Vietnamdefence.com

 

Nga, Ấn tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự

VietnamDefence - Dự kiến trong chuyến thăm Ấn Độ bắt đầu hôm nay của TT Nga Dmitri Medvedev sẽ ký kết hợp đồng phát triển thiết kế kỹ thuật phác thảo của biến thể tiêm kích thế hệ 5 dành cho Ấn Độ FGFA (Fifth-Generation Fighter Aircraft).

Thủ tướng Ấn Độ Mamohan Singh và TT Nga Dmitri Medvedev (indianembassy.ru)

Ngoài ra, hợp đồng cung cấp thêm 42 tiêm kích Su-30MKI cũng sẵn sàng cho việc ký kết. Sau khi 42 chiếc máy bay được chuyển giao, số lượng Su-30MKI trong trang bị của Không quân Ấn Độ sẽ là 272 chiếc.

Ngay trước chuyến thăm của ông Medvedev, tờ Times of India nói rằng, “Ấn Độ cũng như Nga đang tiến hành chính sách đối ngoại đa phương và duy trì quan hệ với nhiều nước, kể cả trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Theo hãng RIA Novosti, nhiều nhà sản xuất vũ khí phương Tây đang quan tâm đến việc hợp tác với Ấn Độ.

Tháp tùng TT Medvedev có Phó Thủ tướng Sergei Ivanov, Tổng giám đốc tập đoàn Rostekhnologyy Sergei Chemezov, Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Mikhail Dmitriev, Tổng giám đốc hãng Rosboronoexport Anatoly Isaikin, Phó Chủ tịch thứ nhất tập đoàn đóng tàu OAK, Tổng giám đốc các công ty Sukhoi và MiG Mikhail Pogosyan và các nhân vật khác.

Ấn Độ là quốc gia duy nhất mà Nga có chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự dài hạn. triển vọng tiếp tục phát triển quan hệ song phương được xác định bởi Hiệp định liên chính phủ về chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự giai đoạn 2011-2020 ký tháng 12.2009.

Theo Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), trong giai đoạn 2002-2009, Nga đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ. Trong thời kỳ này, doanh thu thực tế từ bán vũ khí Nga cho Ấn Độ là 9,874 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ (16,47 tỷ USD).

Đứng thứ hai trên thị trường vũ khí Ấn Độ về giá trị vũ khí cung cấp giai đoạn 2002-2009 là Israel (2,54 tỷ USD), đứng thứ ba là Anh (1,9 tỷ USD). Trong số 5 nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ giai đoạn 2002-2009 còn có Pháp (622 triệu USD, đứng thứ 4) và Mỹ (565 triệu USD, đứng thứ 5). Trong giai đoạn 2002-2009, có tổng cộng 18 quốc gia đã cung cấp vũ khí cho Ấn Độ.

Ấn Độ là nước đứng đầu thế giới về lượng vũ khí dự định nhập khẩu trong 4 năm tới (2010-2013). Theo các đơn đặt hàng hiện có, tỷ trọng của Nga trên thị trường vũ khí Ấn Độ giai đoạn 2010-2013 là không dưới 45% (15,26 tỷ USD). Hiện tại, chỉ số này còn khá ước lệ, bởi vì Nga đang tham gia vào một số cuộc thầu do Ấn Độ đang tiến hành và có cơ hội tốt để thắng trong một loạt cuộc thầu. Một phần vũ khí trang bị cung cấp theo các chương trình này sẽ được thực hiện trong giai đoạn đến năm 2013. Nghĩa là tỷ trọng của Nga trên thị trường Ấn Độ có thể thay đổi tùy thuộc kết quả các cuộc thầu này. Nhìn chung có thể khẳng định, Nga sẽ giữ được ít nhất 50% thị trường vũ khí Ấn Độ. Trong khi đó, lượng vũ khí Mỹ cung cấp cho Ấn Độ giai đoạn 2010-2013 dự kiến là 5,253 tỷ USD.

Các hợp đồng lớn nhất Nga tiến hành với Ấn Độ trong lĩnh vực máy bay quân sự.

Trị giá hợp đồng thiết kế phác thảo máy bay FGFA ước là 295 triệu USD. Công việc này dự kiến hoàn thành trong vòng 18 tháng.

Tổng cộng sẽ mất 8-10 năm để phát triển và thử nghiệm các mẫu chế thử. Tổng chi phí cho chương trình phát triển ước trị giá 12 tỷ USD sẽ được chia đều cho Nga và Ấn Độ.

Tháng 3.2010, hai bên đã ký hiệp định kỹ thuật sơ bộ xác định tỷ lệ công việc cho 2 bên. Theo thông tin của hãng HAL (Ấn Độ), tỷ lệ của công nghiệp quốc phòng trong phát triển một số hệ thống đơn lẻ là gần 30%. Cụ thể, công ty Ấn Độ sẽ phát triển phần mềm cho máy tính trên khoang, các hệ thống đạo hàng, các thiết bị hiển thị thông tin đa năng trong buồng lái, các bộ phận làm bằng vật liệu composite và hệ thống phòng vệ. Ngoài ra, Ấn Độ còn thiết kế lại máy bay 1 chỗ ngồi PAK-FA thành tiêm kích 2 chỗ ngồi. Nội dung mua bán máy bay này đã được xác định trong học thuyết được Không quân Ấn Độ thông qua để thực hiện nhiều loại nhiệm vụ chiến đấu. Trong tương lai, tiêm kích thế hệ 5 của Ấn Độ sẽ thay thế 3 loại máy bay chiến đấu đang sử dụng.

Theo các quan chức Không quân Ấn Độ, để được cấp chứng chỉ bay, FGFA phải bay 2.000 giờ. Máy bay có thể bắt đầu được sản xuất loạt vào năm 2017-2018. Biến thể 2 chỗ ngồi có thể được nhận vào trang bị vào năm 2019-2020.

Theo đánh giá sơ bộ, Không quân Ấn Độ sẽ mua 200 máy bay FGFA 2 chỗ ngồi và 50 chiếc 1 chỗ ngồi.

Một sự đột phá lớn trong quan hệ song phương là hợp đồng thành lập liên doanh thiết kế máy bay vận tải phản lực đa năng MTA (Multi-role Transport Aircraft) trọng tải trung bình thế hệ mới được ký ngày 9.9.2010 ở New Delhi.

Các cổ đông của liên doanh này là hãng HAL [Hindustan Aeronautics Ltd] (50%), tập đoàn chế tạo máy bay Nga OAK (25%) và hãng Rosoboronoexport (25%). Trị giá tiềm năng của dự án là 600,7 triệu USD. Mức đầu tư của mỗi bên sẽ là 300,35 triệu USD.

Trong khi việc cung cấp vũ khí Nga thành phẩm giảm đi, trọng tâm hợp tác kỹ thuật quân sự song phương đang chuyển sang lĩnh vực chuyển giao giấy phép sản xuất tại Ấn Độ các loại vũ khí Nga, tiến hành các hoạt động nghiên cứu thiết kế chung và theo đơn đặt hàng, cũng như thành lập các liên doanh phát triển, sản xuất, hiện đại hóa và sửa chữa vũ khí trang bị.

Trong số các dự án quy mô nhất liên quan đến chuyển giao công nghệ sản xuất tại Ấn Độ các loại vũ khí Nga có việc sản xuất theo giấy phép tiêm kích đa năng Su-30MKI, tăng chủ lực Т-90S, động cơ máy bay AL-55I cho máy bay huấn luyện Ấn Độ HJT-36 và HJT-39, động cơ RD-33 series 3 cho MiG-29. Liên quan đến việc chuyển giao công nghệ quy mô lớn như thế, năm 2005, hai bên đã ký hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Một trong những dự án thành công nhất là hợp tác sản xuất tên lửa hành trình BrahMos tại liên doanh BrahMos Aerospace.

Đặc biệt quan trọng cho việc xác định phương hướng hợp tác tiếp theo giữa Ấn Độ với các đối tác hợp tác kỹ thuật quân sự là cuộc thầu cung cấp tiêm kích đa dụng hạng trung cho Không quân Ấn Độ trị giá 10-12 tỷ USD. Trong cuộc thầu này, máy bay MiG-35 của OAK đã gặp phải sự cạnh tranh ác liệt từ các hãng Mỹ Boeing và Lockheed Martin với các máy bay F/A-18E/F Super Hornet và F-16  Fighting Falcon, cũng như các hãng châu Âu Dassault, SAAB và Eurofighter.

Nga còn tham gia một số cuộc thầu cung cấp trực thăng cho quân đội Ấn Độ.

Năm 2011, dự kiến chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ thuê 10 năm tàu ngầm nguyên tử lớp Projekt 971 Shchuka-B (Nerpa). Tiền thuê là 650 triệu USD.

Nga cũng đã thống nhất với Ấn Độ tất cả các vấn đề giá cả để cải tạo tàu sân bay Đô đốc Gorshkov thành tàu sân bay Vikramaditya. Hai bên đã ký kết hợp đồng mua bán tổng cộng 45 tiêm kích MiG-29K/KUB.

Nga và Ấn Độ cũng đang đàm phán cung cấp thêm 42 Su-30MKI, đang thực hiện chương trình hiện đại hóa 62 tiêm kích MiG-29 của Không quân Ấn Độ. Nga cùng với Israel đang thực hiện chương trình cung cấp các máy bay chỉ huy/báo động sớm Phalcon cho Không quân Ấn Độ.

Nga còn cùng Ấn Độ thực hiện hàng loạt dự án trong lĩnh vực vũ khí trang bị không quân, hải quân và lục quân.

  • Nguồn: Armstrade, 20.12.2010.

Print Print E-mail Print