Vietnamdefence.com

 
Tags: Cam Ranh

Nga có trở lại Cam Ranh?

VietnamDefence - Tuy Cam Ranh không được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nga A. Serdyukov, song không loại trừ, sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện vấn đề Nga quay lại quân cảng Cam Ranh. Vấn đề Cam Ranh đang trở nên bức thiết hơn đối với Nga và là có thể nếu căn cứ vào sự phát triển quan hệ Nga-Việt.

Ngày 23.3.2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đã đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Chủ đề chính của các cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh là các vấn đề an ninh khu vực, cũng như hiện trạng và triển vọng phát triển quan hệ quân sự song phương.

Nhiều nhà quan sát Nga coi chuyến đi này là một hoạt động marketing nhằm xúc tiến vũ khí trang bị Nga vào thị trường Việt Nam. Tuy Bộ Quốc phòng Nga không trực tiếp tham gia hoạt động xuất khẩu vũ khí, song họ quan tâm không kém hãng Rosoboronoexport trong việc xuất khẩu vũ khí Nga ra thị trường thế giới. Một số lượng lớn xe tăng, thiết giáp và pháo bị cắt giảm do chương trình cải cách quân đội Nga sẽ được xuất khẩu, trong đó có sang Việt Nam, quốc gia có thể hiện đại hóa lực lượng xe tăng-thiết giáp và hệ thống vũ khí Liên Xô hiện có với chi phí thấp.

Quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Việt bắt đầu từ năm 1953-1992 chủ yếu dựa trên cơ sở không hoàn lại, sau đó chuyển sang quan hệ thương mại. Năm 1998, tại Hà Nội, hai bên đã ký kết hiệp định liên chính phủ về lĩnh vực này và năm 1999 thành lập ủy ban liên chính phủ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Việt.

Việc hợp tác này được hoạch định trên cơ sở chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự Nga Việt giai đoạn 2005-2010 và các kế hoạch hàng năm. Tháng 10.2008, trong chuyến thăm Moskva của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hai bên đã ký biên bản liên chính phủ về chiến lược hợp tác kỹ thuật quân sự trong giai đoạn đến năm 2020 года. Từ năm 2008, lượng hàng quân dụng Việt Nam mua của Nga gia tăng bền vững. Năm 2008, khối lượng các hợp đồng ký kết lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác vượt quá 1 tỷ USD, năm 2009 đạt 3,5 tỷ USD, trong quý I.2010 đã đạt hơn 1 tỷ USD. Chiếm phần lớn các hợp đồng là vũ khí trang bị cung cấp cho Không quân, Phòng không và Hải quân Việt Nam.

Việt Nam từ lâu đã lọt vào số 5 đối tác chủ yếu của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Algeria và Venezuela. Theo ông Aleksandr Fomin, Phó Giám đốc thứ nhất Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự (FS VTS) của Nga thì trong những năm tới Việt Năm có thể đứng thứ hai trong số 5 nước này. “Việt Nam thực sưk là một đối tác rất quan trọng, trong những năm gần đây, hoạt động hợp tác quy mô lớn đang được triển khai với quốc gia này. Quan hệ với Hà Nội đang phát triển theo một phổ rộng các sản phẩm quân dụng”, - ông Fomin nói.

Năm 2009, Nga và Việt Nam ký hợp đồng lớn nhất trong những năm gần đây bán cho Việt Nam 6 tàu ngầm điện-diessel và xây dựng cơ sở hạ tầng đồn trú cho tàu ngầm. Theo các chuyên gia, hợp đồng này có thể đạt đến 4 tỷ USD. Năm 2010-2011, Việt Nam sẽ nhận được 8 máy bay tiêm kích Su-30МК2 trị giá khoảng 400 triệu USD. Rosoboronoexport và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký các hợp đồng cung cấp vũ khí trang bị và hỗ trợ kỹ thuật. Trong tương lai, có thể hai bên sẽ bàn đến việc hiện đại hóa hoặc thay thế các hệ thống tên lửa phòng không S-125 của Việt Nam bằng các hệ thống hiện đại và cung cấp tàu corvette và các tàu ven biển khác cho Việt Nam.

Ngoài các vấn đề đào tạo các học viên quân sự Việt Nam tại Nga, cử chuyên gia Nga sang Việt Nam và mở các trung tâm dịch vụ bảo dưỡng vũ khí Nga, hai bên còn bàn bạc nhiều vấn đề khác. Không loại trừ, sớm hay muộn sẽ xuất hiện vấn đề Nga quay lại quân cảng Cam Ranh mà Liên Xô/Nga và Việt Nam đã cùng sử dụng trong giai đoạn 1979-2002 (Năm 2001, Nga quyết định không kéo dài hiệp định với Việt Nam và rút khỏi căn cứ này, tháng 5.2002, những quân nhân Nga cuối cùng đã rời Cam Ranh).

Xét đến tham vọng đưa Hải quân Nga trở lại đại dương thế giới, vấn đề Cam Ranh trở nên bức thiết hơn. Còn căn cứ vào sự phát triển quan hệ với Việt Nam thì điều này còn là có thể. Tháng 12.2009, tại căn cứ Cam Ranh cũ thuộc tỉnh Khánh Hòa, đã khánh thành khu tưởng niệm những quân nhân và chuyên gia Liên Xô/Nga và Việt Nam đã hy sinh khi thực hiện nghĩa vụ của mình. Đây có thể là dấu hiệu rằng, ở Việt Nam, người ta luôn nhớ đến quá khức và sẵn sàng xây dựng một tương lai chung.

  • Nguồn: Serdyukov đang vận động cho Cam Ranh / Dmitri Tutakayev // NVO.-26.03.2010.

 

Print Print E-mail Print