Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: Lời tự thú của tên trùm tình báo quốc xã (1)

VietnamDefence - Lời tự thú của Schellenberg chứa đựng những chi tiết hiếm có về việc Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô, hiệp ước Ribbentrop-Molotov, chiến dịch Zeppelin, “vụ Tukhachevsky”; và tính cách Hitler, Goering, Himmler, Heydrich

Walter Schellenberg
Người ta đã biết đến nhiều tài liệu trong kho lưu trữ của tình báo Đức thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là nhiều bí mật đã được tiết lộ trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”. Nhưng chả lẽ bộ phim dù rất xuất sắc này lại có thể sánh được với những lời thú tội của Walther Schellenberg, tên cục trưởng tình báo và phá hoại của Cục An ninh SD (Sicherheitsdienst) của đệ tam đế chế? Hồi ký của tên trùm tình báo này đã được xuất bản mới đây, vào cuối thế kỷ XX.

Lời tự thú của Schellenberg chứa đựng những chi tiết hiếm có về việc Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô, về những trang bí mật của hiệp ước Ribbentrop-Molotov, sử biên niên của chiến dịch Zeppelin, những tin tức mà tình báo Đức có về “vụ Tukhachevsky”; và những tiết lộ về tính cách của những tên đầu sỏ phát xít Đức Hitler, Goering, Himmler, Heydrich.

***

Tôi sinh vào năm 1910, vừa kịp để nhận biết được nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Chúng tôi sống ở Saarbruken và vào lúc bảy tuổi, tôi đã lần đầu tiên trải qua một trận bom trong một trận không kích của các máy bay Pháp vào thành phố chúng tôi. Trong trí nhớ của tôi sẽ mãi mãi còn ghi nhớ cái mùa đông khốc liệt năm 1917, cái lạnh, cái đói và cùng khổ.

Sau thất bại của nước Đức năm 1918, quân đội Pháp đã chiếm đóng Saar. Tiếp sau sự chiếm đóng là sự suy thoái về kinh tế, điều đã làm cho thu nhập của gia đình tôi mà chủ gia đình là một chủ xưởng làm dương cầm, trở nên tồi tệ. Đến năm 1923, mọi việc thảm hại đến nỗi cha tôi quyết định chuyển sang Luxemburg nơi ông còn có một chi nhánh của xí nghiệp. Trong bảy anh chị em, tôi là đứa út ít trong nhà. Mẹ tôi có ảnh hưởng lớn đối với tôi và bà đã cố hết sức để dạy dỗ chúng tôi thành những tín đồ Thiên Chúa ngoan đạo.

Mùa hè năm 1929, tôi nhập trường Đại học Tổng hợp Bonn. Hai năm đầu, tôi học ngành y, sau đó tôi học luật.

Để được nhận trợ cấp của nhà nước, theo lời khuyên của một luật sư, tôi đã gia nhập đảng quốc xã. Vào tuổi 23, các vấn đề như của ngon vật lạ ở đời và ngay cả sự lộng lẫy của bộ đồng phục đẹp đã đóng vai trò không phải là nhỏ trong lựa chọn của tôi. Tôi mau chóng hiểu rằng, trên thực tế, việc phục vụ trong lực lượng SS cũng chẳng lấy gì làm hứa hẹn như tôi tưởng. Hơn nữa, tôi đã may mắn tìm được công việc thích hợp hơn. Tôi hiểu rằng, SS phải đem lại cho sinh viên của trường đại học tổng hợp một cái gì đó lớn hơn những bài quân hành và đi đều tầm thường và tôi nhanh chóng được trao nhiệm vụ tổ chức các cuộc nói chuyện và giảng bài, chủ yếu về các đề tài lịch sử. Chính bài giảng đầu tiên của tôi với tính chống đạo Thiên Chúa công khai lập tức đã thu hút sự chú ý của Cục trưởng SD Reinhard Heydrich. Cũng chính ông ta đã thu hút tôi vào làm cho SD.

...Tôi luôn luôn coi các chuyên gia tay nghề cao là mắt xích quan trọng nhất của một cơ quan tình báo giỏi. Luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong thời chiến đã cho phép tôi thu hút vào bộ máy cơ quan những chuyên gia và bác học tài ba và xuất chúng nhất, từ các giáo sư đại học cho đến các thợ lành nghề và biến nó thành một trong những bộ máy hoàn thiện nhất và hiệu quả nhất. Sự thành công của tôi còn có sự đóng góp của việc tôi được trao toàn quyền kỷ luật của một tư lệnh sư đoàn lục quân, một thiếu tướng SS.

Vấn đề chuyển thông tin tình báo từ các nước ngoài và các quốc gia thù địch luôn là khâu căn bản và yếu nhất trong hoạt động của các cơ quan tình báo. Nhiều cơ quan tình báo chuyển tin tức hoặc bằng truyền miệng hoặc dưới dạng thư gửi cho các liên lạc viên. Nhưng điều đó có thể dẫn tới việc đánh mất yếu tố thời gian và khi đó tin tức sẽ trở thành vô dụng khi đến được phòng tổng hợp và đánh giá thông tin. Hơn nữa, việc chuyển giao thông tin bằng miệng cũng có những điểm yếu của nó: một khi được chuẩn bị kém, giao thông viên hoặc, do mất trí nhớ hoặc hoặc do không hiểu hết tài liệu, nó sẽ trở thành một nguyên nhân gây ra những sai lầm nghiêm trọng. Những báo cáo viết, nếu như chúng được chuyển không phải bằng hòm thư ngoại giao, thường phải đi qua các trạm kiểm soát cửa khẩu của các đồn biên phòng của nhiều quốc gia, và điều này bản thân nó đã tiềm ẩn sự nguy hiểm. Bởi vậy, liên lạc vô tuyến là một mắt xích rất quan trọng trong cơ quan tình báo chúng tôi, những như các cơ quan tình báo nước ngoài khác. Hoàn toàn tự nhiên là cả kẻ thù cũng tìm đến loại liên lạc như thế, tuy vậy, một cỗ máy hiện đại đặc biệt cho phép xác định rất chính xác vị trí điện đài bất hợp pháp và giảm đáng kể hiệu quả của nó.

Nước Đức đã giành được những thành tưu đặc biệt khi tổ chức ra cơ quan chặ thu vô tuyến. Chúng tôi có thể chặn thu thông tin liên lạc giữa các đơn vị quân đội và thường nghe trộm được các mệnh lệnh di chuyển quân và các cuộc tấn công. Chúng tôi cũng đã tìm cách “chuyển hướng” các đài phát bí mật mà chúng ta tóm được. Nói một cách khác, chúng tôi tiếp tục sử dụng các máy điện đài bắt được, còn báo cáo thì chúng tôi tự chuẩn bị, tự gửi, và bằng cách đó đánh lạc hướng các kẻ thù trong một loạt các vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Đôi khi, chúng tôi còn áp dụng cả trò nhử cho kẻ thù tung thêm những gián điệp mới, cung cấp mật mã, trang bị, tiền hoặc thuốc nổ để làm cho kẻ thù nghĩ là lưới tình báo của chúng đang hoạt động tốt, và buộc chúng chi phí nhân, tài, vật lực nhiều hơn một cách uổng phí.

Hồi ký của Walter Schellenberg
Mục tiêu thiết tha của tôi là cơ giới hoá toàn bộ việc liên lạc vô tuyến và điều đó có thể làm cho công tác đào tạo nhân viên điện đài thành thừa. Chứng minh cho tầm quan trọng của nó là một trường hợp xảy ra với một nhân viên tình báo có quan hệ mật thiết với Vatican. Ông ta coi việc cung cấp thông tin quan trọng về nước Nga cho chúng tôi là nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ của một công dân Đức và một người Tây Âu. Nhưng ông cương quyết từ chối cung cấp thông tin viết tay hoặc liên hệ với tôi thông qua người thứ ba. Ông còn không thể đi sang Đức. Ông ta sợ sử dụng điện đài của tôi ở Roma vì ông đã có một kỷ niệm buồn về chuyện này. Bởi vậy tôi yêu cầu các chuyên gia của tôi chế tạo một thiết bị để ông ta liên lạc trực tiếp với tôi.

Sau 18 tháng, thiết bị đó đã được hoàn thành. Bề ngoài, nó giống như một cái hộp đựng xì gà và nặng cũng gần như thế. Dưới một lớp xì gà thật là một cơ cấu, cơ cấu này cũng có thể dễ dàng cất giấu trong hộp kẹo sô cô la hoặc lắp vào túi xách. Trên nắp máy phía trước có một cái đĩa giống như đĩa quay số điện thoại, có ba nút bấm. Để bật máy chỉ cần cắm phích điện vào ổ cắm điện lưới bình thường và bấm vào nút thứ nhất, sau đó quay bức điện đã mã hoá đúng như ta quay số điện thoại. Bản điện mật mã được tự động ghi vào sợi dây từ nằm giữa máy, trên đó có gần hai trang văn bản đã mã hoá. Sau thao tác này, nút thứ hai được bấm và “mắt thần” bật lên. Khi “mắt thần” đạt độ sáng tối đa và các búp sóng chụm lại thì người gửi biết là đã thiết lập được liên lạc với đài thu nằm trên đất Đức. Khi bấm nút thứ ba thì bản điện mã hoá được ghi trên dây từ được đưa lên làn sóng điện. Thiết bị này phát hết bức điện ghi sẵn chỉ trong vài phần giây. Tốc độ phát cao như thế đã loại trừ mọi khả năng định vị đài phát. Nhược điểm duy nhất đối với một người gửi điện chưa có kinh nghiệm là việc phải lắp cho máy một anten dây dài 7-10 m.

Các đài thu ở Đức đã được chỉnh sẵn vào thời gian phát quy định, nhưng thiết kế của nó phức tạp tới mức ngay tôi là dân chuyên nghiệp cũng không thể mô tả chúng một cách chính xác. Chúng cực kỳ cồng kềnh và chiếm trọn ba gian phòng. Tôi thích được nhìn thấy cái gì đó đang nhảy, lách tách và trong một vài phần giây toàn bộ các thao tác phức tạp chấm dứt, còn bức điện mã hoá tự động phát đi bằng dây băng cứ như là từ máy teletype. Đáng tiếc là chúng tôi không thể tìm ra phương pháp như thế để các điệp viên của chúng tôi nhận các bức điện mã hoá của chúng tôi, do đó phương tiện liên lạc vô tuyến thần kỳ này chỉ là phương tiện liên lạc một chiều.

Khó có thể tưởng tượng được là đã cần tới bao nhiêu trang thiết bị cho các tổ chức của tôi ở các nước. Số điệp viên đông đảo hoạt động ở riêng một nước Nga đã đòi hỏi mỗi tháng hàng trăm máy mà việc sản xuất chúng đối với một ngành công nghiệp quốc phòng vốn quá tải sẵn trở nên rất khó khăn, tôi đã giảm nhẹ được nhiệm vụ này một chút bằng cách tổ chức sản xuất các bóng đèn vô tuyến ở các nước khác.

Từ năm 1942, tôi đã thành lập một phòng đặc biệt để nghiên cứu sử dụng vi phim, mực mật, mã và các phương pháp giải mã, ngoài ra còn thành lập phòng chế tạo giấy tờ, con dấu và hộ chiếu giả.

Vào năm 1945, trong buổi thẩm vấn đầu tiên do người Mỹ tiến hành, một chuyện tức cười đã xảy ra với tôi. Việc tôi không chịu thừa nhận là đã đến Mỹ ngày càng làm cho điều tra viên bực tức. Cuối cùng, ông ta đưa cho tôi một cuốn hộ chiếu mang tên tôi, đóng đầy những dấu má xác nhận những nơi lên/xuống tàu biển, có in cả vân tay... với ảnh được dán và đóng dấu đúng quy cách.

Tôi thực sự sửng sốt với đúng nghĩa đen của từ này và vội đoán già đoán non cho đến khi tôi chợt nhớ ra nó đã được phòng kỹ thuật mang đến cho tôi, họ chế tạo giấy tờ  giả đầu tiên này nhân ngày sinh của tôi năm 1943. Người Mỹ ban đầu không tin. Họ quả quyết đây là hộ chiếu thật. Chỉ sau khi kiểm tra chi tiết, họ mới tin là tôi nói đúng sự thật.

Một trong những trợ lý của tôi có một tài năng phi thường là có thể bắt chước bất kỳ nét chữ nào nào chỉ trong vài phút mà đến các nhà nghiên cứu tự dạng cũng không thể phân biệt nó với nét chữ thật. Vào năm 1942, khi Liên Xô thành lập ra “Uỷ ban quốc gia vì nước Đức tự do”, ở nước Đức đã xuất hiện những bức thư do tướng von Zeidlitz và những người khác viết, cũng như có cả bức thư của tướng von Paulus, cựu tư lệnh các tập đoàn quân Đức quanh Stalingrad, gửi cho gia đình. Hitler muốn biết liệu người ta có thể làm giả nét chữ của các sĩ quan này không. Các nhà nghiên cứu tự dạng và các nhà tâm lý học đồng thanh tuyên bố rằng, điều đó là không thể. Nhưng họ đã nhầm và chúng tôi, bằng cách viết nhiều lá thư dài với nét chữ của tướng von Paulus, von Zeidlitz và các thành viên khác của “Uỷ ban quốc gia vì nước Đức tự do”, đã chứng minh cho họ thấy điều đó. Bản thân Hitler cũng tin rằng tài liệu nhận được từ Moskva là tài liệu thật.

Còn có một phòng chuyên về máy móc nghe và ghi lén. Phòng này đã áp dụng kỹ thuật điện tử tiên tiến nhất và đạt được những kết quả tuyệt vời. Chúng tôi cũng cực kỳ thành công trong lĩnh vực chế tạo thiết bị chụp ảnh đặc biệt và có những máy ảnh độc đáo cho phép chụp ảnh bí mật. Kể cả những bức ảnh chụp trong nhà cũng rất rõ nét. Máy ảnh có kích thước không quá một bao diêm, còn các thấu kính được giấu khéo léo, chẳng hạn như khi giấu dưới măng sét nó giống như một khuy cài tay hay một cái cúc nếu đơm vào lỗ khuy. Còn có đủ loại thiết bị đặc biệt cho những mục đích cực kỳ khác nhau. Chẳng hạn chúng tôi có thể thu nhỏ cả trang báo xuống còn bằng kích thước một đầu đinh. Sau khi khuếch đại, có thể đọc nó dễ dàng, do đó chỉ cần một miếng phim là có thể giữ được cả nhiều tập tài liệu. Đôi lần khi tôi đi sang các nước khác mà không có đặc quyền ngoại giao, tôi đã mang theo các vi phim đó trong một chiếc rằng giả bằng sứ. Do nguy cơ tấn công Berlin từ trên không gia tăng sau năm 1943, nên tôi đã chụp lại vào vi phim toàn bộ những tài liệu quan trọng nhất. Các cuộn phim này được cất trong hai chiếc két bằng thép lắp cơ cấu bảo vệ đặc biệt mà khi quay không đúng số hay có mưu toan phá két, các cơ cấu này sẽ kích nổ thiết bị nổ và huỷ diệt những gì trong két. Các cuộn phim thời đó đã bị huỷ diệt đúng như thế.

Các nhà hoá chất hàng đầu đã tìm ra cách chế tạo các loại mực mật không thể bị phát hiện kể cả bằng phương pháp xử lý hoá học và hồng ngoại. Thành phần chủ yếu của các loại mực này là hemoglobin được điều chế từ máu người. Khi cần, điệp viên chỉ cần chích máu từ ngón tay, hoà máu vào dung dịch có sẵn và có được các loại mực màu đỏ có thể biến mất sau ba phút. Chỉ người nào biết đơn thuốc mực mới có thể hiện chữ đã viết.

Với sự hợp tác của các chuyên gia của bộ thông tin liên lạc đế chế, chúng tôi đã đấu lén vào được đường cáp điện thoại chính nối Anh với Mỹ. Mặc dù bị bọc cách ly, chúng tôi đã thu được bằng các thiết bị sóng ngắn những xung cao tần đang truyền trong cáp và sau đó giải mã chúng. Trên đường cáp này, còn tiến hành các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Anh về việc chở quân tiếp viện và cung cấp các vật tư khác nhau: máy bay, xăng dầu, vũ khí, xe tăng. Nhờ có nguồn thông tin mang tính hệ thống này và đánh giá được chúng, chúng tôi đã có khả năng tiên đoán những loại vũ khí mà họ sử dụng. Cũng theo kênh này, chúng tôi đã nhận được một lượng thông tin đáng kể về vận chuyển hàng hải và lực lượng tàu hộ tống, hỗ trợ tích cực cho hạm đội tàu ngầm của chúng ta trong việc tiến công các đường giao thông trên biển của các nước đồng minh.

Vào đầu năm 1944, một đài chặn thu vô tuyến của chúng tôi ở Hà Lan đã chặn thu và giải mã được, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, cuộc nói chuyện điện thoại của Roosevelt với Churchill. Câu chuyện chỉ kéo dài năm phút và cho thấy hoạt động quân sự gia tăng ở Anh, qua đó khẳng định nhiều báo cáo về cuộc đổ bộ sắp tới của đồng minh lên bờ biển châu Âu. Nếu như hai nguyên thủ quốc gia này mà biết kẻ thù nghe được họ nói gì thì chắc gì Roosevelt đã dám tạm biệt Churchill bằng câu nói: “Được rồi, chúng ta sẽ cố làm tất cả, còn bây giờ tôi sẽ đi câu cá đây”.

Mặc dù ở những vùng chúng tôi tạm chiếm, những biện pháp đối phó của chúng tôi chống lại cơ quan tình báo Anh đã đem lại kết quả nhất định, nhưng sự chống đối đang tăng lên của dân Hà Lan, Bỉ, Pháp và Nauy càng gia tăng và biến cuộc đấu tranh này thêm ác liệt và gay go. Người Anh đã cố sử dụng triệt để phong trào kháng chiến để đứng chân ở ngay trong trái tim nước Đức. Với mục tiêu đó, họ đã tuyển điệp viên trong số những người người ngoài bị cưỡng bức đến Đức. Tuy nhiên, các thành viên này của phong trào kháng chiến ở các nước bị chiếm đóng thường không chỉ bị theo dõi, mà còn bị chúng tôi đánh điệp viên của mình vào hàng ngũ của họ. Đã có những trường hợp khi mà cùng những nhóm bí mật vừa do người Anh, vừa do chúng tôi lãnh đạo. Đôi khi, chúng tôi đã thành công trong việc “đặt hàng” cung cấp từ Anh máy móc vô tuyến điện, tiền bạc và thuốc nổ (thuốc nổ của họ tốt hơn của chúng tôi) mà chúng tôi cần. Đôi khi, chả cần đến mười ngày thì “đơn đặt hàng” của chúng tôi đã được hoàn thành và toàn bộ vật tư thiết bị được thả xuống vùng bị chiếm nhờ các lính nhảy dù. Cơ quan tình báo Anh trở thành nguồn dự trữ ngoại tệ không bao giờ cạn của tôi. Bằng cách kể trên, tôi đã nhận được không phải một triệu bảng Anh. Khi người Anh phát hiện ra trò chơi hai mang của các điệp viên của họ thì họ liền không do dự thủ tiêu họ ngay.

Dự trữ ngoại tệ và vàng của đệ tam đế chế luôn hạn chế, bởi vậy để thoả mãn nhu cầu của mình, cơ quan tình báo Đức đã bắt đầu khá sớm việc làm giả đồng bảng Anh và đồng rup vàng. Ngưòi ta phải mất tới hai năm ròng rã để chế tạo loại giấy gọi là giấy không ngấm mỡ để làm giả đồng bảng Anh. Trong hai năm đó, hai tổ hợp giấy, một ở Rheinland và một ở Sudet đã hoàn toàn tập trung cho việc phát triển công nghệ chế tạo giấy làm bạc giả. Việc khắc mẫu rất phức tạp chỉ đã có thể bắt đầu sau khi xác định được quy luật bố trí của 160.000 dấu phân biệt. Sau đó, các thợ khắc sừng sỏ nhất của Đức, sau khi tuyên thệ không tiết lộ bí mật, đã bắt tay vào làm ba ca. Các giáo sư toán học bằng những tính toán phức tạp đã khám phá ra hệ thống đánh số các tờ bạc Anh để việc làm giả của chúng ta đi trước nhà băng Anh một vài trăm. Những tờ bạc giả này được làm tinh vi đến nỗi cả những thủ quỹ sành sỏi nhất của nhà băng cũng không nhận ra đồ giả.

Người ta đã quyết định cử các máy bay ném bom của chúng ta sang Anh và thay cho tải trọng gây chết chóc ấy là gần một tấn tiền giả. Nước Anh bị tràn ngập bởi cơn hồng thuỷ tiền giả. Bạn có thể tự hình dung ra điều đó có thể dẫn đến cái gì. Chính phủ phải loại khỏi lưu hành tất cả những tờ giấy bạc, còn điều này, ngoài các chi phí phụ trội, có thể tạo ra những khó khăn hành chính lớn. Dân chúng cứ như là phát cuồng và mất lòng tin vào nhà băng Anh.Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thành hiện thức vì hệ thống phòng không rất mạnh và thiếu nhiên liệu.

Chúng tôi đã thực sự tin tưởng vào thành công của những tờ bạc giả, sau khi vào cuối năm 1941, một trong những hai chàng trai của chúng tôi đã đổi ở Thuỵh Sĩ một lượng lớn những tờ bạc mệnh giá 5 và 10 bảng. Anh ta cam đoan là đã mua những tờ bạc này trên thị trường chợ đen và mạnh dạn yêu cầu người mua kiểm tra. Nhà băng Anh chỉ loại bỏ được 10%, còn số còn lại được xem là tờ bạc thật của nhà băng Anh. Đó là tín hiệu để tôi chuyển sang sản xuất hàng loạt tiền giả. Và dù sao chăng nữa, chúng tôi cũng rất thận trọng khi tiêu thụ số tiền này. Bản thân tôi đã mấy lần dùng tiền giả này để thanh toán một số công việc ở nước ngoài và chỉ khi tôi biết tôi đang làm việc với một doanh nhân thận trọng và hám tiền. Tiền giả cũng được chi ra để mua các vũ khí lậu mà cơ quan tình báo quan tâm. Khắp những nơi có hoạt động của phong trào kháng chiến - ở Italia, Hy Lạp và Pháp thì việc buôn bán vũ khí rất phát đạt và chúng tôi đã kiếm được vũ khí Anh và Mỹ bằng tiền giả. Trong đa số cá trường hợp, chúng tôi mua súng trường tiến công và sau đó sử dụng chúng để chống quân du kích. Điều đáng buồn cười là quân du kích bán cho chúng tôi vũ khí mà sau đó chúng được sử dụng chống lại chính họ.

Chiến dịch in tiền giả có bí danh “Hành động của Bernard”. Vào năm 1945, vì chiến dịch này mà nhà băng Anh phải loại bỏ khỏi lưu hành những tờ bạc 5 bảng cũ và in loại tiền mới để thay thế.

Đến lúc đó, chúng ta gặp hết thất bại này đến thất bại khác trên chiến trường: các tập đoàn quân của chúng ta đầu hàng ở gần Stalingrad, cụm quân ở châu Phi bị đánh tan ở Tunis, quân đồng minh đổ bộ lên đảo Sicily, Mussolini sụp đổ và bị bắt, Italia đầu hàng - lúc đó mới chỉ là năm 1943 - và cuối cùng là quân đồng minh tiến vào nước Pháp vào năm 1944 - tất cả đã chứng minh những dự đoán mà tôi đã trình bày với Himmler ở Gitomir tháng 8 năm 1942.

Bởi vậy, ngay khi tôi được nghe từ Kersten về việc ngài Hewitt, nhà ngoại giao Mỹ, đến Stockholm và sẵn sàng trao đổi ý kiến sơ bộ về khả năng đàm phán hoà bình thì tôi đã bay ngay tới Thuỵ Điển bằng máy bay đặc biệt. Ngài Hewitt là đặc sứ của Roosevelt về các vấn đề châu Âu. áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa và bảo mật, tôi đã gặp ông ta trong một những khách sạn lớn nhất Stockholm. Sau này, khi tôi tìm hiểu ở các người bạn thạo tin Thuỵ Điển của mình xem Hewit có phải là người ảnh hưởng không, họ đều cả quyết khẳng định là có. Rõ ràng là ông ta có ảnh hưởng quyết định đối với Roosevelt trong tất cả các vấn đề châu Âu. Bởi vậy, tôi tự nhận toàn bộ trách nhiệm về mình để nói thẳng với ông ta rằng, nước Đức lúc này cần có thoả ước hoà bình. Ông ta tán thành tổ chức các cuộc đàm phán chính thức. Sau cuộc nói chuyện, tôi lập tức bay về Berlin và cả đêm ngồi viết báo cáo cho Himmler.

Ngày hôm sau vào lúc 3 giờ chiều, tôi đã gặp Himmler và báo cáo chi tiết cho ông ta về cuộc nói chuyện với Hewitt. Ông ta thực sự sửng sốt vì tôi đã tự tiện thực hiện những bước đi như thế và vừa nghe tôi báo cáo vừa lắc đầu không đồng tình như là ngộp thở vì tức giận. Sau đó, ông ấy lên tiếng và dần dần cực kỳ kích động. May thay, vào thời điểm gay cấn nhất, ông ta buộc phải ngừng lại để đi dự một buổi lễ gì đó. Vậy mà, sau khi xong việc, ông ta lại triệu tôi đến gặp. Đó là cuộc tranh cãi nảy lửa. Tôi đã gặp may, tôi đã không bị bắt nhưng tất cả các kế hoạch của tôi đều sụp đổ. Khả năng thuyết phục và cố gắng phân tích tình thế của nước Đức theo cách có thể chấp nhận được với quốc trưởng đã không mang lại kết quả. Chẳng cái gì có thể đục thủng lớp vỏ thép mà Hitler đã quây quanh những người thân tín của mình.

Mùa hè năm 1944, khi Ribbentrop mời tôi tới dinh thự mùa hè - pháo đài Fuschle, lòng tôi tràn ngập những dự cảm đen tối. Trong mấy tháng sau đó, tôi không nghe thấy gì về ông ta và tôi tin rằng ông ta, vẫn như mọi khi, đang thai nghén “ý tưởng” mới có khả năng giải toả mọi bất hạnh của chúng tôi và đem lại chiến thắng trong chớp mắt. Tôi đã tận dụng chuyến đi này để gặp Himmler - trú sở của ông ta nằm trên một đoàn tàu đặc biệt ở Berhtesgaden, gần khu hầm trú ẩn trong núi Hitler.

Ribbentrop sống trong một pháo đài rất đẹp, chìm ngập trong màu xanh của cây cối. Đế chế đã giao cho ông ta sử dụng pháo đài này để ông ta tiếp đón những vị khách đặc biệt quan trọng, đồng thời vẫn ở được bên Hitler. Trái với chờ đợi, Ribbentrop đón tiếp tôi rất thân tình, hỏi han tôi về tình hình công việc và nhấn mạnh rằng hoạt động của cục tôi đã đóng một vai trò quan trọng đối với ông ấy. Tôi không biết là có phải sự dối trá đang xúi giục ông ấy hay là ông ta theo đuổi những mục tiêu nào đó. Bởi vậy, tôi bình tĩnh chờ đợi cho dòng suối ngôn từ kia dừng lại.

Vừa thừa nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của cơ quyan tình báo, Ribbentrop vừa thể hiện mong muốn được nhận báo cáo cặn kẽ về Hoa Kỳ và nhất là về những cơ hội tái cử của Roosevelt. Ông ta còn muốn tôi tung các điệp viên bằng tàu ngầm để hoạt động trong cộng đồng người Mỹ gốc Đức. Ông ta đang dự định tổ chức một chiến dịch phát thanh giành cho các cộng đồng thiểu số ở Mỹ để chống Roosevelt.

Khi chúng tôi bàn bạc chi tiết kế hoặc này, tôi hỏi về những động cơ đặc biệt nào mà các cộng đồng thiểu số này có để ngăn chặn việc tái cử của Roosevelt. Nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, Ribbentrop trả lời:

- Bây giờ thì chẳng cần có động cơ đặc biệt nào cả. Đối với chúng ta điều quan trọng là tìm ra khả năng thực hiện các chương trình phát từ châu Âu, còn lý do thì sau này chúng ta sẽ tìm ra.

Tôi nêu lên một vài khó khăn kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện kế hoạch này, trong số đó một khó khăn không nhỏ là sự quá tải quá lớn của hạm đội tàu ngầm khiến cho chúng tôi không thể có được một tàu ngầm lớn cho chiến dịch này. Bất ngờ nhớ lại nội dung cuộc nói chuyện trước đây với Ribbentrop và những lý luận kỳ quặc của ông ta về hoạt động của cơ quan tình báo, tôi không kìm được nên buột miệng:

- Thưa ngài bộ trưởng, ngài đã hơi chậm trễ rồi. Nói cho cùng thì cả núi điệp viên siêu hạng cũng không thể xoay chuyển được tình thế trên thế giới được nữa.

Ribbentrop chợt như hoá đá:

- Ông Schellenberg thân mến, - ngừng một lát, ông ta rụt rè thốt lên - ông sai rồi. Ông cần phải nhớ rằng, tôi đã làm tất cả những gì phụ thuộc vào tôi để ủng hộ cơ quan tình báo.

Tuyên bố này trái ngược với sự thật đến nỗi tôi thậm chí chả biết trả lời thế nào. Tôi đứng dậy và định ra về thì Ribbentrop đứng lên và với vẻ mặt rất nghiêm trọng giữ tôi lại:

- Ông chờ một chút, ông Schellenberg. Chúng ta cần phải thảo luận một vấn đề rất quan trọng nữa. Hoàn toàn bí mật. Chỉ có quốc trưởng, Borman và Himmler biết mà thôi. - Ném cho tôi một cái nhìn sắc lẻm, ông ta nói tiếp: Cần phải khử Stalin.

Không biết trả lời thế nào, tôi đành im lặng gật đầu. Thế là Ribbentrop giải thích cho tôi rằng, toàn bộ sức mạnh của chế độ Xôviết là dựa trên năng lực và sự sáng suốt tầm quốc gia của chỉ một con người - Stalin. Ông ta lập tức quay lưng lại với tôi và sải những bước dài đi đến cửa sổ.

- Tôi nói với quốc trưởng là tôi sẵn sàng hy sinh thân mình vì nước Đức, - mắt nhìn ra cửa sổ, ông ta nói. - Chúng ta đã quyết định tổ chức một hội nghị với sự tham gia của Stalin và sứ mệnh của tôi sẽ là bắn chết lãnh tụ Nga.

- Chính ngài sẽ làm việc này ư? - tôi sửng sốt.

Ông ta quay phắt lại phía tôi.

- Quốc trưởng cũng đã hỏi tôi đúng như thế. Việc này một người không trhể làm nổi. Quốc trưởng yêu cầu tôi nêu tên người trợ thủ, - Ribbentrop chăm chú nhìn tôi, - và tôi đã nói tên ông.

Hitler, theo lời Ribbentrop, đã khuyên Ribbentrop thảo luận kế hoạch này với tôi. Ông ấy tin là tôi có thể đánh giá một cách toàn diện và thực tế kế hoạch này.

- Thật ra, - Ribbentrop kết luận, - cũng chính vì việc này mà tôi gọi ông đến.

Thật khó nói vẻ mặt tôi lúc đó như thế nào, nhưng chắc là không thể là vẻ mặt hài lòng được. Tôi quá chán nản nên không biết trả lời thế nào.

Ribbentrop đã kịp suy tính kỹ càng tất cả và lúc này tiết lộ cho tôi chi tiết kế hoạch của mình. Stalin hiển nhiên có đội vệ sĩ rất hùng hậu. Sẽ khó lòng để mà bí mật lọt vào được phòng hội nghị với lựu đạn hay súng ngắn được. Nhưng như ông ta nghe nói, trong phòng của tôi có một cái bút tự động có thể bắn chính xác những viên đạn cỡ nòng lớn với tầm 6-8 mét. Ông ta còn được kể rằng, dù có kiểm tra kỹ lưỡng cũng không thể phát hiện ra công dụng thực của nó. Do đó, có thể mang nó hoặc cái gì đó tương tự vào trong phòng hội nghị - còn ở đó thì chỉ còn cần có một cánh tay vững vàng nữa thôi...

Cuối cùng, Ribbentrop im bặt. Tôi theo dõi ông ta rất chăm chú. Bằng những lời nói, ông ta đã đưa bản thân đến tâm trạng ngô nghê như một cậu bé lần đầu được đọc một cuốn truyện trinh thám hấp dẫn. Trước mắt tôi đúng là một kẻ cuồng tín và điều duy nhất mà ông ta lúc này đang chờ đợi là sự tán thành của tôi với kế hoạch của ông ta và lập tức tỏ ra sẵn sàng tham gia kế hoạch đó.

Đối với bản thân tôi, việc này, nói thẳng ra, là sản phẩm của một cái đầu bệnh hoạn và kiệt quệ. Tuy nhiên, cũng phải tính đến việc mỗi lời mà tôi nói ra lúc này sẽ lập tức đến tai Hitler. Tôi cân nhắc. Cuối cùng, tôi cảm thấy mình đã tìm được lối thoát ra khỏi tình trạng bế tắc được tạo ra. Tôi tuyên bố là mặc dù tôi cho rằng kế hoạch này là khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng tất cả phụ thuộc vào việc liệu chúng tôi có đưa được Stalin đến bàn đàm phán hay không. Theo tôi, đó là việc rất khó. Đặc biệt là khi tính đến bài học mà người Nga có được ở Stockholm. Bởi vậy tôi đã lập tức từ chối tham gia vào việc tổ chức liên hệ với người Nga vì họ sẽ không tin tôi một lần nữa. Tôi đề xuất Ribbentrop tự thuyết phục Stalin đích thân tham dự hội nghị. Nếu như ông ta làm được điều đó thì tất nhiên tôi sẽ giúp ông ta cả bằng lời nói và việc làm.

- Tôi sẽ suy nghĩ về điều này, - Ribbentrop trả lời. - Và chúng ta sẽ bàn bạc tất cả một lần nữa với Hitler. Tôi sẽ gọi anh sau.

May thay, ông ta không còn bao giờ nhắc tôi về câu chuyện này nữa. Vậy mà Himmler thì lại nhắc. Khi bàn luận với Hitler về kế hoạch đầy rủi ro này, Himmler đề nghị thử thực hiện ý tưởng của Ribbentrop. Hitler đã ủng hộ ông ta. Các chuyên gia của chúng tôi đã nghiên cứu và chế tạo một thiết bị nổ để sát hại Stalin. Nó được nhồi loại thuốc nổ có sức công phá khủng khiếp. Bề ngoài, thiết bị nổ này giống như một nắm bùn. Cần phải gắn được nó vào ôtô của Stalin. Quả bom sẽ được kích nổ bằng một máy phát vô tuyến sóng ngắn. Vụ nổ sẽ mạnh đến mức ôtô sẽ tan tành không còn chút gì. Cái máy phát vô tuyến dùng để kích hoạt cái thiết bị khủng khiếp ấy có kích thước không lớn hưon một hộp xì gà và có thể phát xung đi xa gần bảy dặm.

Hai tù binh đã đồng ý thực hiện nhiệm vụ này. Họ đã từng bị giam nhiều năm ở các trại giam ở Siberia. Tình cờ người ta lại phát hiện ra một trong hai tù binh này có quen biết với một thợ cơ khí trong gara ôtô của Stalin. Ban đêm, họ đã được chở bằng máy bay vận tải và thả xuống khu vực mà theo tin tình báo mà điệp viên của chúng tôi cung cấp thì Stalin đang ở đó. Họ đã tiếp dất đúng ở địa điểm quy định. Nhưngđó là tất cả những gì mà chúng tôi biết được mặc dù họ được trang bị các điện đài sóng ngắn. Bản thân tôi không tin họ đã tìm cách ám sát Stalin. Mà có lẽ họ đã bị bắt tại chỗ hoặc tự nguyện đầu hàng NKVD.

Vào lúc đó thì kết cục nghiệt ngã đã cận kề. Khi Himmler dẫn tôi đến tổng hành dinh để báo cáo với Hitler, tôi lập tức đắm mình vào bầu không khí làm việc căng thẳng quen thuộc ở đó. Tôi đã lâu không gặp Hitler và bây giờ dáng vẻ của ông ta làm tôi rất lo lắng. ánh mắt của ông trước đây tự tin đến thế thì nay đã trở nên vô hồn và mệt mỏi. Cánh tay trái run rẩy nên ông ta phải luôn luôn lấy tay phải túm chặt lấy. Cái lưng còng xuống làm ông ấy giống như một người gù. Chỉ có giọng nói là vẫn mạnh mẽ và mạch lạc như trước, mặc dù các câu nói đã ngắn và rời rạc hơn.

Ông ta đi lại trong phòng cùng với Himmler. Ngay khi tôi vừa vào, cả hai liền ngừng nói chuyện, còn Hitler ngồi ghé xuống ghế một phút, đưa cho Jodle các chỉ thị liên quan đến mặt trận phía Đông - đây đang nói vè việc bố trí lại hai sư đoàn ở khu vực trung tâm. Sau đó Hitler quay lại phía tôi và bàn luận cùng tôi một vài báo cáo tình báo mới nhất về hoạt động của chúng tôi ở Bancăng, trong đó có vấn đề mối liên hệ của tướng Mihajlovic (Draza Mihailovic (1893-1946), lãnh tụ phe kháng chiến chống Đức, thân phương Tây trong Thế chiến II (1939-1945). Sau chiến tranh đã bị xét xử và hành quyết vì tội phản quốc - ND)... với người Anh và của người Anh với Tito (Josip Broz Tito (1892-1980), tổng thống Nam Tư sau Thế chiến II và là một lãnh tụ của Phong trào không liên kết - ND). Ông ta cũng quan tâm tới những chi tiết hoạt động tình báo ở Cận Đông. Sau đó, chúng tôi chuyển sang nói về cuộc bầu cử ở Mỹ và tôi đã báo cáo ngắn gọn tình hình với ông ta.

Bất ngờ, ông ta chồm dậy và quắc mắt nhìn tôi bằng ánh mắt dữ tợn rồi nói bằng giọng nói sâu, run rẩy vì căm giận:

- Tôi thường xuyên đọc các báo cáo của anh...

Ông ta im lặng khá lâu và những lời nói ấy cứ như lơ lửng trên đầu tôi như một lưỡi rìu của tên đao phủ. Tôi vô tình lùi lại hai bước, nhưng Hitler bước ngay theo tôi và vẫn với giọng ấy nói tiếp:

- Anh hãy nhớ lấy, Schellenberg, một điều: trong cuộc chiến tranh này không thể có thoả hiệp. Chỉ có thể có một điều - thắng hoặc là thua. Nếu nhân dân Đức không giật được chiến thắng từ tay kẻ thù thì nó phải chết.

Tôi sẽ không bao giờ quên được những lời nói cuối cùng của ông ta.

- Đúng, lúc đó nó phải chết bởi vì những người đàn ông của nước Đức đã nằm lại trên chiến địa. Sự kết thúc của nước Đức sẽ kinh khủng và nhân dân Đức đáng bị như thế.

Cuối cùng tôi cũng hiểu rằng trước mắt tôi là một thằng điên thật sự. Trong giây phút đó, đã đứt tung những trói buộc cuối cùng mà đến lúc đó vẫn buộc tôi với ông ta: ông ta đã muốn xử chết cái quý giá và thiêng liêng nhất đó là dân tộc mình. Ông ta đã khao khát cái chết của nó để thoải mãn tâm địa độc ác không cùng của mình.

Print Print E-mail Print