Vietnamdefence.com

 

Chương trình vũ khí trang bị 2011-2020: Nga ưu tiên phòng không

VietnamDefence - Một trong các ưu tiên của chương trình vũ khí trang bị quốc gia giai đoạn 2011-2020 của Nga là phát triển các phương tiện phòng không. Nga dự kiến đẩy nhanh tái trang bị bằng các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và sau đó là S-500 từ năm 2015-2016.

Đến cuối năm 2010, quân đội Nga dự kiến có trong trang bị 8 tiểu đoàn S-400. Theo chương trình trang bị đến năm 2020, quân đội Nga sẽ nhận được gần 200 hệ thống phòng không mới các loại. Như vậy, số lượng phương tiện phòng không hiện đại trong quân đội Nga sẽ chiếm không dưới 75% vào năm 2020.

Việc đặt trọng tâm vào phát triển phương tiện phòng không là nhu cầu khách quan do Nga đang thua kém nhiều Mỹ và NATO về số lượng máy bay quân sự.

Chương trình vũ khí trang bị 2011-2020 dự kiến mua đến năm 2020 đến 500 máy bay các loại. Đây là sự đổi mới cơ bản về máy bay quân sự nếu xét đến số lượng vũ khí nhỏ giọt cung cấp cho quân đội Nga những năm gần đây.

Trong khi đó, để đánh giá tình hình một cách khách quan, cần lưu ý đến các chương trình tương tự của Mỹ và các nước NATO khác.

Theo kế hoạch chung của quân đội Mỹ về phát triển không quân giai đoạn 2011-2020, họ dự kiến mua 1.626 máy bay các loại, nhiều hơn 3 lần quân đội Nga. Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2020, quân đội Mỹ sẽ nhận được 424 máy bay không người lái (UAV) đa dụng, trinh sát và tiến công (chỉ tính các loại có trọng lượng cất cánh trên 200 kg). Tính gộp với máy bay có người lái sẽ là 2.050 máy bay.

Theo kế hoạch chung giai đoạn 2011-2020, quân đội Mỹ sẽ mua 1.128 tiêm kích và cường kích, 255 máy bay trinh sát, 102 máy bay vận tải quân sự chiến thuật và 141 máy bay tiếp dầu.

Lịch trình chuyển giao máy bay như sau: tài khóa 2011 - 107 chiếc, tài khóa 2012 - 102 chiếc, tài khóa 2013 - 132 chiếc, tài khóa 2014 - 143 chiếc, tài khóa 2015  - 187 chiếc, tài khóa 2016 - 196 chiếc, tài khóa 2017 - 192 chiếc, tài khóa 2018 - 195 chiếc, tài khóa 2019 - 188 chiếc và tài khóa 2020 - 184 chiếc

Ngoài ra, nếu cộng thêm tiềm năng của 27 nước NATO khác vốn cũng có kế hoạch mua máy bay, thì ưu thế không quân của NATO là áp đảo đối với Nga. Khi hoạch định kế hoạch phát triển dài hạn quân đội Nga, nếu tính đến các kịch bản diễn biến tình tình địa-chính trị thế giới tiêu cực có thể xảy ra, cần tính đến cả tiềm lực quân sự đang gia tăng của Trung Quốc và Nhật Bản về lĩnh vực không quân.

Cũng cần lưu ý là Nga và NATO hiện tại có những điều kiện “khởi điểm” tuyệt đối không công bằng. Không quân Nga trong gần 20 năm không nhận được máy bay mới. Những vụ mua sắm thực sự chỉ bắt đầu vài năm gần đây. Nếu xét đến những điều kiện “khởi điểm” thì tiềm lực quân sự về không quân của NATO còn áp đảo hơn nữa.

Vì thế cùng với việc phát triển lực lượng hạt nhân kiềm chế chiến lược, vũ khí chính xác cao, các hệ thống chỉ huy tự động hóa, việc đẩy nhanh trang bị vũ khí phòng không mới có ý nghĩa hàng đầu.
Đáng chú ý là trong lĩnh vực phòng không, khác với các lĩnh vực khác, Nga không dự định mua vũ khí nước ngoài.

Các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn, trung và xa của Nga có tính năng vượt xa các hệ tương tự của phương Tây, trước hết là Mỹ. Ưu thế của các hệ thống của Nga so với các loại tuwong tự của Mỹ đến các chuyên gia phương Tây cũng phải thừa nhận. Theo họ, vũ khí phòng không Nga đã đạt đến trình độ loại trừ khả năng “sống sót” của không quân Mỹ khi xảy ra xung đột quân sự.

Không thể chống nổi vũ khí phòng không Nga không chỉ là các tiêm kích hiện có (F-15, F-16,  F/A-18 và tiêm kích thế hệ 5 hạng nặng F-22) mà cả tiêm kích thế hệ 5 hạng trung F-35.

Các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 và S-400 của Nga hiện là những vũ khí phòng thủ hiệu quả nhất các mục tiêu quan trọng của các cấp lãnh đạo-chỉ huy nhà nước, quân đội, các căn cứ quân sự, cụm lực lượng, các trận địa phóng tên lửa và các mục tiêu khác chống đòn tấn công của tất cả các loại máy bay, tên lửa, kể cả tên lửa đường đạn và các phương tiện tiến công đường không khác-vũ trụ khác.

Nga đang phát triển S-500, hệ thống sẽ cho phép bảo vệ chống mọi phương tiện tiến công đường không khác-vũ trụ hiện có và tương lai của quân đội Mỹ.

Ngoài ra, Nga cũng đã bắt đầu xây dựng hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa hợp nhất.

  • Nguồn: Armstrade, 20.10.2010.

Print Print E-mail Print