắm theo kế hoạch năm 2006.

“Nếu như ngay cả nước Mỹ còn không thể cho phép mình hành động đơn độc trong chương trình tiêm kích thế hệ 5, thì Nga không thể từ lâu. Nga chẳng có lối thoát nào khác ngoài cố gắng hợp tác với Ấn Độ với tư cách một đối tác của chương trình”, một sĩ quan không quân Ấn Độ cao cấp nhận xét.

8 năm trước Nga đã đề nghị Ấn Độ phát triển tiêm kích thế hệ 5, song không rõ ràng là việc hợp tác phát triển sẽ đi theo những hướng nào. Năm 2005-2007, khi Ấn Độ bắt đầu xích lại gần Mỹ thì tiến trình đàm phán chậm lại. Sự tiến bộ nối lại vào tháng 11.2007, khi Nga và Ấn Độ ký hiệp định cấp chính phủ về chương trình này.

Đây là dự án vũ khí siêu hiện đại đầu tiên của Nga có sự tham gia của nước ngoài. Các nguồn tin ở HAL cho biết, ngay cả sau khi ký kết hiệp định này, các nhà đàm phán Nga ở mỗi giai đoạn đều chờ đợi các chỉ thị của ban lãnh đạo tối cao Nga là cần làm việc với Ấn Độ về các công nghệ tuyệt mật nào.

“Lần đầu tiên Nga đã đồng ý thực hiện một dự án phát triển quân sự tiên tiến với một quốc gia khác, nhưng trước mỗi bước đi, các nhà đàm phán Nga đều chờ đợi cái mà họ gọi là các sắc lệnh của tổng thống về cách thức làm việc theo chương trình tuyệt mật này”, nguồn tin nói. Do đó, đã phải mất gần 3 năm cho việc bàn bạc, thống nhất trước khi hai bên chuyển sang đàm phán về hợp đồng nhận thầu chung và hiệp định riêng về không tiết lộ thông tin. Tháng 3.2010, nhiệm vụ kỹ-chiến thuật đặt ra cho dự án chung đã được ký kết.

Trong khi đó, từ tháng 1.2010, Nga tiến hành thử nghiệm mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 theo chương trình PAK FA (hệ thống máy bay chiến thuật tương lai). Mẫu chế thử này được chế tạo theo các yêu cầu của Không quân Nga.

Các đại diện của HAL cho rằng, tỷ lệ của Ấn Độ trong nội dung thiết kế máy bay sẽ là gần 30%.

Phía Ấn Độ chủ yếu sẽ tham gia chế tạo thiết bị điện tử tối tân như máy tính điều khiển, thiết bị avionics, các màn hình hiển thị đa năng trong buồng lái và các hệ thống tác chiến điện tử, đạo hàng, phòng vệ, các bộ phận làm bằng vật liệu composite.

Ngoài ra, Ấn Độ sẽ phải thiết kế lại PAK FA 1 chỗ ngồi thành biến thể 2 chỗ ngồi mà Không quân Ấn Độ (IAF) ưa thích.

Giống như ở Su-30MKI, Không quân Ấn Độ muốn 1 phi công làm nhiệm vụ lái máy bay, còn phi công thứ hai điều khiển các sensor, các hệ thống mạng và vũ khí.

Theo học thuyết của IAF, tiêm kích FGFA sẽ phải đảm nhiệm được nhiềm nhiệu vụ. Trong tương lai, FGFA sẽ thay thế 3 loại máy bay chiến đấu đang sử dụng của IAF.

Theo các đại diện của IAF, để có chứng chỉ bay, FGFA phải thực hiện được 2.000 giờ bay. Máy bay sẽ có thể sản xuất loạt từ 2017-2018.

Biến thể 2 chỗ ngồi có thể nhận vào trang bị năm 2019-2020.

Biến thể dành cho Nga sẽ là loại 1 chỗ ngồi, còn 200 máy bay của IAF sẽ là 2 chỗ ngồi giống như Su-30MKI.

Không quân Nga ở giai đoạn muộn hơn của chương trình có thể cũng sẽ mua thêm các FGFA 2 chỗ ngồi để dùng làm máy bay huấn luyện-chiến đấu.

Tiêm kích chiến thuật tuơng lai PAK FA dự kiến sẽ là máy bay chiến đấu đa năng, có thể thực hiện các nhiệm vụ cường kích và tiêm kích.

Vỏ máy bay làm bằng composite và các công nghệ mới khá sẽ tạo độ bộc lộ nhỏ cho máy bay ở dải sóng radar và hồng ngoại.

Các động cơ hiện đại sẽ cho phép đạt tốc độ tối đa hơn 2М, bay hành trình siêu âm không cần tăng lực, bay xa đến 5.500 km.

Các hệ thống vũ khí bố trí ở các khoang trong thân và radar mạng pha chủ động mới sẽ bảo đảm khả năng đồng thời tấn công các mục tiêu mặt đất, mặt biển và trên không, còn các hệ thống liên lạc cho phép trao đổi thông tin giữa các máy bay và các sở chỉ huy mặt đất.

Một trong những đặc điểm chính của máy bay là khả năng tổng hợp dữ liệu, tức là tiếp nhận thông tin từ các sensor khác nhau, trong đó có các sensor hồng ngoại, radar, vô tuyến điện tử, xử lý điện tử và đưa ra bức tranh tình hình chung tới các hệ thống hiển thị của phi công.

Dự định, PAK FA sẽ lần đầu tiên được trưng bày công khai tại Triển lãm hàng không Moskva MAKS-2011.

Hiện công ty Sukhoi tiếp tục thử nghiệm mẫu chế thử PAK FA T-50.

Chuyến bay đầu tiên diễn ra ngày 29.1.2010 tại nhà máy ở Komsomolsk trên sông Amur. PAK FA đã thực hiện 16 chuyến bay thử.

  • Nguồn: bharat-rakshak.com, photofile.ru, MP, 12.9.10; Business Standart, Armstrade, 13.9.10.

Print Print E-mail Print