VietnamDefence -
Cuối năm 1957, trong khi đang làm nhiệm vụ, Đại tá Nguyễn Minh Vân bị địch bắt do có người chỉ điểm.
Ông đã phải nếm đủ các kiểu tra tấn trong nhà lao nhưng không hề hé răng nửa lời. Biết đòn roi không thể chiến thắng được tinh thần thép của người chiến sĩ tình báo, chúng quay sang tìm mọi cách dụ dỗ ông "chuyển hướng". Thế nhưng, trong cuộc đấu trí với tên bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn, ông lại là người chiến thắng...
Cách đây gần 40 năm (năm 1973), tác phẩm truyện thơ "Sống trong mồ" đã gây chấn động dư luận cả nước cũng như báo chí nước ngoài bởi tính chân thực và hoàn cảnh ra đời đặc biệt của nó. Trong hoàn cảnh bị "chôn sống" nơi tử ngục Chín Hầm, bệnh tật đầy mình, không giấy, không bút, người chiến sĩ tình báo vẫn làm thơ với tấm lòng kiên trung, ghi lại những tháng ngày trong ngục tối, để tố cáo tâm địa hiểm ác của chính quyền Ngô Đình Cẩn qua 3.000 câu thơ mà ông đã tự "ghi lại" trong trí nhớ. Người chiến sĩ tình báo ấy giờ đây đã ngoài 80 tuổi, ông chính là Đại tá Nguyễn Minh Vân.
Rơi vào tay bạo chúa miền Trung
Ngày mùng 1.6.1956, tôi nhận nhiệm vụ từ cơ quan Tình báo Chiến lược ngoài Hà Nội vào Huế để nắm mạng lưới điệp báo miền Trung. Tuy nhiên, tôi nằm ở rừng già Trường Sơn trên đất Quảng Nam một thời gian dài mà cơ quan an ninh của Khu uỷ 5 không đưa tôi xuống Huế được vì địch đang đẩy mạnh chiến dịch tố cộng diệt cộng rất ác liệt, đánh phá dữ dội vào các tổ chức của ta trên khắp địa bàn.
Tôi và đồng chí Thái Hựu mắc võng giữa rừng, nằm cạnh nhau suốt một năm trời để chờ thời cơ xuống đồng bằng hoạt động. Khi ấy, một chiến sĩ trẻ tên là Quang, thỉnh thoảng lại mang đồ tiếp tế lên cho chúng tôi. Thế nhưng, phong trào tố cộng diệt cộng ở Huế do Ngô Đình Cẩn (em ruột Ngô Đình Diệm) chỉ đạo ngày càng tàn ác, đến giữa năm 1957, Thường vụ Khu uỷ nhất trí với cơ quan Tình báo chiến lược Trung ương, phải cho tôi chuyển vùng vào Sài Gòn để nắm một lưới điệp báo đặc biệt của Khu, công việc của tôi đang bắt đầu có hiệu quả thì ngày mùng 1.11.1957 tôi bị bọn mật vụ miền Trung vào bắt, do có sự đầu hàng khai báo của một số cán bộ cơ sở trong lưới mà tôi mới được bàn giao.
Ngay lập tức, chúng tống tôi vào nhà giam của Tổng nha Công an nguỵ quyền. Sau khi tra tấn khốc liệt mà không đạt hiệu quả gì, địch chuyển tôi sang trại giam đặc biệt P.42 của mật vụ Ngô Đình Nhu (em trai Ngô Đình Diệm), đây là nơi tra khảo hỏi cung tù nhân theo kiểu Mỹ, có cố vấn Mỹ đi sát chỉ đạo nên các đòn của chúng vô cùng độc ác và nguy hiểm như kiểu bắt tù nhân đứng nhiều ngày đêm dưới 2 ngọn đèn cao áp cỡ khoảng 500W, không ăn, không uống, không ngủ, hễ khuỵu chân xuống là bị chúng đấm đá, cho đến khi tù nhân lăn ra bất tỉnh thì mới thôi.
Tuy nhiên, kết quả mà chúng thu được vẫn chỉ là sự im lặng. Rồi tháng 2.1958, chúng đưa tôi ra Huế, giam vào Lao xá Ty công an Thừa Thiên, nơi tên bạo chúa Ngô Đình Cẩn và bọn mật vụ miền Trung của hắn bắt đầu thực hiện một âm mưu rất xảo quyệt gọi là "chính sách cải tạo và sử dụng người kháng chiến cũ" núp dưới danh hiệu bịp bợm là "chuyển hướng".
|
Vợ chồng Đại tá Nguyễn Minh Vân
|
Dụ dỗ "chuyển hướng"
Lúc đó, có kẻ đã khai báo cho Cẩn biết rõ chức vụ của tôi trong ngành tình báo ở miền Bắc và lý lịch nguồn gốc của tôi là gia đình đại phong kiến nên Cẩn ra sức mua chuộc tôi bằng mọi cách. Vào một đêm tháng 3.1958, tên giám đốc Công an Trung phần Lê Khắc Duyệt mang xe Mercedes đến Lao xá Ty Công an Thừa Thiên, đưa tôi đi gặp trực tiếp Ngô Đình Cẩn tại nhà nghỉ mát của hắn ở Thuận An. Đó là một ngôi nhà rất đẹp, làm nổi trên mặt nước. Thấy tôi, tên Cẩn ra vẻ thân thiết lắm, còn Duyệt thì hiểu ý tránh ra ngoài hành lang.
Cẩn bắt đầu dụ dỗ: "Tôi biết, cụ thân sinh của bạn từng là một vị quan lớn trong Triều đình Huế, là người có khí phách ngang tàng. Tôi rất kính trọng cụ. Bạn xứng đáng với truyền thống gia đình, bạn hãy về đây cộng tác với chúng tôi...". Hắn nói rất nhiều, nhưng tôi đều bỏ ngoài tai, dứt khoát không ngã theo chính sách "chuyển hướng" mà nó đã bày đặt ra.
Ít lâu sau, vào khoảng tháng 5.1958, Lê Khắc Duyệt lại đưa tôi đi gặp Cẩn lần nữa, lần này là tại nhà riêng của hắn ở Phủ Cam. Vẫn giọng điệu kêu gọi tôi từ bỏ con đường cộng sản, nhưng hắn nói nếu tôi từ bỏ con đường theo Việt Minh và chịu đến sống chung với những người "chuyển hướng" ở Trại Toà Khâm một thời gian thì hắn sẽ trả tự do cho tôi mà không bắt tôi phải làm việc cho hắn. Để hắn tắt tia hy vọng, tôi kiên quyết: "Tôi không thể theo các ông, đó là danh dự cá nhân và cả gia đình tôi. Tôi không thể để người ta coi thường vợ con tôi, phỉ nhổ tôi vì đã đầu hàng theo các ông".
Đến tử ngục trần gian
Không thể lôi kéo được tôi, ngày 8.8.1961, Ngô Đình Cẩn hạ lệnh cho quân đưa tôi sang trại giam Mang Cá, nhốt vào biệt phòng, rồi ngày 10.11.1961, chúng đưa tôi đến tử ngục Chín Hầm.
Tôi bị bịt mắt, bị đẩy lên một chiếc xe Jeep, xe chạy vòng vèo ra khỏi thành phố, đi lên phía núi. Khi tới nơi, chúng nhảy xuống xe mở cửa sắt ầm ầm, rồi kéo tôi đi vào một cái hầm sâu, tối đen như mực, tôi có cảm giác như đang đi vào một hang núi đá. Dồn sâu vào bên trong, chúng mở cửa một buồng giam đẩy tôi vào, tháo băng bịt mắt cho tôi và đóng sầm cửa lại, khoá chặt.
Khi bọn chúng đã rút hết, chỉ còn một mình tôi trong bóng tối mịt mùng, tôi hoàn toàn không biết mình đang ở đâu, chẳng biết có phải là ngục nhốt tử tù hay nhà mồ âm phủ!...
Sau này, tìm hiểu tôi mới biết đó là khu vực Chín Hầm, nằm dưới chân núi Thiên Thai, cách Đàn Nam Giao khoảng vài cây số. Chín cái hầm đấy do thực dân Pháp xây để cất giấu vũ khí trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhằm chống lại Nhật. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, bộ đội ta vào lấy hết vũ khí và hầm bị bỏ trống. Đến thời kỳ Ngô Đình Cẩn làm chúa tể miền Trung, hắn đã biến những hầm ấy thành ngục tối để nhốt những người tù cộng sản gan góc nhất, khu vực Chín Hầm trở thành vùng cấm, nhân dân không được đến gần.
Tôi bị giam ở hầm số 8, không hề biết gì về các hầm khác. Hầm số 8 được chia thành 20 xà lim, dãy bên trái từ ngoài vào có 10 xà lim đánh số từ 1 đến 10, dãy bên phải có 10 xà lim được đánh số từ 11 đến 20. Tôi ở xà lim số 13. Chiều rộng của mỗi xà lim chưa đầy 1m, chiều dài khoảng 2m, chiều cao khoảng 1,8m. Như vậy là chỉ vừa 1 người nằm. Ở nhiều nhà tù khác, một ngày ít nhất tù nhân cũng được ra ngoài 1 lần đi vệ sinh, thế nhưng tất cả những người tù đã bị đưa vào nơi này là cách ly hoàn toàn với cuộc sống ngoài xã hội, không còn được nghe gì, thấy gì cuộc sống trên trái đất, không gian của họ chỉ là 2 mét khối không khí của cái chuồng tăm tối, hôi hám, ngạt thở trong lòng đất.
Tôi hiểu rằng, mình đã bị đẩy vào địa ngục trần gian để nếm mùi thử thách mới, chưa từng thấy trên đời và tôi đã lấy hết nghị lực sẵn sàng đối phó với âm mưu xảo quyệt của chính quyền Ngô Đình Cẩn...
Trong tù không quên nhiệm vụ
Một đợt hãm hại tù nhân dữ dội nhất đã bắt đầu với việc đưa tôi vào hầm. Mặc dù không tra tấn bằng đòn roi, nhưng bọn gác ngục đã nghĩ ra nhiều biện pháp quái dị để uy hiếp tinh thần người tù, gây căng thẳng thần kinh đến tột độ, để rằn mặt những người tù chính trị gan góc nhất.
Đang đêm chúng kéo nhau vào hầm quát tháo, hoặc vác gậy đập vào các cửa chuồng, song sắt. Ban ngày, đang đi tuần bên ngoài, chúng thình lình bắn vài phát súng trên nóc hầm gây hoảng loạn, chấn động thần kính khiến người đau yếu nghe muốn rụng tim.
|
Một số hình ảnh về tử ngục Chín hầm
|
Và thủ đoạn tra tấn chủ yếu của chúng là cách cho ăn vô cùng man rợ, mà tai ác nhất là cho ăn cơm trộn muối kéo dài nhiều ngày. Vậy là chỉ chưa đầy 3 tháng, 5 đồng chí của chúng ta đã ngã xuống: Tôi bị nhốt vào hầm ngày 10.11.1961 thì ngày 20.11, đồng chí Quang qua đời, ngày 28 đồng chí Tư mất, ngày 25.1.1962 đến lượt anh Chín Thính, ngày 31.1 đến anh Hội và cuối cùng là anh Bích mất ngày 5.2.1962.
Là nhân chứng về cái chết của 5 đồng chí ở hầm số 8, tôi nhớ như in những lời trăng trối của họ.
Các anh đều có một mong muốn là "anh em không nên tuyệt vọng, bằng mọi cách để sống mà về với Đảng, với nhân dân, để báo cáo sự thật về hoạt động vô cùng nguy hiểm của mật vụ miền Trung và tố cáo tội ác tày trời của bè lũ Ngô Đình Cẩn ở tử ngục Chín Hầm.
Nguyện vọng cuối cùng của những chiến sĩ can trường quyết tử, thốt lên trước lúc hy sinh đã khắc sâu vào tâm khảm tôi và tôi đã ghi lại điều đó qua 6 câu thơ:
"Lời trăng trối mang hồn người sắp chết / Vọng qua vách, trang nghiêm mà thống thiết / Các anh ơi! Cố sống thoát một người / Về với đồng bào - dù chỉ một người thôi! Để tố cáo kiểu hầm giam vô cùng tàn bạo / Bắt Mỹ ác - Ngụy gian phải đền nợ máu!".
Đối phó với thủ đoạn mới của mật vụ
Bắt đầu từ ngày 6.2.1962, sau cái chết của người thứ 9 trong hầm (trước khi tôi đến đã có 4 đồng chí hy sinh), bọn mật vụ đã thay đổi thủ đoạn đối với 3 người tử tù còn sống sót, trong đó có tôi.
Chúng không để cho 3 chúng tôi chết nhanh mà cấp thuốc uống cho chúng tôi hồi phục lại, rồi tiếp tục đày đoạ để bắt chúng tôi phải chịu đựng cực hình một cách kéo dài vô thời hạn.
Chúng chỉ cấp một số thuốc như thuốc chữa bệnh đường ruột và B1, rồi cho ăn vài ngày cơm nóng, thế là chúng tôi ngồi dậy được. Thấy chúng tôi hồi sức được một chút là chúng lại bắt đầu cho xơi cơm sống, cơm trộn muối, uống nước lã có mùi tanh...
Phải nhấn mạnh rằng, bọn mật vụ của Ngô Đình Cẩn thay đổi biện pháp hành hạ đối với 3 chúng tôi không phải là do nhân đạo, mà chúng sợ nếu cả 3 chúng tôi đều chết thì âm mưu của chúng sẽ thất bại hoàn toàn, bởi vì mục đích của chúng là dùng thủ đoạn "chôn sống" một số tù nhân chính trị cứng đầu với hy vọng kết quả cuối cùng sẽ có ít nhất một người không chịu đựng được sẽ quay đầu làm tay sai cho chúng, cái mà chúng vẫn thường gọi là "chuyển hướng".
Để đối phó với thâm ý của địch, tôi đã nghĩ ra cách làm thơ kể lại mọi chuyện xảy ra trong nhà tù của mật vụ Ngô Đình Cẩn. Lúc đầu, tôi nghĩ, nếu viết bằng văn xuôi làm một bản cáo trạng đanh thép về tội ác của bè lũ mật vụ Ngô Đình Cẩn mà trong hoàn cảnh không có giấy bút thì thật khó mà ghi nhớ được nên phù hợp nhất là làm một loại thơ kể chuyện, với lời lẽ giản dị và tình cảm chân thực từ chính lòng mình. Thế là tôi bắt đầu sáng tác truyện thơ "Sống trong mồ" vào khoảng cuối năm 1962, đầu năm 1963.
Trong suốt hơn 10 tháng trời, tôi đã sáng tác ngày đêm không ngừng, vừa làm vừa nhẩm thuộc. Ngày mùng 2.11.1963, đúng vào ngày sinh nhật con trai tôi, được đánh dấu bằng câu thơ thứ 3.000.
Chính khi ấy cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm đang diễn ra và ngày hôm sau, chiều mùng 3.11.1963, lúc trời sắp chạng vạng, một tốp quân đảo chính của Dương Văn Minh đến chiếm khu vực Chín Hầm, phát hiện ra chúng tôi đang bị giam ở hầm bí mật số 8 nên đã lôi chúng tôi ra, đưa về Ty công an và dinh tỉnh trưởng ở Huế để xin ý kiến giải quyết.
Viết lại truyện thơ trong nhà lao
Khi chúng tôi được đưa về Huế, bọn cầm quyền mới lên nhậm chức nên còn lúng túng, chưa biết giải quyết thế nào và không hiểu chúng tôi thuộc loại tù gì. Mãi đến nửa đêm, tên tỉnh trưởng phải quyết định tạm đưa chúng tôi về lao xá Ty Công an.
Lúc này, chính quyền mới chưa bố trí được người nên vẫn phải sử dụng cai ngục là người của họ Ngô, nhưng tinh thần chúng lúc này rất hoang mang như rắn mất đầu. Tên giám thị nhà lao nói với chúng tôi: "Xin các ngài hiểu cho tình cảnh của chúng tôi lúc này, chúng tôi cũng còn đang phải lo cho chính bản thân chúng tôi. Các ngài muốn làm gì thì làm, tự quản lý lấy nhau, nhưng chỉ xin các ngài đừng đập phá, vượt ngục, đừng ép chúng tôi phải nổ súng, vì bổn phận của chúng tôi là trông coi các ngài".
Trong hoàn cảnh ấy, tôi báo cáo với chi bộ về 3.000 câu thơ tôi đã sáng tác ở Chín Hầm, mọi người đều cho rằng cần phải chép lại gửi ra ngoài trước khi địch tái lập được lại chế độ giam giữ khắc nghiệt của chúng.
Vậy là mọi người đã giúp tôi có đủ giấy bút, đứng xung quanh che kín để tôi có thể ngồi chép lại 3.000 câu thơ trong khoảng 3 ngày.
Tôi chép thành 2 bản, đóng thành 2 quyển sổ tay nhờ mấy bạn tù được địch thả mang ra khỏi nhà tù. Ba năm sau, trên đường trở về Bắc, tại chiến trường B2 tôi đã nhận lại được một quyển, tôi đoán quyển sổ đó là do anh Minh Sơn, một bạn tù tình báo được địch thả ở Huế mang vào Sài Gòn rồi gửi lên căn cứ.
Khi đó cảm giác của tôi thật khó tả, tôi vui mừng khôn xiết khi nhận ra kỷ vật vô giá của đời cách mạng. Sau này, được sự đồng ý của đồng chí Tố Hữu, phần I của truyện thơ được in thành cuốn sách gồm 1.200 câu thơ vào năm 1973, nhằm tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt cũng như âm mưu hiểm độc của Mỹ-Ngụy. Hiện, cuốn sổ thơ tôi chép tay đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam như một hiện vật có giá trị từ vùng địch mang ra.
(Viết theo lời kể của Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân)