Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: Tình báo quân sự Nga ra đời

VietnamDefence - Thế kỷ XIX còn được đánh dấu bởi sự tiếp tục hoàn thiện các cơ quan chỉ huy quân sự, trong đó có cả cơ quan tình báo quân sự và những thành công lớn của điệp báo Nga.

Những con người của bí mật

Tòa nhà Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga sa hoàng ở St. Petersburg
Quy mô chiến sự tăng đột biến vào cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX đã làm gia tăng khối lượng nhiệm vụ của tình báo, lực lượng và tiền bạc được huy động vào hoạt động tình báo.

Thế kỷ XIX còn được đánh dấu bởi sự tiếp tục hoàn thiện các cơ quan chỉ huy quân sự, trong đó có cả cơ quan tình báo quân sự và những thành công lớn của điệp báo Nga.

Tháng 5 năm 1801, sa hoàng Aleksandr I đã “ngự tứ” cho bộ phận tham mưu tác chiến tuỳ giá một bộ quân phục tuyệt vời bằng nhung đen thêu kim tuyến. Chẳng bao lâu sau, bộ phận tham mưu tác chiến được tách ra thành một cơ quan riêng.

Sau khi trở thành Bộ trưởng Chiến tranh vào năm 1810, Barclay de Tolly (Mikhail Barclay de Tolly (1761-1818), Thống chế Nga, sinh ra ở Livonia, xuất thân từ một gia đình Scotland, Bộ trưởng Chiến tranh Nga và là một trong những tướng lĩnh chủ chốt chỉ huy quân đội Nga đánh bại Napoléon - ND) đã bắt tay vào việc tăng cường quân đội. Ông biết rằng, sớm muộn gì thì Napoléon cũng sẽ gây chiến với Nga. Ông cho củng cố các pháo đài, tổ chức hệ thống đơn vị cấp quân đoàn, đẩy mạnh công tác tình báo quân sự mà khi đó vẫn do cơ quan tham mưu tác chiến phụ trách.

Quyền chỉ huy cơ quan này được trao cho vị tướng tuỳ giá, công tước Pyotr Volkonsky. Lòng quả cảm, tính cẩn thận, trí nhớ phi thường, khả năng quan sát hiếm có, khả năng đánh giá tình hình nhanh nhạy cộng với kinh nghiệm chiến đấu của công tước đã được sa hoàng Aleksandr I tính đến khi cử ông đi công cán nước ngoài vào năm 1807 “với mục đích nghiên cứu các cơ quan quân sự nước ngoài”. Khi trở về Peterburg vào đầu năm 1810, công tước đã đệ trình bản báo cáo “Về tổ chức nội bộ của quân đội và bộ tổng tham mưu Pháp”.

Các công sứ của Nga tại Phổ, áo, Pháp, Thuỵ Điển và Saxony đã được Bộ trưởng Chiến tranh giao cho các nhiệm vụ thu thập tin tức về quân số của các cường quốc mà họ được uỷ nhiệm; về tổ chức, trang bị, bố trí và tinh thần của quân đội; về trạng thái của các pháo đài và lâu đài. “Để họ phải đặc biệt lưu ý quan sát trong mọi phương diện về mặt quân sự”. Để giảm nhẹ nhiệm vụ của các công sứ, sa hoàng đã cho phép cử thêm các quan chức quân sự vào các phái bộ Nga (tuỳ viên quân sự). Họ phải thực hiện các nhiệm vụ tình báo một cách bí mật.

Như đã nêu trong chỉ thị gửi cho thiếu tá Prendal “...nhiệm vụ này của anh phải được giữ tuyệt đối bí mật, anh phải khiêm tốn và cẩn trọng trong mọi hành động của mình. Mục đích chính yếu nhất của nhiệm vụ bí mật của anh là phải thu thập được số liệu thống kê và nhân lực chính xác, về tình hình ở vương quốc Saxony và vương hầu Varsava, đặc biệt chú ý đến tình hình quân sự,... đồng thời phải báo cáo về phẩm chất và đặc điểm của các tướng lĩnh”.

Để thực hiện các nhiệm vụ đó, đã có hàng loạt sĩ quan đi công cán ở nước ngoài như: đại tá Chernyshev ở Paris, thiếu tá Prendal ở Dresden, trung uý Brozin ở Kassel, đại tá Teil-von-Seraskirken ở Viên, trung uý Grabbe ở Munich. Những sĩ quan này tạm thời trở thành các nhà ngoại giao “mặc thường phục”. Họ được lựa chọn trong số những sĩ quan ưu tú nhất của quân đội.

Ngày vào năm 1810, Bộ trưởng Chiến tranh Nga đã thường xuyên nhận được tin tức về các quân đội nước ngoài. Những số hiệu đầy đủ nhất về quân số quân đội Pháp vốn chỉ thường xuyên được lập thành một bản duy nhất cho Napoléon cũng được đại tá Aleksandr Ivanovich Chernyshev kịp thời gửi về. Các báo cáo của Chernyshev được gửi cho chính sa hoàng Aleksandr I. Ngày 23 tháng 12 năm 1810, viên đại tá mới 25 tuổi Chernyshev đã kết luận rằng, “Napoléon đã quyết định tiến hành chiến tranh chống Nga, nhưng còn trì hoãn do tình thế của ông ta ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chưa được như ý”. Tiếp đó, bá tước đã tiến cử các phương án hành động có thể có lợi cho Nga trong những điều kiện đó. Trên bản báo cáo, sa hoàng đã nghi chú: “Sao ta lại không có nhiều hơn những bộ trưởng giống như chàng thanh niên này...”.

Ngài Bộ trưởng Chiến tranh cũng chú ý đến hoạt động tình báo mà các tư lệnh quân đoàn đã tiến hành bằng lực lượng của mình. Thế nhưng nếu chúng ta thấy được sự tiến bộ đáng kể trong việc phát triển hoạt động điệp báo thì hoạt động trinh sát bộ đội thực chất không thay đổi. Nó vẫn được tiến hành theo cách cũ - bằng những toán kỵ binh trinh sát. Thời chiến tranh vệ quốc năm 1812, những người cozac của thủ lĩnh Platov, những người lính kỵ binh của Denis Davydov, quân du kích mà nhiều người trong số họ đã làm nhiệm vụ trinh sát đã lập được những chiến công lừng lẫy.

Ngày 27 tháng 1 năm 1812, sa hoàng Aleksandr I đã chuẩn y việc thành lập Bộ Chiến tranh. Theo luật mới, đã thành lập bộ máy chỉ huy của tổng tham mưu trưởng, trong đó có cục thứ nhất là bộ phận tham mưu tác chiến. Lần đầu tiên đã hình thành được một cơ cấu và với nhệm vụ cơ bản của các nhân viên tham mưu tác chiến là: “thu thập tất cả các tin tức về khu vực đang có chiến tranh”. Việc thực hiện nhiệm vụ này đã được uỷ thác cho các sĩ quan phòng một của Tổng cục tham mưu tác chiến.

Và chính ngày 27 tháng giêng năm 1812 có thể được coi là ngày thành lập cơ quan tình báo quân sự Nga.

Print Print E-mail Print