Vietnamdefence.com

 

Điệp viên siêu đẳng A-201

VietnamDefence - Ông là điệp viên duy nhất của tình báo Liên Xô trong Gestapo và là người duy nhất báo tin chính xác ngày giờ Đức xâm lược Liên Xô.

Điệp viên Wihelm Lehmann 12 năm dài đơn độc đối mặt với phản gián Đức

Tháng 6/2009, Cục Tình báo đối ngoại Liên bang Nga SVR giải mật hồ sơ, lần đầu tiên công bố tên tuổi điệp viên A-201/Breitenbach - Willi Lehmann, một trong những nguồn tin quý giá nhất của Liên Xô thời Thế chiến II ở Đức.

Trong suốt 12 năm, Lehmann đã mạo hiểm tính mạng báo cáo về Moskva những tin tức đặc biệt giá trị về sự phát triển và củng cố chế độ phát xít, quy mô chuẩn bị chiến tranh nhằm nô dịch thế giới, tăng cường tiềm lực quân sự và các công trình nghiên cứu kỹ thuật tối tân của nước Đức phát xít.

Nhờ có Lehmann, tình báo Liên Xô đã nắm được những thông tin quan trọng về cơ cấu tổ chức, nhân sự, phương thức hoạt động của các cơ quan đặc vụ Đức.

Tình nguyện hợp tác

Siêu điệp viên A-201, mật danh Breitenbach của tình báo Liên Xô tên thật là Wilhelm (Willy) Lehmann. Ông sinh năm 1884 trong gia đình nhà giáo nghèo ở ngoại ô Leipzig.

Năm 17 tuổi, ông tình nguyện gia nhập và phục vụ trong Hải quân Đức 12 năm. Năm 1913, Willy giải ngũ, quay về Berlin và với sự giúp đỡ của người bạn cũ Ernst Kour làm việc trong cảnh sát chính trị mật, ông vào làm việc cho cảnh sát Berlin. Năm 1914, ông chuyển sang phòng phản gián cho đến khi cách mạng nổ ra ở Đức năm 1918.

Tháng 4/1920, Đức tái lập cảnh sát chính trị mật, Lehmann được đề bạt làm phó phòng, thực chất là người lãnh đạo phòng phản gián của sở cảnh sát Berlin.

Năm 1927, Lehmann sang làm ở bộ phận hồ sơ, nơi tập trung toàn bộ tin tức về các nhân viên sứ quán nước ngoài lọt vào tầm mắt của sở cảnh sát Berlin.

Năm 1929, Lehmann tình nguyện hợp tác với tình báo Liên Xô vì động cơ vật chất (ông cần tiền chu cấp cho vợ Margaret, cô bồ Florentina trẻ hơn vài chục tuổi và mê đánh cá ngựa, bản thân Lehmann bị bệnh đái đường nặng), vì ông có thiện cảm với người Nga và sau này là vì động cơ chính trị. Ông bắt đầu hoạt động với bí số А-201 và mật danh Breitenbach

Những tin tức vô giá

Từ năm 1930, một trong các nhiệm vụ của Breitenbach tại phòng phản gián Berlin là điều tra các nhân viên của cơ quan đại diện Liên Xô và chống tình báo kinh tế Liên Xô tại Đức. Tin tức do Breitenbach cung cấp đã cho phép tình báo Liên Xô nắm được các kế hoạch của phản gián Đức và áp dụng các biện pháp phòng ngừa bảo vệ các tình báo viên Liên Xô và các nguồn tin của họ.

Khi tình hình ngày càng phức tạp, bọn quốc xã chuẩn bị lên nắm quyền ở Đức, Breitenbach đã bắt quen với những tên đầu sỏ của đảng quốc xã, trong đó có Ernst Julius Röhm, chỉ huy các đơn vị xung kích quốc xã SA.

Sau khi Hitler lên nắm quyền vào tháng 2/1933, Breitenbach theo giới thiệu nhân vật số 2 của chế độ quốc xã trùm phát xít Hermann Goering, khi đó là thủ tướng Phổ, được chuyển sang Gestapo làm việc ngay từ khi cơ quan này được thành lập vào tháng 4/1933.

Tháng 5/1934, ông tình nguyện gia nhập SS và trở thành đảng viên quốc xã năm 1937. Ngày 30/6/1934, ông giúp Goering tổ chức thực hiện chiến dịch đẫm máu “Đêm của những con dao dài” thủ tiêu Ernst Röhm, các thủ lĩnh khác của SA vì thế ông được bọn quốc xã đầu sỏ rất tín nhiệm.

Thậm chí, nhân dịp năm mới 1937, ông cùng với 3 nhân viên Gestapo khác được tặng thưởng bức chân dung Adolf Hitler đóng khung bằng bạc có chữ ký của trùm phát xít.

Breitenbach đã trở thành lá chắn bảo vệ an toàn cho tình báo Liên Xô ở Đức. Ông đã kịp thời báo trước về tất cả các hành động của Gestapo, các vụ bắt giữ và khiêu khích có thể thực hiện đối với các đại diện, các tình báo viên vỏ bọc công khai và bất hợp pháp Liên Xô nên tình báo Liên Xô trong suốt thời gian này không hề biết đến đổ vỡ là gì.

Ông thường xuyên báo cho tình báo viên Liên Xô trực tiếp chỉ đạo ông là Vasily Zarubin về tất cả những thay đổi tình hình an ninh nội địa Đức, các hành động chính trị dự kiến, cuộc đấu tranh ngầm trong nhóm đầu sỏ phát xít.

Qua quan hệ với các nhân vật hàng đầu Gestapo, Breitenbach đã thu thập và báo cáo hồ sơ cá nhân chi tiết của các nhân vật phát xít đầu sỏ như Heinrich Muller, Walter Schellenberg, Heinrich Himmler, Reinhard Heydrich và các chỉ huy tình báo Đức khác.

A-201 đã cung cấp những tin tức đặc biệt giá trị về cơ cấu tổ chức, nhân sự của Gestapo (Cục IV, Tổng cục An ninh đế chế RSHA), hoạt động của Gestapo và tình báo quân sự Abwehr, hoạt động xây dựng quân đội Đức, các kế hoạch và ý đồ của Hitler đối với các nước láng giềng, khóa mã các mật điện liên lạc trong nội địa và hải ngoại của Gestapo. Nhờ vậy, tình báo Liên Xô có thể đọc được nội dung liên lạc nội bộ của Gestapo.

Hoạt động tình báo của Lehmann chuyển sang giai đoạn mới khi ông được chuyển sang phòng phản gián Gestapo phụ trách phản gián cho công nghiệp quốc phòng và xây dựng quân đội Đức.

Thời gian này, Đức đã chế tạo và bắt đầu thử nghiệm các loại tên lửa của nhà khoa học lừng danh Werner von Braun vào năm 1934 ở gần Berlin. Nhờ có Lehmann, Liên Xô đã nắm được thông tin về các tên lửa Max và Moritz, sau này dựa vào đó Đức chế tạo các tên lửa lừng danh FAW-1 và FAW-2.

Cuối năm 1935, Breitenbach đích thân tham dự thử nghiệm tên lửa đầu tiên của Đức sử dụng nhiên liệu lỏng FAW-1 tại trường thử ở Penemunde.

Năm 1940, các tên lửa này đã oanh tạc nước Anh. Breitenbach đã báo cáo chi tiết về các vụ thử tên lửa và thông tin mật về tên lửa này. Trên cơ sở đó, tình báo Liên Xô ngày 17/12/1935 đã soạn và gửi Stalin và ủy viên dân ủy quốc phòng Voroshilov báo cáo phân tích tình trạng ngành chế tạo tên lửa của Đức.

Trong giai đoạn này, Breitenbach còn cung cấp thông tin về các chương trình đóng tàu ngầm, chế tạo xe ô tô bọc thép, sản xuất các mặt nạ phòng độc mới, các nghiên cứu về xăng tổng hợp, cao su nhân tạo.

Hè năm 1936, Breitenbach được giao phụ trách phản gián cho nhiều hướng công nghiệp quốc phòng mới. Điệp viên bắt đầu cung cấp những tin tức quan trọng về sự phát triển công nghiệp quốc phòng Đức như việc bắt đầu đóng cùng lúc hơn 70 tàu ngầm và xây dựng nhà máy bí mật sản xuất chất độc quân sự thế hệ mới.

Điệp viên đã giao cho Zarubin bản sao chỉ thị mật liệt kê 14 loại vũ khí tối tân đang sản xuất hoặc thiết kế. Ông cũng lấy được bản sao báo cáo mật “Về tổ chức quốc phòng Đức năm 1937”. Tất cả các tài liệu này đã cho phép lãnh đạo Liên Xô đánh giá khách quan sức mạnh tấn công của quân đội Đức.

Ông cũng cung cấp tin về hoạt động của bọn quốc xã ở Áo, dự thảo hiệp ước hợp tác quân sự Đức-Nhật; mùa xuân 1941, ông báo tin Đức sắp xâm chiếm Nam Tư.

"Chiến tranh bắt đầu lúc 3 giờ sáng"

Cuối những năm 1930, tình hình ngày một căng thẳng khi Hitler đang chuẩn bị thôn tính các nước châu Âu và chuẩn bị chiến tranh thế giới mới. Thời gian này, ông hợp tác với Liên Xô chủ yếu vì động cơ lý tưởng, chứ ít quan tâm đến khía cạnh vật chất, dù với tính cách Đức, ông không từ chối các khoản thù lao.

Trong giai đoạn lịch sử khẩn thiết như vậy, ông hầu như mất liên lạc với tình báo Liên Xô. Năm 1937, Zarubin, sĩ quan tình báo đến Đức từ tháng 12/1933 để chỉ đạo ông, phải ngừng liên lạc với Breitenbach vì bị triệu hồi về nước.

Chiến dịch thanh trừng đối với tình báo Liên Xô đã bắt đầu. Tổ tình báo Berlin lúc đó chỉ còn lại duy nhất một cán bộ là Aleksandr Agayants.

Cuối tháng 11/1938, Agayants liên lạc lần cuối cùng với Breitenbach. Đầu tháng 12, Agayants phải nằm viện và không lâu sau thì qua đời. Ông mất liên lạc cho đến tháng 9/1940 khi ông gặp được Aleksandr Korotkov mới đến Berlin làm phó chỉ huy tình báo NKVD.

Sáng sớm 22.6.1941, Đức bắt đầu chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô

Ngày 9/9/1940, tổ tình báo nhận được chỉ thị từ đích thân Ủy viên dân ủy Beria, trong đó nhấn mạnh: “Không được giao bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cho Breitenbach. Tạm thời phải lấy hết những gì nằm trong khả năng trực tiếp của anh ta và ngoài ra là tất cả những gì anh ta viết về hoạt động chống Liên Xô của các cơ quan tình báo, ở dạng tài liệu và báo cáo riêng của nguồn tin”.

Người chỉ đạo trực tiếp A-201 là Boris Nikolayevich Zhuravlev, một cán bộ tình báo trẻ vừa mới đến Berlin sau khi tốt nghiệp trường tình báo.

Breitenbach bắt đầu cung cấp một số lượng lớn tài liệu cho thấy Đức đang chuẩn bị cho cuộc chiến chống Liên Xô. Tháng 3/1941, ông báo cáo rằng, “Tổng đội III - Berlin”, đơn vị phụ trách hoạt động tình báo chống Liên Xô của tình báo quân sự Đức Abwehr đã được mở rộng khẩn cấp.

Trong phiên liên lạc ngày 28/5, A-201 báo cáo với Zhuravlev rằng, ông được lệnh khẩn cấp lên lịch trực suốt ngày đêm cho đơn vị mình.

Ngày 19/6, Lehmann gọi gặp khẩn cấp Zhuravlev và báo cáo: “Chiến tranh rồi. Tất cả đã được quyết định, không thể thay đổi được nữa. Chủ nhật, ngày 22. Ngay từ sáng sớm, lúc 3 giờ sáng. Trên toàn tuyến biên giới, từ nam lên bắc. Tuyên chiến sẽ chỉ là hình thức, cùng với quả bom đầu tiên”, sau đó xiết chặt tay Zhuravlev nói: “Vĩnh biệt đồng chí” rồi bước đi.

Ông Zhuravlev kể lại phiên liên lạc cuối cùng với Lehmann: “Tôi đã gặp Lehmann ở Berlin ngày 19/6/1941. Lần này, anh ấy rất lo lắng và ngay sau khi chào hỏi đã nói ngay là Gestapo đã nhận được mệnh lệnh nói rằng, ngày 22/6, lúc 3 giờ sáng, Đức sẽ khai chiến chống Liên Xô. Tôi cũng rất lo lắng khi tiếp nhận tin này, hai chân tôi thậm chí khuỵu xuống. Sau đó, chúng tôi chia tay, tôi lao về sứ quán, sau khi xử lý, tin này được gửi về Moskva”.

Đáng tiếc là khi nhận được bức điện này, Stalin đã viết bằng mực xanh lên báo cáo tình báo của Lehmann mấy chữ “thông tin giả”.

Sáng 22/6/1941, tòa nhà đại sứ quán Liên Xô trên phố Unter den Linden ở trung tâm Berlin đã bị nhân viên Gestapo vây kín. Tình báo Liên Xô mãi mãi mất liên lạc với Wilhelm Lehmann.

Cái chết bi tráng

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, chỉ huy tổ tình báo NKVD ở Đức Aleksandr Korotkov được giao nhiệm vụ tìm hiểu số phận của các điệp viên giá trị của NKVD bị mất liên lạc trong thời gian chiến tranh ác liệt, trong số đó có Breitenbach và các thành viên của “Dàn hợp xướng đỏ”.

Giữa tháng 6/1945, khi Berlin hoang tàn vẫn còn nghi ngút khói lửa, Korotkov tìm đến căn hộ của Margaret Lehmann và được bà cho biết, Willy Lehmann chồng bà đã mất tháng 12/1942, chỉ còn lại bình tro cốt và vật dụng cá nhân của ông. Bà không biết chi tiết gì về cái chết của chồng.

Tình báo Liên Xô, khi sục tìm các tài liệu trong trụ sở đổ nát của Gestapo tại số 8, phố Prinz Albrechtstrasse, đã phát hiện một phiếu hồ sơ cháy xém đề tên Wilhelm Lehmann, trên có ghi chú ông đã bị Gestapo bắt vào tháng 12/1942, nhưng không nêu nguyên nhân bắt giữ.

Dựa vào phiếu hồ sơ này cùng với các tài liệu thu được khác, Trung ương tình báo ở Moskva nhanh chóng xác định được nhân viên Gestapo bị xử tử chính là điệp viên Breitenbach.

Qua điều tra, tình báo đối ngoại Liên Xô đã biết được hoàn cảnh cái chết của A-201. Tháng 5/1942, điệp viên Beck (đảng viên cộng sản Đức Robert Bart, tự đầu hàng Hồng quân) của tình báo Liên Xô được tung vào Berlin để nối lại liên lạc và tiếp tục làm việc với Breitenbach. Nhưng Gestapo nhanh chóng lần ra tung tích và bắt giữ Beck. Không chịu nổi đòn tra, Beck đã khai ra quy ước liên lạc và những thông tin nhận diện điệp viên Breitenbach.

Gestapo lập tức báo cáo việc phát hiện điệp viên Liên Xô cho Heinrich Muller. Nhưng cả Himmler và Muller đã không dám báo cáo với Hitler việc một thanh tra hình sự kỳ cựu, đại úy SS chui sâu hoạt động cho Liên Xô hàng chục năm trời ngay trong lòng Gestapo.

Bìa cuốn sách “Điệp viên siêu đẳng”
của Teodor Gladkov

Ngay trước lễ Giáng sinh năm 1942, Breitenbach bị triệu khẩn cấp tới cơ quan và mãi mãi không trở về. Ông đã bị Gestapo bí mật bắt giữ và thủ tiêu để tránh gây ra scandal ầm ĩ.

Trong bản tin nội bộ của Gestapo ngày 29/1/1943 có đăng thông báo “thanh tra hình sự Wilhelm Lehmann đã cống hiến đời mình cho quốc trưởng và đế chế vào tháng 12/1942”.

Một trong những điệp viên xuất sắc nhất của tình báo Liên Xô đã hy sinh bi thảm như thế. Wilhelm Lehmann không phải là người cộng sản, nhưng ông có cảm tình với nước Nga và nhân dân Nga. Cuộc đời, công lao đóng góp của ông vào chiến thắng chung trước chủ nghĩa phát xít xứng đáng sự thừa nhận và tưởng nhớ biết ơn.

Năm 1969, bà Margaret Lehmann, vợ của điệp viên A-201 đã được trao tặng tại Moskva chiếc đồng hồ vàng với dòng chữ “Kỷ niệm từ những người bạn Xô-viết”.

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Chiến thắng Vĩ đại, ở Nga đã xuất bản cuốn sách “Điệp viên siêu đẳng” của sử gia tình báo Teodor Gladkov viết về điệp viên A-201/Breitenbach.

Và năm nay, đúng ngày Chiến thắng 9/5/2011, truyền hình Nga đã phát bộ phim truyền hình “Điệp viên A-201 - người của chúng ta trong Gestapo”. (Theo NVO).

 

Print Print E-mail Print