Vietnamdefence.com

 

Chuyện về hai nguồn tin tình báo 38 năm trước

VietnamDefence - Tôi muốn nhắc tới hai bản tin của các cơ sở tình báo thuộc H67 (Đơn vị AHLLVT) trực thuộc J22 - Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Cả hai bản tin ấy đều xuất hiện vào những ngày tháng 10 cách đây vừa tròn 38 năm. Nhắc tới nó để tôi có dịp nhớ tới người thủ trưởng cũ của mình, người anh, người thầy mà tôi vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ. Đó là Anh hùng tình báo Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh).

Anh hùng Lê Văn Vĩnh

Mười năm công tác ở chiến trường miền Nam, tôi đã thuyên chuyển nhiều đơn vị. Nhưng cái “bến đỗ” lâu nhất là H67. Nói con số tròn là 5 năm 4 tháng. Trừ con số lẻ 4 tháng ra, ấy là thời gian tôi không được sống gần ông, với lý do: Ông về Miền họp và những chuyến đi bí mật vào nội thành. 5 năm với 1.825 ngày đều được sát cánh bên ông từ mật khu Bời Lời thuộc miền Đông tới quê dừa Đồng Khởi - Bến Tre  thuộc miền Trung Nam Bộ. Kỷ niệm đầy ắp về ông. Ấy vậy mà chưa viết  được cái gì cho ra tấm ra món về con người mình ngưỡng mộ. Có chăng, nhờ đồng chí Trưởng ban Báo An ninh thế giới khích lệ tôi mới viết được một bài về ông.

Với gần năm nghìn chữ cho một bài viết phỏng nói được những gì trong quá trình 50 năm cuộc đời binh nghiệp của ông? Thực tình tôi mới đề cập được hai sự kiện nhỏ, đó là: Đôi dòng ký ức của ông và hai chuyến công tác vào vùng địch hậu trực tiếp điều tra, nghiên cứu một số mục tiêu trọng điểm phục vụ cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968). Bao gồm: Tiểu khu Phước Long (tỉnh Phước Long); Một số mục tiêu quan trọng tại đô thành Sài Gòn: Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Nha Cảnh sát đô thành, sân bay Tân Sơn Nhất, Chi khu quân sự Hóc Môn... Vậy thôi, thế cũng là quá nhiều so với khuôn khổ một bài báo.

Và, cũng lại thực tình, đó là những sự kiện tôi đã nắm được đầy đủ, chi tiết từ thời đó. Còn biết bao huyền thoại về ông – Anh hùng tình báo Lê Văn Vĩnh - dẫu rằng có chừng ấy thời gian sống chết bên ông. Có những chuyện thật ly kỳ về nghiệp vụ. Biết đấy nhưng không đầy đủ, không chi tiết. Mà cái phần không ấy ví như phần chìm của tảng băng mà theo nguyên tắc nghề nghiệp tôi đâu dám hỏi.

Tỉ như hai bản tin chưa được kiểm nghiệm nêu trên. Tất nhiên, cả hai sau này đã được thời gian và thực tế kiểm nghiệm. Bản tin đầu chỉ sau 6 tháng và bản tin sau lâu hơn, cỡ gần 2 năm sau đó. Nhưng nguồn gốc của hai báo cáo quan trọng ấy đối với tôi (người được ông giao trách nhiệm tổng hợp, sử dụng mã hóa, thông qua đường vô tuyến báo cáo về J22) thì cho đến nay vẫn là điều bí mật.

Chuyện xảy ra cách đây 38 năm. Tổ quốc hòa bình, Bắc - Nam thống nhất đã 33 năm. Nhiều chuyện thời chiến đã được giải mật. Vì vậy, đầu năm nay tôi điện thăm ông và hẹn sẽ tranh thủ vào trong đó tham gia ý kiến với ông về cuốn lịch sử truyền thống đơn vị. Tất nhiên có việc liên quan tới hai bản tin trên. Ông tỏ vẻ rất mừng và hẹn: “Thế thì hay lắm. Chờ khánh thành cầu Rạch Miễu, Thái Dương tranh thủ vô ta tổ chức thăm Bến Tre. Sức khỏe tôi năm nay hơi bết. Già rồi. Tám mươi lăm tuổi ta rồi còn gì nữa (ông sinh năm Giáp Tý - 1924)”.

Rồi ông thông báo cho tôi một lô xích xông thông tin về anh em H67: Những Năm Tuyến, Tám Thanh, Năm Phương (3 cụm phó) hiện nay ở đâu, tới anh em cán bộ, chiến sĩ như: Cần, Nhiên, Thi lấy vợ tại căn cứ An Phước, Lĩnh và Hoa - “Ba Dương nhớ không - đám cưới hai đứa ở rừng Bời Lời. Tổ chức dưới hầm đó” - sau này chuyển ngành hiện đang ở thành phố. Anh em Tâm và Trí, Tâm và Nguyện cũng vậy. Tư Lợi sau này chuyển ngành về Viện Kiểm sát Giồng Trôm. Tư Sơn thương binh về sống ở quê Giồng Trôm. Rồi tới Hiệp và Bé (chồng trinh sát địa bàn, vợ công tác giao thông hợp pháp), sau hòa bình phục viên về làm ăn sinh sống tại căn cứ cũ ở rừng Bời Lời, Tây Ninh. Nguyệt (con gái anh Sáu Trí - Trưởng J22) và bé Phượng chuyển ngành công tác tại thành phố.

Ông nhắc tên hầu hết anh chị em, những gia đình cơ sở của đơn vị ở An Phước; những anh chị em đã hy sinh thời đó, tới những gia đình cơ sở tại địa bàn. Đặc biệt là một địa chỉ ở Mỹ Tho - “Ba Dương còn nhớ thầy giáo ở Mỹ Tho không?”-“Dạ nhớ chứ. Ông Tám nhà 19 Trương Vĩnh Ký - quê gốc Giao Long Hòa, Bến Tre. Cả 3 cha con đều là cơ sở của H67”. “Ờ... giỏi! Nhớ giỏi đó. Ông Tám mất lâu rồi. Hai người con gái - Cô Tám và cô Mười sau này chuyển ngành, công tác tại Mỹ Tho...”.

Đoàn cán bộ H67 về thăm địa bàn cũ -
Đầm Thuỷ Lợi Bana, Bến Tre

Rồi ông hỏi tới anh em quê miền Bắc đã từng công tác ở cụm”. Sáu Hóa hiện nay ra sao? Nghe nói cậu ấy có chí lắm. Thương binh vậy mà  học tới 2 bằng đại học; cậu Cấp quê ở Nghệ An, có tin tức gì không? Còn hai đứa nhỏ nữa, đó là thằng Út Thử và Ba Quyết. Lâu nay có gặp tụi nó không? Cho tôi gởi lời thăm tất cả anh em mình...”.

Ôi! Một con người tuyệt vời... ông đã làm sống lại trong tôi bao tình cảm cũ, bao kỷ niệm xưa. Tôi lại thêm mong mỏi sớm tới ngày cầu Rạch Miễu khánh thành để sắp xếp công việc vào trong đó tiếp kiến, hầu mong khai thác cái “kho tàng bí mật” ứ đầy trong ông.

Hà Nội, những ngày đầu tháng 10, cả thành phố nô nức chuẩn bị kỷ niệm 54 năm Ngày Giải phóng thủ đô. Không khí tưng bừng của ngày 10-10 lịch sử đã thôi thúc tôi cầm bút. Dự định sẽ phác thảo bài viết về 2 nguồn tin kể trên để khi vào trong đó gặp ông sẽ bổ sung những chi tiết chưa “giải mã”. Buổi tối, tôi vừa ngồi vào bàn viết thì nhận được nhiều cú điện thoại từ phía Nam báo ra. Ôi! Tin như sét đánh... “Chú Bảy Vĩnh đã qua đời. Tang lễ cử hành sáng 12/10” cả đêm đó tôi không sao ngủ được. Bần thần cả ngày hôm sau. Vì lý do sức khỏe bản thân và hoàn cảnh gia đình tôi không vào viếng ông được.

Sáng nay (12/10) vào giờ phút đơn vị, địa phương, gia đình, anh em đồng đội trọng thể tổ chức lễ tang tiễn đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang thành phố. Tôi ngồi viết bài này, bài viết sẽ không đầy đủ, trọn vẹn. Thôi đành... nhớ sao viết vậy. Nó sẽ thay nén tâm hương để tôi vái vọng, tiễn ông vào giấc ngủ ngàn thu nơi chín suối.

Những cuộc chuyển quân bí mật

Vào một chiều tháng 10/1970, nữ giao thông viên Tư Chiến từ nội thành về căn cứ của đơn vị tại  ấp I, xã An Phước, Châu Thành, Bến Tre. Buổi tối, Cụm trưởng Bảy Vĩnh sang hầm làm việc của tôi. “Có một báo cáo rất hay của anh em cơ sở. Anh nghiên cứu rồi cho chuyển gấp về trên”.

Ông đi rồi, tôi vội mở tài liệu ra đọc. Tài liệu ngắn gọn trong 2 trang viết tay. Nhận định về tình hình chiến sự. Thông tin cụ thể rất đơn giản nhưng phần dự báo thì quá “nặng đô”. Sự việc không phải ở chiến trường miền Đông Nam Bộ (vùng III chiến thuật) mà nó sẽ diễn ra ở tận vùng I chiến thuật mà chủ yếu tại khu vực đường 9 thuộc Hạ Lào.

Nội dung báo cáo tóm tắt như sau:

“...Có dấu hiệu quân đội quốc gia đang điều chỉnh lực lượng. Nhiều đơn vị bí mật chuyển ra miền Trung. Mấy đêm nay nhiều đoàn xe tải vận chuyển vũ khí; lương thực nhu yếu phẩm ra ngoài đó. Nhiều nguồn tin tin cậy nhận định sẽ có giao tranh lớn diễn ra vào mùa khô tới. Nhiều khả năng đó là khu vực Hạ Lào, dọc đường số 9. Các nhà hoạch định chiến lược quốc gia và đồng minh cho rằng muốn thực thi “chiến lược bình định ở Nam Việt Nam, bằng mọi giá phải ngăn chặn chi viện của quân đội Bắc Việt. Trước mắt, phải “bình định” đường 9. Bố trí binh lực dày đặc. Buộc các đoàn quân Bắc Việt chi viện miền Nam phải chấp nhận giao chiến tại đường 9, chỉ cần giữ “bức tường lửa” ấy trong 2 năm thì coi như hạ tầng cơ sở của Việt Cộng ở miền Nam sẽ tê liệt. Đảm bảo những tên du kích Việt Cộng sẽ không còn nổi một viên đạn súng trường”.

Sau ngày bản tin được chuyển đi, chúng tôi thắc thỏm đợi chờ cho tới một buổi chiều phải đến cỡ nửa năm, anh em bảo tôi “sang gấp hầm chú Bảy”. Tôi hồi hộp không hiểu có chuyện gì mà sếp triệu hồi gấp vậy. Tôi vừa bước xuống hầm, ông reo lên.

- A... Ba Dương đó hả! Nổ rồi... thắng to rồi!...

Tôi ngỡ ngàng - “Nổ ở đâu vậy anh? Có phải ta đánh...”.

Đánh ở đường 9. Thắng giòn giã. Lần đầu tiên ta bắt sống xe tăng địch. Bắt sống một đại tá chỉ  huy tên là Thọ.

Tất cả chúng tôi như nín thở lắng nghe bản tin thời sự trên đài. Giọng phát thanh viên sang sảng đang tường thuật trận đánh ở Làng Vây. Đó là một chiều tháng 4/1971. Sau 6 tháng bán tín, bán nghi, nỗi thắc thỏm đợi chờ của chúng tôi đã được giải tỏa.

Khổ nhục kế

Đó là một trong 36 kế trong “Binh pháp Tôn Tử” thời “Thất quốc tranh hùng” ở Trung Hoa xưa. Ấy vậy mà nó đã được kẻ thù vận dụng ngay trên chiến trường Việt Nam vào những năm 60-70 của thế kỷ trước.

Sau bản báo cáo của cơ sở bí mật “dự báo tình hình chiến sự miền Trung” được ít ngày thì đơn vị nhận tiếp một báo cáo có liên quan tới tình hình nội bộ của ta. Khác với lần trước, lần này Cụm trưởng Bảy Vĩnh sang hầm tôi với nét mặt trầm buồn. Tôi lo lắng hỏi ông về sức khỏe. Rất thương ông bởi trong cái thân hình mảnh khảnh của ông còn giấu cả những mảnh bom, mảnh pháo trong đó nên những ngày trở trời ông thường “khó ở”. Ông không trả lời câu hỏi của tôi mà như lẩm bẩm nói với riêng mình. “Kỳ lạ! Nếu đúng vậy thì tệ hại lắm, mà không đúng thì sao? Sẽ tội cho anh em mình...”.

Ông đưa cho tôi một trang giấy viết tay có bút phê của ông ở góc trên bên trái 2 chữ “THƯỢNG KHẨN”. Bản báo cáo từ nội thành gửi về chỉ phản ánh một sự việc:

...Lực lượng bí mật của quân lực “Việt Nam Cộng hòa” vừa bắt được một người. Chức vụ đại đội bậc trưởng, có lẽ thuộc lực lượng tình báo hoặc quân báo Việt Cộng. Người đó có tên là Mười L... (tên gồm 4 chữ cái. Chữ L đứng đầu và có dấu sắc). Không chịu nổi tra tấn, Mười L... đã đầu hàng, khai báo. Tệ hại hơn là đã nhận làm mật báo viên cho họ và tạo cớ để trở về đơn vị cũ thực hiện ý đồ chui sâu, leo cao. Để che mắt đối phương, Mười L... phải chịu một trận tra tấn tàn khốc (tất nhiên là họ nghi trang như thật). Giữa sự sống và cái chết, Mười L... đã khôn khéo lợi dụng sơ hở của tụi lính gác, trốn khỏi trại giam trở về căn cứ...

Thông cảm nỗi niềm của Thủ trưởng, tôi lựa lời tâm sự:

- Nhiệm vụ của ta là thu lượm thông tin và báo cáo kịp thời về trung tâm. Cố nhiên phải tìm nguồn phối kiểm và có nhận xét của mình. Nhưng nếu chờ thì kẹt. Lỡ chuyện đó là thật thì sao? Với lại... cấp trên “các cụ” tỉnh lắm. Chắc chưa có đối sách gì ngay đâu. Ta cứ cho chuyển ngay anh ạ!.

- Ờ... Tôi cũng nghĩ như vậy, chỉ buồn... nếu đó là sự thật thì thằng địch nó thâm hiểm quá mà thằng của ta thì lại quá hèn. Thực ra cái kế này của địch không mới mẻ gì. Nó đã thực hiện từ “khuya” rồi. Từ thời “đệ nhất cộng hòa” kia. Nó đã từng răn đe những đồng chí của ta bị bắt rằng: “Khôn ngoan thì thành thực khai báo để được hưởng khoan hồng của quốc gia, được về yên vui, hạnh phúc với gia đình. Nếu ngoan cố thì sẽ thân tàn ma dại. Có trở về thì đồng chí của các anh sẽ không tin dùng các anh nữa. Đó! Kẻ thù nham hiểm thế đó.

Hơn một năm sau, ông trở về Miền họp tổng kết năm. Bấy giờ nằm trong giai đoạn địch thực hiện chiến lược “lùng diệt” và “hủy diệt”. Hầu hết các đơn vị phía sau của ta đều phải dạt sang vùng biên giới Campuchia. Hậu cứ của J22 cũng vậy. Hôm ông đi họp về, đơn vị được tập trung tại hầm hội trường nghe ông thông báo tình hình. Sau đó, ông nói như với riêng tôi - “Thằng Mười  L... đã bị bắt. Về hậu cứ chắc là bị “kèm” chặt nên không mần ăn gì được. Y đã kích động số lính trẻ – “Bám mãi xứ chùa Tháp này buồn thúi ruột. Chi bằng cùng nhau trốn đơn vị về quê đánh giặc. Về để đánh giặc thì tội tình, khuyết điểm gì...”.

Đoàn “hùng binh” với trên 60 chiến sĩ trẻ, được trang bị đầy đủ vũ khí, kể cả máy vô tuyến điện, vừa “xuất quân” thì bị chặn lại. “Tác giả kịch bản” là Mười L... bị bắt. Các chiến sĩ trẻ vì nhẹ dạ cả tin, bị kiểm điểm, phê bình về ý thức tổ chức kỷ luật. Thật hú vía!

Với tôi, người may mắn được tiếp xúc nội dung 2 bản tin trên ngay từ buổi đầu cho tới khi được thời gian kiểm nghiệm. Tôi vô cùng tự hào, cảm phục lực lượng hoạt động bí mật của đơn vị. Sau đó là sự nuối tiếc. Bởi, vì nguyên tắc nghiệp vụ mà cho tới nay tôi vẫn chưa tỏ tường về họ. Những người đã một thời thầm lặng cống hiến cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân ta, ngoài 2 bí số quen thuộc (H9 và H81). H9 thì đã rõ quý danh nhưng chưa được gặp. Còn H81 là ai thì đành chịu.
Hà Nội, 12/10/2008

  • Nguồn: ANTG, 21.10.2008.

Print Print E-mail Print