Vietnamdefence.com

 

Pascal Beno - Bậc thầy hoá trang của tình báo Pháp

VietnamDefence - Năm nay 68 tuổi, nhưng Pascal Beno vẫn còn minh mẫn và tài hoa khi vẽ những bức tranh sinh động tại xưởng vẽ của mình ở thành phố Strasbourg, miền Bắc nước Pháp.

Pascal Beno

Nhiều người vẫn tưởng rằng ông là một họa sĩ thực thụ, nhưng mấy ai biết rằng ông từng là bậc thầy hóa trang của Cơ quan Tình báo hải ngoại Pháp (DGSE).

Ông chính là người đã từng dùng dao, kéo, cao su nhân tạo, tóc giả... để hóa trang cho các điệp viên DGSE khi thi hành nhiệm vụ.

Ông ra đời tại miền Nam Bordeaux ngày 21/10/1940, vào đúng thời gian mà nước Pháp bị Đức Quốc xã xâm chiếm. Năm 14 tuổi, Beno cùng gia đình chuyển đến sinh sống tại thành phố Toulouse là nơi mà sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Paris, ông được nhận vào làm việc tại Phòng Thiết kế máy bay chiến đấu và vũ khí của Hãng chế tạo máy bay Dassault. Đôi tay tài hoa của ông không chỉ tạo dáng kỹ thuật cho các kiểu máy bay chiến đấu, những tên lửa của Hãng Dassault mà còn khiến Cơ quan Tình báo SDECE (tiền thân của DGSE) phải chú ý.

Năm 1965, ông chính thức được SDECE tuyển dụng và được phân công làm việc tại Ban Kỹ thuật. Đây là một bộ phận đặc biệt của SDECE có nhiệm vụ thay đổi nhân dạng cho điệp viên. Không chỉ có hóa trang mà Ban Kỹ thuật còn có nhiệm vụ làm giấy tờ, tài liệu giả các loại để trang bị cho điệp viên một lý lịch thật phù hợp với nhiệm vụ phải thi hành của mình. Chính đôi tay tài hoa cộng với trí sáng tạo phong phú của Beno đã tạo ra những doanh nhân, nhà nghiên cứu, những tay ăn chơi, những nghệ sĩ, cả người Pháp và người bản địa là những điệp viên SDECE đội lốt khi thi hành nhiệm vụ.

Vào những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, do muốn tranh giành ảnh hưởng với Mỹ, Anh và Liên Xô tại hai khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Pháp đã triển khai nhiều điệp vụ để đặt nền tảng cho các hoạt động ngoại giao sau đó. Beno được lệnh đến các quốc gia tại hai khu vực này như Liban, Iraq, Iran, Syrie, Jordanie, Israel, Ai Cập, Tunisie, Maroc và Algérie để điều nghiên tình hình chính trị, xã hội làm cơ sở không chỉ để làm giấy tờ, tài liệu giả mà còn sắm vai, thay đổi nhân dạng, hóa trang cho các điệp viên SDECE được giao nhiệm vụ đến hoạt động tại các nơi này. Beno còn được toàn quyền chọn những phương án thích hợp để giải cứu cho các điệp viên gặp nguy hiểm khi thi hành nhiệm vụ trên lãnh thổ đối phương.

TT Georges Pompidou, với gương mặt đã được hoá trang
bởi Beno, cùng TT Richard Nixon tại sân bay Reykjavik
vào tháng 6/1973.

Vào tháng 5/1972, một điệp viên SDECE khi thi hành nhiệm vụ  tại Trung Đông dưới lốt một lái buôn người Bédouin đã bị nhà chức trách địa phương bắt giữ tại một khu vực sát biên giới Syrie-Liban. Để giải cứu điệp viên này, Beno được lệnh dẫn một toán nhân viên của Ban Kỹ thuật đến thủ đô Beirut của Liban, hóa trang và cải trang thành những người đứng đầu một bộ tộc người Bédouin. Nhóm điệp viên cải trang của SDECE do Beno chỉ huy đã gây áp lực và cả dùng tiền để hối lộ cho các viên chức cảnh sát có liên quan đến vụ bắt giữ để điệp viên SDECE được trả tự do. Điệp vụ hoàn thành, không chỉ Beno mà cả Ban Kỹ thuật đã được đích thân Tổng thống Pháp Georges Pompidou khen thưởng tại Điện Élysées.

Một thành tích đáng nể khác của Beno là được yêu cầu hóa trang cho Tổng thống Georges Pompidou để chuẩn bị tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Richard Nixon tại thủ đô Reykjavik của Iceland vào tháng 6/1973. Tổng thống Pompidou vào thời kỳ đó đang mắc một chứng bệnh liên quan đến máu có tên gọi bệnh Kahler mà việc sử dụng dược phẩm có chứa chất corticoid đã khiến gương mặt ông có phần hơi biến dạng. Chính phủ Pháp quyết định phải hóa trang gương mặt của Tổng thống Pompidou thành gương mặt của một người bình thường, khỏe mạnh khi ông tham gia cuộc họp thượng đỉnh tại thủ đô Reykjavik vào hai ngày 1 và 2/6/1973.

Nhiệm vụ khó khăn này được chính Thủ tướng Pháp lúc đó là Pierre Messmer giao cho Beno. Với sự khéo léo và đôi tay tài hoa, Beno đã biến gương mặt biến dạng vì bệnh tật của Tổng thống Pompidou thành gương mặt của một người bình thường tràn đầy sức sống. Việc hóa trang gương mặt của Tổng thống Pompidou còn đánh lừa cả nhận định trước đó của tình báo Mỹ về tình hình bệnh tật của Tổng thống Pháp và là cơ sở để Tổng thống Nixon đưa ra những đề nghị có tính cách gây sức ép đối với Pháp trong một số vấn đề thế giới nhất là mối quan hệ giữa Pháp và Liên Xô... Với thành công này, một lần nữa, Beno đã được đích thân Tổng thống Pompidou khen ngợi và tặng thưởng huân chương Danh dự Bội tinh và sau đó vào năm 1975 được bổ nhiệm vào chức vụ Phó chỉ huy Ban Kỹ thuật.

Năm 1982 khi SDECE giải thể và thay vào đó là DGSE, tại Liban cũng bùng nổ nội chiến. DGSE được lệnh đưa các điệp viên đến hoạt động tại Liban nhằm chuẩn bị cho một sự can thiệp bằng quân sự của Pháp. Dưới bàn tay khéo léo của Beno, các điệp viên DGSE đã sắm vai doanh nhân, giáo sĩ và cả nhân viên cứu trợ nhân đạo thâm nhập vào lãnh thổ Liban để hoạt động nằm vùng.

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1990, Beno cũng thôi làm việc cho DGSE, lúc đó ông đã mang hàm tương đương với quân hàm tướng hai sao của quân đội. Để trân trọng tay nghề điêu luyện và kinh nghiệm của một cựu chỉ huy của ngành tình báo Pháp nên Chính phủ Pháp vẫn mời ông tham gia  ban cố vấn của Hội đồng Tình báo quốc gia, nhiệm vụ mà ông thi hành cho đến năm 2000. Ngoài ra Beno còn được mời tham gia giảng dạy cho các khóa đào tạo điệp viên của các cơ quan tình báo Pháp trong lĩnh vực hóa trang, ngụy trang, ẩn mình khi thi hành nhiệm vụ trên lãnh thổ đối phương.

Cho đến nay Beno vẫn được xem là bậc thầy về nghệ thuật hóa trang mà các hãng phim, diễn viên luôn tham vấn, mời làm cố vấn cho việc thực hiện các bộ phim về đề tài điệp báo

  • Nguồn: ANTG, 26.09.2008.

Print Print E-mail Print