Vietnamdefence.com

 

Mỹ phát triển tên lửa đường đạn tấn công toàn cầu PGS

VietnamDefence - Bộ Quốc phòng Mỹ đang tiến hành phát triển loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa mới mang đầu đạn thông thường, có thể tấn công mọi địa điểm trên trái đất trong vòng 1 giờ.

Vũ khí mới được nghiên cứu chế tạo trong khuôn khổ chương trình "đòn tiến công nhanh toàn cầu" (Prompt Global Strike, PGS). Tên lửa PGS sẽ là phương tiện kiềm chế bổ sung thay thế cho các vũ khí hạt nhân đang bảo đảm an ninh cho nước Mỹ. GPS có thể bù lấp chỗ trống mà Hiệp ước START-3 mà Mỹ vừa ký với Nga tạo ra.

Các quan chức quân sự Mỹ cho biết, GPS là cần thiết, là một dạng vũ khí phòng thủ mới để chống lại mạng lưới khủng bố và những kẻ thù khác của Mỹ, các lựa chọn phi hạt nhân hiện nay của nước này là quá hạn chế hoặc quá ít.

Tên lửa GPS sẽ giúp Nhà Trắng có một lựa chọn mới để cân nhắc khi khủng hoảng xảy ra mà không cần dùng tới vũ khí hạt nhân. Theo một số quan chức quân sự Mỹ nói, PGS sẽ được triển khai trên lãnh thổ Mỹ, các bệ phóng có thể mở cho các thanh tra viên quốc tế. Dự kiến tên lửa mới sẽ được nhận vào trang bị không sớm hơn năm 2015, trong khi đó chính quyền Obama dự định đẩy tranh quá trình phát triển vũ khí này.

Chính quyền Obama đã yêu cầu Quốc hội Mỹ từ năm 2011 chi cho chương trình PGS 240 triệu USD, tăng 45% so với mức dự trù trong dự thảo ngân sách quốc phòng hiện nay. Theo đánh giá sơ bộ, đến trước năm 2015, Mỹ sẽ chi cho việc chế tạo tên lửa PGS gần 2 tỷ USD. Nhờ việc đẩy nhanh tiến độ dự án, Không quân Mỹ sẽ có thể tiến hành thử nghiệm mẫu chế thử tên lửa đầu tiên vào tháng 5.2010.

Hiện nay, Không quân Mỹ không có các tên lửa có khả năng tiến công nhanh khi cần, các tên lửa xuyên lục địa thì lại mang đầu đạn hạt nhân nên chỉ có thể sử dụng chúng để đánh đòn phủ đầu hay đòn trả đũa, còn các tên lửa hành trình mang đầu đạn thông thường thì phải mất đến 12 giờ đồng hồ để bay đến mục tiêu. Máy bay ném bom tầm xa cũng mất nhiều giờ để tới vị trí tấn công.

Chương trình PGS được Mỹ đưa ra năm 2008. Các tên lửa mới có thể dùng khi cần tiến công phủ đầu hay trả đũa vào các căn cứ khủng bố ở Pakistan, hoặc tấn công Bắc Triều Tiên.

Nhà Trắng tuyên bố, việc phát triển loại tên lửa mới không bị ảnh hưởng bởi START-3 mà TT Mỹ Obama và TT Nga Medvedev vừa ký ngày 8.4.2010 tại Praha. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng bất cứ tên lửa đạn đạo thông thường nào cũng sẽ được coi như là tên lửa hạt nhân theo hiệp ước mới, vốn giới hạn số vũ khí trong kho của mỗi nước. Các quan chức Nga dự đoán, vũ khí mới này sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí phi hạt nhân và gây rắc rối cho tầm nhìn dài hạn của TT Obama về một thế giới phi vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia quân sự lo ngại rằng, việc phóng các tên lửa đường đạn ở lãnh thổ Mỹ bay ra khỏi phạm vi nước Mỹ có thể kích hoạt hệ thống cảnh báo tấn công hạt nhân trên lãnh thổ Nga hoặc Trung Quốc.

  • Nguồn: Lenta, WashingtonPost, 9.4.2010.

Print Print E-mail Print