Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: Siêu điệp viên chui sâu trong đầu não NATO

VietnamDefence - Người phụ nữ có vẻ ngoài rất hấp dẫn và mảnh mai này đã 12 năm giữ chức trợ lý của Chủ tịch Uỷ ban Tác chiến trong Ban thư ký quốc tế của khối NATO.

Trụ sở NATO luôn là mục tiêu ưa thích của tình báo Liên Xô và CHDC Đức

Hãy còn chưa muộn

Người phụ nữ có vẻ ngoài rất hấp dẫn và mảnh mai này đã 12 năm giữ chức trợ lý của Chủ tịch Uỷ ban Tác chiến trong Ban thư ký quốc tế của khối NATO, sau đó đã chạy sang CHDC Đức. Chị đã lập một chiến công vạch trần các âm mưu hiểm độc của các tướng lĩnh NATO. Người phụ nữ dễ thương ấy là Ursel Lorenzen. Trong nhiều năm trời, chị đã phải cố hết sức để nhớ. Nhớ tất cả những điều quan trọng nhất lướt qua trước mắt trong đám giấy tờ siêu mật của NATO. Chị đã phải luôn giữ vẻ tự nhiên khi diễn một vai khó khăn trên cái sân khấu không bao giờ hạ màn ấy.

Không lâu trước khi chạy sang CHDC Đức, Ursel đã tròn 40 tuổi. Bốn mươi tuổi đời và 12 năm làm việc mẫu mực trong đại bản doanh của NATO. Các quan chức cấp cao NATO còn tổ chức cả một tiệc chiêu đãi trong diện hẹp để chào mừng chị. Rượu sâmpanh tràn trề, ly chạm canh cách cùng những lời chúc tụng “cô trợ lý khả ái”. Chị cũng nâng ly của mình... Ursel thường viết nhật ký. Cũng có chuyện trong nhật ký của chị đã được các phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi biết đến, cũng có cái đang nằm chờ được công bố, cũng có cái lần đầu tiên được chị kể cho chúng tôi.

Siêu điệp viên Ursel Lorenzen

Tuổi thanh xuân của Ursel đã trôi đi một cách nhẹ nhàng, vô tư lự. Chị sinh ra trong một gia đình danh giá ở Hamburg, được hưởng sự nuôi dưỡng và dạy dỗ tuyệt vời. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng thương nghiệp, chị không những đã nắm được đến độ tinh vi mọi bí quyết của công việc buôn bán, mà còn thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp mà chị học ở Oxford và Paris. Và sau đó tình yêu đã đến với chị. Trong tình yêu, chị cũng đã gặp may mắn. Chàng thành niên trẻ, nhiệt tình, vui vẻ Dieter Wile, có chuyên môn kinh tế và còn là người chủ gia đình tuyệt vời đã đến với chị. Nhưng chuyện đó xảy ra mãi sau này. Đầu tiên, chị đã vào làm ở trụ sở khối NATO...

***

- Chị Ursel, chuyện đã xảy ra như thế nào?

- Thực ra thì chẳng có gì cao siêu cả. Hồi tôi làm việc ở Paris, tôi có rất nhiều bạn bè, trong số đó có cả các sỹ quan ở trụ sở NATO. Nói chung thì họ đã gợi ý cho tôi chuyển sang nơi làm việc mới. “Với kiến thức ngoại ngữ của em, Ursel, - họ khẳng định, - em sẽ thành danh nhanh chóng ở chỗ bọn anh. Công việc sẽ thú vị mà thu nhập lại cao hơn, vì thế em hãy đồng ý đi”. Tôi không phải suy nghĩ lâu. Tôi có những người giới thiệu có uy tín, các bài thi ngoại ngữ tôi vượt qua dễ dàng, còn việc xác minh lý  lịch của tôi chỉ mất có một năm...

- Lâu thế cơ ạ?

- Lâu à? Không đâu, thế là bình thường. Đối với người được tuyển vào làm việc ở cơ quan NATO, người ta phải thẩm tra cả họ hàng hang hốc ấy chứ. Cả các cụ ông cho chí các cụ bà. Mong sao trong dòng họ nhà tôi đừng có ai từng tham gia phá ngục Bastille (pháo đài nhà ngục cũ của ở Paris, Pháp, được xây dựng vào khoảng năm 1370, trong thế kỷ XVII-XVIII chủ yếu được dùng để giam chính trị phạm, bị quần chúng cách mạng tấn công và chiếm  vào ngày 14 tháng 7 năm 1789 khi Cách mạng Tư sản Pháp nổ ra. Ngày này đã trở thành ngày Quốc khánh của Cộng hoà Pháp - ND) hay kết bạn với Giusppe Garibaldi (Giuseppe Garibaldi (1807-1882), nhà cách mạng Italia, nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh vì sự thống nhất và nền độc lập của nước Italia - ND). Về họ hàng tôi tất cả đều ổn, không hề có cái gọi là quan hệ “xấu xa” nào...

- Xin chị thứ lỗi, có lẽ tôi đang bắt đầu câu chuyện từ dưới lên, nhưng tôi rất muốn biết khi nào chị thoáng có ý tưởng rời khỏi trụ sở NATO. Hay là ngay khi vào làm việc cho NATO, chị đã biết trước là sẽ đi khỏi đó?

- Không. Tôi đã không biết trước. Thậm chí, dần dần, tôi đã cho mình là một môn đồ trung thành giai cấp tư sản, đã tin chắc là mình đang bảo vệ nền dân chủ phương Tây khỏi “sự đe doạ của phương Đông”. Nhưng mọi ảo tưởng của tôi đã tan biến rất nhanh, có lẽ ngay sau khi tôi nhận chức trợ lý của Chủ tịch Uỷ ban Tác chiến của Ban thư ký quốc tế NATO khi trụ sở NATO chuyển từ Paris về Brussels. Chức vụ mới của tôi đã tạo ra cơ hội để tôi không những nhìn thấy và đọc các tài liệu mang dấu “tuyệt mật”, mà còn hiểu rõ rằng NATO hoàn toàn không phải là công cụ bảo đảm an ninh và hoà bình như trước kia tôi đã từng tin một cách ngây thơ. Chỉ cần một giây lát tưởng tượng thành phố Hamburg thân yêu chỉ còn là những đống đổ nát cũng đủ để câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại?” (To be or not to be) đã biến thành câu hỏi của cả quãng đời sau đó của tôi, trở thành câu hỏi mà tôi phải nhanh chóng tìm ra câu trả lời. Liệu mình có nên trở thành kẻ đồng loã cho cái thảm hoạ khủng khiếp ấy không? Không, lúc đầu, tôi không nghĩ đến toàn thể nhân loại đâu mà những ý nghĩ mang tính toàn cầu chỉ sau này mới đến với tôi. Đơn giản là khi có mặt trong các cuộc tập trận của NATO, mà không cuộc nào không dự định sử dụng vũ khí nguyên tử thì tôi đã có thể hình dung được một cách thực tế cảnh cha mẹ, anh chị, người yêu và cả chính tôi sẽ chết như thế nào... Bởi vậy việc một vài báo chí phương Tây đã cố mô tả tôi như một nữ gián điệp cực kỳ xảo quyệt là việc làm vô ích. Trong tôi chỉ có bản năng lành mạnh của một người phụ nữ bình thường mà ngẫu nhiên đã được tiếp xúc với những bí mật khủng khiếp. Người phụ nữ là để bảo vệ sự sống chứ không phải chết chóc và chính vì thế chị là người phụ nữ...

***

Đúng, các chiến lược gia NATO, rõ ràng là cho đến nay vẫn không sao hiểu nổi hành vi của Ursel Lorenzen. Chẳng hạn, đây là điều mà một trong những tạp chí lớn của phương Tây đã viết vào ngay ngày hôm sau khi chị chạy sang  CHDC Đức:

“NATO hoàn toàn bất ngờ khi lần đầu tiên một phụ nữ quê ở Hamburg đã cung cấp cho phương Đông những chi tiết cặn kẽ nhất về tiến trình ra quyết định và vạch kế hoạch bí mật của NATO.” “Tôi biết, frau Lorenzen nói trong lời tuyên bố chính thức trên đài truyền hình CHDC Đức, là hiện nay không có một cuộc tập trận nào được tiến hành mà NATO không đưa nội dung sử dụng vũ khí nguyên tử chống các nước xã hội chủ nghĩa”.

Lorenzen đã dùng lời tuyên bố này để ám chỉ cuộc tập trận Wintex-Simex 79 của NATO trong đó có diễn tập các phương pháp chỉ huy trong điều kiện có dự kiến cả việc cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử. Tuyên bố trên đài truyền hình bằng những lời lẽ am hiểu và bằng thuật ngữ chính xác của người trợ lý một chủ tịch uỷ  ban - ông Terence Moran - trực thuộc Tổng thư ký Luns và chịu trách nhiệm về tác chiến và tập trận của NATO - đã làm các chuyên gia quân sự bàng hoàng. Trong buổi phỏng vấn, Lorenzen đã trình bày lưu loát tất cả những khái niệm phức tạp như “chỉ huy trong các tình huống khủng hoảng”, “kế hoạch dân sự khẩn cấp” và “khả năng sẵn sàng chiến đấu của NATO”. Một viên tướng cao cấp của quân đội CHLB Đức đã phải nói: “Không một sĩ quan nào của bộ tổng tham mưu có thể báo cáo tốt hơn Lorenzen”.

Biết làm thế nào được, trong NATO chưa chắc có chỗ nào khác lại tập trung nhiều thông tin mật như ở Uỷ ban Tác chiến của Ban thư ký quốc tế NATO. Chủ tịch uỷ ban đó là Terence Moran, quan chức dân sự thạo tin nhất trong NATO chỉ sau tổng thư ký. Moran chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác chỉ huy trong các tình huống khủng hoảng và về trung tâm của NATO nơi tập trung toàn bộ các thông tin quân sự và chính trị. Ông ta đồng thời là chủ tịch uỷ ban NATO về thông tin liên lạc và điện tử và trong tay ông ta có những tin tức cặn kẽ nhất về toàn bộ hệ thống sẵn sàng chiến đấu của NATO.

Ngoài ra, đi qua bàn viết của Moran còn có các giấy tờ quân sự quan trọng của tướng Alexander Haig, Tổng tư lệnh NATO ở châu Âu gửi đến Hội đồng NATO. Việc những tài liệu đó qua tay frau Lorenzen cũng không làm cho ban lãnh đạo NATO hoài nghi gì cả. Một phụ nữ Đức ăn mặc trang nhã, đã làm việc cho NATO 12 năm trời ở một cương vị cho phép tiếp xúc không hạn chế với tất cả các loại giấy tờ. Vì vậy, trong số các  chiến lợi phẩm của Lorenzen có thể có các công văn, tài liệu tiết lộ cho phương Đông toàn bộ kế hoạch phòng thủ và các cơ cấu tư vấn chính trị của liên minh Bắc Đại Tây Dương, kể có cả bản liệt kê những điều kiện tiên quyết cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân của phương Tây, cũng như các tài liệu về hệ thống sẵn sàng chiến đấu của NATO. Một sĩ quan cao cấp của NATO đã tuyên bố: “Chúng ta, những nhà quân sự, gần như giật khỏi tay các cô thư ký những bản sao tài liệu mật mà họ đánh máy. Quy định về bảo mật ở Ban thư ký quốc tế được thực hiện rất cẩu thả...”

- Chị Ursel, xin chị cho biết chị có được phép tiếp cận các tài liệu tác chiến. của NATO không?

- Tất nhiên là có chứ. Và không chỉ có các tài liệu tác chiến. Nhiều lần tôi đã phải tham dự các cuộc tập trận. Chính tập hợp các ấn tượng về những tài liệu đọc được và về các “trò chơi chiến tranh” mà tôi đã chứng kiến đã gây ra mối lo ngại sâu sắc buộc tôi cuối cùng phải vứt bỏ tất cả những gì đã tạo dựng được, cả sự nghiệp công danh, và nếu như anh muốn biết, là cả những người thân đang sống ở phía Tây... Những quan sát và phân tích tài liệu của tôi đã đưa tôi đến một kết luận dứt khoát: NATO không phải là công cụ của hoà bình. Toàn bộ hoạt động của tổ chức này đều hướng vào chuẩn bị cuộc chiến tranh mới. Xin đơn cử tài liệu “Nghiên cứu: Đông-Tây”. Đó là bộ sách nhiều tập, trong đó tập hợp nhiều  thông tin bí mật về các nước xã hội chủ nghĩa. Công trình “nghiên cứu” này do những kẻ thù địch với các nước xã hội chủ nghĩa soạn thảo và vì vậy không thể phản ảnh trung thực mối tương quan lực lượng Đông-Tây. Đó là bức tranh méo mó của hiện thực. Và tôi cho rằng, nó được dùng để đánh lạc hướng các nhà chính trị  phương Tây thực sự muốn giải trừ quân bị và thực sự tin vào khả năng  thiết lập quan hệ láng giềng tốt giữa Đông và Tây. Và chính trên cơ sở khái  niệm  giả dối về trạng thái quan  hệ Đông-Tây, người ta đã lập kế hoạch trang bị cho các nước thành viên NATO.

Bây giờ là vài lời về “các trò chơi chiến tranh”. Trong thời gian các cuộc diễn tập tham mưu tiến hành năm 1971, trong ccác đợt tập trận Wintex, người ta bắt buộc phải dự kiến phương án các chiến lược gia NATO sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Trong một tài liệu của Tổng tư lệnh NATO ở châu Âu được soạn thảo nhân cuộc tập trận Wintex 77 đã dự kiến sẵn 30 mục tiêu cụ thể ở sáu nước XHCN để đánh đòn hạt nhân. Và điều làm tôi kinh hoàng nhất là không một kế hoạch tập trận nào của NATO mà tôi được biết theo cương vị công tác của mình lại đề cập tí chút về khả năng giáng đòn hạt nhân trả đũa của các nước thành viên khối Varsava. Chả nhẽ điều đó không phải là một bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy NATO đang đơn phương tập dượt chiến tranh nguyên tử với ý đồ tấn công trước? Đúng là như thế, bởi vì giới lãnh đạo NATO không một phút nào tin vào lòng yêu chuộng hoà bình của các nước xã hội chủ nghĩa.

Trong tài liệu “Nghiên cứu: Đông-Tây” mà tôi đã trích dẫn, ở mục 34 có nói: “... không hy vọng có sự thay đổi đáng kể nào về cơ cấu và tổ chức của lực lượng  vũ trang khối Varsava. Theo số liệu hiện có, quân số của lực lượng vũ trang cũng không thay đổi...” ở mục 189 có câu kết luận như sau: “... Chính phủ Liên Xô trong một tương lai gần có lẽ sẽ tiếp tục chính sách hoà  hoãn...” Bọn cầm đầu NATO định dùng chính điều này để gây những vụ rắc rối, đụng độ để biện minh cho đường lối xâm lược đế quốc chủ nghĩa ở châu Âu, Cận Đông và các điểm khác trên hành tinh chúng ta. NATO không dừng bước trước bất cứ điều gì. Để khiêu khích gây nên những tình huốn xung đột, liên minh NATO hiếu chiến này không từ một phương pháp bẩn thỉu và bỉ ổi nào. Nó sẽ coi những cuộc xung đột nảy sinh là cái cớ để đưa vào thực thi những chiến dịch quân sự đã dự định. Một ví dụ cho kịch bản đó có thể là tình huống đã xảy ra trong cuộc tập trận Wintex 75. Trong kế hoạch tổng thể của cuộc tập trận đã viết: “Các vụ đụng độ trên cạn, trên không và trên biển sẽ biện minh cho các nhà lãnh đạo chính trị của NATO đã cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trước...”.

Đoạn trích này được tôi trích từ tài liệu mật 1710.3.2/14/7/S7/74 ngày 15 tháng 2 năm 1974 của NATO. Còn trong kế hoạch các đợt diễn tập tham mưu của NATO có tên Wintex-Simex 79 đã xây dựng một kịch bản chi tiết để chủ động tạo ra và khai mào một loạt các tình huống khủng hoảng trước khi chiến tranh bùng nổ. Kế hoạch này còn dự kiến việc gây áp lực đối với một số chính phủ với mục đích buộc các chính phủ này từ bỏ đường lối không liên kết hoặc quy chế trung lập.

Còn có một tài liệu “thú vị” khác được thông qua vào năm 1977. Trong tài liệu này, những quốc gia chủ chốt của khối xâm lược này đã thoả thuận về một thứ “phân cồn lao động” trong việc tiến hành các hoạt động khiêu khích để tạo ra các tình huống khủng hoảng. Các thành viên châu Âu của NATO nhận phần các nước xã hội chủ nghĩa, còn các thành viên ở châu Mỹ chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc xung đột ở các nước đang phát triển.

Print Print E-mail Print