Vietnamdefence.com

 

Bộ năm Cambridge là điệp viên hai mang?

VietnamDefence - Năm điệp viên quý tộc từ ĐH Cambridge là điệp viên hai mang: Giả định phản đề hay sự thật?

Trong cái nghề cổ xưa thứ hai trong lịch sử nhân loại, vốn thật giả nan phân, trung thành và phản bội đan xen, thì mọi thứ đều có thể xảy ra.

Mấy chục năm qua, người ta đã tốn nhiều giấy mực viết về nhóm 5 điệp viên Liên Xô lỗi lạc (báo chí nước ngoài quen gọi là “Bộ năm Cambridge” hay “Cambridge Five”) xuất thân từ lò đào tạo tinh hoa Anh quốc ĐH Cambridge như những điệp viên cộng tác với tình báo Liên Xô hoàn toàn vì động cơ lý tưởng. Song mới đây, tờ Luận chứng tuần lễ (Nga) lại đăng loạt bài nêu một giả định trái ngược: Họ là điệp viên của tình báo Anh đánh vào cơ quan tình báo Liên Xô. Vậy đâu là sự thật?

KỲ 1: “BỘ NĂM CAMBRIDGE” TRONG SƯƠNG MÙ CỦA THÀNH LONDON  


Từ một ý tưởng thông minh

BỘ NĂM CAMBRIDGE

1/ Guy Francis de Moncy Burgess (1911-1963): con trai sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh, nhân viên cơ quan tình báo Anh MI-6, thư ký Thứ trưởng ngoại giao Anh Hector McNeil, quan chức ngoại giao Anh tại Washington.

2/ Donald Duart Maclean (1913-1983): con trai nghị sĩ, Bộ trưởng Giáo dục trong nội các của Thủ tướng Stanley Baldwin. Là Vụ trưởng Vụ Mỹ, Bộ Ngoại giao Anh, quan chức ngoại giao Anh tại Paris, Washington, Cairo, London.

Burgess và MacLean hoạt động tình báo cho Liên Xô hiệu quả nhất trong khoảng 12 năm, cho đến khi chạy sang Liên Xô năm 1951.


3/ Harold Adrian Russell (Kim) Philby (1912-1988): con trai St. John Philby, một chuyên gia nổi tiếng về Arập, chỉ huy tình báo Anh ở Trung Đông, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thám hiểm, nhà sinh vật học và cố vấn của Vua Ibn Saud của Saudi Arabia.

Kim Philby, người được mệnh danh là “gián điệp thế kỷ”, làm việc cho KGB gần 50 năm. Ông hoạt động hiệu quả nhất trong 23 năm, từ 1940 đến 1963. Sau khi chạy sang Liên Xô, Philby tiếp tục làm việc cố vấn và giáo viên tình báo cho KGB gần như cho đến lúc mất vào năm 1988.


4/ Anthony Frederick Blunt (1907-1983): cháu nội của giám mục Anh giáo, con trai của cha sở Anh giáo và là em họ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Blunt là nhân viên cơ quan phản gián Anh MI-5 trong Thế chiến 2, được gọi là “người thứ tư”. 

5/ John Cairncross (1913-1995): thư ký Bộ Ngoại giao Anh, thư ký riêng của Huân tước Hankey, Bộ trưởng An ninh. Trong Thế chiến 2, ông làm sĩ quan tình báo cho cơ quan mã thám GCHQ và MI-6, được gọi là “người thứ năm”. Ông đã cung cấp cho Liên Xô những tin tức tuyệt mật ULTRA (mật danh những tin tức do tình báo Anh thu được của Đức nhờ giải mã các bức mật điện được mã bằng máy mã Enigma). Tin tức do ông cung cấp có vai trò quan trọng cho hoạt động tác chiến của Hồng quân Liên Xô, đặc biệt là trong trận đánh Kursk.

Tin tức về các chương trình vũ khí nguyên tử của phương Tây do Cairncross cung cấp đã thúc đẩy Liên Xô khởi động chương trình hạt nhân. Trong những năm 1941-1945, Cairncross đã chuyển cho tình báo Liên Xô 5.832 tài liệu.

Ngay từ những ngày đầu tiên sau khi ra đời, tình báo Liên Xô đã đặc biệt quan tâm tới nước Anh. Meer Trilisser, Trưởng Phòng Tình báo Hải ngoại (INO) của cơ quan tình báo Liên Xô OGPU vào cuối thập niên 1920 đã đề xuất một kế hoạch thông minh và nhìn xa trông rộng nhằm tuyển “nguồn” điệp viên từ các sinh viên của các trường đại học Anh quốc có tiềm năng đi vào hệ thống nhà nước và tình báo của nước Anh sau này. Ông tin tưởng rằng: “…giới trẻ dần dần sẽ nắm giữ những vị trí nổi bật trong các cơ quan nhà nước của đế quốc (Anh)”.

Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ của chỉ huy cơ quan tình báo Quốc tế Cộng sản Iosif Pyatnitsky. Ông đã đề nghị lãnh đạo Đảng Cộng sản Anh cử một loạt nhà khoa học Anh (Palm Dutt, Morris Dobb, J. Bernal, Bertrane Russel, Dora Blake) vào làm việc tại Cambridge và Oxford.

Đầu những năm 1930, theo thông tin chỉ điểm của họ, chuyên gia tuyển mộ xuất sắc nhất của tình báo Quốc tế Cộng sản Arnold Deutsch đã tuyển được người em con dì của Nữ hoàng Elisabeth II là Anthony Blunt, sau đó là những người bạn của Blunt cùng có tư tưởng Marxism là Guy Burgess, con trai của một đại tá Hải quân Hoàng gia Anh; Harold Russel Philby, con trai vị thống đốc một tỉnh ở Ấn Độ; Donald McLean, con trai một vị bộ trưởng trong nội các Công đảng, cũng như John Cairncross, một trong những sinh viên xuất sắc nhất của Đại học Cambridge.

Tốt nghiệp Cambridge, Donald McLean được phân công về Bộ Ngoại giao. Hội đồng tuyển dụng nói với anh: “Chúng tôi biết khi còn học ở trường đại học, anh đã gắn bó với các quan điểm cộng sản. Bây giờ, anh còn giữ những quan điểm đó hay không?” Theo đúng chỉ dẫn từ trước, McLean trả lời: “Tôi đã từng có những quan điểm đó và tôi vẫn chưa từ bỏ hẳn những quan điểm ấy”. Các thành viên của hội đồng tuyển dụng thích sự thẳng thắn của anh ta. Lãnh đạo cơ quan tình báo Anh MI-6 cũng có phản ứng tương tự vào tháng 1/1939 khi tuyển Guy Burgess vào làm nhân viên Ban “D” (Phá hoại).

Năm 1935, Kim Philby nhận bằng tốt nghiệp Cambridge. Một thời gian sau, với tư cách nhà báo của tờ The Times, anh đã sang Tây Ban Nha để đưa tin về cuộc nội chiến ở đây. Đây là vỏ bọc rất thuận tiện để chuyển thông tin cho người Nga. Mùa hè năm 1940, Philby được nhận vào biên chế của Ban “D” của MI-6. Khi bị hỏi về quan điểm cộng sản của anh, cha Philby đã nói đại khái đó chẳng qua là “sự ấu trĩ trẻ con” của con trai mình. Cuối cùng, Kim Philby đã lọt được vào đơn vị phá hoại chuyên thực hiện các điệp vụ đánh điệp viên hai mang vào các cơ quan tình báo Liên Xô. Như vậy, kế hoạch của Meer Trilisser đã có những thành công đầu tiên khi các điệp viên Cambridge lần lượt lọt vào được Bộ Ngoại giao và MI-6.

Hiển nhiên là cơ quan phản gián Anh MI-5 không hề lơ là. Họ đã tiến hành theo dõi các phần tử cấp tiến trong giới thanh niên, hơn nữa họ còn lợi dụng việc ngay trước chiến tranh nước Anh vẫn cho phép cả những người có quan điểm Marxism và những phần tử theo chủ nghĩa quốc xã đều được có các câu lạc bộ của mình. MI-5 cho rằng, như thế thì việc theo dõi sẽ dễ dàng hơn! Từng bước, người Anh tiến hành giám sát những người có tiềm năng trở thành điệp viên của Liên Xô và Đức. Để làm việc đó, họ đã thành lập Uỷ ban ХХ (trong tiếng Anh là “Double Cross”, nghĩa là “sự lừa dối kép”). Họ ghi nhận mọi mối quan hệ của các nhân viên tình báo nước ngoài đội lốt ngoại giao trong những phần tử cấp tiến Anh và quyết định cần theo dõi ai, cần tiến hành trò chơi nghiệp vụ với ai, còn ai thì tuyển mộ. Phản gián Anh không tiến hành các cuộc bắt giữ vì cho rằng, biết tận mặt gián điệp tốt hơn là tìm kiếm họ. Chiến thuật đó rất có hiệu quả. Vì thế mà ngay từ trước khi chiến tranh bùng nổ, gần như toàn bộ lưới điệp viên của cơ quan tình báo quân sự Đức Abwehr đã nằm dưới sự kiểm soát của MI-5. Họ đã thành công trong việc “mớm” tin giả cho các gián điệp Đức. Kết quả là các kế hoạch của Đức đổ bộ lên nước Anh đã bị phá vỡ.

Thời kỳ hỗn loạn trong cơ quan tình báo Liên Xô

Kể từ giữa thập niên 1930, cơ quan tình báo của Dân uỷ Nội vụ Liên Xô NKVD liên tục bị đảo lộn vì các cuộc thanh trừng, trấn áp nội bộ. Phòng Tình báo Hải ngoại INO bị tổn thất nặng nề về cán bộ lãnh đạo. Một loạt cán bộ không có kinh nghiệm hoạt động tình báo đã được L. Beria đưa lên giữ các trọng trách. Hậu quả là trong năm 1938, ban lãnh đạo Liên Xô hoàn toàn không hề nhận được tin tức tình báo nào trong hơn 100 ngày trời! Nhiều lưới tình báo đã tan vỡ không thể khôi phục.

Elena Modrzinskaya và nghi ngờ của bà

Chính vào thời điểm Trung ương tình báo Liên Xô bắt đầu nhận được những tin tức đầu tiên của nhóm điệp viên Cambridge, NKVD vẫn còn chưa có một bộ máy phân tích tin hoàn chỉnh. Trong cơ cấu của Phòng 5 thuộc Tổng cục An ninh Nhà nước GUGB chỉ có một ban phân tích tin nhỏ. Sau này, một nữ nhân viên trẻ là Elena Modrzinskaya đã được nhận vào ban này. Xuất thân từ một gia đình quý tộc, cô thông thạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Modrzinskaya được phái sang Varsava dưới vỏ bọc là “vợ” của tổ trưởng tình báo Piotr Gudimovich. Vỏ bọc hôn nhân và hoạt động nghiệp vụ của cô đều rất thành công. Dưới sự dìu dắt của các cán bộ tình báo lão luyện trong thời gian ở Varsava (1938-1941), cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ.

Chiến tranh bùng nổ,  Modrzinskaya được điều về Trung ương. Năm 1941, NKVD được tách thành NKVD Liên Xô và Dân uỷ An ninh Nhà nước (NKGB) Liên Xô. Chức năng tình báo đối ngoại được giao cho Tổng cục 1 của NKGB. Elena được cử vào nhóm chuyên viên nhỏ về địa bàn Anh chuyên trách tổng hợp và phân tích tin tình báo. Tuy còn trẻ, Mordrzhinskaya có năng lực đánh giá tin tình báo đáng kinh ngạc! Cô có tầm tư duy chính trị rất rộng lớn.

Khi nghiên cứu động cơ hợp tác của nhóm điệp viên quý tộc Anh với tình báo Xô-viết, cô đã chú ý đến sự xuất hiện ở phương Tây khá nhiều cuốn sách của những tên đào ngũ khỏi Liên Xô có nội dung đả phá dữ dội ngành tình báo, chế độ Liên Xô và Stalin. Những thông tin chi tiết về các cuộc thanh trừng, trấn áp ở Liên Xô chắc chắn đã có tác động tiêu cực lớn lao đến những người Anh yêu mến Liên Xô. Nhưng nhóm 5 người này, trái lại, vẫn hợp tác như thường với tình báo Liên Xô! Hơn nữa, khi nghiên cứu các tài liệu về “bộ năm Cambridge”, Modrzhinskaya cảnh giác trước hành vi phần nào gượng ép của nhiều người trong nhóm điệp viên này. Tháng 9/1939, Anthony Blunt đã chủ động liên hệ với tổ trưởng tình báo Liên Xô tại London A. Gorsky để xin ý kiến chỉ đạo nên gia nhập quân đội hay tình báo quân sự một khi chiến tranh nổ ra. Dĩ nhiên, tình báo Liên Xô không thể bỏ qua cơ hội quý báu này nên đã chỉ thị cho Blunt gia nhập tình báo quân sự Anh. Sau đó, mùa hè năm 1940, người Anh đã dàn dựng (dưới vỏ bọc là nhiệm vụ của ban “D”, MI-6) một chuyến đi của Burgess đến Moskva. Có cảm tưởng, người Anh đang cố đưa anh ta vào tầm ngắm của tình báo Liên Xô và thúc đẩy việc cài cắm anh ta.

Trong thời kỳ này (tháng 6/1940), Kim Philby với sự trợ giúp của Donald McLean đã chủ động tìm cách khôi phục lại liên lạc bị gián đoạn với tổ tình báo NKVD ở London. Sau này, khi được “cài vào” Bộ Ngoại giao Anh, McLean đã được cử tới sứ quán Anh ở Wahsington. Tại đây, anh ta đã lọt vào tầm theo dõi của FBI và cuối cùng bị bại lộ.

Kết quả là mùa thu năm 1943, tổ tình báo ở London của INO-NKVD đã nhận được tin: Elena Modrzinskaya (phụ trách đánh giá tin tức điệp báo trên hướng Anh), Trưởng Ban phân tích tình báo thuộc Phòng 3, Cục Tình báo Chính trị, cho rằng, Blunt, Burgess, Philby, Cairncross và McLean là những điệp viên bơm tin giả. Họ làm việc cho tình báo Anh từ thời sinh viên.


KỲ 2: NHÓM CAMBRIDGE LÀM VIỆC CHO AI?


Elena Modrzhinskaya

Sau khi bộ phận phân tích của tình báo Liên Xô vào cuối những năm 1930 bắt đầu nghi ngờ các điệp viên người Anh được tuyển ở ĐH Cambridge, Pavel Sudoplatov, một chỉ huy của cơ quan tình báo Xô-viết, đã phải gửi đến London lệnh cấm liên lạc với nhóm này. Nhưng việc lãnh đạo các cơ quan tình báo và an ninh Liên Xô bị thay đổi liên miên trong thời kỳ đó đã khiến Moskva không thể từ chối những tin tức do nhóm Cambridge cung cấp. Họ coi những nghi ngờ “bộ năm Cambridge” là “điệp viên hai mang” là kết quả của chứng hoang tưởng và bệnh nhìn đâu cũng thấy gián điệp nên vẫn tiếp tục làm việc với nhóm này. Tuy nhiên, để phòng ngừa, họ cũng không dám để các cán bộ tình báo bất hợp pháp liên lạc với nhóm này, đồng thời yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra. Nhiệm vụ phân tích hoạt động của nhóm Cambridge được giao cho Elena Modrzhinskaya. Dưới đây là những kết quả nghiên cứu của cô.

Tổ trưởng tình báo Liên Xô ở London bị thay đổi như thay áo
 
Trước chiến tranh, thật không đơn giản để làm việc với nhóm Cambridge. Một là,do hững người lãnh đạo tình báo bị thay liên tục (Từ tháng 7/1934 đến 5/1939, đã thay 6 đời trưởng phòng INO). Hai  là vì ác tổ trưởng tình báo ở London của INO bị thay nhanh không kém (11 người từ năm 1933-1953).

Lãnh đạo tình báo bị thay đổi tất yếu dẫn đến những thay đổi trong chiến lược sử dụng lực lượng điệp viên giá trị cao. Thay đổi lãnh đạo dẫn đến thay đổi ê kíp, thay đổi cả các cấp lãnh đạo trung và cao cấp. Những người mới thường là yếu năng lực hơn những người cũ. Các nhân viên chủ chốt trên các hướng hoạt động chính thường được giữ lại, trong số đó có Elena Modrzhinskaya.

Nhưng để dễ bảo ban hơn, theo yêu cầu của lãnh đạo cấp cao, cô đã bị hạ chức xuống một bậc để không cản trở các thủ trưởng mới hành động. Cấp cao nhất thì luôn đòi hỏi kết quả. Người ta cũng không thèm kiểm tra những nghi ngờ của Modrzhinskaya. Mặc dù sau khi 2 tổ trưởng tình báo Liên Xô ở London phản bội vào năm 1935 lẽ ra tình báo Liên Xô đã phải chấm dứt cộng tác với các điệp viên mà 2 gã đào ngũ này biết.

Ban đầu, nhóm Cambridge không có kênh liên lạc. Churchill hiểu rằng, người Anh cần có một đồng minh như Liên Xô, mà muốn như thế thì phải cung cấp tin tình báo chiến lược cho Moskva. Cách tốt nhất để làm việc đó là thông qua điệp viên ảnh hưởng. Cũng chính vào thời kỳ này, những người trong nhóm Cambridge đã bắt đầu có những nỗ lực ráo riết nhằm “áp đặt” sự cộng tác của mình cho Moskva. Bằng cách chủ động tạo điều kiện cho việc này, người Anh đã khôn khéo ngăn chặn được những quan hệ tin tức của tổ tình báo Liên Xô ở London mà họ không thể kiểm soát. Tính toán này thật chính xác.

Mặc dù vẫn còn nhiều nghi vấn, nhưng Moskva đã không dám từ bỏ tin tức do nhóm Cambridge cung cấp. Nhiều người đã được tặng thưởng vì thành tích công tác chỉ đạo lưới điệp báo ở London. Công việc với “bộ năm Cambridge” đã được nối lại. Những bí mật chính trị thầm kín trong các hành động của các nước đồng minh tuôn ào ào về Moskva. Uy tín của các điệp viên dần hồi phục trong con mắt của tình báo Liên Xô.

Điều tra của Modrzhinskaya

Đánh giá của lãnh đạo tình báo Liên Xô về nhóm Cambridge tuỳ thuộc vào thái độ của cấp trên đối với Е. Modrzhinskaya. Cô được sự ủng hộ của các nhà tình báo bậc thầy như P. Sudoplatov, hay A. Dzhuga, người chỉ huy tình báo chiến lược của Stalin. Họ cho rằng, kinh nghiệm của cô là không thể thay thế.

Chuyên gia phân tích tình báo xuất sắc nhất Elena Modrzinskaya và bộ máy của cô đã phát hiện ra trong hành động của nhóm Cambridge những điểm nghi vấn sau đây.

1 - Cung cấp cho Moskva rất nhiều tin tức thứ yếu

Dòng tin chảy về ngày càng nhiều đã cho thấy sự tích cực khác thường của các điệp viên này cứ như họ hầu như không hề lo bị bại lộ. Tin tức chuyển về chủ yếu liên quan đến các vấn đề quân sự và chính trị.

Về cơ bản, người Anh và các nước đồng minh đều có trách nhiệm chia xẻ với Liên Xô những tin tức này qua các kênh chính thức. Moskva thường xuyên được cung cấp đầy những tin tức khiến Liên Xô không thể không phản ứng.

Đồng thời, Churchill bằng cách đều đặn thông tin cho Moskva về các vấn đề quân sự cũng chính là liên tục củng cố độ tin cậy cho những tin tức được chuyển tới Trung ương tình báo Liên Xô qua các kênh của nhóm Cambridge.

Có cảm tưởng là MI-6 cố tình “bơm tin” cho tổ INO-NKVD ở London, làm tê liệt hoạt động của nó và khéo léo “làm bão hoà” Trung ương tình báo Liên Xô bằng những “báo cáo tin tức”. Thông thường, thủ đoạn này được sử dụng để buộc đối phương không áp dụng những biện pháp tổ chức nhằm hoàn thiện các cơ cấu bộ máy tình báo của mình.

2 - Ru ngủ sự cảnh giác của Moskva

Đã đều đặn phát hiện thấy việc cung cấp về Trung ương những tài liệu “ru ngủ”  sự cảnh giác của tổ tình báo London của INO-NKVD. Ví dụ, tháng 10/1942, trước tiên, Tom (Kim Philby) đã khẳng định MI-5 chẳng mấy quan tâm đến sứ quán Liên Xô ở Anh. Còn sau đó thì cả Tony (Anthony Blunt) cũng đã báo cáo rằng, anh ta chắc chắn đến 99% là tình báo Anh không định tiến hành theo dõi sứ quán Liên Xô ở London.

Cũng trong thời kỳ này, List (John Cairncross), người đang làm việc trong cơ quan mã thám Anh quốc, đã báo cáo rằng, MI-5 không có tin tức nào về việc tình báo Nga chặn thu thông tin mã của Anh. Theo tin tức của Tony, “phản gián Anh đã không thể khám phá được lấy một bộ mã nào của Liên Xô, cũng không thể mở trộm lấy một bì thư ngoại giao nào của sứ quán Liên Xô ở Anh”. Trong khi đó, chỉ 2 tháng sau, các chuyên gia mã thám của phản gián Anh (có sự trợ giúp của Mỹ) đã có trong tay những kết quả cụ thể tiềm ẩn khả năng phát giác nhóm Cambridge.

Tất cả những thông tin này thật đáng ngại. Bởi lẽ, những nguồn cung cấp những tin tức này chẳng phải thuộc loại kém thạo tin. Theo Modrzhinskaya, bằng cách ru ngủ sự cảnh giác của tổ tình báo Liên Xô, đối phương đã tạo cho mình những điều kiện thuận lợi để tiến hành theo dõi.

3 - Không cung cấp tin tức về các gián điệp của MI-6

Trung ương tình báo Liên Xô không hài lòng với hoạt động của nhóm Cambridge. Tại sao họ không cung cấp tin tức phát giác lực lượng điệp viên của MI-6 ở Nga? Tình thế xem ra thật lạ lùng. Tom, List, Homer (McLean) đều có quyền tiếp cận các bí mật, nhưng lại không báo tin chỉ điểm các gián điệp Anh.

Cuối cùng, những cố gắng nhằm thúc đẩy các điệp viên này hoạt động tích cực hơn cũng thành công. Điệp viên Tom đã cung cấp thông tin nói rằng, các cơ quan tình báo Anh vào cuối những năm 1930 đã tuyển được một thuyền trưởng tàu viễn dương Liên Xô, người này đã từng ghé một thương cảng Anh. Phản gián Xô-viết đã tiến hành thẩm tra và bắt giữ Bộ trưởng Hàng hải Liên Xô А. Afanasiev. Ông bị kết án 20 năm tù, nhưng sự vu cáo này không được khẳng định nên người ta buộc phải phục hồi cho vị bộ trưởng.

4 - Vi phạm nguyên tắc bí mật

Bất chấp lệnh cấm của tổ tình báo, các thành viên của nhóm Cambridge nhất quyết đòi sống tại căn hộ của một người bạn là chủ nhà băng Victor Rothschild, người vốn có quan hệ thân thiết với Churchill. Căn hộ này hiển nhiên là bị MI-5 nghe lén bởi vì các nhân vật cầm đầu MI-6 và MI-5 thường xuyên lui tới đây. Một mặt, điều đó cho phép các cơ quan tình báo Anh khi cần có thể giám sát được liên tục các thành viên nhóm Cambridge để kiểm soát và định hướng hoạt động của họ. Mặt khác, điều đó làm cho tổ tình báo Liên Xô ở London mất khả năng thông qua theo dõi phát hiện ra việc các điệp viên của họ đến những cơ sở đã biết là của MI-5.

5 - Hỗ trợ cho thăng tiến

Lãnh đạo MI-6 và MI-5 liên tục “thăng cấp” cho nhóm Cambridge trong khi vẫn điều tiết một cách tinh vi khả năng tình báo của họ. Đồng thời, sự hiểu biết của họ trong những lĩnh vực có khả năng gây tổn hại lớn cho London cũng bị giảm đi.

MI-5 tiến hành yểm trợ nghiệp vụ cho nhóm Cambridge. Qua các cuộc trao đổi với những cán bộ tình báo đã từng làm việc với nhóm Cambridge, Mordrzhinskaya biết rằng, họ được MI-5 yểm trợ. Ya. Yakovlev, Trưởng Phòng Anh của Tổng cục 2 (phản gián của tình báo NKVD Liên Xô) và G. Utekhin, Trưởng phòng Phản gián quân sự vùng hậu địch), đã nghi McLean và Burgess là điệp viên của MI-5, chứ không phải của MI-6. Phản gián Anh thông qua họ để nắm tình hình trong Bộ Ngoại giao Anh.

Yakovlev, người chịu trách nhiệm về an ninh của hội nghị Yalta, tin chắc nhóm Cambridge được MI-5 yểm trợ. Những nghi vấn gia tăng vào tháng 1/1949. Tại London, trong khi liên lạc với một liên lạc viên Liên Xô, cảnh sát tuần tra đã chặn Tony lại lúc trong cặp anh ta có một tập dày tài liệu mật nhận từ Guy Burgess. Khi khám xét qua loa chiếc cặp, viên cảnh sát không để ý đến những tài liệu mật được gói trong một tờ giấy màu nâu. Đây là trường hợp chưa từng có đối với Scotland Yard (Sở Cảnh sát Đô thành London), nhưng MI-5 đã kịp thời can thiệp nhờ vậy mà điệp vụ của họ không bị đổ bể.

6 - Miếng mồi nhử

Mordrzhinskaya phản ứng rất gay gắt với thông tin nhận từ Tony vào tháng 6/1949. Anh ta báo cáo: “Sĩ quan chỉ huy MI-5 Malcolm Cumming đang tiếp đón các điệp viên trong số các nhà ngoại giao các nước khối phương Đông tại một nhà mật".  Đây thật là một cơ hội hiếm có để phát hiện các nguồn tin và tuyển lại họ.

Mordrzhinskaya coi tin này là âm mưu nhằm khiêu khích tổ tình báo Liên Xô có những biện pháp tích cực dưới sự kiểm soát của MI-5. Nhưng tình báo Liên Xô đã không cắn câu. Đến cuối thập niên 1940, đã có đủ dấu hiệu cho thấy hoạt động của nhóm Cambridge dù là không bị đặt dưới sự kiểm soát của phản gián Anh thì cũng đã bị họ khám phá. Nhưng MI-5 không bắt giữ họ vì muốn bí mật theo dõi các chiến dịch của tình báo Xô-viết.
(Về nguyên nhân để những thành viên nhóm Cambridge chạy sang Liên Xô và cuộc sống của họ ở Moskva, mời các bạn xem kỳ sau).


KỲ 3: 15 SƠ HỞ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM CAMBRIDGE


Trong các kỳ trước đã đề cập đến ý kiến của Elena Modrzhinskaya, chuyên gia phân tích của tình báo Liên Xô trong những năm 1930, cho rằng, nhóm Cambridge là con mồi nhử của MI-6. Cô bị sa thải khỏi ngành tình báo Xô-viết vào năm 1953. Nhưng trước đó, cô đã tỉ mỉ ghi chép mọi vấn đề đáng ngờ trong hoạt động của nhóm điệp viên này. Dưới đây, xin nêu lên một số chuyện vô lý liên quan diễn ra trong cơ quan tình báo Anh và Liên Xô những năm đó.

Vòng dây dần thít chặt

Nguyên nhân để nhóm Cambridge bị bại lộ thì có quá nhiều. Một là, nguyên tắc tình báo không cho phép làm việc với các nguồn tin tình báo giá trị cao từ bình phong sứ quán. Hai là, thông tin do họ cung cấp phải sử dụng thận trọng hơn so với thực tế Moskva đã làm. Ba là, bản thân các điệp viên nhóm Cambridge không được thường xuyên vi phạm nguyên tắc bí mật. Đã có một giai đoạn Philby, Burgess, McLean và Blunt sống trong một căn hộ của Rothschild. Họ thường mang tới đây các tài liệu mật của MI-6, MI-5 và GCHQ (cơ quan mã thám của Anh) để tìm hiểu, nghiên cứu. Họ cũng hay quên trả lại kịp thời các tài liệu này.

Ngoài ra, tệ rượu chè của một vài thành viên nhóm Cambridge đã dẫn đến chuyện họ bốc đồng thú nhận với những người xung quanh về việc họ làm việc cho NKVD! Nhưng không hiểu vì sao mà MI-5 không buồn quan tâm đến việc này.
 
Nhưng nguy cơ lớn nhất là từ những người thứ ba vô tình chứng kiến hoạt động của nhóm Cambridge cho tình báo Liên Xô. Trong hồ sơ về nhóm Cambridge của MI-5 có tập hợp một loạt các dấu hiệu. Các dấu hiệu ấy nếu như không bị kiểm tra gắt gao bằng những biện pháp nghiệp vụ tinh vi thì cũng phải được “xoá vết” bằng những cách thức tinh vi không kém.
 
Tai họa do phụ nữ
 
Sơ hở đầu tiên đã diễn ra ở Viên. Nữ văn sĩ Áo Naomi Mitchison năm 1934 đã không che giấu những người xung quan quan hệ của mình với “một người cộng sản trẻ tuổi, dễ thương từ Cambridge là Kim Philby, người mà vì lo lắng cho số phận của những người bị bắt trong vụ cháy nhà quốc hội Đức (Reichstag), đã thăm dò xem cô hay người quen nào đó của cô có thể đến Berlin để theo dõi diễn biến tình hình”. Ta có thể tưởng tượng là đã có biết bao nhiêu gián điệp đang tràn ngập thủ đô Viên hồi đó báo cáo về vấn đề này cho cơ quan cấp trên của mình.
 
Sơ hở cuối cùng do lỗi của một phụ nữ diễn ra ở Tel Aviv. Mùa hè năm 1962, con gái của một nhà ngân hàng từ nước Nga Flora Solomon đã báo cho Huân tước Victor Rothschild, đại diện của Anh quốc tại Israel rằng, năm 1937, Philby đã âm mưu tuyển mộ cô ta cho tình báo Liên Xô. Vì sợ bị khiêu khích,  Rothschild đã báo tin này cho MI-6.
 
Nguy cơ từ những tên phản bội đào ngũ
 
Sơ hở tiếp theo xảy ra ở Madrid. Tháng 1/1937, Philby sang Tây Ban Nha với tư cách phóng viên chiến trường của báo The Times tại bộ chỉ huy của Franco. Chỉ đạo Philby là tổ trưởng tình báo NKVD Alexander Orlov. Mùa hè năm đó, vì sợ bị trục xuất về Liên Xô, Orlov đã chạy sang Mỹ. Trong các cuộc thẩm vấn của FBI, vì lo sợ cho thân nhân vẫn ở lại Liên Xô, Orlov dường như đã không khai ra nhóm Kim Philby.  Nhưng cũng có một giả thiết khác: Orlov đã khai ra các điệp viên này để đổi lấy cam kết không sử dụng thông tin này khi không có nguyên cớ rõ ràng.
 
Tiếp đó là cú đòn của một tổ trưởng NKVD khác là Walter Krivitsky. Năm 1940, tổ tình báo NKVD ở London đã thu được một báo cáo thẩm vấn của phản gián Anh đối với tên đào ngũ này. Hắn đã cung cấp cho MI-5 manh mối về Donald McLean (Stewart) John Cairncross (List).
 
Tháng 12/1943, ở Istanbul, một đối tượng mà tình báo Anh đang tìm cách tuyển mộ là Erich Vermeeren, nhân viên tổ tình báo Đức Abwehr đội lốt ngoại giao, đã phản bội nước Đức chạy sang phía người Anh. A. Blunt, đã chuyển thông tin nhận được từ Erich Vermeeren không chỉ cho MI-6, mà còn gửi về Moskva. Tình báo Liên Xô đã có một động tác kiểm tra nhằm xác định xem Blunt che giấu phần thông tin nào và giấu với ai.
 
Tháng 9/1945, sau khi quyết định chạy sang phương Tây, Volkov - tổ phó tình báo NKGB  Liên Xô ở Istanbul - đã giao cho người Anh một va li tài liệu mật. Trong số tài liệu này có tin tức về 2 điệp viên Xô-viết trong Bộ Ngoại giao Anh (Burgess McLean) và 7 điệp viên khác trong MI-6. Họ có thể là К. Philby, A. Blunt, J. Cairncross, L. Long và J. Klugman, Sedric, Belfrage. Qua phân tích vụ Volkov ở London, đã phát hiện ra những cố gắng của Philby nhằm bêu xấu Volkov, người cuối cùng đã bị trả cho người Nga để nâng cao giá trị của Philby trong con mắt của tình báo Liên Xô.
 
Cuối cùng, tháng 12/1961, tại Phần Lan, thêm một tình báo viên Liên Xô là thiếu tá Anatoly Golitsyn đào thoát. Hắn biết hơn 100 điệp viên của KGB, trong đó có cả nhân viên MI-6 Kim Philby. Giới lãnh đạo tình báo Anh tỏ ra căm giận và công khai đề xuất thủ tiêu Philby hoặc bắt và đưa anh ta từ Beirut về Anh. Biết chuyện, Thủ tướng McMillan đã can thiệp. Ông đề nghị cố gắng thuyết phục Philby tự nguyện trở về Anh để khai báo.
 
Những phát hiện của phản gián
 
Năm 1938, ở khu vực giới tuyến, quân cảnh của Franco đã giữ phóng viên Philby vì không có giấy thông hành. Trong người anh ta chỉ có một danh sách các nguồn tin và các quy ước liên lạc với Moskva. Philby dường như đã kịp bí mật tiêu huỷ các tài liệu nguy hiểm nên không bị bắt.
 
Năm 1939, MI-5 đã đòi đuổi A. Blunt ra khỏi trường tình báo vì ý thức hệ Marxism và vì anh ta nằm trong “nhóm có rủi ro”. Nhưng chỉ 2 tuần sau, người ta bất ngờ xin lỗi anh ta về “sự hiểu lầm đáng tiếc”. Anh ta lại được làm việc cho MI-5 và lại được cử đến học ở trường tình báo. Điều đó là một dấu hiệu khá rõ cho thấy Blunt là một điệp viên hai mang.
 
Tháng 12/1941, Moskva nhận được tin nói rằng, chỉ huy phản gián đối ngoại của MI-6 trên hướng Iberia Kim Philby đã bị phản gián Anh phát giác và bị tuyển lại. Moskva đã gửi một bức điện mã cho tổ tình báo ở London để thông báo việc này.
 
Tại London, tháng 1/1944, trong quá trình thanh lọc các phần tử bị nghi có quan hệ với Đảng Cộng sản khỏi các cơ quan tình báo Anh, điệp viên Xô-viết John Cairncross đã bị điều chuyển từ GCHQ sang trụ sở MI-6 ở bộ phận kém quan trọng hơn về điều phố hoạt động của tình báo Anh ở Nam Tư.
 
Tháng 1/1949, trên quảng trưởng Montegue ở London Montegue, một viên cảnh sát đã chặn Anthony Blunt khi anh ta đang đi liên lạc với  tổ tình báo Liên Xô. Trong cặp của anh ta có một tập tài liệu mật dày nhận được từ Guy Burgess. Khi khám xét chiếc cặp, dường như viên cảnh sát đã không chú ý tới những tài liệu mật được gói trong một tờ giấy gói. Điều đó thật kỳ lạ bởi vì một cảnh sát Anh đã học qua trường của Scotland Yard sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội như thế để thăng tiến.
 
Tháng 12/1949, CIA cùng với SIS đã tổ chức cuộc đổ bộ đầu tiên lính đặc nhiệm lên Albania nhằm mục đích lật đổ chế độ cộng sản của Enver Hodja. Là người có liên quan trực tiếp với công tác chuẩn bị chiến dịch này, Kim Philby đã báo tin trước cho Moskva làm cho mưu toan xâm nhập bị thất bại.
 
Hè năm 1950, Moskva đã nhận được những tin tức tin cậy nói rằng MI-5 và cơ quan an ninh của Bộ Ngoại giao Anh đã “lần ra dấu vết” của một điệp viên nước ngoài giá trị cao. Cuối cùng, họ phát hiện ra đó chính là “nguồn tin” của tình báo Xô-viết Donald McLean, nhưng họ đã không hề ngăn chặn hoạt động của anh ta.
 
Mùa thu năm 1950, tại trụ sở CIA, đại diện tình báo Israel là Teddy Kollek đã hỏi chỉ huy phản gián của CIA James Jesus Angleton: Anh chàng Kim Philby có tiếng thân tả từ những năm 30 đang làm gì ở đây thế?” Ông trùm phản gián khét tiếng đa nghi của CIA Angleton đã giải thích “…Philby là một người bạn tốt của Mỹ và là đại diện cho cơ quan tình báo Anh MI-6”.
 
Giữa tháng 5/1951, một nhóm thành viên của tổ chức dân tộc chủ nghĩa Ucraina OUN-UPA của Bandera do MI-6 tung vào Liên Xô đã bị bắt trên lãnh thổ Ucraina. Trong số những kẻ bị bắt có Miron Matvienko, một trong các nhân vật lãnh đạo của OUN-UPA, kiêm chỉ huy cơ quan an ninh của Bandera. Chính Philby là người đã báo tin cho Liên Xô về việc hắn được tung vào Liên Xô. Philby là người đưa ra chỉ dẫn cuối cùng cho nhóm phiến loạn.  Tại MI-5, các yếu tố này đã bổ sung cho những tài liệu về những kênh rò rỉ thông tin. Nhưng tình báo Anh không hề có biện pháp ngăn chặn, điều đó khiến cho Moskva coi đây là một chứng cớ mới về vai trò hai mang của các điệp viên Cambridge.
 Năm 1951, khi đến London, McLean phát hiện bị theo dõi. Vấn đề là ở chỗ năm 1944,  tình báo Mỹ đã chặn thu được một bức điện mã của sứ quán Liên Xô tại Mỹ gửi về Moskva. Sau 3 năm vật lộn, cuối cùng họ đã đọc được một phần bức điện. Đó là các tin tức về các bí mật nguyên tử của Mỹ của điệp viên Homer. Vòng nghi vấn giảm dần từ 7.000 người có quyền tiếp cận thông tin này xuống còn 9 người.

Ai đã che chắn cho nhóm Cambridge?
 
Ai là người, trong tình thế đó, đã che chắn để nhóm Cambridge không bị bại lộ? Mordrzhinskaya đã nêu ra nhóm người rất thế lực nắm trong tay toàn bộ chiến lược của tình báo và phản gián Anh. Một là, trưởng phòng phản gián MI-5 Guy Liddell, chuyên gia về tình báo Liên Xô từ năm 1927 và là họ hàng của Anthony Blunt. Hai là, Cục trưởng MI-6 Dick White. Trước đây, khi là phó của Guy Liddell, ông ta phụ trách chỉ đạo các điệp vụ “lừa dối kép” (các trò chơi nghiệp vụ với kẻ thù chính). Ba là, Valentine Vivian, Cục phó MI-6 về phản gián đối ngoại và tác giả của kế hoạch Lotey (điệp vụ chiến lược của tình báo Anh được tiến hành từ cuối những năm 1940 cho đến đầu những năm 1990 với mục đích làm tan vỡ sự đoán kết của phe XHCN. Đây được coi là thắng lợi to lớn nhất trong lịch sử tình báo Anh). Bốn là, Alec McDonald, Trưởng Phòng D (phá hoại) của MI-6.
 
Vậy thì Trung ương tình báo Liên Xô ở Moskva có lo ngại nhóm Cambridge bị bại lộ không? Họ thừa nhận điều đó là không tránh khỏi và nghĩ rằng, tiềm năng của nhóm điệp viên đã hết. Một lần, phó chỉ huy tình báo Liên Xô S. Savchenko, khi giải thích sự rủi ro này, đã tuyên bố: “…nếu như điều đó sẽ xảy ra thì luôn có thể đổ lổi về sự đổ vỡ này là người Anh bằng cách đó đã loại bỏ, không sử dụng nữa các điệp viên hai mang vốn đã mang lại lợi ích cho Liên Xô nhiều hơn là cho Anh”.
 Khi bình luận các tài liệu này, một điều tra viên đã nói: “… nếu mà mấy người này ở một nước khác thì từ lâu họ đã thú nhận tất cả và nhảy nhót như những con thiên nga nhỏ trên bàn của điều tra viên”.


KỲ 4: SỰ KẾT THÚC CỦA NHÓM CAMBRIDGE


Sự kết thúc của nhóm điệp viên Cambridge đã đến khi các chuyên gia mã thám Mỹ giải phá được liên lạc điện mã của tổ tình báo MGB ở London với Moskva. Các điệp viên của “bộ năm Cambridge” đã bị bại lộ và tình báo Liên Xô chẳng còn cách nào khác là tổ chức cho 3 điệp viên giá trị nhất trong 5 người chạy trốn về Moskva.

Chiến dịch mã thám VENONA
 
Moskva đã biết Mỹ và Anh đang cố giải mã nội dung liên lạc mật của tình báo Liên Xô. Họ có tin này từ những năm 1940. Nhưng họ cho rằng, đó là chuyện hiển nhiên, thường ngày ở các cơ quan mã thám. Nhưng các chuyên gia mã thám Mỹ đã lao động cật lực để tìm ra những manh mối nào đó cho phản gián. Đến mùa thù năm 1948, họ đã gặt hái những kết quả đầu tiên.

Những người Mỹ tham gia vào trò chơi của tình báo Anh đã không cố che giấu bí mật này lắm. Vì thế Philby biết được và báo về Moskva rằng, Homer sắp bị bại lộ đến nơi. CIA và MI-6 muốn biết Moskva sẽ làm gì? Liệu họ còn có các điệp viên khác không? Moskva vì nghi ngờ sự chân thành cộng tác của Homer nên đã quyết định tránh cho ít ra là Philby, người khi đó đang có vị trí khá cao trong MI-6, khỏi bị phát giác. Họ quyết định chấm dứt hoạt động và đưa McLean và Burgess về Moskva để trực tiếp điều tra. Hai người này tuy cũng cung cấp tin tình báo chính trị nhưng lúc này hiệu lực đã hết.
 
Ngày đen tối của Special Branch
 
Ngày Burgess và McLean chạy trốn khỏi London (ngày 25/5/1951) có thể được xem là một trang đen tối trong lịch sử của Special Branch (Phòng chuyên trách phản gián) thuộc Scotland Yard. Khi mà bên theo dõi để sổng một đối tượng thì đó đúng là một sự cố nghiêm trọng đặc biệt. Hơn nữa, ở đây lại có những 2 gián điệp cùng một lúc thoát thân ngay trước mũi các thám tử Anh. Trong lịch sử chưa từng có những tiền lệ như vậy.

Theo kế hoạch, hôm đó, MI-6 đã không bố trí theo dõi Burgess và McLean. Rõ ràng là người Anh không muốn giữ các điệp viên này ở lại nước Anh. Nguyên nhân để làm việc đó thì có nhiều.

Một là, những lời khai của họ tại toà có thể biến thành thảm hoạ đối với giới cầm quyền chóp bu Anh quốc. Những trò thủ đoạn chính trị xấu xa sẽ bị bộc lộ và có thể khiến đảng cầm quyền phải rời khỏi sân khấu chính trị. Hai là, MI-6 và MI-5 khi đó sẽ buộc phải ngừng trò chơi nghiệp vụ của mình với người Nga, trong khi đó ngay cả khi ở trên lãnh thổ Liên Xô, các điệp viên này vẫn có triển vọng dù là mờ mịt (để đáp lại các điệp vụ thành lập các tổ chức chống đối giả “Trest” và “Sindikat” của tình báo Liên Xô). Ba là, từ giác độ đạo đức thì việc giam cầm dù là giả vờ những người đã tham gia trò chơi nghiệp vụ cũng vẫn tiềm ẩn một xì căng đan khó lường một khi bí mật này bị khám phá. Vì thế, chẳng có lý do gì để giữ họ lại trong nước. Họ ở lại sẽ tạo ra mối đe doạ thường trực là phe đối lập lúc nào cũng có thể sử dụng con bài này.

Chủ yếu là do chiến dịch mã thám Venona, nhóm Cambridge đã mất giá trị đối với MI-6. Vì vậy, tình báo Anh quyết định đưa họ đến Moskva để tạm ngừng hoạt động. Họ hy vọng là lúc nào cũng có thể khôi phục lại hoạt động của nhóm này. Bởi lẽ họ là dân chuyên nghiệp và sẽ biết cách thu thập thông tin cần thiết mà chẳng cần những chỉ đạo đặc biệt. Trong tương lai, việc liên lạc với họ lúc nào cũng có thể tiến hành thông qua các thân nhân (vợ con, bạn bè vốn được phép đến thăm Liên Xô).
 
Cuộc điều tra vụ chạy trốn ở London giống như một trò hề do MI-6 trình diễn. Người ta công bố một báo cáo về sự biến mất của Burgess và McLean, một báo cáo mà báo chí gọi là “một sự sỉ nhục đối với các cơ quan tình báo quốc gia”. Tức giận trước hoạt động của phản gián Anh, nghị sĩ Markus Lipton đã chất vấn Thủ tướng Anthony Eden tại nghị viện: “Ông đã quyết định che giấu toàn bộ tổn thất mà hoạt động đáng ngờ của Philby gây ra phải không?” Lúc đó, để cứu vãn danh dự cho MI-6, Harold McMillan đã trả lời: “Tôi không hề có cơ sở nào để buộc tội Philby phản bội lợi ích đất nước”. Sau đó, bất chấp mọi nguyên tắc, MI-6 lại bắt đầu sử dụng Philby làm điệp viên. Lúc đó, ông đã làm phóng viên cho tờ Observer ở Cận Đông và lại cung cấp thông tin mật cho các cơ quan tình báo Xô-viết.
 
Sự hiếu khách của Moskva
 
Moskva đã đón tiếp các điệp viên chạy trốn ở mức lịch sự. Do Modrzhinskaya nghi ngờ nhóm Cambridge là con mồi của MI-6 cài vào nên tình báo Liên Xô đã không muốn bảo trợ cho McLean và Burgess. Họ bị giao cho Tổng cục 2 (phản gián) của Bộ An ninh Nhà nước Liên Xô MGB. Với cớ bảo đảm an toàn, cơ quan này đã đưa họ ra xa Moskva, đến Kuibyshev. Chỉ huy phản gián, Tướng Oleg Gribanov lo ngại người của ông sẽ không thể kiểm soát được quan hệ của họ với sứ quán Anh. Người ta đã bắt đầu kiểm tra cặn kẽ những thông tin mà McLean và Burgess đã cung cấp. Họ đã xác định phạm vi những người có quyền tiếp cận đến thông tin tài liệu, thu thập dữ liệu cá nhân về những con người này và tin tức về hoàn cảnh thu tin trong từng trường hợp cụ thể. Người ta tìm kiếm trong các mối quan hệ “chưa bị bộc lộ” của nhóm Cambridge những ứng viên để tuyển mộ, cố xác định nơi ở của họ và mức độ mạo hiểm thất bại khi tiếp xúc nghiệp vụ.
 
Nhưng trong các cuộc trao đổi sâu, McLean và Burgess đã không cung cấp được thông tin đáng chú ý nào cho các sĩ quan chỉ đạo mình. Họ che giấu tên tuổi của những người đã che chở cho họ ở MI-6. Hơn nữa, họ còn đưa ra đánh giá tiêu cực về đa số các quan hệ của mình khiến không thể đặt ra vấn đề nghiên cứu, điều tra để tuyển mộ họ.
 
Người ta tiếp tục kiểm tra. Đặc biệt là sau những cuộc gặp của Burgess với nhà hoạt động nổi tiếng và có quan hệ gần gũi với giới chức Anh Dryberg ở Moskva năm 1956. Thông qua ông ta, người Anh đã bơm cho Burgess tin giả nói rằng, họ không định đánh nhau với Ai Cập sau khi nước này quốc hữu hoá kênh đào Suez. Kết quả là các cơ quan tình báo Liên Xô đã hầu như không còn sử dụng tích cực Burgess và McLean trên hướng Anh.
 
Cuộc sống ở Liên Xô
 
Cuộc sống riêng tư của McLean và Burgess ở Liên Xô đầy u ẩn do thái độ của ban lãnh đạo KGB. Burgess rất muốn về Anh nhưng không được phép, ông quay ra rượu chè. Ông qua đời ở bệnh viên Botkinskaya ngày 30/8/1963.
 
McLean lúc đầu đã bảo vệ luận án, còn sau đó quay ra bảo vệ các nhân vật đối lập ở Liên Xô. McLean đã gửi thư riêng cho Chủ tịch KGB, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Iu.V. Andropov bênh vực nhà sinh học Zhores Medvedev, nhà hoạt động nhân quyền Vladimir Bukovsky, Andrei Fadin và Pavel Kudyukin, cũng như lên tiếng bênh vực các nhân vật chống đối như A.I. Solzhenitsyn, M.L. Rostopovich, G.P. Vishnevskaya, viện sĩ A.D. Sakharov. Người ta giải thích với Andropov rằng, McLean bằng cách đó muốn tỏ ra mình là một công dân Liên Xô đầy đủ.

Hè năm 1972, nghiên cứu viên trưởng của Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế IMEMO Mark Petrovich Freizer đã gửi đơn đến ban giám đốc: “Tôi đề nghị từ nay gọi họ tên tôi là McLean Donald Donaldovich” (Phó Giám đốc Viện là E.M. Primakov đã ký lệnh số 6 trả lại họ thật cho McLean). McLean qua đời ngày 6/3/1983 ở Moskva. 


KỲ 5: TRỞ LẠI VỚI NHÓM CAMBRIDGE… THẮNG LỢI HAY THẤT BẠI?


Loạt bài đăng trên báo Luận chứng tuần lễ nêu đánh giá của chuyên gia phân tích tình báo Modrzhinskaya của NKVD về hoạt động của các điệp viên nổi tiếng với biệt danh “Bộ năm Cambridge” đã gây ra phản ứng dữ dội từ độc giả. Giả thiết cho rằng, nhóm Cambridge lừng danh trong nhiều năm ròng đã làm việc không phải cho Liên Xô mà cho người Anh và đã biến cơ quan tình báo sừng sỏ NKVD-NKGB-KGB thành những thằng ngốc là thật lạ và sửng sốt. Nhưng giả thiết đó có cơ sở đến mức độ nào? Dưới đây, xin đăng lá thư do các nhân vật kỳ cựu của tình báo chính trị Liên Xô, từng hoạt động tại tổ tình báo KGB tại London là nguyên đại tá tình báo, nhà văn nổi tiếng M. Lyubimov và nguyên thiếu tướng Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga SVR, nay là nhà tài chính Iu. Kobaladze. 

Stalin chẳng tin ai
 
Tất cả các thành viên của bộ năm đều được tuyển mộ vào đầu thập niên 1930 khi họ còn đang học ở Cambridge dựa trên thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản của họ. Dần dần, họ đã trở thành các nguồn tin giá trị của tình báo Xô-viết. Kim Philby, quan chức cao cấp của cơ quan tình báo Anh SIS (MI-6); Guy Burgess, từng làm việc ở Bộ Ngoại giao Anh và SIS; Donald McLean leo lên tận chức vụ trưởng Vụ Mỹ của Bộ Ngoại giao Anh; Anthony Blunt làm việc cho MI-5 trong thời chiến; John Cairncross là nhân viên cơ quan mã thám siêu mật GCHQ của Anh.
 
Những nghi ngờ đầu tiên đối với bộ năm Cambridge lần đầu tiên xuất hiện trong thời kỳ những cuộc đàn áp của Stalin vốn đã lan sang cả ngành tình báo: các cán bộ tình báo bị triệu hồi và xử bắn, các tổ trưởng tình báo Orlov và Krivitsky, những người biết hoặc đoán biết về bộ năm Cambridge, chạy sang phương Tây. Stalin quen biết riêng Orlov và không tin tên này không khai ra các điệp viên Xô-viết mà hắn biết bất kể hắn đã viết cam kết là không làm việc này nếu hắn và gia đình hắn không bị đe doạ. Theo chỉ thị của Beria, tháng 1/1940, tổ tình báo NKVD ở London đã bị giải tán vì “không có độ tin cậy chính trị” và chỉ khôi phục hoạt động vào cuối năm đó.
 
Stanislav Lekarev, tác giả loạt bài về nhóm Cambridge trên tờ Luận chứng tuần lễ này , viết rằng, nhiệm vụ nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ nhóm Cambridge đã được giao cho “chuyên gia phân tích giỏi nhất của tình báo Liên Xô” Elena Modrzhinskaya. Ngày 17/11/1942, Modrzhinskaya đã viết báo cáo, trong đó phân tích thông tin do nhóm điệp viên cung cấp và kết luận rằng, họ không đánh tin cậy và có thể đang bơm tin giả cho Trung ương tình báo. Thực ra, báo cáo này đã bị một nhà lãnh đạo tình báo đánh giá nghiêm khắc: “Báo cáo này hoàn toàn không phù hợp các nhiệm vụ mà tôi đã giao và giải thích chi tiết”. Hồi đó, người ta không cho báo cáo này đi lên trên.
 
Sau vụ bức điện của đại sứ Nhật ở Berlin ngày 4/10/1943 do Philby cung cấp bị thiếu mất một đoạn dường như người Anh không giải mã được (đoạn này có những thông tin mà Trung ương tình báo Liên Xô đã biết nhưng lại bất lợi cho người Anh), những ngờ vực lại bùng lên. Mordrzhinskaya đã viết một báo cáo mới với các kết luận dứt khoát về sự phản bội của nhóm điệp viên này.
 
Kết quả kiểm tra sự trung thực của nhóm Cambridge
 
Uỷ viên Dân uỷ NKVD Merkulov đã đề nghị kiểm tra kỹ hơn tính trung thực của nhóm điệp viên này. Tháng 8/1944, chỉ huy tình báo P. Fitin đã viết cho Merkulov một báo cáo về các biện pháp kiểm tra đã tiến hành, trong đó đánh giá tích cực hoạt động của bộ năm. Năm 1953, Mordrzhinskaya bị sa thải khỏi ngành tình báo và chuyển sang hệ thống Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
 
Tổng cộng trong thời gian 1941-1945, nhóm Cambridge đã cung cấp 18.000 (!) tài liệu mật, trong đó có cả những tin tức dựa trên các bức điện của phát xít Đức mà người Anh chặn thu được nhờ máy mã Enigma. Những tin tức ấy đã đóng vai trò quan trọng trong nhiều trận đánh của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, nhất là trận Kursk. Dĩ nhiên là có thể đưa ra các giả thiết rằng, phản gián Anh đã chuyển cho ban lãnh đạo Liên Xô những tin tức cực kỳ giá trị đó thực ra chỉ nhằm củng cố sự tin cậy của tình báo Liên Xô đối với bộ năm Cambridge. Nhưng những phỏng đoán như thế xem ra khá vô lý.
 
Nếu bám theo logic này thì sẽ phải phỏng đoán rằng, cố gắng của người Anh nhằm bảo mật các điệp viên của họ đã đi xa đến mức đôi khi họ hoàn toàn mất tỉnh táo. Làm thế nào để giải thích khác đi việc “các điệp viên” của họ đã chuyển giao cho tình báo Xô-viết kế hoạch Chiến dịch Unthinkable nhằm “buộc nước Nga tuân theo ý chí của Hoa Kỳ và đế quốc Anh”. Kế hoạch này dự định mở cuộc tấn công phối hợp vào ngày 1/7/1945 vào quân đội Liên Xô của 10 sư đoàn Đức (100.000 quân), 47 sư đoàn Mỹ và Anh (500.000 quân). Nếu thế thì cầm đầu tình báo Anh toàn là những kẻ ngu ngốc hết cả sao?
 

Harold Adrian Russell (Kim) Philby (1912-1988)

Ngày 6/11/1945, Stalin đã nhận được từ Philby báo cáo “An ninh của đế quốc Anh” do Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Bộ Tổng tham mưu Anh chuẩn bị. Trong đó, Liên Xô được xác định là mối đe doạ chủ yếu và khuyến nghị thiết lập quan hệ đặc biệt với Mỹ, lôi kéo Mỹ tham gia phòng thủ Tây Âu, thành lập các khối chính trị-quân sự và các căn cứ quân sự ở châu Âu và các khu vực khác trên thế thế giới. Chẳng lẽ những thông tin chấn động này (hơn nữa không hề có một từ nào là thông tin giả trá) được chuyển giao kịp thời cho Liên Xô cũng là để che chắn người của họ (tình báo Anh) hay sao?! Nếu thế thì phải thừa nhận rằng, lãnh đạo các cơ quan tình báo Anh hồi đó toàn là những thằng ngu, không có khả năng đánh giá mức độ tổn hại từ những tiết lộ thông tin như vậy. Nhưng chúng ta biết rõ là không phải như vậy.


 
 

Bia và mộ điệp viên lừng danh Kim Philby tại nghĩa trang Kuntsevo, Moskva, Nga

Khi hoạt động tại sứ quán Anh ở Mỹ, McLean đã được cử làm thư ký Uỷ ban Năng lượng nguyên tử Anh-Mỹ. Điều đó tạo cơ hội cho anh theo dõi diễn biến của dự án phát triển bom nguyên tử. Toàn bộ thông tin vô giá này đã được chuyển về Moskva. Đây cũng là để nghi binh chăng? Hoàn toàn không thể được!
 
Điều khiến Modrzhinskaya và tiếp đó là tác giả Lekarev nghi ngờ là việc các thành viên nhóm Cambridge không cung cấp tin tức về hoạt động chống Liên Xô của MI-5. Nhưng rõ ràng là vào thời của Modrzhinskaya, họ đơn giản vẫn chưa có vị trí để được tiếp cận những tin tức đó mà thôi! Những năm đầu chiến tranh, người Anh chỉ tập trung cho hoạt động chống lại kẻ thù chính lúc đó là gián điệp Đức.
 
Cũng với giả thiết nhóm Cambridge làm việc cho Anh, ta sẽ phải đánh giá thế nào về những tin tức về mưu toan phản bội vào năm 1945 của Volkov, nhân viên tổ MGB ở Thổ Nhĩ Kỳ mà Philby báo về Moskva? Volkov gần như lập tức đã bị đưa về Liên Xô nên đã giúp tình báo Liên Xô tránh được nhiều hậu quả đáng buồn và làm người Anh mất đi cơ hội có được những tin tức rất giá trị từ kẻ đào ngũ bất thành này. Nhìn chung, Philby đã nhiều lần cung cấp những thông tin rất giá trị về việc tung điệp viên Anh vào Liên Xô. Nhờ các nỗ lực của ông mà các toán phá hoại tung vào Albania cũng đã bị tóm cổ.
 
Các điệp viên Liên Xô và “bà đầm thép” Thatcher
 
Số phận của nhóm Cambridge thật kịch tính. Người Mỹ đã giải mã được bức điện của tổ tình báo Liên Xô gửi từ Washington, từ đó phát hiện ra McLean là nguồn tin của chúng ta. Chúng tôi đã biết được điều này nhờ Philby, và năm 1951, McLean cùng với Burgess đã chạy sang Liên Xô, Philby cũng bị nghi ngờ, bị sa thải khỏi SIS và làm phóng viên cho Observer ở Beirut cho đến năm 1963. Sau đó, do sự phản bội của một nhân viên KGB, Philby cũng đã phải chạy về Liên Xô. Nhưng toàn bộ sự rối rắm là để làm gì nếu như quả thực anh ấy là điệp viên hai mang? Để tiếp tục dắt mũi tình báo Liên Xô ư? Vì cái gì chứ?
 
Sau năm 1951, Blunt và Cairncross không liên lạc với chúng tôi nữa. Phản gián Anh đã không thể thu thập được chứng cứ để đưa họ ra toà. Tuy nhiên, năm 1981, Margaret Thatcher đã vẫn tuyên bố   họ là gián điệp Liên Xô. Nhằm mục đích gì nếu như điều đó không phải thế? Để đánh lừa ư? Điều đó không hợp với tính cách bà Thatcher.
 
Nhằm giải thích sự không ăn khớp tiếp theo có tác dụng phản bác toàn bộ giả thiết bộ năm Cambridge làm việc cho người Anh, tác giả dẫn ra những giải thích hoàn toàn kỳ dị. Vừa gọi ngày Burgess và McLean chạy trốn khỏi London là “một trang đen tối trong lịch sử của Special Branch”, Lekarev lập tức nói rằng, rõ ràng là người Anh đã không muốn giữ “những người này” ở lại nước Anh. Sao lại là “những người này”? Những điệp viên của mình chứ?!
 
Sự sỉ nhục đối với các cơ quan tình báo quốc gia của Anh
 
Không ai có thể lý giải nổi lý do của cách đối xử của tình báo Anh mà nói nhẹ ra là kỳ cục đối với các điệp viên công lao của mình, khi họ đã không để họ về hưu trong danh dự mà tống họ vào hang ổ kẻ thù cho đến tận cuối đời. Tác giả nói đến xì căng đan nào có nguy cơ thành “thảm hoạ” đối với “giới cầm quyền chóp bu” nước Anh nếu như đây là nói về những điệp viên đang dắt mũi tình báo Liên Xô và đang làm việc cho nước Anh? Nói đến “việc tiếp tục trò chơi nghiệp vụ với người Nga” nào đây nếu như McLean và Burgess hầu như đã bị phát giác và một khi chạy sang Liên Xô, họ đã mất hoàn toàn mọi khả năng hoạt động tình báo? Làm sao có thể nói đến chuyện thành lập các tổ chức nào đó dạng Trest và Sindikat ở Liên Xô đầu những năm 1950 bằng 2 điệp viên đã bại lộ và đang bị KGB giám sát thường xuyên? Làm sao có thể nói đến chuyện “tích luỹ thông tin cần thiết” và liên lạc qua “vợ con và bạn bè, những người được phép thăm Liên Xô”?! “Giả thiết” như thế chỉ có thể dùng làm cốt truyện cho một seri phim truyền hình hấp dẫn cho các bà nội trợ mà thôi, chứ không thể được xem là một tìm tòi lịch sử nghiêm túc.
 Người Anh đã thừa nhận các cơ quan đặc vụ của mình đã thất bại trong cuộc đối đầu tình báo và phản gián Xô-Anh. Nhưng nay thì điều đó bị tác giả đặt lộn từ chân lên đầu. Chẳng cần có bàn tay người Anh nào mà chính chúng ta trong cuộc truy tìm giật gân đã sẵn sàng ngừ vực cả thắng lợi của chính mình và tự đưa mình ra làm trò cười.

Hiện nay, việc đưa ra những giả thiết và cách lý giải mới cho các sự kiện lịch sử đã biết đã trở thành mốt. Kể cả những giả thiết và cách lý giải kỳ dị và hoang đường nhất. Ta hiểu rằng, Lekarev đã nêu chính giả thiết mà có thời thậm chí nó được những người mà đại diện là Modrzhinskaya ủng hộ. Nhưng những sự kiện tiếp sau đó, nếu như dựa trên chính những sự kiện ấy, lại phá tan tành giả thiết ấy. Và không nên rậu đổ bìm leo khi làm vẩn đục ký ức về những con người đã viết nên một trang vàng trong lịch sử ngành tình báo của chúng ta.
 
Những nghi ngờ của lãnh đạo KGB
 
Những chuyên gia uy tín nhất có khả năng đưa ra những đánh giá xác đáng về các vi phạm nguyên tắc tình báo từ giác độ an toàn tình báo là các cán bộ phản gián đối ngoại của KGB.
 
Nhưng ngay ở cấp cao nhất trong KGB ở những thời kỳ khác nhau cũng không nhất quán trong đánh giá hoạt động của nhóm Cambridge. Đại tướng G.K. Tsinev, Phó Chủ tịch thứ nhất KGB Liên Xô đã tỏ ra nghi ngờ về luận cứ của những đánh giá hoạt động mà các cán bộ chỉ huy “hướng Anh” của tình báo Liên Xô nêu ra đối với nhóm Cambridge. Cuối thập niên 1960, tại cuộc họp hội đồng khoa học của trường tình báo KGB, ông đã đề nghị tướng I. Rozanov, Phó Chủ tịch KGB về khoa học và đại tá A. Gorbatenko, Phó chỉ huy phản gián KGB giao cho một nghiên cứu sinh trong luận văn của mình cố gắng luận cứ các cơ chế hình thành sự hợp tác của các điệp viên này với tình báo Liên Xô.
 Cuối thập niên 1970, thiếu tướng S.M. Golubev, Cục phó Cục “К” thuộc Tổng cục 1 (PGU)-KGB, người có chung quan điểm với Modrzhinskaya, đã đề nghị phân tích cặn kẽ toàn bộ các tài liệu của nhóm Cambridge. Thủ trưởng của ông là thiếu tướng O. Kalugin, người có mâu thuẫn với G.K. Tsinev, đã gay gắt cấm S. Golubev không được nghi ngờ gì về hoạt động của nhóm Cambridge mà hãy “làm việc của mình”.

Print Print E-mail Print

Các tin khác