VietnamDefence -
Thomas Edward Lawrence (1888-1935), sĩ quan tình báo quân sự Anh, kiêm nhà khảo cổ và nhà văn Anh, có biệt danh "Lawrence of Arabia", tức "Lawrence của xứ Arabia".
|
T.E. Lawrence - Lawrence of Arabia
|
Buổi chiều đó ở Cairô rất ngột ngạt và các vị khách đến dự buổi chiêu đãi ngoại giao tiếp theo do tướng Clayton, trưởng phái bộ quân sự Anh - Phòng Arập, tổ chức, đang nóng ruột chờ đợi được biến khỏi khách sạn mà không làm mếch lòng vị chủ nhân tinh mắt.
Những người Anh và Pháp có mặt tại buổi chiêu đãi - những đồng minh trong cuộc chiến tranh thế giới vừa bùng nổ là những đồng minh khá chân thành trong các vấn đề liên quan đến chiến trường châu Âu. Nhưng ở đây, tại thế giới Arập ở phương Đông này, ngai vàng Anh chẳng cần có đồng minh. Đế chế Anh cần các thuộc địa. Và nó chẳng muốn chia xẻ chúng với ai. Bởi vậy, những người phụ nữ có vẻ là nhàn tản nhất trong bữa tiệc ngột ngạt này. Mặc dù, cũng chẳng phải là tất cả...Vào buổi chiều ấy, nữ hầu tước Margarit d'Anduren, người luôn khiến những "chàng hiệp sĩ" thuộc đủ lứa tuổi tôn sùng không chỉ bởi nét kiều diễm của mình mà cả vì bà ta coi thường tính thiêng liêng của hôn nhân, hình như đang rất lo nghĩ về điều gì đó. Bà ta tới dự tiệc mà không có chồng đi theo. Hơn nữa, hầu tước Pierre d'Anduren, người đã đem đến cho vợ mình không chỉ tước vị quý tộc mà cả một tài sản khá lớn, đã từ lâu chả thèm quan tâm đến những trò nghịch ngợm của bà ta. Chiến tranh đã buộc họ phải ở lại Ai Cập trong kỳ nghỉ tuần trăng mật và hầu tước thì chẳng hề vội vã trở về quê hương mình. Margarit cũng chẳng vội về Paris bởi vì bộ sưu tập những kẻ ái mộ của bà đã bổ sung thêm một người nữa, lần này là một sĩ quan Anh trẻ trung.
Anh ta đứng trong góc phòng, tay cầm chiếc ly đại chân cao đầy nước khoáng trong đó bập bềnh mấy cục đá. Mái tóc vàng bồng bềnh trên vầng trán cao, đôi mắt xanh, khô khan, gương mặt cạo nhẵn nhụi. Nhưng Margarit có lẽ đã hiểu rằng, chẳng thể cưỡng nổi vẻ quyến rũ kỳ lạ đầy mê hoặc trong giọng nói của con người này. Chờ cho đến khi đám đông những dại gái tản đi khỏi nữ hầu tước, anh ta lại gần bà với gương mặt rầu rĩ, kiểu cách nghiêng mình và khẽ lẩm nhẩm: "Tôi đợi bà trong phòng ở tầng hai".
... Đây là cuộc hò hẹn kỳ lạ nhất trong cuộc đời đầy những chuyến phiêu lưu tình ái của Margarit. Viên sĩ quan nói rất đơn giản cứ như họ đã quen nhau từ nhiều năm nay và đã nhiều lần đề cập đến việc này: "Thưa bà hầu tước thân mến, bà hãy giúp nước Anh. Chúng tôi rất cần bà làm quen với Pasa (tổng trấn) Said. Ngày mai, tướng Clayton sẽ tiếp bà. Chúng ta sẽ không trả miếng nhau. Bà đồng ý chứ?"
|
T.E. Lawrence - Lawrence of Arabia
|
Không, quả thực bà đã không thể cưỡng nổi vẻ quyến rũ kỳ lạ đầy mê hoặc trong giọng nói của con người này và đã đồng ý. Vài tháng sau, nữ hầu tước Margarit d'Anduren đã trở thành tình nhân của một trong các thủ lĩnh các bộ lạc Arập và bắt đầu cung cấp tin tức cần thiết. Nhân viên tình báo quân sự Anh Lawrence đã nhận được lời cảm ơn từ London vì lần tuyển mộ thành công mới này. Đây là vụ tuyển mộ có lẽ thuộc loại khó nhất đối với ông ta. Lawrence rất không ưa phụ nữ. Ông ta không yêu họ trong suốt đời mình...
Về ông, người ta đã viết những cuốn sách, dựng những bộ phim, đưa ra những nhận xét trái ngược nhau, trong đó "thiên tài" đối nghịch với người đối lập với tính "quỷ quyệt" hèn hạ đặc trưng. Hơn nữa, đến Jago của Shaekspeare cũng bị người ta gọi là "thiên tài của cái ác". Tất cả phụ thuộc vào việc tài năng con người nhằm phục vụ cái gì, việc gì và mục đích nào, cái thiện hay cái ác, sự thật hay giả dối.
Lawrence là một nhà tình báo quân sự xuất chúng vào thời của mình. Ông rất giỏi tiếng Arập và các thổ ngữ của nhiều bộ lạc Beduin, nghiên cứu không chỉ phong tục, tập quán mà cả tín ngưỡng của họ. Ngay từ trước Thế chiến I, ông đã đi khắp thế giới Arập, thiết lập những mối liên hệ chặt chẽ với những thủ lĩnh của các bộ lạc Arập lớn nhất, hiểu rõ như lòng bàn tay những điểm yếu của họ nhờ đó ông đã đứng trong hàng ngũ tiên phong của những người tổ chức nổi dậy của người Arập. Đế quốc Anh chính là cần có một diễn viên như vậy trên sân khấu của chiến trường Arập.
Điều gì đã gắn bó quân lính Anh với một đầu cầu bất tiện như vậy, nơi họ phải không chỉ đánh nhau mà còn phải chi nhiều tiền để xây dựng đường sá và căn cứ? Trước hết, đó là vì ý nghĩa chiến lược của khu vực này. Vùng này có các đường sắt Hejas và Damas chạy qua - đó là những tuyến đường hậu cần huyết mạch cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng kênh đào Suez. Sử dụng lính chính quy, bị phụ thuộc vào các căn cứ, để đánh nhau với người Thổ là một điều rất bất tiện. Cần phải có các đơn vị cơ động nhỏ thạo di chuyển đường dài trong sa mạc không bóng người và có khả năng xuất hiện bất ngờ trong hậu phương quân Thổ, phá hoại các tuyến đường sắt. Do đó, bộ tổng tham mưu Anh mới nảy ra ý định lợi dụng tâm trạng chống Thổ của người Arập, thậm chí tập hợp họ vào những đơn vị khởi nghĩa chiến đấu lưu động. Điều đó phải trông chờ vào người nào có thể giành được sự tín nhiệm của các thủ lĩnh bộ lạc Arập hám tiền và bất lương và lái hành động của họ vào một hướng thống nhất mà đế quốc Anh đang cần để đánh Thổ Nhĩ Kỳ bằng tay người khác mà không không phải rút bớt lực lượng từ mặt trận phía Tây.
***
Chúng ta sẽ tìm kiếm kỹ càng trong tiểu sử của Lawrence những nét tính cách siêu nhân nào đó, những điều được các nhà nghiên cứu phương Tây nghiên cứu sự nghiệp của "siêu điệp viên" Anh này thích tô vẽ. Chúng ta sẽ chỉ ra tính hám danh quá đáng đến cùng cực, sự giả nhân giả nghĩa, khuynh hướng thích mạo hiểm và sự gàn bướng hiếm có ở con người này. Chúng ta vạch ra chỉ để hiểu rõ hơn cái kính vạn hoa của những cảnh ngộ éo le của cuộc đời mà Lawrence đã trải qua. Khác với nhiều đồng nghiệp của mình, ông ta thờ ơ không chỉ đối với phụ nữ mà cả với tiền bạc.
Thomas Edward Lawrence sinh ngày 15 tháng 8 năm 1888 ở Tremadoc, Northen Wales trong một gia đình khá nghèo, sau thời gian phiêu bạt tha phương ở Scotland và Anh, ông ta dừng chân lại ở Oxford. Tại đây, Edward bắt đầu đi học. Sau này, ông ta viết: "Trường học là một việc làm vô bổ và mất thì giờ mà tôi cực kỳ căm ghét". Đúng là ông ta không có đủ thời gian. Không có đủ thời gian để đọc những cuốn sách về những cuộc thập tự chinh và khảo cổ học. Sự ham mê thơ dại đối với lịch sử đã lớn lên, trở thành một sự say mê nghiêm túc đối với khảo cổ học. Khi còn ngồi trên ghế ở trường đại học, Lawrence đã viết luận văn với đề tài "ảnh hưởng của các cuộc thập tự chinh đối với kiến trúc quân sự châu Âu thời Trung Cổ"; công trình nghiên cứu này đã giành được giải nhất. Trước khi trình luận văn cho các thầy giám khảo, Lawrence đã tới Syria và nghiên cứu tất cả những phế tích được biết đến của các pháo đài của thập tự quân.
"Sự nghèo khó của tôi - Lawrence viết trong hồi kỳ - đã cho phép tôi nghiên cứu những tầng lớp người vốn xa cách với một du khách giàu có bởi tiền bạc và những kẻ đồng hành của anh ta. Tôi đắm mình vào tầm lớp quần chúng cặn bã nhất, lợi dụng những cảm tình của họ giành cho tôi... Trong người Arập không có sự khác biệt về truyền thống, sắc tộc; toàn bộ quyền lực vô thượng thuộc về Shah (quốc vương) vĩ đại. Người Arập nói với tôi rằng, không ai, bất kể anh ta có những đức tính gì, cũng không thể trở thành thủ lĩnh của họ nếu như không ăn thức ăn mà họ ăn, không mặc thứ mà họ mặc và không sống cuộc sống mà họ sống". Lawrence không đơn độc khi nghiên cứu văn hoá của những người Arập cổ và cuộc sống của người Arập hiện đại. Hướng dẫn ông là nhà khảo cổ nổi tiếng, giáo sư Hoggarth, người đã đóng vai trò rất quan trọng trong bước ngoặt đột ngột của số phận của một sử gia đầy triển vọng. Vấn đề là ở chỗ, Hoggarth là một chuyên gia xuất chúng không chỉ về khảo cổ học, mà cả về nghề gián điệp mà ông ta đã làm trong nhiều năm để phục vụ tình báo Anh. Khi chuẩn bị cho chiến tranh thế giới, nước Anh liên tục phái tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Ai Cập các đoàn "thám hiểm" này nọ và đều do giáo sư Hoggarth đứng đầu. Nhà văn Anh nổi tiếng R. Aldington không giấu vẻ châm biếm khi nhận xét: "Do trung thực là cách làm tốt nhất, nên người ta quyết định làm những bức bản đồ địa hình dưới vỏ bọc một đoàn thám hiểm khảo cổ học có sự tham gia của Lawrence, người được cử tới Sinai theo yêu cầu của Bộ Chiến tranh".
Lawrence đã kề vai sát cánh làm việc với giáo sư Hoggarth từ năm 1910 đến năm 1914, nhiều lần tới Syria và Palestin làm nhiệm vụ thu thập những tin tức cần cho tình báo Anh và thiết lập những mối quan hệ có triển vọng tương lai. Bắt đầu con đường binh nghiệp tại Phòng địa lý của Bộ Chiến tranh, Lawrence, sau đó, đã chuyển sang chi nhánh dưới cái tên "Phòng Arập". Khi chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, Phòng Arập biến thành trung tâm điều phối của cơ quan tình báo Anh ở thế giới Arập phương Đông. Chỉ huy phòng này là tướng Clayton.
Các sử gia Anh và các nước khác đã viết hàng trăm trang sách về việc Lawrence, "bạn" của người Arập, đã trở thành con người không thể thay thế trong đám cận thần của vua Arập Xêut Hussein như thế nào,và sau đó trở thành cái "tôi" thứ hai của một người con trai vị vua đó là Faisal, dưới quyền ông này có rất nhiều bộ lạc. Khẩu hiệu được tung ra thành công nhằm đoàn kết người Arập đấu tranh chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang đứng cùng phe với nước Đức chiến đấu chống lại phe Đồng Minh, đã cho phép Faisal-Lawrence tổ chức cuộc nổi dậy của dân chúng, kiểm soát ông ta và lập ra một quân đội khá mạnh gồm các đội phá hoại, những đội đã gây ra nhiều khó khăn cho quân đội chính quy Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tận những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đại tá Lawrence vẫn phục vụ trong quân đội của Faisal với tư cách chính thức là cố vấn quân sự và sĩ quan liên lạc của mặt trận Arập với đại bản doanh bộ chỉ huy Anh ở Trung Đông.
"Bạn" của người Arập ư? Chúng tôi đặt từ này trong ngoặc kép và đó không phải là ngẫu nhiên. Chỉ thị mật của Lawrence cho các sĩ quan Anh khi quan hệ với người Arập một lần nữa lại đến thì chứng tỏ điều ngược lại. "27 điều" của chỉ thị là bằng chứng khá rõ ràng về cách thức mà Lawrence cư xử với những "người bạn" Arập. Chúng tôi xin trích một số trong 27 điều trên.
"Cố chiếm lòng tin của thủ lĩnh và giữ được sự tín nhiệm ấy. Tìm cách nâng cao uy tín của thủ lĩnh trước những người khác bằng tiền của mình. Không bao giờ từ chối và không làm đổ vỡ những kế hoạch mà ông ta có thể đề xuất. Luôn tán thành những kế hoạch ấy, vừa tán thưởng, khen ngợi vừa thay đổi từng tí và buộc chính thủ lĩnh phải nêu thêm những đề nghị cho đến chừng nào chúng trùng khớp với ý kiến riêng của anh...
Mặc dù, ta khó mà ép buộc người Beduin làm một việc gì đó, song họ lại dễ sai khiến miễn là anh có đủ kiên nhẫn. Sự can thiệp của anh càng khó thấy bao nhiêu thì ảnh hưởng của anh càng lớn bấy nhiêu. Người Beduin sẵn sàng làm theo lời khuyên của anh, thậm chí cũng chẳng nghĩ rằng anh hay người nào khác biết về điều đó.
Không nên nguỵ trang che giấu... Đồng thời, khi đang ở giữa những người Arập, nếu anh biết ăn mặc như họ, anh sẽ giành được lòng tin và sự thân thiện, những cái mà khi mặc quân phục, anh không bao giờ có thể giành được. Tuy vậy, điều này vừa khó, vừa nguy hiểm. Do anh ăn mặc như người Arập, họ sẽ không làm một điều gì ngoại lệ riêng cho anh. Anh phải tự thấy mình như một diễn viên trong một nhà hát xa lạ, diễn vai của mình hết ngày đến đêm không ngưng nghỉ trong suốt nhiều tháng và với độ mạo hiểm cao...
Nhiều khi anh phải tham gia vào các cuộc tranh luận về tín ngưỡng. Hãy cứ nói thoải mái về tín ngưỡng của mình, song tránh chỉ trích các quan điểm của họ...
Đừng bắt chước người Arập và tránh nói chuyện tuỳ tiện về phụ nữ. Đây cũng là vấn đề khó như tín ngưỡng. Về mặt này, các quan điểm của người Arập khác với các quan điểm của chúng ta đến mức những nhận xét vô hại theo quan điểm của người Anh chúng ta lại là những lời nói láo xược đối với họ, cũng như một số tuyên bố của họ nếu dịch máy móc từng chữ có thể lại là láo xược đối với anh.
Toàn bộ bí quyết đối xử với người Arập là ở chỗ phải nghiên cứu họ liên tục. Phải luôn cảnh giác, không bao giờ được nói những điều không cần thiết, luôn theo dõi mình và các bạn bè mình. Hãy nghe những gì đang diễn ra, hãy tìm cho ra những nguyên nhân thật sự. Hãy nghiên cứu tính cách của người Arập, những sở thích và những điểm yếu của họ và hãy giấu kín cho mình những gì mà anh đã phát hiện ra... Thành công của anh sẽ tỷ lệ với số năng lượng trí tuệ mà anh đã bỏ ra cho việc này".
Như người Anh thường thích nói: "No comment" - miễn bình luận. Giá như người Arập được đọc chỉ thị mật này mà "người bạn" của họ chuẩn bị với những sắc thái tâm lý như thế!... Nhưng khi đó họ đang rất tin tưởng Lawrence bởi vì anh ta là một diễn viên khôn khéo, biết giành lấy sự tín nhiệm của các thủ lĩnh, biết cách mua chuộc các quốc vương một cách "ít tốn kém", biết nguỵ trang và diễn vai của mình trong "nhà hát của kẻ khác" một cách không ngừng nghỉ, mạo hiểm đối với tính mạng, nhưng không bao giờ mắc sai lầm và đã giành được quyền lực đối với những vùng lãnh thổ và những con người.
Trong cuốn sách nhiều tập "Lịch sử gián điệp" xuất bản ở Italia, người đã viết về đặc điểm tính cách của "người bạn" của người Arập: "Chỉ trong biên chế của "Phòng Arập", Lawrence mới có thể phát huy tối đa tài năng dàn dựng âm mưu của mình. Ông ta là con cáo tinh ranh, cực kỳ khôn khéo, không thèm đếm xỉa đến ai, nhổ toẹt vào thượng cấp và do đó làm cho cả bộ tổng tham mưu Anh chống lại mình. Chỉ có một nhóm chuyên gia nhỏ biết đánh giá ông thực sự là cuốn bách khoa từ điển sống và là người biết làm việc với người Arập. Lawrence biết rằng, ông có những người bạn đầy thế lực ở London. Bởi vậy, ông không do dự đuổi thẳng cổ những kẻ gây phiền nhiễu hoặc những kẻ mà ông không ưa. Tự tin và táo bạo, mơ mộng và kênh kiệu, Lawrence là sĩ quan của chi nhánh SIS tại Cairo trong 20 năm am hiểu nhất về người Arập và có một mạng lưới điệp viên Arập rộng rãi, được tổ chức tốt tại những vùng đất bị quân Thổ chiếm. Khép kín, hiếu danh, say mê sự tôn sùng đối với bản thân, ông ta thật can đảm khi đối diện với hiểm nguy và phiêu lưu đến tuyệt đỉnh. Lawrence đã trở thành một người dân du mục thực sự, mặc trang phục của người Beduin, dễ dãi trong ăn uống, dễ dàng chịu nóng, chịu khát và cuối cùng đã trở thành chỉ huy của các đơn vị khởi nghĩa Arập, những đơn vị đã chiến đấu hiệu quả với quân Thổ. Ông được an táng trong nhà thờ Thánh Paul ở London giữa những anh hùng chiến tranh và những nghệ sĩ danh tiếng của nước Anh".
Thiếu tá Sterling, một trong những sĩ quan liên lạc với bộ tham mưu quân Anh nhớ lại: "Khi đến Abu-El-Lissal, tôi tìm được Lawrence vừa trở về sau một cuộc tập kích thành công vào đường sắt khi ông đang ngồi trong lều của mình trên một tấm thảm Ba Tư tuyệt đẹp lấy được từ một đoàn tàu hỏa nào đó của quân Thổ. Ông ăn mặc như thường thấy: trang phục trắng, sau thắt lưng dắt con dao găm bằng vàng. Phía ngoài, đây đó trên cát có một số vệ sĩ người Arập trong đội cận vệ của ông đang ngồi lau súng trường... Bảo vệ là biện pháp đề phòng cần thiết bởi vì đầu Lawrence được treo giá 20.000 bảng Anh, còn người Arập là loại người hay phản phúc nếu họ đã không tuyên thệ với anh và không nhận được tiền thưởng. Bất cứ vệ sĩ nào trong đội cận vệ cũng sẵn sàng vui lòng hy sinh tính mạng cho ông... Cái gì đã giúp ông thống trị được người Arập và khiến họ tuân phục? Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Người Arập nổi tiếng là cá nhân chủ nghĩa và vô kỷ luật, nhưng mặc dù vậy, ta chỉ cần nói rằng, hễ Lawrence muốn gì thì điều đó nhất định sẽ được thực hiện. Làm sao mà ông có thể có được quyền lực như vậy đối với họ? Điều đó có thể lý giải một phần là Lawrence giả vờ làm người ủng hộ phong trào giải phóng của người Arập. Người Arập nghĩ rằng do ông ta đã dẫn dắt họ đến một sự nghiệp quan trọng như vậy nên ông ta đứng ngang hàng với các quốc vương hay con cháu của Đấng tiên tri, không phải vô cớ mà Faisal đã đối xử với ông như với một người anh em, như một người ngang hàng, hơn nữa hiển nhiên ông còn ta còn có một nguồn dự trữ vàng vô hạn, mà người Arập lại là loại người dễ bị mua chuộc nhất..."
Đại tá Lawrence là kẻ khiêu khích theo đúng nghĩa đen của từ này, bởi vì cuộc nổi dậy của người Arập không phải là để thực hiện "nhiệm vụ vĩ đại thành lập nhà nước Arập" như bản thân Lawrence cố làm ra vẻ như vậy trong hồi ký của mình. Nó, cái phong trào này, cùng với cuộc khởi nghĩa đã trở thành công cụ của chính sách thôn tính của đế quốc Anh, kẻ đang muốn biến các vùng đất Arập thành thuộc địa của mình, điều mà nó đã làm được sau Thế chiến I bằng cách lợi dụng chiêu bài uỷ trị của Hội Quốc Liên. Một trong những người bênh vực kiên trì nhất cho Lawrence, sử gia Liddel Hart, khi ca ngợi chế độ uỷ trị mà dưới vỏ bọc đó, nước Anh đã cố nô dịch dân tộc Arập, đã viết: "Bằng cách đó, Anh quốc đã có thể đưa ra một sự khẳng định hùng hồn rằng, ý tưởng nằm trong nền tảng của quyền uỷ trị có thể đưa vào cuộc sống cả về tinh thần, cả về câu chữ. Danh dự của Lawrence cũng đã được phục hồi. Đối với người Arập, Lawrence thậm chí còn giành được nhiều hơn điều mà ông ta dự tính ban đầu. ông đã cho họ khả năng đứng vững trên đôi chân mình và lợi dụng điều đó một cách phù hợp với nguyện vọng và tài năng của họ. Ông không thể làm hơn được. Việc thiết lập một nhà nước thân Anh ở Iraq đã là mục tiêu chính của Lawrence..."
Như vậy, theo Liddel Hart, ta có được bức tranh khá hấp dẫn: người Arập đã đạt được cái mà họ đang có, Anh quốc thì hài lòng, còn Lawrence thì biến thành một anh hùng. Chả lẽ lại thế?
Người Arập đã nhận được cái gì? Faisal lên ngôi, trở thành Vua Faisal I ở Iraq với, em ông ta là Abdullah lên ngôi ở Transjordanie để tiến hành chính sách của đế quốc Anh nhằm thủ tiêu phong trào giải phóng dân tộc của người Arập.
Nước Anh đã được cái gì? Những thuộc địa mới: Iraq, Palestin, Hejas, cơ sở dầu mỏ và căn cứ hải quân ở Haifa... Nói một cách ngắn gọn, đế quốc Anh đã củng cố vững chắc nền thống trị của mình đối với bán đảo Arập.
Lawrence đã nhận được cái gì? Sự thoả mãn tinh thần, Liddel Hart khẳng định. Có thể... Chính là tinh thần bởi vì cuộc nổi dậy của người Arập mà nhân viên tình báo quân sự Anh Lawrence tự coi mình là người cổ suý, đã không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến kết quả của các hội nghị sau chiến tranh xác định số phận của đế quốc Ottoman và các vùng đất Arập của nó. Tại hội nghị các nước Đồng Minh ở San-Remo diễn ra vào tháng 4 năm 1920, quyền uỷ trị đã được phân chia xong. Dưới áp lực của Pháp, Anh phải rút quân khỏi Syria và quân Pháp đã giành lấy Damas nơi mà vào năm 1918, một đơn vị cưỡi lạc đà trong đó có Lawrence, lợi dụng việc quân Thổ đã rút lui, đã tiến vào đánh chiếm. Người "bạn" tốt nhất của người Anh Faisal đã bị lật đổ và ông ta đã nguyền rủa ầm ĩ người "anh em" phản trắc - đại tá Lawrence của mình.
Thực ra cũng có một số nhà nghiên cứu phương Tây đã cố chứng minh rằng, dường như Lawrence rất đau khổ vì việc người Anh đã không thực hiện những cam kết của mình đối với người Arập nên đã đoạn tuyệt hẳn với cơ quan tình báo Anh Secret Intellgigence Service. Tuy nhiên, giả thiết này khó có cơ sở để tồn tại. Đơn thuần là Lawrence với tư cách một nhân viên tình báo quân sự phải thực hiện nhiệm vụ được giao cho ông và các công việc khác. Còn một giả thiết sai lầm khác cố chứng minh rằng, Lawrence, bằng hành động chống quân Thổ của mình, đã hình thành một học thuyết mới trong nghệ thuật tác chiến. Không! Toàn bộ hoạt động quân sự của ông ta tập trung vào việc tổ chức các trận tập kích của các đơn vị Arập nhỏ trong hậu phương quân địch, tiêu diệt các đồn bốt và sinh lực địch. Nói một cách ngắn gọn, đó là chiến tranh du kích đã buộc quân Thổ phải tăng cường canh phòng bảo vệ các tuyến đường sắt, khiến quân Thổ phải phân tán lực lượng, gây những tổn thất vật chất và tất nhiên là làm suy yếu lực lượng quân Thổ trên hướng quyết định. Kết hợp với hành động của quân chính quy, cuộc chiến tranh du kích đã luôn tạo ra một tác động đáng kể trên một chiến trường rộng lớn.
Phần tiểu sử sau chiến tranh của Lawrence rất rắc rối và mờ nhạt. Năm 1921, Winston Churchill, người đứng đầu Bộ Thuộc địa, đã đề nghị ông ta giữ chức cố vấn chính trị trong Cục Trung Đông mới thành lập. Khi xuất hiện vấn đề khen thưởng, Lawrence yêu cầu cấp cho mình 1.000 bảng/năm. Churchill thấy đây là yêu cầu khiêm tốn nhất từng được đề đạt với ông ta và dã quyết định cấp cho vị cố vấn mới khoản tiền 1.600 bảng/năm. Tại hội nghị Cairo tháng 3 năm 1921, Lawrence đã thuyết phục được Churchill đưa lên ngôi vua Iraq, nước nằm dưới quyền uỷ trị của Anh, vị quốc vương Faisal mới bị lật đổ ở Syria. Như vậy là viên đại tá đã trả được món nợ cũ với người "anh em" xưa. Sau đó, Lawrence về hưu và mặc dù có sự thuyết phục của Churchill, ông vẫn rời bỏ Bộ Thuộc địa. Tháng 8 năm 1922, ông bất ngờ gia nhập làm binh nhì trong không quân Anh với tên họ là J.H. Ross. Bản thân Lawrence đã giải thích hành động của mình như sau: "Mỗi người hoặc là phải gia nhập không quân hoặc là phải giúp cho nó phát triển".
Trên thực tế, mọi việc hoàn toàn khác. Có những tin tức cho rằng, chính các xếp tình báo Anh đã phái "con ngựa đua Arập" của mình vào không quân với tên giả. Tuy vậy, Lawrence đã không thể giữ kín được tung tích. Sau khoảng 6 tháng phục vụ, một viên sĩ quan thù địch từ lâu với viên đại tá đã nhận ra ông ta. Với khoản tiền nhỏ, viên sĩ quan đã tiết lộ phát hiện của mình cho báo chí. Sau sự kiện này, tình báo Anh quyết định phái Lawrence đi công tác ở đâu đó xa hơn, nơi mà khả năng bị lộ mặt ít hơn. Lawrence lại đội lốt một thợ máy trong lực lượng xe tăng tên là T.E. Shaw và đồng thời làm thầy tu Pir-Karam-shah. Vỏ bọc đầu được dùng để giao tiếp với người Anh, vỏ bọc thứ hai dùng để giao tiếp với người Hindu: Lawrence được cử sang ấn Độ, tới pháo đài kiêm khu dân cư Miram-shah trên biên giới với Afghanistan.
Khi đó, ngồi trên ngai vàng Afghanistan là tiểu vương Amanullah, người với thiện chí của mình đã quyết định tiến hành những cải cách xã hội trong nước. Điều đó làm cho London không thích thú. Người Anh quyết định bằng mọi cách phá vỡ những kế hoạch của Amanullah, gạt bỏ ông ta khỏi ngai vàng và thay thế bằng một tiểu vương ngoan ngoãn khác sẵn sàng nhảy múa theo tiếng sáo của các ông chủ thực dân. Một trong những kẻ thực hiện chủ chốt kế hoạch này là Lawrence khi đó dưới lốt Pir-Karam-shah.
Sau khi đến pháo đài Misram-shah, Lawrence bắt đầu bắc những "chiếc cầu" với Kabul. Ông ta không hề tiếc tiền, mà trái lại, ông ta được phép mua chuộc hay mua chuộc lại những giáo sĩ Hồi giáo hám tiền, cũng như những tên cướp thuộc các băng cướp địa phương thường xuyên qua lại biên giới ấn Độ-Afghanistan.
Pir-Karam-shah căm thù người Afghanistan giống như căm thù người Arập thời ông ta làm việc ở Trung Đông. Ông ta không hề ngượng ngùng nói thẳng điều đó với những người hầu của mình. Thực ra, đó là một thủ đoạn đặc biệt để gây khiếp sợ cho những người dưới quyền ông ta: ông ta là chủ nhân của họ và là người có quyền bắt chết là phải chết, cho sống là được sống.
Một lần, một liên lạc viên hoả tốc đi từ Kabul tới Miram-shah sau 4 ngày đi đường mang theo một tin mật cho Lawrence. Liên lạc viên hoả tốc và đội bảo vệ anh ta hầu như không ăn gì suốt dọc đường. Đám người này hầu như hoàn toàn kiệt sức. Khi nhìn thấy cảnh này, Pir-Karam-shah đã hạ lệnh cho người hầu của mình: "Cho ngựa ăn. Còn bọn này thì cho uống nước, hay là..."
Trong tin mật nói rằng, cựu tiểu vương Bukhara là Seid Alim-khan sống ở ngoại ô Kabulk và đang buôn bán lông cừu non London, đồng thời cũng duy trì những quan hệ chặt chẽ với bọn thổ phỉ, ông này cấp tiền thu được từ tiêu thụ bán lông cừu non cho chúng. Nhưng bức thư còn có một chi tiết nữa thu hút sự chú ý của Lawrence. Cựu tiểu vương Bukhara hoá ra đang có quan hệ thân thiết với Bachaji Sacao. Tên hung thần này tàn bạo và hung ác đến mức giết cả cha mình, vợ, giáo sĩ Hồi giáo... Lawrence quyết định: đây là đồng minh lý tưởng chỉ có trong mơ. Với sự giúp đỡ của Bachaji Sacao, Lawrence rắp tâm trước hết làm mất uy tín các sáng kiến cải cách của tiểu vương Amanullah, sau đó giành toàn bộ quyền lực ở Afghanistan thông qua những tay chân của mình.
Nhưng Lawrence không thể tìm ngay ra Bachaji Sacao. Tên cướp này cướp bóc các đoàn súc vật chở hàng ở đâu đó trong vùng núi và tránh xuất hiện gần những khu dân cư. Đôi khi hắn vượt biên giới và tham gia các cuộc ăn chơi trác táng nhiều tuần liền ở gần Peshawar. Cuối cùng thì Bachaji Sacao cũng diện kiến với Lawrence. Nắm được bản tính tinh quái của tên cướp, Pir-Karam-shah lập tức chơi bài liều: nếu Sacao giúp ông ta lật đổ Amanullah thì ông ta, Pir, sẽ bảo đảm trao ngai vàng Kabul cho hắn.
"Trước tiên cần phải làm gì? Tuyên truyền chống những cải cách của Amanullah trong dân chúng. Những chủ trương có thể gây bất bình trong nhân dân là những vấn đề sau. Một là Amanullah từ chối mang khăn đóng mà Đấng tiên tri đã quy định. Ông muốn mọi người đội mũ. Hai là Amanullah từ chối mặc trang phục Hồi giáo, thứ trang phục mà tổ tiên người Afghanistan đã từng mặc. Ông hạ lệnh cho tất cả phụ nữa bỏ tấm mạng che mặt. Ba là, ông hạ lệnh cho tất cả đàn bà, con gái đều phải đến trường. Ông quyết định đàn ông không bắt buộc phải để râu, ria. Bốn là ông hoan ngênh sự khinh thường với tôn giáo. Amanullah đưa các bà vợ của mình ra nước ngoài học cách cư xử tốt nhưng trái với tập tục truyền thống. Năm là ông muốn để người dân được bác sĩ điều trị. Ông huỷ bỏ âm lịch..."
Bachaji Sacao không cần những lời bình luận cho bản liệt kê những "hành động có dụng ý xấu" của người cầm quyền tại Kabul. Hắn coi lời huấn thị này như một mệnh lệnh hành động. Một tuần sau đó, ngọn lửa căm hờn đối với Amanullah đã bùng lên như đám cháy trong gió, lan khắp từ làng này đến làng khác. Đã nổ ra các cuộc nổi loạn, bạo loạn có vũ trang chống chính phủ.
Đồng thời, Pir-Karam-shah đã cho phát tán thông qua các điệp viên của mình những bức ảnh giả mạo chụp các cô gái bề ngoài giống như phụ nữ Afghanistan đang ở những tư thế tục tĩu ngồi trên đùi đàn ông. Dòng chữ viết dưới các bức ảnh là: "Amanullah đang thực hiện những giáo huấn thiêng liêng của Đấng tiên tri và luật Hồi giáo Shariat thiêng liêng vốn ghi rõ không ai có quyền để cho người đàn ông khác thấy mặt vợ mình".
Thủ đoạn hèn hạ này đã gây ra làn sóng phẫn nộ mới ở khắp Afghanistan. ở London, nơi Lawrence phải gửi báo cáo về, người ta đang xoa tay hài lòng. Trong một báo cáo, viện đại tá viết: "Vừa mới phát tán tại Afghanistan tuyên bố với nội dung dưới đây thay mặt tất cả những tín đồ sùng tín: "Chúng tôi, tất cả những người Hồi giáo, tước bỏ của Amanullah quyền cai trị chúng tôi và thừa nhận mình theo đúng lời mệnh lệnh của thượng đế và giáo huấn của Đấng tiên tri vĩ đại là thần dân trung thành của tiểu vương Sacao. Chúng tôi tình nguyện coi người là chủ nhân của Kabul... Kẻ nào không muốn sự vĩnh hằng của Padishah (quốc vương) thì kẻ đó sẽ chết". Với những tin tức và mong muốn tốt lành nhất. Pir-Karam-shah".
Đoạn cuối cùng: "Với những tin tức và mong muốn tốt lành nhất" chính là mật khẩu. ở London, người ta biết rằng, điều đó có nghĩa là: đã đến lúc thể hiện sức mạnh quân sự của Anh quốc. Bộ chỉ huy Anh đã hạ lệnh cho các máy bay chiến đấu cất cánh ngay lập tức từ các sân bay của Anh ở ấn Độ và bay vào lãnh thổ Afghanistan. Một số máy bay chiến đấu đã bay tới tận Kabul. Còn dưới tiếng gầm rú của động cơ máy bay Anh, Bachaji Sacao đang bí mật thương lượng với đại sứ Anh tại Afghanistan Hamphris. Tờ báo Anh "Daily Mail" ngày 28 tháng 2 năm 1929 thông báo: "Hamphris đã giúp Bachaji Sacao lên nắm quyền". Ta thừa hiểu rằng, nhân vật chính của toàn bộ câu chuyện phiêu lưu này chẳng phải là Hamphris mà là đại tá Lawrence.
Bachaji Sacao đã chiếm lấy Kabul và tự tuyên bố là tiểu vương Afghanistan. Theo chỉ thị của Pir-Karam-shah, Bachaji Sacao đã triển khai hoạt động điên cuồng chống phá Liên Xô. Có tới 20.000 tên thổ phỉ đồn trú tại miền Bắc Afghanistan đã bắt tay vào thực hiện các cuộc tập kích ăn cướp vào lãnh thổ các nước cộng hoà Xôviết Trung á. Song bản thân Lawrence cũng hiểu rằng, những đám mây đen đang quần tụ. Ông ta hiểu rằng ngai vàng của Bachaji Sacao không vững chắc. Cần phải thoát thân.
Tháng 2 năm 1929, ông ta trở về London. Chính vào lúc đó, các đảng viên Công đảng đã đưa ra nghị viện Anh chất vấn về "các hoạt động của Lawrence trên biên giới Afghanistan". Còn trong một cuộc tuần hành do những người cộng sản Anh tổ chức, những người tuần hành đã đốt hình nộm Pir-Karam-shah - Lawrence để phản đối.
Rồi thời gian trôi đi, tưởng chừng như người ta đã quên Lawrence. Người ta chỉ nhớ lại ông ta vào tháng 10 năm 1929 khi mà những người ái quốc Afghanistan lật đổ ngai vàng của tên bù nhìn, tay sai của Anh quốc Bachaji Sacao và sau đó hành hình hắn. Còn khi mà các băng đảng thổ phỉ đã bị hoàn toàn đánh tan ở Afghanistan thì những hy vọng của bọn đế quốc sử dụng Afghanistan làm bàn đạp cho hoạt động lật đổ chống Liên Xô cũng sụp đổ.
Còn Lawrence - Pir-Karam-shah thì sao? Ông ta quyết định đặt dấu chấm hết cho một tiểu sử lạ kỳ của mình. Ông ta quyết định chuyển sang viết lách.
Với ngòi bút, ông ta đã cho ra đời 2 cuốn sách: "Nổi dậy trong sa mạc" và "Bảy trụ cột của sự sáng suốt". Ông ta đã không kịp đưa cuộc phiêu lưu Afghanistan của mình thành sách. Chiều 19 tháng 5 năm 1935, một chiếc môtô đang lao nhanh trên một con đường tỉnh lộ. Không ai nhìn thấy tai nạn xảy ra như thế nào. Những người chứng kiến vội vã đổ tới hiện trường tai nạn khi mà người đi xe môtô đã hấp hối. Ông ta chính là Sir Thomas Edward Lawrence, 47 tuổi... Vị cựu tình báo viên quân sự này vội vã đi đâu vậy? Theo một số nguồn tin, người ta biết rằng, một ngày trước khi xảy ra tai nạn, Lawrence đã nhận được một bức thư của một người bạn trong đó đề nghị Lawrence tổ chức một cuộc gặp với Hitler. Mải suy nghĩ về đề nghị này, Lawrene vội vã đi tới bưu điện (ông ta sống ở ngoại ô) để gửi bức điện khẩn thông báo sự nhận lời của mình về cuộc gặp. Trên đường về bằng xe máy, ông ta đã gặp nạn. Người ta còn biết rằng, không lâu trước khi chết, Lawrence đã có những mối liên hệ chặt chẽ với bọn phát xít ở Anh và thủ lĩnh của chúng Oswald Mosley.
Vậy thì đại tá Lawrence là ai?
Về bản thân mình, Lawrence đã một lần từng nói: "Tôi, nói chung, giống như một khách bộ hành khôn khéo đang tránh né các xe ôtô đang chạy trên đường phố chính".