Vietnamdefence.com

 

Cuộc đời bí hiểm của Anthony Blunt

VietnamDefence - Trong nhóm 5 điệp viên quý tộc Cambridge nổi tiếng có Anthony Blunt - nhà bác học lỗi lạc, người họ hàng và cố vấn của Nhà vua Anh George VI và Nữ hoàng Elizabeth II, đồng thời là điệp viên của Moskva trong một phần tư thế kỷ và đã có những đóng góp vô giá cho Liên Xô.

Anthony Blunt

Trong lịch sử tình báo thế giới, có không ít những trang chói sáng và những thành công trong lĩnh vực này luôn gắn liền với thành công của những cá nhân cụ thể. Trong những năm 1930, hoạt động ở nước Anh là cả một “đạo quân” tình báo mà sau này đã trở nên nổi tiếng với cái tên “Bộ năm Cambridge”, gồm có: Kim Philby, Donald Maclean, Guy Burgess, D. Cairncross và Anthony Blunt - nhà bác học lỗi lạc, người họ hàng và cố vấn của Nhà vua Anh George VI và Nữ hoàng Elizabeth II.

Ông đã làm việc cho Moskva trong một phần tư thế kỷ và bằng hoạt động tình báo của mình đã có những đóng góp vô giá cho Liên Xô. Nhưng cho đến nay, các cơ quan tình báo Nga không hề có một lời thừa nhận đối với ông. Đáng ngạc nhiên là cả giới cầm quyền và các cơ quan tình báo Anh, sau khi đã phát hiện quan hệ của Blunt với KGB, cũng che giấu điều này.

Anthony Blunt sinh ngày 26 tháng 9 năm 1907 trong gia đình một linh mục. Năm 1926, ông trở thành sinh viên của Đại học Trinity thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge. Thời gian học tập của ông trùng với những biến động chính trị lớn ở Anh: đất nước vừa trải qua một cuộc tổng bãi công lớn nhất trong lịch sử, cuộc bãi công kéo dài 7 tháng của các công nhân mỏ, nắm quyền là chính phủ của Công đảng - những người tự gọi mình là những người xã hội. Ở trong nước, những thay đổi đã trở nên chín muồi. Các tư tưởng cánh tả cũng đã len lỏi cả vào Đại học Tổng hợp Cambridge.

Những tư tưởng ấy được phản ánh rất mạnh mẽ trong Hội “Các môn đồ”, một tổ chức bí mật của sinh viên trường này. Với sự xuất hiện của Blunt ở đây, và sau đó 4 năm là của bạn ông - Guy Burgess, cùng với những vấn đề về nghệ thuật và khoa học, các thành viên của hội đã thảo luận ngày càng thường xuyên những vấn đề chính trị và nghiêng về quan điểm “cần phải tìm chân lý ở bờ Đông sông Berezina” (Tên một con sông ở Liên Xô, trên lãnh thổ Cộng hoà Belarus hiện nay).

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Hội “Các môn đồ” đã thu hút sự chú ý của tình báo Xô-viết. Có thể nói, hội này là khám phá thực sự đối với Lubyanka (Tên lóng chỉ KGB vì trụ sở KGB đặt tại số 2 phố Bolshaya Lubyanka tại Moskva) và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển mộ những thành viên của Hội làm điệp viên hoạt động cho Liên Xô. Để hình dung định hướng tư tưởng trong quan điểm của bản thân Blunt, xin dẫn lời của sĩ quan chỉ đạo Blunt là Iu.I. Modin (làm việc với Blunt trong những năm 1947-1953 và 1955-1958): “Anh ấy thích một số luận điểm của chủ nghĩa Marx và những khía cạnh nhất định của xã hội Xô-viết... anh ấy ấp ủ lý tưởng về một cuộc cách mạng XHCN thế giới, trong đó có cách mạng ở Anh”.

Năm 1935, Blunt tới Liên Xô theo đường du lịch của hãng Inturist cùng với người anh Wilfred của mình. Họ rất có ấn tượng với quy mô xây dựng ở Moskva và hệ thống giáo dục miễn phí. Trong nghệ thuật, Blunt đánh giá cao việc các hoạ sĩ Xô-viết giành ưu tiên cho chủ nghĩa hiện thực, lối kiến trúc ga tàu điện ngầm của Liên Xô cũng làm cho ông choáng ngợp. Ông khâm phục vì “nền nghệ thuật ở Liên Xô có nhiệm vụ phục vụ những vấn đề xã hội... nền nghệ thuật ấy đã gắn bó với cuộc sống chặt chẽ hơn bất cứ lúc nào kể từ thời Trung cổ”.

Thời gian ở Liên Xô đã khiến ông trở thành một người ủng hộ nhiệt thành cho xã hội XHCN. Ông cho rằng, xã hội ấy thực sự dân chủ và phục vụ cho lợi ích nhân dân. Hai năm sau, Blunt trở thành điệp viên Xô-viết.

Trong hồ sơ mật về Blunt ở Trung ương cơ quan tình báo đối ngoại Nga có ghi: “Anthony Frederic Blunt đã được cựu cán bộ tình báo của trạm tình báo bất hợp pháp ở London Arnold Datch (còn được biết đến dưới tên Stefan Long) thu hút cộng tác vào đầu năm 1937. Tiếp đó, hồ sơ viết rằng, điều này đã xảy ra qua lời giới thiệu và giúp đỡ của G. Burgess, bạn ông, người đã được Lubyanka tuyển mộ từ trước đó.

Blunt và Burgess đã thu hút cộng tác những người cần thiết khác. Chẳng hạn như Victor Rothschild, thành viên của một gia đình chủ nhà băng nổi tiếng. Họ đã có quan hệ rất gắn bó từ thời hội “Các môn đồ”. Năm 21 tuổi, Rothschild đã có trong tay khon tiền uỷ thác 2,5 triệu bảng Anh, một ngôi nhà ở Pikadili và tài sản ở Tring-park.

Blunt là người bạn hẩu luôn được chào đón ở nhà Rothschild, Blunt vốn là người có thể đánh giá chân thực bộ sưu tập tranh trứ danh của Victor. Được biết, Blunt đôi khi cũng tr tiền cho những thông tin nhận được để cung cấp cho KGB. Có thể trong những lần đó đã có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của Rothschild.

Những tài liệu của tình báo đối ngoại Nga cho biết: “Do tính đến yếu tố Blunt có mối giao thiệp rộng trong giới giáo sư và sinh viên Đại học Tổng hợp Cambridge, nên trong giai đoạn đầu làm việc với chúng ta, anh được sử dụng để nghiên cứu chính các đối tượng này”. Có lẽ có thể còn phải bổ sung: “và để tuyển mộ những tình báo viên mới”.

Moskva đã đặt ra trước trạm tình báo Xô-viết tại Anh (cũng có nghĩa là trước Blunt) những nhiệm vụ rất quan trọng. Chẳng hạn, năm 1940, các nhiệm vụ là:

  • khám phá các kế hoạch của Anh đối với Liên Xô (sau những năm 1939-1940) và của các chính phủ lưu vong (Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, Pháp);
  • thu thập thông tin về nước Đức và hoạt động của các phần tử thân Đức ở Anh.

Sau này, tại cuộc họp báo năm 1979, Blunt đã nhấn mạnh rằng, Trung ương quan tâm trước hết đến nước Đức, tình báo Đức. Và ông đã cung cấp đúng những thông tin đó.

Các điệp viên Cambridge không ngừng cung cấp các tài liệu về đường lối đối ngoại, đối nội của nước Anh. Tình báo Liên Xô đã nhận được những báo cáo của Hội đồng Quốc phòng Hoàng gia về các vấn đề chính trị-quân sự, các kế hoạch của Anh và Pháp trong các cuộc đàm phán với Liên Xô về an ninh tập thể tại châu Âu trong những năm 1930. Từ mùa thu năm 1940, khi Blunt bắt đầu làm việc tại MI-5 (Tên đầy đủ là Secret Service (SS), cơ quan phản gián và an ninh nội địa Anh), tình báo Liên Xô đã nhận được các tài liệu và các thông tin khác về hoạt động của tình báo và phản gián Anh.

Trong những năm chiến tranh, theo chỉ đạo của Trung ương, Blunt đã làm được một lượng công việc khổng lồ, liên quan đến những vấn đề quan trọng nhất và các vấn đề thường nhật.

Chiến tranh đã kết thúc khi mà Blunt nhận được lời đề nghị rất hấp dẫn để giữ cương vị người qun lý hay kiểm tra viên các bức tranh của Hoàng gia lưu giữ tại các cung điện Windsor, Buckingham và các cung điện khác. Cương vị này là một trong những chức vụ đáng kính trọng nhất trong hệ thống thứ bậc của triều đình Anh. Và tất nhiên việc đề nghị trao cho Blunt cương vị đó chỉ có thể khi có sự chấp thuận của vị quân chủ Anh quốc là Vua George VI hoặc theo chỉ thị trực tiếp của ông ta.

Việc Blunt chuyển sang làm việc tại triều đình Hoàng gia Anh không phải là do tình báo Liên Xô chủ động, nhưng lại rất có lợi.

Điều thú vị là ở chỗ khi được bổ nhiệm chức vụ này vào tháng 4 năm 1945, trong nửa năm tiếp theo, Blunt vẫn ở trong biên chế của MI-5. Có thể, Blunt vẫn vẫn có sự che chắn hoặc hơn nữa là sự giúp đỡ của cơ quan phản gián Anh?

Vua George VI và mẹ ông - Thái hậu Maria thường xuyên thư từ với những người họ hàng Đức của mình và bởi vậy Thái hậu là người khách thường xuyên ở pháo đài Hess. Năm 1945, lâu đài này lọt vào vùng chiếm đóng của quân Mỹ. Hoàng gia Anh sợ những tài liệu và thư từ lưu giữ trong pháo đài đó rơi vào tay những người có thể sử dụng chúng để chống lại nền quân chủ Anh. Vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1945, Vua George VI đã giao cho giám đốc thư viện cung điện Windsor là Owen Morchad và Anthony Blunt nhiệm vụ tế nhị là đưa các tài iệu có liên quan đến triều đình Anh từ vùng chiếm đóng của Mỹ về Anh.

Blunt và Morchad đã hoạt động nhịp nhàng. Nhưng nữ đại uý K. Nash của lực lượng nữ binh Mỹ đã can thiệp vào công việc khi từ chối cho phép đưa tài liệu đi. Blunt đã thuyết phục cô ta gọi điện tới bộ tham mưu quân đội Mỹ. Khi Nash trở lại, cô ta mới thấy là Blunt và Morchad đã đi mất sau khi đã đóng gói tài liệu vào các hòm và chất lên xe ôtô.

Nhưng vẫn còn những nhân chứng sống về bản chất quan hệ giữa những người trong hoàng tộc Anh với Hitler và các thủ lĩnh phát xít khác. Trước hết, điều đó liên quan tới Hoàng tử Philipp Hessen. Quân cảnh Mỹ đã bắt giữ ông này.

Được biết, trong hệ thống thứ bậc của nước Đức Hitler, ông ta đứng ở vị trí thứ 53, tức là thuộc vào thành phần lãnh đạo nước Đức. Ta có thể hình dung một vụ tai tiếng chấn động như thế nào có thể xảy ra một khi ông ta phải đứng trước vành móng ngựa với tội danh tội phạm chiến tranh. Tất cả những thông tin liên quan đến Hoàng tử Philipp đã được công luận biết đến trong những 1970. Người ta biết rằng, người bà con của cựu thủ tướng Đức Wilhelm II nằm trong vòng ảnh hưởng của Hitler. Vợ ông ta - con gái của Vua Italia, được Hitler bí mật sử dụng cho những cuộc đàm phán tế nhị với Mussolini. Bản thân ông ta đóng vai trò người trung gian trong các cuộc đàm phán của Hitler với Quận công Windsor và là cựu hoàng Anh quốc Edward VIII. Các cuộc đàm phán của họ gặp thuận lợi còn nhờ một yếu tố là cả hai đều là chắt của Nữ hoàng Victoria, tức là những người trong cùng một gia đình. Tham gia vào các cuộc đàm phán này còn có cả anh trai của Vua George VI. Nhưng sau chiến tranh, tất cả những điều này đã được giữ kín.

Năm 1947, Blunt và Morchad đã có chuyến đi tới Lahay để đưa khỏi đó những tài liệu mà ngai vàng Anh quan tâm. Và Blunt đã báo cáo về Moskva về tất cả những tài liệu chính.

Gia đình hoàng tộc đã rất thán phục những việc làm của Blunt. Ông đã trở nên thân thiết hơn nữa với triều đình và năm 1947, ông được tặng Huân chương Victoria, còn năm 1948, Nữ hoàng Hà Lan đã tặng ông Huân chương Nassau Orange.

Blunt đã được bổ nhiệm làm cố vấn Nhà vua, và từ năm 1952 - trở thành cố vấn của Nữ hoàng Elizabeth II. Điều này tạo cho ông những cơ hội lớn để gặp gỡ những chính trị gia tầm cỡ của Anh và thu thập những thông tin quan trọng đối với Moskva.

***

Blunt đã làm nhiều việc để che giấu và sau đó là để cứu giúp những thành viên khác của “Bộ năm Cambridge” khi họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Vào tháng 5 năm 1951, khi Burgess và Maclean có nguy cơ bị bắt giữ, chính Blunt đã cảnh báo họ cần nhanh chóng ra đi. Việc chạy trốn đã thành công cũng chính là có sự tiếp sức của Blunt. Trung ương lo ngại việc hợp tác của ông với những người trốn chạy có thể bị lộ. Nhưng đáp lại đề nghị rời London, Blunt đã trả lời rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì chính phủ Anh cũng sẽ không đồng ý điều tra và truy tố đối với một nhân vật thân cận với Nữ hoàng Anh như ông.

Và còn có một lý do nữa đã giữ ông lại nước Anh ít ra là trong một thời gian nào đó. Vấn đề là ở chỗ Burgess đã phải chuẩn bị vội vàng, trong căn hộ của ông này còn có thể còn những tài liệu quan trọng có thể tố giác các thành viên của “Bộ năm” và những người mà Burgess có quan hệ gắn bó. Blunt đã kịp “làm sạch” căn hộ - ông đã tìm thấy ở đó bức thư của Philby viết cho Burgess. Nhưng do vội vã, ông không thể tìm thấy cái gì hơn.

Khi lục soát kỹ càng căn hộ của Burgess, các sĩ quan MI-5 đã tìm ra 25 tài liệu do Cairncross viết và đây là cơ sở để đưa ông này vào diện nghi vấn.

Điều lạ lùng là chính phát hiện này đã biện hộ cho Blunt. Các đồng nghiệp trong cơ quan tình báo không những không nghi ngờ lòng trung thành của ông mà còn tin tưởng ông đến mức đã để ông tham gia điều tra vụ Burgess. Tuy vậy, theo ý kiến của ông, phản gián Anh sau khi không tìm thấy chứng cứ nào chống lại ông, đã vẫn tiếp tục thận trọng với ông.

Tại Phần Lan, ngày 5 tháng 12 năm 1961, một nhân viên cao cấp của KGB là Anatoly Golitsyn đã chạy trốn sang phương Tây. Hắn đã cung cấp cho các cơ quan tình báo Anh một lượng thông tin rộng lớn về KGB, trong đó có thông tin về Philby. Quá lo lắng, Blunt đã sang Cận Đông giảng bài vào năm 1961 để tìm cách gặp gỡ Philby, báo động nguy hiểm cho ông và giúp ông chạy trốn.

Chắc là Golitsyn cũng đã cung cấp thông tin nào đó về Blunt. Báo Daily Mail tháng 3 năm 1993, nhân dịp chỉ huy tình báo Anh Dick White qua đời, đã đăng một bài báo trong đó nói White biết rõ Blunt là tình báo viên Liên Xô rất lâu trước khi ông này thú nhận vào năm 1964, biết trước cả khi ông báo cáo với thủ tướng Anh.

Ở đây có lẽ nên thuật lại chi tiết hơn về hoạt động của Blunt, cũng như của “Bộ năm lớn”.

Chỉ riêng trong thời gian chiến tranh, họ đã gửi về Lubyanka trên 20 ngàn tài liệu mật khác nhau. Trong đó có cả các cuộc nói chuyện với các nhà hoạt động, cả những tài liệu (điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng) liên quan đến Anh quốc và chính phủ Anh. Trong các báo cáo tin không chỉ đề cập đến nước Anh mà cả những nước châu Âu khác. Chẳng hạn, các tình báo viên đã thu thập được tin tức về các cuộc đàm phán của ngoại trưởng Anh Eden với chính phủ Ba Lan, nhà vua Nam Tư, tổng thống Tiệp Khắc. Trong thời gian chiến tranh, tình báo Xô-viết tại London đã tiếp cận được các tài liệu của các chính phủ đang sống lưu vong tại Anh.

Cho tới tận năm 1951, “các tình báo viên Cambridge” đã thu được các tài liệu của tình báo và phản gián Anh, Mỹ, trong đó có cả tài liệu về thời gian và địa điểm tung gián điệp vào lãnh thổ Liên Xô sau chiến tranh, mà nhờ vậy Liên Xô đã kịp thời vô hiệu hoá chúng.

Thông qua các điệp viên của “Bộ năm”, trong đó có cả Blunt, tình báo Liên Xô đã tiếp cận được các tài liệu của chính phủ Anh quốc thời chiến và thư từ của Eden với các đại sứ Anh ở Moskva, Washington, Stockholm, Paris và Ankara.

Vậy lúc nào thì người ta biết được Blunt là tình báo viên Xô-viết?

Những nghi ngờ đầu tiên xuất hiện ở cơ quan an ninh Anh ngay từ năm 1951, sau khi Maclean và Burgess chạy sang Moskva. Những nghi ngờ này lại trở lại sau cuộc chạy trốn của Philby. Cả lần này thì mọi sự vẫn kết thúc tốt đẹp, tuy vậy chỉ vài tháng sau tình thế đã đột nhiên trở nên phức tạp. Đã có những dấu hiệu cho thấy cuộc sống hai mặt của Sir Anthony. Việc điều tra được tiến hành cực kỳ bí mật.

Và thậm chí vào năm 1979, khi chính phủ Anh đã thông báo về ông với tư cách một tình báo viên Xô-viết thì việc bằng cách nào người ta đã phát giác được ông cũng vẫn là điều bí mật. Hoá ra, “công lao” chính trong việc này không phải thuộc về các cơ quan mật vụ mà là thuộc về Michael Strait, người được Blunt tuyển mộ khi còn ở Cambridge.

Những lời khai của Strait đã mở ra cho các cơ quan đặc vụ Anh con đường để bắt đầu điều tra về Blunt. Năm 1964, đã diễn ra những cuộc “thẩm vấn” đầu tiên đối với Blunt.

Một trong những trùm tình báo Anh - Arthur Martin - đã trò chuyện với Blunt tại căn hộ của ông ở Courtauld Institute (cơ sở hàng đầu ở Anh về đào tạo các nhà nghiên cứu nghệ thuật). Ban đầu, Arthur Martin thông báo về những gì mà Strait đã khai báo và bằng cách đó đã cho Blunt biết rằng các điều tra viên có những bằng cớ tin cậy để buộc tội ông và sau đó chuyển cho ông quyết định của công tố viên trưởng: nếu Blunt thú nhận làm việc cho tình báo Nga và khai báo thì ông sẽ được miễn tố hoàn toàn và địa vị của Blunt sẽ không bị ảnh hưởng gì. Blunt đã đồng ý.

Khi điều trần với nghị viện Anh về vụ việc Blunt năm 1979, nữ thủ tướng Thatcher đã thông báo rằng, hoạt động tình báo của Blunt cho Moskva đã làm cho các cơ quan đặc vụ Anh lo lắng trong một thời gian dài và họ đã trở lại điều này vào năm 1973, 1974, 1974 và 1979.

Hiển nhiên đã nảy sinh câu hỏi: tại sao chính phủ Anh đã im lặng trong hơn 15 năm sau khi phát giác được Blunt, rồi năm 1979 Thatcher lại đột ngột tiết lộ bí mật? Vấn đề là ở chỗ, vào năm đó, nhà báo Anh Andrew Boyle đã xuất bản cuốn sách với tiêu đề “Người thứ tư” ám chỉ thành viên thứ tư của “Bộ năm người Cambridge”. Ông ta đã đề cập tới nhân vật này và gọi là Moris (theo luật pháp, ông ta không được quyền nêu tên thật), nhưng lại miêu tả rất chính xác chân dung của Blunt vì vậy ai cũng hiểu ai là tình báo viên thứ tư ấy.

Blunt đã biết trước ý định của Thatcher phát biểu trước Hạ viện Anh về vụ việc của ông. Ông không chỉ tức giận, mà còn phát khùng. Ông cho rằng, hành động của chính phủ là sự vi phạm trắng trợn lời hứa miễn trừ hoàn toàn đối với ông.

Ngay lập tức sau lời phát biểu của Thatcher tại nghị viện, Nữ hoàng Anh đã tước bỏ danh hiệu hiệp sĩ (tước vị quý tộc) của Blunt và ông không còn được gọi là Sir Anthony nữa. Ông đã bị tước bằng tiến sĩ khoa học danh dự của trường đại học Trinity trao cho ông năm 1967, tức là 3 năm sau khi ông thú nhận hoạt động tình báo.

Chính phủ Pháp tỏ ra độ lượng và không tước bỏ của ông Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Đại diện chính phủ Hà Lan, trong tuyên bố đặc biệt tháng 11 năm 1979 đã lưu ý rằng, Blunt đã được Nữ hoàng Hà Lan Julian tặng thưởng huân chương Hà Lan vì sự đóng góp cho việc phát triển quan hệ văn hoá Anh-Hà Lan và ông sẽ không bị tước bỏ huân chương này.

***

Trong suốt cả quãng đời biết suy nghĩ của mình, Blunt đã mang một gánh nặng to lớn là phải sống và hành động “ở nhiều cấp độ khác nhau”, phải sống một cuộc đời hai mặt, hơn nữa, phần lớn thời gian ông đã giành cho công việc chính thức của một nhân viên tình báo Anh, cố vấn Nữ hoàng, giám đốc trường đại học và làm công tác khoa học đồ sộ, ông đã coi một công việc khác, công việc bí mật mà ông đã làm theo lời mách bo của lương tri là mục tiêu của cả đời mình.

Những gánh nặng lớn lao về thể xác và những chấn động tinh thần dữ dội đã huỷ hoại sức khoẻ của Blunt. Năm 1960, người ta phát hiện ông bị loét dạ dày và Courtauld Institute đã đề nghị ông nghỉ 4 tháng. Nhưng ông cũng không thể điều trị khỏi hẳn.

Năm 1961, tình trạng sức khoẻ một lần nữa lại xấu đi nghiêm trọng. Bệnh tật đã tái phát khi ông đang giảng bài ở New York. Ông buộc phải trở về London. Vài năm sau, Blunt lại phải chịu một chấn động tinh thần nữa - mẹ ông, Hilda Blunt qua đời. Quan hệ giữa hai mẹ con ông có thể là cốt truyện cho cả một thiên tiểu thuyết xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng. Anthony Blunt lại ốm nặng. Các bác sĩ không hề nghi ngờ gì khi chẩn đoán rằng, ông đã bị ung thư.

Cơn đau tim ngày 26 tháng 3 năm 1983 là cơn đau lâm chung định mệnh. Lễ hỏa táng diễn ra sáng ngày 29 tháng 3 năm 1983 tại nghĩa trang Putny trong thời tiết mưa gió quen thuộc ở London. Có chừng gần 30 người đã đến vĩnh biệt ông. Bên mộ ông có 11 vòng hoa. Của ai thì đó là điều bí mật giống như cả cuộc đời ông.

Sau này, hai người em ông là Wilfred và Christopher đã rải tro hài cốt của ông trên ngọn núi gần Marlborough nơi ông đã học phổ thông.

Print Print E-mail Print