Vietnamdefence.com

 

Nga-Ấn phát triển máy bay vận tải MTA thay thế An-12, An- 26, An- 32 và C-130

VietnamDefence - Ngày 9.9.2010, Nga và Ấn Độ đã ký hiệp định thành lập liên doanh phát triển máy bay vận tải đa nhiệm hạng trung thế hệ mới MTA (Multi-role Transport Aircraft).

Các cổ đông của công ty mới là HAL (Ấn Độ) - 50%, Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất OAK (Nga) - 25% và Rosoboronoexport - 25%. Trụ sở liên doanh đặt tại Bangalor. MTA sẽ được sản xuất cả ở Nga và Ấn Độ.

Hình ảnh giả định của MTA (Hindustan Aeronautics)

Theo tuyên bố tại lễ ký, chủ tịch công ty HAL Ashok Nayk, liên doanh có tên MTA Limited sẽ được đăng ký tại Ấn Độ trong vòng 2 tháng, ở Nga sẽ đăng ký chi nhánh.

Phó Thủ tướng Nga Ilia Klebalov và ngoại trưởng Ấn Độ D. Singh đã ký biên bản về việc bắt đầu công việc hợp tác chế tạo máy bay vận tải đa dụng 4 động cơ để thay thế các máy bay An-32 đang sử dụng. Sau đó, với mục đích chuẩn hóa các yêu cầu đối với máy bay mới, không quân 2 nước đã bổ sung những điều chỉnh vào yêu cầu tính năng cụ thể đối với MTA, khiến cho trọng tải máy bay tăng lên và thay đổi về kết cấu.

Thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về việc hợp tác thực hiện chương trình chế tạo МТА được Nga và Ấn Độ ký ngày 12.11.2007 trong chuyến thăm Moskva của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Trị giá dự án ước tính 600,7 triệu USD. Vốn đầu tư của mỗi bên là 300,35 triệu USD. Khoản tiền này bao gồm chi phí trước thời điểm bắt đầu sản xuất loạt máy bay.

Cuối năm 2009, chính phủ Nga và Ấn Độ đã phê chuẩn việc thành lập liên doanh với tỷ lệ tham gia bằng nhau của các bên. Người ta đã dự kiến ký hiệp định trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 3.2010, nhưng đến lúc đó hai bên chưa thống nhất được hết tất cả các chi tiết của thỏa thuận.

Theo ZeeNews thì MTA thực hiện chuyến bay đầu vào năm 2017. Theo kế hoạch của OAK, việc thiết kế sơ bộ sẽ mất 1 năm, sau đó là 1,5 năm cho công tác nghiên cứu-thiết kế chi tiết MTA. Hai bên hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất loạt MTA 2 năm sau chuyến bay đầu tiên, tức 2019.

Mô hình MTA (Vladimir Karnozov)

MTA dùng để thay thế đội máy bay An của Liên Xô đã lạc hậu, trong đó có An-12, An-26 và An-32. Không quân Ấn Độ (IAF) hiện có gần 100 An-32.

MTA sẽ là máy bay 2 động cơ, có sải cánh gần 30 m, chiều dài 33 m và trọng tải 18-20 tấn. Trọng lượng cất cánh tối đa 65 tấn, tốc độ hành trình 800 km/h, tầm bay 2.500-2.700 km, trần bay thực tế 12 km. MTA có thể cất/hạ cánh đường băng ngắn, chở được 80 binh sĩ hoặc một số xe chiến đấu bộ binh do Nga và nước ngoài sản xuất.

Máy bay sẽ được trang bị buồng lái ‘kính’, thiết bị avionics hiện đại, hệ thống điều khiển điện từ xa, các động cơ với hệ thống điều khiển số. Loại động cơ hiện chưa được xác định. Dự kiến, động cơ sẽ được chọn thông qua cuộc thi.

Các biến thể MTA dành cho Nga và cho Ấn Độ sẽ được chuẩn hóa tối đa. Khung thân máy bay sẽ được lắp ráp với tỷ lệ 50/50. Việc phát triển các phân hệ riêng biệt sẽ được tiến hành căn cứ khả năng xuất khẩu máy bay sang thị trường các nước thứ ba.

MTA có thể hoạt động suốt ngày đêm, ở mọi khu vực trên thế giới, trong các điều kiện khí hậu và thời tiết khác nhau, cất và hạ cánh trên đường băng chuẩn bị sơ sài, kể cả các căn cứ không quân ở vùng núi cao Hymalaya.

Nhiều khả năng nhất là MTA sẽ được phát triển dựa trên máy bay vận tải quân sự 2 động cơ Il-214. Việc phát triển MTA sẽ mất từ 6-8 năm.

Dự kiến sản xuất tổng cộng đến 205 máy bay. Thông tin sơ bộ cho biết, ở giai đoạn đầu, IAF muốn mua 40-45 chiếc MTA để vận chuyển binh sĩ, trang bị và hàng hóa, với hợp đồng bổ sung mua thêm 100 chiếc. Không quân Nga dự kiến mua gần 100 chiếc.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường thế giới do OAK tiến hành, với mức cầu cao về loại máy bay ở hạng trọng tải này, liên doanh MTA Ltd có thể xuất khẩu đến 30% sản phẩm của mình cho các nước thứ ba. Lợi thế cơ bản của MTA so với các đối thủ là đơn giá khá thấp của nó. MTA có thể là phương án thay thế không chỉ An-12, An-26 và An-32, mà cả С-130 Hercules.

  • Nguồn: Armstrade, 10.9.10; Lenta, 14.9.10.

Print Print E-mail Print