Vietnamdefence.com

 

Boeing báo thù Lockheed Martin bằng tiêm kích thế hệ mới NGAD

VietnamDefence - Tập đoàn Boeing đã bắt đầu phát triển và tiếp thị 2 khái niệm tiêm kích tiến công trên hạm mới không đuôi, tàng hình, bay hành trình siêu âm để thay thế các tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Super Hornet sau năm 2025.

 

© Boeing & Tim Bicheno-Brown/Flightglobal

 
Boeing đã đệ trình 2 khái niệm tiêm kích tương lai dựa trên thiết kế của máy bay tiến công tàng hình A-12 Avenger II. Chương trình chế tạo A-12 đã bị huỷ bỏ vào năm 1991 do trội chi và các khó khăn kỹ thuật.

Tháng 6.2008, Hải quân Mỹ đã công bố các yêu cầu mới đối với chương trình tiêm kích trên hạm tiên tiến F/A-XX, theo đó sẽ phải chế tạo các biến thể máy bay chiến đấu trên hạm có và không có người lái. Sau này, chương trình được đổi tên thành NGAD (Next Generation Air Dominance - nghĩa là máy bay giành ưu thế trên không thế hệ tiếp theo). Hiện nay, chương trình này đang được Hải quân Mỹ đệ trình để Hội đồng Giám sát Liên quân (Joint Requirements Oversight Council) xem xét, thông qua.

Máy bay mới dự kiến có thiết kế kiểu không đuôi, trang bị 2 động cơ, có khả năng bay hành trình siêu âm và có áp dụng công nghệ tàng hình; cả 2 khái niệm đều có chế độ điều khiển tuỳ chọn, tức là có thể hoạt động như máy bay không người lái hoặc có người lái.

Việc khung thân máy bay mới chịu được quá tải đến 9 g cho thấy, các máy bay này thực hiện các nhiệm vụ tác chiến không-đối-không giống như F-14 của hãng Grumman (F-14 đã bị F/A-18E/F Super Hornet thay thế hoàn toàn vào năm 2006).

Dự kiến, việc xem xét các phương án sẽ bắt đầu từ cuối năm 2011, điều này có thể dẫn đến sự ra đời của các mẫu trình diễn công nghệ cạnh tranh 2 năm sau đó. Boeing có lẽ đang phát triển cả biến thể có và không người lái.

Chương trình NGAD tạo cơ hội chiến lược để Boeing tiến vào thị trường máy bay tiến công thế hệ mới của Mỹ mà tưởng như đã mất đi mãi mãi vào năm 2001 khi công ty cạnh tranh là Lockheed Martin ký được hợp đồng sản xuất máy bay F-35 Joint Strike Fighter. Như vậy, Boeing đang tập trung suy tính về loại máy bay thay thế cho Super Hornet vốn còn tồn tại ít nhất 15 năm nữa.

Boeing hiểu rằng, khách hàng tiềm năng của họ muốn có một máy bay cơ động cao, có độ bộc lộ thấp với các động cơ mạnh hơn, có khả năng bảo đảm bay hành trình siêu âm, với vũ khí lắp bên trong và các sensor được lắp trên khắp khung thân máy bay và có độ linh hoạt rất cao.

"Đây sẽ giống như F-22 trên hạm", đại diện phân hãng các hệ thống tiến công toàn cầu tiên tiến (Advanced Global Strike Systems Division) của Boeing là Dave Thieman nói.

Trong khi đó, Không quân Mỹ đã bắt tay vào nghiên cứu ban đầu việc thay thế F-22. Giống như Super Hornet, F-22 vẫn đang ở giai đoạn sản xuất loạt, nhưng Không quân Mỹ cho rằng, cần phát triển máy bay mới để thay thế nó sau năm 2025.

Nếu như tìm được nguồn kinh phí cho chương trình thì Không quân và Hải quân Mỹ sẽ được yêu cầu phối hợp phát triển máy bay chiến đấu giành ưu thế trên không thế hệ mới. Trong trường hợp đó, Không quân Mỹ có thể đòi máy bay có khung thân kích thước lớn hơn biến thể trên hạm. Tuy nhiên, cả 2 máy bay này có thể có chung dộng cơ, thiết bị trên khoang và vũ khí, Thieman nói. Ông cho rằng, nói về việc thay thế F/A-18E/F, loại được đưa vào trang bị từ năm 1999, có thể còn quá sớm, song những giai đoạn sơ khởi của quá trình mua sắm của Hải quân Mỹ đã bắt đầu vì họ cần có các máy bay thay thế sau năm 2025.

  • Nguồn: flightglobal, 7.5.10; MP, 8.5.10; lenta, 9.5.10

Print Print E-mail Print