Vietnamdefence.com

 

Hợp đồng tàu ngầm Nga-Việt trị giá 3,2 tỷ USD

VietnamDefence - Hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo Projekt 636M cho Việt Nam tổng trị giá 3,2 tỷ USD là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu vũ khí trang bị hải quân Nga, tạp chí Export of Arms của Nga cho hay.

Hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi ở St. Petersburg
sẽ đóng các tàu ngầm cho Việt Nam với tiến độ 1 tàu/năm

Hợp đồng được ký tháng 12.2009 trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (15.12.2009).

"Chi phí đóng tàu là 2,1 tỷ USD, nhưng việc xây dựng toàn bộ các hạ tầng trên bờ và cung cấp vũ khí cùng các trang bị khác có thể đưa tổng giá trị lên đến 3,2 tỷ USD, khiến cho hợp đồng này trở thành hợp đồng lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu vũ khí trang bị hải quân của Nga", tạp chí  Export of Arms nêu trong số tháng 6.2010. (Export of Arms là tạp chí chuyên về kỹ thuật và phân tích có trụ sở tại Moskva, do Trung tâm Phân tích Chiến lược và Kỹ thuật của Nga xuất bản 2 tháng/kỳ).

Hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi ở St. Petersburg sẽ đóng các tàu ngầm cho Việt Nam với tiến độ 1 tàu/năm

Hãng xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport trước đó cho biết, Nga có thể xuất khẩu đến 40 tàu ngầm điện-diesel thế hệ 4 vào năm 2015.

Theo Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới (TsAMTO) của Nga, hợp đồng đóng 6 tàu ngầm Projekt 636M cho Việt Nam sẽ nâng tổng số tàu ngầm điện-diesel Projekt 636/877 đóng theo các hợp đồng đã thực hiện và ký kết lên tới 28 tàu và giúp Nga củng cố vị trí dẫn đầu trên thị trường tàu ngầm châu Á.

Các chuyên gia của Trung tâm phân tích Nga cho rằng, Nga cần tận dụng xu hướng xây dựng hạm đội tàu ngầm tại nhiều nước châu Á để không chỉ cung cấp tàu ngầm điện-diesel mà còn xây dựng cơ sở hạ tầng trên bờ cho tàu ngầm và huấn luyện thủy thủ.

Nga đang tiếp tục thực hiện chương trình dài hạn nâng cấp 10 tàu ngầm điện-diesel Projekt 877EKM cho Hải quân Ấn Độ. Từ năm 2000, trong quá trình hiện đại hóa, các tàu ngầm Projekt 877EKM của Ấn Độ đã được trang bị hệ thống Club-S. Hải quân Ấn Độ hiện có trong trang bị 5 tàu Projekt 877EKM trang bị Club-S, trong khi 1 tàu khác đang được nâng cấp.

Tháng 9/2009, hợp đồng hiện đại hóa thêm 4 tàu ngầm điện-diesel của Hải quân Ấn Độ bằng hệ thống tên lửa Club-S và tên lửa 3M-54E1 đã được ký. Tất cả các tàu ngầm Projekt 877EKM được nâng cấp đều được trang bị 6 ống phóng lôi 533 mm với 14 quả ngư lôi và 4 tên lửa siêu âm 3M-54E1 tầm bắn gần 220 km dùng để tiêu diệt tàu nổi, tàu ngầm và mục tiêu mặt đất.

Một trong những hợp đồng lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại là hợp đồng đóng 8 tàu ngầm Projekt 636 trang bị Club-S cho hải quân Trung Quốc ký tháng 5.2002, trị giá hơn 1,6 tỷ đôla. Hợp đồng này được thực hiện năm 2004-2006. Trung Quốc cũng dự định trang bị Club-S cho các tàu ngầm điện-diesel mua của Nga trước đây (2 tàu ngầm Projekt 877EKM và 2 tàu Projekt 636).

Tàu ngầm Projekt 636 là sự phát triển tiếp theo của Projekt 877EKM, song có tốc độ lớn hơn (đến 20 hải lý/h), cự ly hành trình chạy ngầm ở chế độ dùng động cơ diesel xa hơn và độ ồn thấp hơn. Hệ thống tên lửa tiến công Club-S cho phép nâng cao hiệu quả chiến đấu của tàu ngầm Projetkt 636.

Theo dự báo của TsAMTO, các đấu thủ chính trên thị trường tàu ngầm điện-diesel châu Á là Nga, Đức và Pháp. Ở một số nước đơn lẻ, Thụy Điển và Hà Lan sẽ là đối thủ cạnh tranh với 3 ông lớn trên. Hàn Quốc cũng có thể nhảy vào thị trường này bằng cách chào bán tàu ngầm điện-diesel lớp Type 209 đóng theo giấy phép của Đức.

Nga có cơ hội thắng thầu trong hàng loạt vụ đấu thầu của các nước châu Á: như Ấn Độ (Hải quân nước này đang mở thầu mua lô thứ hai gồm 6 tàu ngầm điện-diesel), Indonesia, Thái Lan và nhiều nước khác.

Các tàu ngầm lớp Kilo có biệt danh là “lỗ đen” do khả năng tránh né phát hiện, được coi là một trong những tàu ngầm điện-diesel chạy êm nhất thế giới.

Tàu ngầm này được thiết kế cho nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm và tàu nổi, trinh sát và tuần tiễu.

Tàu có lượng giãn nước 2.300 tấn, độ sâu lặn tối đa 350 m, cự ly hành trình 6.000 hải lý, thủy thủ đoàn 57 người, được trang bị 6 ống phóng lôi 533 mm.

Ít nhất đã có 29 tàu Kilo được xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Romania và Algeria.

Nguồn: rian, 3.6.2010. 

Print Print E-mail Print