Vietnamdefence.com

 

Hoa hậu là nhà báo và điệp báo

VietnamDefence - Thoát ly gia đình từ Hà Nội vào Sài Gòn hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên từ năm 1950-1951, Thu Trang được phân vào tổ công tác của Ban Tình báo Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định gồm có 4 người do đồng chí Năm Tú - Trần Thanh Vân làm tổ trưởng, đồng chí Hai Tắc - Trần Kim Lang; một liên lạc viên là chị Tư Nga...

Hoa hậu Thu Trang năm 1955

Nhà báo trở thành hoa hậu

Năm 1955, lần đầu tiên  tại Sài Gòn có tổ chức  cuộc thi Hoa hậu ở rạp chiếu bóng Lido trong khu vực Chợ Lớn. Có khoảng 30 thí sinh tham dự và ngôi vị hoa hậu thuộc về cô Thu Trang là nữ ký giả của làng báo miền Nam. Á hậu 1 là sinh viên Nguyễn Thị Ninh, người miền Bắc di cư và Á hậu thứ 2 tên là Ngô Yên Thi, người miền Nam. Cô Thu Trang, người gốc Hà Nội, sinh năm 1932, vào Sài Gòn năm 1950. Năm dự thi Hoa hậu, Thu Trang 23 tuổi, có chiều cao 1,61m, nặng 53kg, số đo vòng 1: 86; vòng 2: 62 và vòng 3: 88.

Thời đó không có thi mặc áo tắm. Bọn chúng tôi thời đó còn là học sinh Trường trung học Chu Văn An cũng náo nức mua vé đi xem những người đẹp đi thi. Cô Thu Trang chiếm ngôi Hoa hậu thật xứng đáng, cô có khuôn mặt rất xinh và hiền hậu, dáng người lại cao, thân hình đầy đặn, thon thả mà thời đó ít  người phụ nữ nào có được.

Vào năm 1954, ít ai biết Thu Trang viết báo với bút hiệu Thanh Tâm hay Nguyễn Huyền Thu... trên các báo Tân Văn, Cần học, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống... với đủ thể loại từ thơ đến truyện ngắn, truyện dài... Sau cuộc thi Hoa hậu, hình ảnh Hoa hậu Thu Trang được nhiều báo miền Nam đăng ảnh và viết bài khen ngợi. Tuy nhiên, khi đó ít ai biết rõ lý lịch tên thật của Thu Trang là gì? Và người ta cũng không quan tâm tìm hiểu lý lịch đời tư của Thu Trang mà chỉ khen ngợi Thu Trang đẹp toàn vẹn.

Để tuyên truyền cho chính sách chống Cộng sản miền Bắc, người Mỹ đã đưa một nhóm cố vấn kỹ thuật điện ảnh Philippines sang Sài Gòn để cùng chính quyền Sài Gòn hoàn thành một cuốn phim lấy tên là "Chúng tôi muốn sống". Truyện phim do Vĩnh Noãn viết và dàn dựng, các tài tử chính gồm Lê Quỳnh, Mai Trâm và một vai nữ phụ - họ tuyển Hoa hậu vừa đăng quang Thu Trang. Phim do Cơ quan Viện trợ Mỹ đài thọ, thực chất là CIA chỉ đạo sau lưng. Phim "Chúng tôi muốn sống" cuối năm 1956 được hoàn thành và công chiếu. Chúng tôi thời đó còn là học sinh trung học, chưa ý thức chính trị gì nên chỉ thích cô Thu Trang đẹp hơn cô Mai Trâm đóng vai chính.

Những năm sau đó cô Thu Trang còn được mời đóng vai chính Kiều Nguyệt Nga trong phim "Lục Vân Tiên" sản xuất năm 1959. Đây là phim màu đầu tiên của miền Nam và đã được tham dự Đại hội Điện ảnh Á châu tại Tokyo, Nhật Bản. Nhưng rất tiếc phim "Lục Vân Tiên" sau đó không thấy chiếu tại miền Nam, không rõ vì lý do gì? Sau đó, Thu Trang còn được Hãng phim Mỹ Phương mời đóng phim "Lòng nhân đạo", nhưng Thu Trang đã từ chối.

Sở dĩ cô Thu Trang nhận đóng phim "Lục Vân Tiên" vì viết kịch bản và vai trò đạo diễn do Tống Ngọc Hạp đảm trách - người đang làm cho Cơ quan Viện trợ văn hóa Mỹ tại Sài Gòn. Vì vậy Thu Trang phải kết thân với Tống  Ngọc Hạp để có mục đích riêng mà chỉ có Thu Trang mới biết. Cũng vì chuyện "kết thân" với Tống Ngọc Hạp nên báo chí Sài Gòn thời đó đã thêu dệt nhiều giai thoại về những cuộc "hẹn hò" giữa Hoa hậu Thu Trang với Tống Ngọc Hạp mà các báo thi nhau viết bài để câu độc giả.

Người đẹp đi tây

Chuyện về Hoa hậu Thu Trang với đạo diễn Tống Ngọc Hạp rồi cũng qua đi, sau đó giữa Tống Ngọc Hạp và Thu Trang không còn liên hệ gì với nhau nữa. Đầu năm 1960, Thu Trang lại kết giao với ông Nguyễn Lương là Bộ trưởng Tài chính của chế độ Ngô Đình Diệm. Ông vừa góa vợ trước đó không lâu. Nhưng bất ngờ vào đầu tháng 11/1960, Thu Trang xuất ngoại  sang Pháp nói là đi đóng phim do Đài Truyền hình Pháp mời.

Mãi sau này, năm 1999 anh Hoàng Văn Phúc (là em ruột vợ Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ chế độ nhà Ngô) đã kể cho tôi về sự ra đi bất ngờ của Thu Trang như sau: Vào một buổi chiều năm 1960, ông Nguyễn Lương có gọi điện thoại cho Tuyến và hỏi viên tài xế lái xe cho ông và Thu Trang tại sao bị mất tích mấy ngày nay? Có phải cơ quan an ninh đã bắt không?

Trần Kim Tuyến điện thoại sang Ty Công an do Dương Văn Hiếu điều hành hỏi thì Hiếu trả lời: Họ có bắt viên tài xế của Nguyễn Lương vì tên này là “Việt Cộng”. Khi Tuyến cho Nguyễn Lương biết sự việc như trên thì mấy tuần sau Thu Trang xuất ngoại “do cô ấy sợ liên lụy”, bởi viên tài xế là do Thu Trang đưa vào làm lái xe cho Nguyễn Lương.

Sang Pháp chờ mấy tháng trời mà cuốn phim Đài Truyền hình Pháp không thực hiện được, mặc dù đã có giấy giới thiệu của Bộ Thông tin chính quyền Sài Gòn gửi kèm. Việc đóng phim không thành, Thu Trang ghi tên vào học École pratique des Hautes Eátudes: Section des Sciences historiques et philologique, (Ban Cao học về lịch sử và ngữ văn). Trường này thuộc Đại học Sorbone, một trường đại học nổi tiếng của nước Pháp.

Để trang trải cho cuộc sống, Thu Trang phải làm thông dịch tiếng Anh cho một mỹ viện tại Paris, ngoài giờ còn dạy kèm tiếng Anh cho mấy học sinh nhỏ tuổi. Đến năm 1967, Thu Trang tốt nghiệp cao học. Sau đó Thu Trang tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, và đã thành đạt với văn bằng Tiến sĩ Đệ tam cấp của Đại học Paris VII.

Trong thời gian theo học, Thu Trang đã kết thân với nhóm sinh viên Việt và Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Sau đó, Thu Trang kết hôn với một người Pháp là bác sĩ nha khoa tại Paris.

Tự bạch những ngày hoạt động công tác điệp báo

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Tòa đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Paris được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam tiếp quản. Đại sứ Phạm Văn Ba khi đọc hồ sơ của Tòa đại sứ thấy ghi: “Công Thị Nghĩa” - tức nữ minh tinh Thu Trang là Việt Cộng nằm vùng.

Còn phần cô Thu Trang thì trong hồi ký của cô đã thuật lại, tóm tắt như sau: Cô thoát ly gia đình từ Hà Nội vào Sài Gòn hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên từ năm 1950-1951, trong tổ công tác của Ban Tình báo Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định gồm có 4 người do đồng chí Năm Tú - Trần Thanh Vân làm tổ trưởng, đồng chí Hai Tắc - Trần Kim Lang; một liên lạc viên là chị Tư Nga.

Trong bốn người, Thu Trang là người ít tuổi nhất, mang bí danh là Tư Nghĩa. Thời gian này, cô bí mật nhiều lần lên Bến Cát, Tân Uyên để dự lớp huấn luyện về công tác nội thành. Năm 1952 thì Thu Trang bị Phòng Nhì Pháp bắt và đem về giam tại khám Gia Định rồi về khám lớn Sài Gòn (cùng bị bắt giam chung lúc đó có các đồng chí Nguyễn Thị Bình và đồng chí Đỗ Duy Liên).

Về tới bót Catinat, tôi bị hỏi cung mấy câu về tên thật của anh Hai, về chị Tư liên lạc. Tất nhiên là tôi trả lời không biết. Thực sự là khi giải phóng tôi mới rõ chị đã lấy tên anh là bác sĩ Trần Văn Ngà.

Chúng dẫn anh Hai tới. Mặt mày anh Hai thâm tím, máu đọng ở mép và ngồi xệp trên đất. Nhìn thấy anh Hai làm tôi sững sờ. Ba bốn tên lực lưỡng áp lại đánh tôi túi bụi, và nói: Mày chối nữa đi. Chỉ huy của mày đó. Khai ra hết, không thì “cho đi máy bay” thấy mẹ! (“máy bay” là lối tra tấn dã man: nạn nhân bị trói hai tay có khi ngược lại là hai chân, treo lên quay vòng rồi cho rớt xuống đất, có khi bị gãy xương, hoặc vỡ đầu, xương sườn, xương sống v.v...).

Tên cảnh sát bước vào hỏi anh Hai:

- Phải con nhỏ này không?

- Không biết. Tôi không nhớ.

- Gì? Mày nói lại đi. Tụi bay, cho thằng này chút điện nữa đi.

Một thoáng anh Hai bị còng chân vào một thanh sắt to như cổ tay. Chúng bắt điện vào và người anh bị giật tung lên, ngã xuống. Anh quằn quại rên la, mặt anh tím ngắt và tôi tưởng anh sắp chết tới nơi.

Tôi nghẹn ngào quay mặt, không dám nhìn anh nữa. Đầu óc tôi bấn loạn vì hàng trăm câu hỏi dồn dập. Mình sẽ ăn nói sao đây? Có bị tra tấn như anh?... Tôi bỗng giật mình nghe tên cảnh sát la lớn:

- Nói đi, con nhỏ này là ai? Nó làm gì cho mày. Làm liên lạc hả?

Tên cò gật gù. Có lẽ hắn chỉ cần anh Hai nhận là biết tôi.

Tôi điếng người và ghi nhanh trong óc: làm liên lạc. Như vậy là hai chữ điệp viên chưa bị lộ. Anh Hai chắc chưa khai gì. Tôi nghĩ nhanh về điều này, nhìn anh gần ngất nằm co dưới sàn gạch, tôi vừa thương vừa lo sợ. Tên cò mặt hầm hầm đi qua đi lại và hất hàm ra lệnh mở còng chân anh Hai và đưa anh ra khỏi phòng. Thấy anh đi không vững, hai tên xốc nách anh, tôi muốn khóc.

Bọn nó đứa nào đứa nấy nhìn tôi như bầy thú rình mồi. Trong tôi chỉ còn nghĩ được ý duy nhất anh Hai khai tôi làm liên lạc. Tôi bám vào ba chữ ấy và chưa biết sẽ khai thế nào cho hợp lý. Tên cảnh sát hất hàm và tôi bị một cái tát đổ đom đóm:

- Làm gì cho Việt Minh? Nói đi.

- Làm liên lạc.

- Ở đây, đi đâu? Đưa ai vô khu? Ở đâu?

Những câu hỏi tới tấp giăng quanh tôi, bọn chúng ba bốn tên tra tấn tôi, mặt mày như quỷ dữ. Tôi lắp bắp trả lời:

- Dạ không đi khu.

- Vậy đi đâu?

- Ở Sài Gòn thôi.

- Đánh chết nó đi! Làm liên lạc mà ở Sài Gòn hả?

- Dạ, dạ, dạ... Liên lạc với ông tướng Nguyễn Văn Th.

Tên cảnh sát có vẻ ngạc nhiên, hắn nhìn tôi hỏi lại:

- Ổng quen mày?

- Dạ, quen nhiều.

- Ổng làm chi, nói bậy chết nghe - Dạ, ổng theo ông De Lattre đi đánh ngoài Bắc...

Tên cảnh sát hơi khựng lại. Hắn bắt đầu có vẻ bán tin bán nghi, vì tôi đã nói đúng như báo đã đăng tin cách đó ít lâu. Tôi quen với ông ta thật, và trong lúc hốt hoảng nói đại ra với tia hy vọng vu vơ, như người ngã xuống sông gần chết đuối, vớ lấy bất cứ gì trước mặt.

Bọn mấy tên tra tấn ra khỏi phòng lúc nào tôi không để ý. Tên cò ra hiệu cho tôi lại ngồi trước mặt hắn. Hắn ngồi sau bàn và mở gói thuốc ra hút.  Hắn nhìn tôi và nói giọng khác đi:

- Con nhỏ ngộ quá chớ. Ê! Mày là “mèo” của ổng?  (thời ấy trong giới bình dân hay dùng chữ mèo chuột để chỉ những tình nhân).

- Dạ, quen thân vậy thôi.

- Đừng có giấu, nếu thiệt thì tao nhắn ổng vô, dám không?

 Tôi ngập ngừng, trả lời nước đôi:

- Dạ tùy ông, nếu ổng không có ở Sài Gòn thì sao. Ổng đi đánh hoài ở ngoài Bắc. Mấy tháng nay tôi không gặp.

- Vậy mày gặp ổng bao nhiêu lần? Làm chi, nói nghe coi!

- Dạ, đi ăn cơm Tây, đi nhảy đầm với bạn của ổng. Có lần có ông Trịnh Minh Th.

- Mấy ổng nói chuyện chi?

- Đủ thứ hết, tôi không hiểu.

- Mày làm liên lạc cho thằng Hai đó quen ổng hả?

Tự nhiên hắn nghĩ ra điều này. Tôi nhận hay không? Nếu nó hỏi anh Hai thì sao? Có lợi hại gì? Tôi không trả lời và nói lảng:

- Dạ ổng khó tính lắm. Tôi chưa hỏi vụ đó.

Tôi giật mình khi hắn gọi to:

- Tụi bay, cho con nhỏ này “đi tàu ngầm”. Nó nói loanh quanh không hà.

Tức khắc tôi bị lôi sang phòng kế bên. Chúng ra lệnh cho tôi cởi hết quần áo, rồi trói tôi lên một tấm ván dài, buộc một miếng giẻ trên miệng rồi lấy nước đổ từ từ vào hai lỗ mũi. Tên cò đứng cạnh đó. Hắn nhấn mạnh:

- Nói thiệt đi, nếu không thì còn được đi máy bay nữa.

Tôi cảm thấy từng giọt nước chạy xuống mũi, xuống cổ ngột ngạt  kinh khủng, cảm giác tê dại nghẹt thở. Tôi vẫy vùng, ú ớ. Một lúc sau bụng tôi trương lên, óc ách đầy nước. Chúng nhìn tôi ra dấu gì tôi không rõ, mắt tôi mờ đi và thình lình tôi cảm thấy nước trào lên đau đớn cùng cực vì những cú đấm trên bụng. Tôi ngất đi và không rõ bao lâu tôi tỉnh lại thấy mình nằm trên sàn gạch, trần truồng và run lên vì lạnh, vì đau ê ẩm khắp người. Tôi khóc thành tiếng nức nở. Có một tên bước vào:

- À, ngủ dậy rồi. Bận quần áo đi, xuống khám (phòng giam phụ nữ phía sau bót Catinat).

Qua mấy lần bị tra khảo Thu Trang chỉ nhận là làm liên lạc viên nội thành, còn hai chữ điệp viên không khai ra. Đến đầu năm 1953, chúng đưa Thu Trang và một số người cùng bị bắt lúc đó ra tòa án để xử. Rất may, có luật sư Nguyễn Hữu Thọ tận tình bào chữa nên Thu Trang được trả tự do. Ra khỏi tù, Thu Trang tiếp tục đi học thêm sinh ngữ Pháp, Anh chờ dịp móc nối liên lạc với tổ chức.

Nhân năm 1955 có cuộc thi hoa hậu, Thu Trang nảy ý định tìm một vỏ bọc để che mắt an ninh mật vụ nên Thu Trang đã tham gia cuộc thi. Tiếp sau đó, Thu Trang còn luồn sâu vào cơ quan văn hóa của Mỹ nên Thu Trang nhận đóng một vai nữ cán bộ Việt Minh trong phim "Chúng tôi muốn sống".

Rồi tiếp theo, Thu Trang kết thân với Tống Ngọc Hạp, Nguyễn Lương... cũng vì mục đích để tiếp cận những nhân vật này để Thu Trang hoàn thành những công việc mà tổ chức do đồng chí Lý Hải Châu lãnh đạo giao phó cho cô. Đến khi công tác bị hé lộ vì viên tài xế làm liên lạc của cô bị bắt nên Thu Trang phải cấp tốc rời Sài Gòn để bảo toàn công tác. Khi tới Pháp, tuy mang danh là sinh viên nhưng Thu Trang vẫn tiếp tục nhiệm vụ cách mạng giao phó.

Năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, việc học hành đã hoàn tất, gia đình hạnh phúc, Thu Trang đã làm Tổng thư ký Hội Khoa học xã hội ba khóa liên tiếp tại Pháp, và hiện nay là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp. Ngoài ra, Thu Trang còn viết tác phẩm "Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Paris 1917-1923”), do NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2000 (bản chữ Pháp do NXB Harmattan, Paris ấn hành năm 1992).

(Trích dẫn và tham khảo thêm của Hồi ký Thu Trang và tư liệu của Q.Dao - Mai Thế Phú - Hoàng Hà)

  • Nguồn: ANTG, 28.06.2009

 

Print Print E-mail Print