Vietnamdefence.com

 

J-20 chạy thử bằng động cơ... ô tô?

VietnamDefence - Sau những tấm hình, một đoạn video về J-20 chạy trên đường băng tiếp tục là đề tài cho các cuộc tranh luận nảy lửa.

Nhiều ý kiến cho rằng, chiến đấu cơ này đã sẵn sàng để bay thử nghiệm trong năm nay, song nếu xem đoạn clip này thật kỹ đặc biệt là đoạn cuối khi máy quay hướng về phía động cơ. Rõ ràng, không nhận thấy sự nhiễu loạn không khí do sức nóng và phản lực của động cơ gây ra phía đuôi máy bay.

Đối với những máy bay khác, khi chạy trên đường băng chúng ta hoàn toàn có thể quan sát thấy sự nhiễu loạn không khí do sức nóng và phản lực của động cơ gây ra, đặc biệt khi máy quay hướng thẳng về phía động cơ từ phía sau, chúng ta có thể thấy được tia lửa trong buồng đốt của động cơ. Nhưng trong đoạn clip này, chúng ta không thấy sự khác biệt nào cả.

Liệu J-20 chạy bằng động cơ của chính nó, hay được kéo chạy trên đường bằng một phương tiện khác? Ngoài ra, đoạn clip này được quay bởi một tay quay nghiệp dư, vấn đề là tại sao một tay quay như vậy lại có thể lọt vào được trong khu vực được xem là bất khả xâm phạm?

Nhũng vấn đề này  tiếp tục được cho là một sự cố ý rò rỉ thông tin để tạo dư luận, sự úp mở, thật giả khó lường về các hệ thống vũ khí của Trung Quốc khiến các quốc gia khác phải lo lắng, đó chính là điều mà Trung Quốc đang chờ đợi.

Thông tin thêm về J-20:

Theo các tài liệu của Cục Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), chương trình phát triển máy bay J-XX (J-20) của Trung Quốc được khởi xướng năm 1997. ONI xếp J-20 vào loại máy bay thế hệ 4+, dự kiến sẽ đưa vào trang bị khoảng năm 2015.

Viện thiết kế 611 ở Thành Độ và viện 601 ở Thẩm Dương được giao nhiệm vụ thiết kế một máy bay 2 động cơ, có khả năng tàng hình để cạnh tranh với F-22 Raptor của Mỹ và được giới quân sự Trung Quốc đặt biệt danh là J-20 Raptor Killer (Sát thủ chim ăn thịt, tức sát thủ đối với F-22).

Theo báo cáo, J-20 được thiết kế kết hợp giữa F-22, F-35 và MiG 1.42 của Nga.

Một số nguồn tin cho rằng, J-20 được trang bị hệ thống điều khiển bay bằng dây (Fly-by-wire, tức điều khiển bằng điện) hoàn toàn số hóa, hệ thống điều khiển tích hợp cho động cơ và radar mạng pha chủ động Type 1475/KLJ5. Tuy nhiên, thông tin về loại radar này gần như không có, và người ta cũng chưa rõ loại radar  này đã sẵn sàng hoạt động hay chưa.

ONI cũng cho biết, nhiều khả năng Nga đã hỗ trợ Trung Quốc phần mềm tính toán tiết diệt phản xạ radar và một số thiết kế khác. Nhiều khả năng Nga sẽ cung cấp động cơ 117 (AL-41F) để hoàn thiện J-20, khi động cơ nội địa WS-10A nhiều khả năng không đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Các bức ảnh cho thấy máy bay có chiều dài khoảng 23m, sải cánh khoảng 14m. Tuy nhiên với một thân hình dài cùng với 2 cánh mũi sẽ là một thách thức trong việc tàng hình của chiến đấu cơ này.

Thân hình to lớn cho phép máy bay có tầm bay và tải trọng vũ khi lớn hơn so với F-22 và PAK F/A T-50, song lại làm giảm sức cơ động và tốc độ của máy bay.

ONI cho rằng, J-20 có thiết kế phù hợp với vai trò máy bay tiêm kích-bom hơn là tiêm kích giành ưu thế trên không.

J-20 tuy là một tiến bộ vượt bậc của công nghệ chế tạo máy bay quân sự Trung Quốc,  song vẫn không thể sánh nổi F-22 Raptor về tính năng, và được ví như “đứa trẻ sơ sinh đứng trước nhà vô địch”.

Thực tế là hiện chưa có chiến đấu cơ nào sánh được với F-22 Raptor về các tính năng , khả năng tàng hình, các hệ thống điện tử, chỉ thị mục tiêu, liên lạc, trong khi các khả năng này vẫn tiếp tục được hoàn thiện và phát triển.

Thật khó để J-20 đuổi kịp được các tính năng đó, hãy cùng chờ xem Trung Quốc sẽ giải quyết khoảng cách công nghệ này như thế nào. Khi J-20 thực sự hoàn thiện, chúng ta mới có thể có được câu trả lời chính xác nhất.

  • Nguồn: Quốc Việt (theo Defence Aviation) // ĐV, 11.1.2011.

Print Print E-mail Print