Vietnamdefence.com

 

Gevork Vartanian: Người anh hùng thầm lặng của tình báo Xôviết

VietnamDefence - Tháng 2/2009, điệp viên kỳ cựu từng được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô Gevork Andreevich Vartanian vừa chính thức bước sang tuổi 85. Trong lịch sử tình báo Xôviết, hiếm có những điệp viên nào như vợ chồng nhà Gevork lại được giữ bí mật về hoạt động tình báo trong quá khứ của họ lâu đến như vậy.

Gevork Andreevich Vartanian

Mãi tới những ngày cuối cùng của thế kỷ XX - ngày 20/12/2000, cũng là dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống - Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) mới chính thức tiết lộ hồ sơ về gia đình điệp viên lão thành này.

Nhờ đó, người dân Nga mới biết được, Gevork cùng nhóm tình báo có mật danh "Đội kị binh nhẹ" của ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn thành công âm mưu ám sát Stalin, Churchill và Roosevelt trong Hội nghị của quân Đồng minh tại Tehran vào năm 1943…

Cha truyền con nối

Gevork sinh ngày 17/2/1924 tại thành phố Rostov trong gia đình có cha là Andrey Vartanian, một công dân Armenia gốc Iran, giám đốc một nhà máy ép dầu. Khi cả gia đình Vartanian chuyển tới sống tại Iran vào năm 1930, Gevork mới tròn 6 tuổi. Trên thực tế, cha của Gevork là một điệp viên của tình báo đối ngoại Xôviết, chuyển tới sống tại Iran theo yêu cầu của cấp trên. Ông nhanh chóng trở thành một thương gia thành đạt và nổi tiếng (chủ nhân một nhà máy sản xuất bánh kẹo) tại Iran.

Tận dụng vỏ bọc rất tốt này, Andrey đã triển khai các hoạt động tình báo hết sức tích cực: tự mình tuyển mộ, duy trì liên lạc với các nguồn tin để thu thập từ họ những tài liệu mật quan trọng. Ông gần như không bao giờ sử dụng nguồn tài chính do cấp trên cung cấp mà chỉ sử dụng tiền mình kiếm được từ kinh doanh để hoạt động tình báo. Thậm chí trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, Andrey còn thu thập một khoản tiền không nhỏ gửi về trung tâm để chi phí chế tạo thêm xe tăng.

Năm 1953, Andrey Vartanian rời Tehran quay trở lại Erevan, sau khi hoạt động cho tình báo Xôviết trong suốt 23 năm tại Iran. Cả cuộc đời của ông có thể coi là một điệp viên xuất sắc, một tấm gương yêu nước thực sự. Andrey đã giáo dục tất cả những người con của mình theo tinh thần đó. Gevork đã trở thành một điệp viên thực thụ dưới những ảnh hưởng như vậy từ người cha của mình.

Cuộc chiến vì bàn đạp chiến lược

Trên thực tế, Gevork Vartanian đã gắn kết số phận của mình với tình báo Xôviết ngay từ năm 16 tuổi, khi cậu tình nguyện tham gia vào các hoạt động liên lạc trong bộ phận tình báo tại Tehran từ tháng 2/1940. Ngoài người cha đáng kính của mình, điệp viên tài năng và đầy kinh nghiệm Ivan Agaians cũng là người có vai trò quan trọng trong việc dìu dắt Gevork trở thành một chiến sĩ tình báo thực thụ.

Gevork chính thức bước vào sự nghiệp của một điệp viên vào đúng thời điểm tại Iran đang trong bối cảnh hết sức phức tạp. Ngay trước Chiến tranh thế giới thứ hai, quốc gia này đóng một vai trò rất quan trọng trong các kế hoạch của Hitler. Ngoài đặc điểm là nguồn cung cấp dầu mỏ vô tận, Iran còn là một nút giao thông chiến lược - nằm trên lộ trình tới Afghanistan và sau đó là Ấn Độ, là nơi Hitler dự định sẽ xua quân đánh chiếm sau khi "thanh toán" xong Liên Xô.

Càng gần sát tới thời điểm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà vua Iran Reza Shah Pahlavi càng tỏ rõ xu hướng xích lại gần hơn với nước Đức phát xít, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Ngay thời điểm bắt đầu chiến tranh, tại Iran đã có gần 20 ngàn công dân Đức: từ các chuyên gia quân sự, điệp viên công khai lẫn bí mật, thương gia, kỹ sư,...

Thông qua mạng lưới điệp viên sâu rộng của mình, Hitler đã có được một ảnh hưởng rất lớn lên các quan chức chính trị, quân đội và cảnh sát nước này. Dù vậy, sau khi Đức chính thức yêu cầu Iran phải gia nhập liên minh phát xít, Hội đồng quân sự tối cao của nước này vẫn kiên quyết từ chối với lý do theo đuổi chính sách trung lập, bất chấp sự do dự của Vua Pahlavi. Trong bối cảnh như vậy, chỉ huy Cơ quan Tình báo quân sự  Đức phát xít - đô đốc Canaris - đã bí mật tới Iran để trực tiếp chuẩn bị một vụ đảo chính.

Cần nói thêm là bản thân Iran cũng có một vị trí địa lý hết sức quan trọng đối với Liên Xô. Việc phát xít Đức chiếm được Nauy và quần đảo Spitzbergen đã phong tỏa đáng kể mọi tuyến đường biển tới các cảng phía bắc Liên Xô. Iran với vị thế cánh cửa mở ra vịnh Pecxich cùng với hệ thống đường sắt rộng khắp sẽ là tuyến đường chiến lược để cung cấp hàng hóa tiếp tế phục vụ cho chiến tranh đối với Liên Xô.

Moskva tất nhiên không thể ngồi yên nhìn Iran rơi vào tay phát xít Đức. Đến tháng 9/1941, Liên Xô và Anh đã phối hợp đưa quân vào quốc gia này. Chiến dịch quân sự của quân Đồng minh không gây tổn hại đáng kể nào cho mạng lưới gián điệp của Đức tại Iran. Chúng thậm chí còn tiếp tục lợi dụng lãnh thổ nước này để làm bàn đạp cho các hoạt động phá hoại ngay trên đất Liên Xô.

Bộ phận tình báo Xôviết tại Iran - đứng đầu chính là điệp viên Ivan Agaians - đã được lệnh tập trung cho nhiệm vụ ưu tiên là xây dựng một mạng lưới tình báo đủ mạnh để có thể phát hiện làm rõ điệp viên của các cơ quan tình báo nước ngoài, các tổ chức thù địch với Liên Xô, ngăn ngừa những hành động phá hoại nhằm vào các hoạt động của Liên Xô tại Iran.

Bắt đầu sự nghiệp tình báo

Nhiệm vụ chính thức đầu tiên được giao phó cho Gevork (có mật danh là Amir) là chọn lọc và xây dựng một nhóm bạn đồng lứa tin cậy để giúp đỡ các đồng nghiệp trong hoạt động tình báo, cũng như theo dõi tay chân của phát xít Đức tại Iran. Ban đầu, cậu đã tuyển mộ được 7 người bạn trẻ trong quá khứ cũng xuất thân từ Liên Xô, có tinh thần yêu nước, sẵn sàng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.

Nhóm điệp viên trẻ của Amir được thành lập mà hầu như không được qua đào tạo một chút nào về nghiệp vụ, tất cả chỉ được tự học hỏi và rút kinh nghiệm dần trong quá trình hoạt động. Trong giai đoạn đầu, nhóm được các điệp viên Xôviết kỳ cựu tại Iran gọi đùa là "Kị binh nhẹ", cái tên về sau đã gắn liền với họ trong suốt nhiều năm hoạt động sau đó.

Khó có thể kể hết những chiến công mà nhóm "Kị binh nhẹ" đã đóng góp cho tình báo Xôviết tại Iran. Đáng chú ý có vụ điều tra về một gián điệp của Đức được mệnh danh là "Dược sĩ". Theo các nguồn tin tình báo, tên này thường xuyên có nhiều cuộc gặp quan trọng với các đại diện quan chức quân sự cao cấp của Iran để thu thập nhiều thông tin quan trọng. Việc theo dõi ban đầu không thể giúp tìm ra bất cứ bằng chứng nào - tên này hàng giờ chỉ lang thang khắp Tehran, nếu không dạo chơi ngoài chợ thì lại ngồi uống trà một mình. Trọng trách điều tra được giao cho nhóm của Amir với nhiệm vụ không được rời mắt khỏi "Dược sĩ".

Hai vợ chồng điệp viên Goar và Gevork (ảnh chụp những năm 40)

Theo nhận định của Amir, nhóm cần tập trung vào việc làm rõ, tên gián điệp của Đức thường làm gì tại nhà, đặc biệt vào các buổi sáng, trước khi rời khỏi nhà đi lang thang khắp thành phố. Một lần tình cờ từ gác mái của ngôi nhà bên cạnh, các điệp viên trẻ quan sát thấy hai nhân vật giống nhau như hai giọt nước cùng ngồi uống trà bên chiếc bàn trong nhà. Hóa ra bọn Đức đã sử dụng hai anh em sinh đôi để che giấu hoạt động của mình - một tên công khai đi ra ngoài trước để thu hút sự theo dõi, trong khi tên thứ hai chính là "Dược sĩ" có thể bình thản ra ngoài gặp gỡ với các nguồn tin của hắn.

Mọi chuyện còn lại tiếp sau chỉ là vấn đề kỹ thuật, giúp cho nhóm "Kị binh nhẹ" nhanh chóng lần ra toàn bộ đường dây của hắn. Có thể thấy tính hiệu quả của nhóm tình báo do Amir đứng đầu nếu biết rằng, chỉ trong 2 năm đầu tiên hoạt động, nhóm đã giúp xác định rõ không dưới 400 người có quan hệ với các cơ quan mật vụ phát xít hay không.

Học viên trường tình báo của Anh

Vào năm 1942, Amir lại được giao một nhiệm vụ tình báo đặc biệt khác. Vấn đề là ngay trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Anh dù là đồng minh của Liên Xô nhưng vẫn không từ bỏ mọi cơ hội hoạt động tình báo phá hoại đối với Moskva. Bộ phận của tình báo Xôviết tại Iran biết được, người Anh đã bí mật xây dựng tại Tehran một trường đào tạo tình báo, tuyển mộ những thanh niên trẻ biết tiếng Nga, sau đó tung sang hoạt động tại các nước cộng hòa vùng Trung Á và Zakavkaz thuộc Liên Xô.

Theo chỉ thị của trên, Amir cùng nhiều thành viên nhóm "Kị binh nhẹ" đã tìm cách được tuyển mộ làm học viên của trường này, thu thập mọi thông tin chi tiết về nó cũng như tất cả các học viên tại đây. Nhờ đó, hầu hết những học viên của trường này sau khi được tung vào Liên Xô đều bị vô hiệu hóa hay tuyển mộ lại để hoạt động dưới sự chỉ đạo của Cơ quan Phản gián Xôviết.

Một thời gian sau, ngôi trường trên bị giải thể do phía Liên Xô phản đối trò chơi không đẹp của Anh. Cần nói thêm là trong vòng nửa năm là học viên của người Anh, Amir đã được đào tạo khá căn bản về các kỹ năng hoạt động tình báo: hoạt động tuyển mộ, tổ chức hộp thư mật, mật mã, cách duy trì liên lạc, cách phòng tránh và phát hiện theo dõi,... - tất cả đều hết sức có ích cho quãng đời hoạt động tình báo sau này của ông.

Người bạn đời - Người đồng chí

Một trong những thành viên tích cực của nhóm Amir ngay từ những ngày đầu hoạt động chính là Oganes, cũng là người bạn thân của ông. Thông qua Oganes, Amir đã quen biết và yêu cô em gái Goar của bạn mình. Đến năm 1942, Amir chính thức tuyển mộ Goar vào hoạt động cho nhóm "Kị binh nhẹ". Thực tế cho thấy, ông đã không nhìn nhầm người. Sự nhạy cảm, sáng suốt, thông minh và nhiều năng khiếu bẩm sinh đã giúp cho cô gái trở thành một cố vấn thực sự đối với các chiến sĩ tình báo trẻ về các vấn đề an ninh và những biện pháp phòng ngừa.

Có lần, Amir bị cảnh sát mật Iran bắt giữ vì có liên quan tới hoạt động của một vài đồng đội trong nhóm. Goar chính là người đã thường xuyên vào tù thăm nom, động viên và cung cấp cho ông nhiều thông tin quan trọng để giúp ông có thể đối phó hiệu quả với những đòn tra của cảnh sát. Cũng nhờ sự vận động đặc biệt của cha mình (đã trở thành một thương gia nổi tiếng tại Iran), Amir đã được trả tự do sau 3 tháng bị giam giữ. Với tình yêu được nảy nở và thử thách qua những tháng năm hoạt động, Goar và Gevork chính thức tổ chức hôn lễ vào ngày 30/6/1946 tại Tehran, và còn cùng nhau hoạt động tại Iran thêm 6 năm nữa.

Vai trò trong chiến dịch "cú nhảy dài"

Công chúng giờ đây đều đã biết về âm mưu của Hitler nhằm tiêu diệt ba nguyên thủ của phe đồng minh tại Hội nghị Thượng đỉnh Tehran năm 1943 trong khuôn khổ chiến dịch có tên "Cú nhảy dài". Hitler đã trực tiếp giao nhiệm vụ này cho tay chân thân tín Otto Scorceni. Theo kế hoạch, một nhóm tiên phong gồm 6 biệt kích sẽ nhảy dù xuống thành phố Kum (cách Tehran 70 km), trước khi xâm nhập vào Tehran, chuẩn bị các điều kiện cho nhóm biệt kích chính sẽ do chính Scorceni dẫn đầu đổ bộ xuống.

Trong suốt 2 tuần, nhóm biệt kích này đã vận chuyển được một số lượng lớn vũ khí và đạn dược tới Tehran, giấu trong một biệt thự bí mật của tình báo Đức. "Kị binh nhẹ" chính là bộ phận đầu tiên đã khai thác được thông tin về vụ nhảy dù và xác định được nơi ẩn náu của nhóm biệt kích trên, nhờ đó cả 6 tên đã nhanh chóng bị bắt. Khi biết được thất bại của nhóm tiền trạm, Berlin đã quyết định từ bỏ ngay lập tức kế hoạch "Cú nhảy xa". Theo bà Goar sau này kể lại, cả nhóm "Kị binh nhẹ" đã phải lang thang khắp Tehran từ 14-16 tiếng mỗi ngày để tìm ra những tên điện đài viên liên lạc trong nhóm biệt kích.

Những năm tháng hoạt động không mệt mỏi

Nhóm "Kị binh nhẹ" tiếp tục hoạt động hiệu quả tại Iran cho đến tháng 4/1949. Năm 1951, vợ chồng Gevork đề nghị trung tâm tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ. Cả hai tu nghiệp tại khoa ngoại ngữ Trường đại học Tổng hợp Erevan. Sau thời điểm này, hai vợ chồng Gevork lại tiếp tục sát cánh trong những chuyến công tác nước ngoài liên tục hơn 30 năm nữa. Họ quay trở về quê hương sau chuyến công tác cuối cùng vào mùa thu năm 1986. Vài tháng sau, Goar nghỉ hưu, còn Gevork tiếp tục phục vụ cho đến năm 1992.

Ngay cả khi đã nghỉ hưu, Gevork vẫn tích cực hợp tác với SVR - gặp gỡ và tham gia đào tạo các nhân viên tình báo trẻ tuổi để truyền đạt cho họ những kinh nghiệm quý báu của mình. Gevork Vartanian còn là điệp viên Xôviết đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những hoạt động trong thời bình

  • Nguồn: ANTG, 02.04.2009.

Print Print E-mail Print