VietnamDefence -
Lẽ ra, bài viết này chỉ đơn thuần với ý nghĩa nhân kỷ niệm 30-4 - ngày vui của cả nước, nhắc tới ký ức một thời để nói về một người, một nữ giao thông viên bí mật - của Lực lượng tình báo Anh hùng mà ít ai biết tới.
Kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975-30/4/2008)
Bài viết còn thay cho nén tâm hương tưởng nhớ người quá cố và phân ưu với người đồng chí, người chị tôi vô cùng thương quý
Những vị khách giấu mặt
|
Tác giả gặp lại một số cán bộ giao thông bí mật tại Hà Nội tháng 5/1997, chị Tư Thu đứng bên trái
và chị Sáu Loan bên phải
|
Dẫu không có một lời thề thốt như “Tam anh kết nghĩa vườn đào”, nhưng tình cảm giữa tôi và chị còn hơn thế.
Tôi được gặp và sau này trở thành người thân của chị trong bối cảnh như thế này: Đầu năm 1966, tôi được cử về nhận công tác tại “B48” - một cụm tình báo chiến lược hoạt động ở cửa ngõ phía đông - bắc Sài Gòn. Căn cứ bám trụ lúc đó tại rừng Vĩnh Lợi, thuộc Châu Thành, tỉnh Bình Dương (Thủ Dầu Một cũ).
Cả đơn vị chỉ có mình tôi là người miền Bắc nên được anh em rất quý mến, cụm trưởng có vẻ “cưng” hơn. Tôi ngầm hiểu hình như được “đặc cách” tiếp xúc một số vị thuộc diện “trùm khăn che mặt” mỗi khi từ thành về căn cứ.
Để giữ bí mật theo nguyên tắc “cự ly ngăn cách” các anh, các chị đều phải nghiêm túc thực hiện như vậy. Trong đơn vị, chỉ có lãnh đạo cụm và tổ trinh sát địa bàn trực tiếp đi đón các vị này mới được “tỏ mặt, rõ hình”.
Một chiều, tôi đang cùng anh em sửa lại hầm làm việc của bộ phận điện đài thì được cô cấp dưỡng gọi ra thì thào: “Anh Ba Dương ơi! (tên thường gọi của tôi thời đó) cụm trưởng biểu chiều nay tổ trinh sát đi công tác về muộn, anh mang dùm cơm sang chỗ chị Tư”. - “Tư nào?”. - “Chị Tư Ló ở trong “khu mật” chỗ cây xăng lẻ đó”.
Thời đó, căn cứ của các cụm tình báo khi xây dựng bao giờ cũng phải có một khu vực dành riêng cho cán bộ hoạt động hợp pháp khi cần thiết phải về đơn vị. Ở đó có hầm ngủ, lán nghỉ và có cả bàn ghế đàng hoàng. Cố nhiên đó là những bộ bàn ghế được bện bằng cây rừng, cột chôn xuống đất.
Tôi vào “khu mật”. Khi còn cách mấy chục mét đã phát hiện “chủ nhân” đang ngồi khâu vá trên bàn. Bởi nghe tiếng động, chị vội thu gom đồ đạc “trốn” ngay xuống hầm. Một động tác quá thuần thục vì đã quá nhiều lần phải “ẩn mình” như thế, cho tới khi xác định “an toàn” mới ló lên khỏi mặt đất. Mãi sau này, tôi mới được biết cái biệt danh “Tư Ló” của chị là vậy chứ thực ra chị là Tư Thu - tên thật là Vũ Chi Lan.
Khi đã sắp xếp xong, tôi khẽ hắng giọng, lên tiếng: “Em được giao nhiệm vụ đem cơm vào, xin mời chị...”.
Chị “Ló” lên khỏi cửa hầm, thon thả trong bộ bà ba đen cùng mái tóc đen dày búi tròn sau gáy càng tôn thêm vẻ đẹp nền nã ở cái tuổi ngoài 40 của chị. Chị ngồi xuống bàn, ngước nhìn tôi, nhỏ nhẹ: “Nghe nói em từ Bắc vô. Quê ở tỉnh nào vậy?”. Tôi ngồi xuống ghế đối diện. “Dạ... em quê Sơn Tây, mới vào được mấy tháng...”.
Chị lại ngước nhìn tôi: “Cha! Giỏi không!... Vượt Trường Sơn mà vẫn khỏe mạnh như vầy là rất tốt. Qua hết Phùng là tới xứ em phải không?”. - “Dạ đúng! Mà sao chị rành vậy?”. - “Chị cũng mới vô được mấy năm". - “A!... Tôi thốt reo lên - thì ra chị là cán bộ tập kết!”.
Tôi được bố trí ở bộ phận cơ yếu, tổng hợp nên thường được biết lịch liên lạc với nội đô và thông tin giữa cụm với cấp trên. Hai tuần sau, được biết chị vào thành và đã trở về căn cứ. Chừng một tiếng đồng hồ sau, anh em trinh sát đã “triệu” tôi vào "khu mật".
Tôi choáng ngợp trước chiếc bàn với bao loại trái cây - những măng cụt, vú sữa, chôm chôm, điều, boòng boong, mãng cầu xiêm... toàn những thứ tôi chưa được thưởng thức bao giờ. Chị vui vẻ tuyên bố: “Bữa nay, chị ráng xách về để cậu Ba Dương biết trái cây miền Nam. Mấy em ăn đi, hướng dẫn cho Ba Dương biết cách ăn, trái cây này ngoài Bắc không có đâu.
Tết năm đó, đơn vị chuẩn bị rất chu đáo. Bố trí để một số đồng chí trong thành về ăn tết với anh em. Không ngờ ngày 28 tết, một trận bom địch “cuỗm” đi hết. Căn cứ tan hoang, phải chạy sang Bến Cát tá túc tại căn cứ của một đơn vị nào đó đã bỏ đi từ lâu trong một cánh rừng có tên là Bào Chữa.
Đoàn quân di chuyển đêm hôm đó có khách ở thành về, ngoài chị Tư Thu, tôi biết còn một vị nữa. Dù không được “trực diện dung nhan” nhưng chắc chắn là nam giới với vóc dáng to, cao dềnh dàng.
Dù là căn cứ tạm thời, nhưng vẫn phải sắp xếp thành 2 “khu mật” riêng biệt.
Cả năm ky cóp chuẩn bị cho tết giờ thành công toi, chúng tôi ăn một cái “tết chay”, chỉ có cơm ăn với tương chao, rau rừng. Đời chinh chiến quen rồi. Chỉ thương cho mấy cán bộ nội thành.
Tôi tạt vào “khu mật”, góp sức sửa sang căn hầm cho chị Tư Thu. Gặp tôi, chị mừng quýnh. Hai mắt đỏ hoe. Anh em nói nhỏ với tôi: “Chị Tư vừa khóc đó. Chị nói thật tội nghiệp thằng Ba Dương. Lẽ ra những ngày này nó sum vầy với gia đình. Vì ba cái thằng Mỹ “mắc dịch” mà nó phải chịu cực như vầy”. Hôm đó, tôi ở lại chỗ chị lâu hơn để được nghe chị tâm sự về gia cảnh.
Là con duy nhất trong gia đình, cha là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Mẹ sống ở Sài Gòn, buôn bán vặt để nuôi thân. Tâm sự của chị hôm đó như là những lời nhắn gửi đầy niềm tin của người chị đối với đứa em - “Chiến tranh sẽ ngày càng ác liệt. Nếu chị có bề nào, khi đất nước thanh bình em nhớ tìm về 47 đường Xóm Chiếu, Khánh Hội, Sài Gòn thăm má”. Kết thúc chiến tranh, năm 1978 tôi có tìm tới địa chỉ trên mới hay chị đã đưa cụ về sinh sống ở Biên Hòa.
Thời kháng chiến chống Pháp, chị công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh Thủ Dầu Một, yêu một cán bộ tuyên giáo. Anh là Võ Thế Đại (Ba Đại). Hai người cưới nhau được ít tháng thì chị lên đường tập kết ra Bắc. Anh bám trụ chiến trường hoạt động và năm 1958 bị địch bắt, đày đi Côn Đảo và nghe tin đã bị chúng thủ tiêu. Ra Bắc, chị được bố trí công tác ở Trường đại học Sư phạm I Hà Nội nhưng ngày đêm đau đáu nhớ về phương Nam.
Sau cái mốc thời gian 2 năm tổng tuyển cử bị kẻ địch bội ước, chị lại cháy bỏng ước mong được trở về Nam chiến đấu và niềm mong ước ấy đã thành hiện thực. Đó là vào một buổi chiều, hiệu trưởng gặp riêng chị thông báo một tin hết sức bất ngờ: “Tổ chức trung ương có quyết định điều động chị đi nhận công tác mới. Khẩn trương chuẩn bị, ngày mai sẽ có cán bộ cơ quan sang đón”.
Một điều ngỡ ngàng đối với chị là cơ quan mới lại là một đơn vị vũ trang có tên là: “Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu” và tới khi vào lớp huấn luyện nghiệp vụ chị mới biết đó là lực lượng tình báo. Chị được đào tạo chuyên sâu về công tác “giao thông liên lạc” hoạt động hợp pháp ở các đô thị miền Nam. Đây là một “mắt xích” hết sức quan trọng - Cơ sở điệp báo dù có chui sâu, leo cao và tin tức thu được quan trọng tới đâu mà tắc nghẽn giao thông liên lạc giữa cơ sở nội thành và trung tâm thì tin tức trở thành vô nghĩa. Ấy là chưa kể tới “sự cố” xảy ra uy hiếp an toàn giao thông, tài liệu lọt vào tay địch thì tới 99% là cơ sở nội thành bị lộ.
Kết thúc khóa huấn luyện, chị được cử vào chiến trường bổ sung cho một cụm tình báo mới thành lập để rồi trở thành cán bộ giao thông “gạo cội” của đơn vị với nhiều “vai diễn” xuất sắc qua mắt kẻ địch.
Từ một cô giáo bậc trung học về thăm quê; một nhà nghiên cứu đi thư giãn vùng kinh rạch trong ngày nghỉ; có khi lại đĩnh đạc trong vai một “mệnh phụ phu nhân” cùng “đức lang quân” là một nhà kinh doanh “cỡ bự” về miệt vườn Lái Thiêu thăm bạn hữu. Tất cả các chuyến đi chị đều mang theo tài liệu và đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Phái viên đặc biệt
Trở lại với vị khách nam tháp tùng đoàn quân chuyển cứ cái đêm giáp tết năm trước - trong đơn vị, ngoài lãnh đạo cụm, tổ trinh sát địa bàn và một nữ giao thông - người được giao nhiệm vụ đón ông mới được gặp trực tiếp. Còn lại, duy nhất có tôi là được biết sơ sơ ngay từ khi ông chưa đặt chân về căn cứ. Có lẽ vì thế mà lần này tôi lại may mắn được gặp ông.
Ông là Hai Thăng (mãi sau này khi đã trở thành thân thiết tôi mới biết tên thật là Huỳnh Thăng Quang). Quê ở vùng Cù Lao Ba Xã thuộc Vĩnh Long. Một miền quê trù phú bên bờ sông Cửu Long.
Hai Thăng được Cục II cử vào chiến trường bổ sung cho Cụm B48 và đóng vai phái viên của mặt trận “tấn công, dứt điểm một mục tiêu quan trọng”. Đó là viên Trung tá - Cục phó một cục nghiệp vụ trong Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa với bí số “L19”. Nhiệm vụ của anh là phải gặp trực tiếp để thuyết phục, cảm hóa anh ta trở thành cơ sở bí mật nằm trong tổ chức địch hoạt động theo chỉ đạo của ta.
Quả là một chuyến đi đặc biệt và đầy mạo hiểm. Vì vậy, “phái viên” cũng phải đi bằng một con đường “đặc biệt” - từ Hà Nội, Hai Thăng đáp máy bay đi Nam Vang (Campuchia) rồi từ đó chuyển máy bay đi Sài Gòn. Cố nhiên là tổ chức phải chuẩn bị bình phong hợp pháp vững chắc cho anh.
Từ giấy tờ tùy thân, căn cước, “câu chuyện ngụy trang”... tới nếp sống, sinh hoạt của Sài Gòn lúc đó. Và, đương nhiên anh phải dày công tìm hiểu, nghiên cứu, tập luyện để trở thành một “cư dân Sài Gòn thứ thiệt”. Điều quan trọng hơn, đó là phải tìm hiểu thật sâu, thật kỹ về “L19”. Từ hoàn cảnh gia đình tới tâm lý, tình cảm của anh ta. Đặc biệt là tình cảm của “L19” đối với cha anh ta, được gọi theo biệt danh là “ông già miệt vườn”, ông là người có tình cảm với cách mạng, với những người tham gia kháng chiến; ghét ngoại bang xâm lược. Vì vậy, ông đã tìm cách liên hệ với cách mạng, cầu mong cách mạng cứu vớt con ông ra khỏi vũng lầy tội ác...
Người được cử đi đón “phái viên” chính là Tư Thu.
Hôm ấy, chị diện áo dài trắng, bóp đầm, ra dáng quý phái cùng “đức lang quân” về thăm quê ở vùng cây trái trứ danh. Họ nhận nhau bằng ám, tín hiệu và mật khẩu theo quy ước từ trung tâm.
Theo lịch trình, cán bộ giao thông sẽ đưa “phái viên” về thẳng nhà “ông già miệt vườn”. Tối hôm đó, “phái viên” và ông già bàn kế hoạch tiếp xúc “L19”. Tư Thu ở nhà chờ “phái viên” trở lại rồi đưa về căn cứ. Sáng hôm sau “hai cậu cháu” (quan hệ ngụy trang giữa cha của “L19” và Hai Thăng) đón xe đò đi Sài Gòn và về thẳng nhà "L19". Hai Thăng ngồi chờ tại phòng khách. Ông già lên lầu gặp con trai. Phải tới mươi, mười lăm phút sau “L19” xuất hiện trong chiếc áo môngtagút màu cánh kiến, rất hợp với nước da bánh mật của anh ta.
Hai người gật đầu chào nhau. “L19” ngồi đối diện Hai Thăng, nhẹ nhàng chuyển ly nước lọc về phía khách. Một không khí im lặng bao trùm căn phòng. “L19” để 2 tay trên bàn, mặt hơi cúi xuống. Bỗng nhiên anh ta ngẩng lên nhìn Hai Thăng, giọng uy nghiêm, đe dọa.
- Nè! Tôi hỏi thiệt, ông có biết ông đang ngồi đây là ở đâu không?... - Anh ta chỉ tay về phía chiếc điện thoại - Tôi chỉ cần nhấc ống nghe lên là ông sẽ bị bắt liền.
Hai Thăng nhếch miệng cười, ngả lưng vào thành ghế, gương mặt quắc thước hơi ngước lên, đôi chân mày lưỡi mác như nhíu lại gần nhau, ném cái nhìn xói vào mắt “L19”:
- Câu hỏi và những điều anh vừa nói không đúng tầm của một sĩ quan đeo lon Trung tá như anh. Ngài Cục phó nên biết rằng, tôi là phái viên đặc biệt, được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử vô đây. Ngay từ khi rời vùng giải phóng đặt chân lên phần đất tạm thời do chính quyền Sài Gòn kiểm soát là tôi có thể bị bắt bất cứ lúc nào cần chi phải đợi tới lúc này.
“L19” cũng từ từ ngả lưng vào thành ghế, lại ngước mắt nhìn Hai Thăng, đầu gật gật - “Hiểu... Hiểu... tôi hiểu chớ”... nhưng mà nè... tôi hơi tọc mạch một chút, muốn hỏi ngài phái viên, bên phía Việt Cộng ông giữ chức vị gì mà dám vô đây gặp một sĩ quan tầm cỡ như tôi?...”.
- Ồ... - Hai Thăng khẽ thốt lên - một câu hỏi đầy chất ngạo mạn của một sĩ quan quân lực “Việt Nam Cộng hòa” - Hai Thăng dựng thẳng lưng, hai tay nhịp nhịp xuống bàn - “Lịch sử quân sự, nói về những cuộc tiếp xúc, thương thuyết giữa 2 phía, người ta đã rút ra một nguyên tắc gì nhỉ... à... phải rồi, đó là “đối tướng, đối binh...”. Ngài Trung tá, Cục phó thừa hiểu, một khi cấp trên cử tôi vô tận sào huyệt đối phương để gặp anh. Vì nể tình ông già nhà ta, chứ thực ra là để gặp những người còn là cấp trên của anh. Vậy, chẳng lẽ người ta lại cử một người mà trình độ về mọi mặt lại chỉ bằng hoặc kém hơn đối phương. Phải vậy không?...”.
Đây là tình huống bất ngờ, ngoài dự kiến mà Hai Thăng phải ứng phó theo “giải pháp tình thế”. Thực ra hàm, cấp thời đó của lực lượng Tình báo “thuộc diện quá khiêm tốn”. Hầu hết các cụm trưởng chỉ cỡ đại úy, thiếu tá thôi thì cấp bậc của anh không thể cao hơn Cụm trưởng. “L19” ngồi thừ ra, khuôn mặt chữ điền chùng xuống, hai khóe mắt rưng rưng. Bỗng nhiên, anh ta đứng dậy, cúi gập người, nắm chặt tay Hai Thăng miệng lập bập:
- Anh... Anh Hai!... Xin hãy bỏ qua cho những lời khiếm nhã vừa rồi. Thiệt tình thằng em... chỉ là giỡn với anh... - Hai Thăng vội xua xua tay:
- Không có chi... không có chi... hãy ngồi xuống, còn nhiều chuyện tôi cần nói với anh.
“L19” ngồi xuống, lại ngước nhìn khách, một cái nhìn e ngại.
Trầm ngâm giây lát, Hai Thăng tiếp lời, chất giọng trầm ấm của anh không phải chỉ dành cho người đối diện mà còn là tự sự với chính mình.
|
Tác giả cùng bà Võ Thị Thắng (người ngồi bên trái) tới thăm đoàn cán bộ giao thông bí mật của J22
tại trạm 66 Bộ Quốc Phòng (Ttháng 5/1997)
|
Chiến tranh giải phóng, chống ngoại xâm là chính nghĩa. Chính nghĩa tất thắng có chăng chỉ còn là thời gian. Lương tri thời đại, loài người tiến bộ, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ chính nghĩa Việt Nam.
- Chiến trường đang diễn biến phức tạp do Mỹ ồ ạt đưa quân vào. Điều đó càng thể hiện thế yếu của họ. Thể hiện sự lúng túng về chiến lược, tạo mâu thuẫn ngay trên chính trường nước Mỹ, càng lộ rõ bộ mặt xâm lược, bị thế giới lên án, nhân dân tiến bộ Mỹ chống đối.
Chiến tranh giải phóng, chống ngoại xâm là chính nghĩa. Chính nghĩa tất thắng có chăng chỉ còn là thời gian. Lương tri thời đại, loài người tiến bộ, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ chính nghĩa Việt Nam. Vậy hà cớ gì, những người mang dòng máu Việt lại thờ ơ với thời cuộc, lại nhẫn tâm đứng về phía kẻ thù của dân tộc.
Cách mạng rất cảm thông với những số phận bị xô đẩy bởi thời cuộc, bởi cuộc sống. Với họ, vẫn có thể suy nghĩ lại khi thời gian còn chưa quá muộn. Vẫn có thể làm một việc gì đó có lợi cho cách mạng để chuộc lại lỗi lầm quá khứ ngay trên mảnh đất họ đang sống, ngay trong cái thể chế phi nghĩa kia...
Sự im lặng lại bao trùm căn phòng. “L19” thẫn thờ thả tầm mắt vào một góc trần nhà. Lâu lắm, anh ta mới cúi xuống nhìn Hai Thăng, hai mắt đỏ hoe, nghẹn ngào:
- Anh Hai!... Việc này ông già đã nói với tôi. Có điều... ngặt cho hoàn cảnh, một gánh nặng gia đình, bố mẹ già, một vợ và 9 đứa con. Tất cả cuộc sống của họ đều trông vào tôi. Nếu tôi có bề nào thì... xin anh, xin cách mạng hiểu cho... Tôi hứa sẽ không làm bất kỳ việc gì có hại cho cách mạng. Sẽ không để tay mình vấy máu đồng bào...
- Hiểu, tôi hiểu hoàn cảnh mới thực lòng vậy. Nói để anh suy nghĩ. Cách mạng không ép bất kể người nào. Có điều, ta cần sòng phẳng với nhau, thể chế Sài Gòn ví như một cỗ máy, thiếu mấy cái đinh ốc, sút mấy mối hàn trong động cơ thì cỗ máy đó làm sao vận hành được. Vì vậy, tội ác đâu phải chỉ ở những người cầm súng bắn vào đồng bào mình. Thế thôi! Ông già còn nghỉ lại đây với các cháu. Có gì cứ nói lại với ổng. Bây giờ tôi phải đi vì nửa giờ nữa có một cuộc hẹn.
Thực ra đâu có cuộc hẹn nào. Rời nhà “L19”, Hai Thăng ra bến xe, đi thẳng về Lái Thiêu. Không ngờ chỉ nửa giờ sau đó, “ông già miệt vườn” cũng về tới. Ông nắm tay Hai Thăng, nét mặt đau buồn, nghẹn ngào:
- Chú Hai! Mong chú và cách mạng bỏ qua cho tôi, bởi vô phước đã sinh ra một thằng con mất dạy... nó đã làm mất công tổ chức, mất công của chú. Tôi vô cùng mắc cỡ với đời...
Hai Thăng lựa lời an ủi ông già rồi theo Tư Thu về căn cứ ngay chiều hôm đó. Một buổi chiều buồn đối với anh và cả người được giao nhiệm vụ đón anh. Dẫu chưa được biết nội dung, song với con mắt nghề nghiệp, Tư Thu cảm nhận đó là một chuyến đi không “thuận buồm xuôi gió” đối với đồng nghiệp của mình.
Nội dung cuộc tiếp xúc “L19”, ngay tối hôm sau được báo cáo chi tiết về trung tâm. Mấy ngày sau có điện của cấp trên gửi vào động viên, an ủi Hai Thăng và đơn vị. “Cấp trên hoan nghênh tinh thần khắc phục khó khăn, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của các đồng chí. Việc không “dứt điểm” được “L19” cũng là chuyện bình thường. Không vì thế mà buồn nản. Đâu phải tất cả các trận đánh đều là toàn thắng.
Dẫu sao, từ cuộc tiếp xúc này ta đã thu được thông tin rất bổ ích - đó là tình cảm của quần chúng trong vùng địch tạm chiếm đối với cách mạng mà trong đó có cả những sĩ quan quân đội Sài Gòn. Những người bên kia chiến tuyến đâu phải tất cả đều xấu, đều chống đối cách mạng. Đây là một kênh thông tin giúp ta nghiên cứu phục vụ công tác binh, địch vận đạt kết quả tốt hơn”.
Mối tình năm cũ
Từ khi Hai Thăng về căn cứ, thi thoảng tôi được tiếp xúc với anh - và có cảm tình ngay từ buổi đầu gặp gỡ.
Vì nhận ra ở anh một con người xởi lởi dễ gần, hiểu rộng, biết nhiều nên mới gặp đã thân ngay. Bởi thế, tôi mới dám thóc mách hỏi chuyện đời tư của anh. Anh khẽ cười, lắc đầu, gương mặt thoáng buồn, vội xóa đi ngay bằng một câu hài hước: "Anh Hai chừng này tuổi đầu nhưng chưa có một mảnh tình vắt vai".
Tôi đùa lại anh: “Nếu chưa có chị nào níu chân ở ngoài Bắc thì anh kiếm béng một cô trong vùng giải phóng đi. Để em làm mai cho”.
Anh lại khẽ lắc đầu, trầm ngâm giây lát: “Nói thiệt với chú em, anh đã có người thương rồi. Ngày đi tập kết, cô ấy 19 tuổi. Nhà ở thị xã Vĩnh Long. Hẹn nhau 2 năm, thoáng chốc đã mười mấy năm... Nhưng... buồn lắm, cô ấy đã mất rồi, trong một trận bom ở vùng ven thị xã.
Anh nguyện với lòng mình, khi nào đặt được bó hoa viếng mộ cô ấy rồi... mới tính”. “Vậy... có biết mộ chị bây giờ ở đâu không” - "Biết! Ở nghĩa trang thị xã Vĩnh Long, má anh có dự lễ tang cô ấy”.
Tôi lặng buồn, mặc cho thời gian nặng nề trôi, lâu lắm mới cất thành lời: “Anh đã vào thành nhiều chuyến, sao không tranh thủ về dưới đó”. Anh lại khẽ lắc đầu: "Đâu có được! Ngày anh đi tập kết cả xứ đều biết...”.
Thời gian ấy, công việc quá nhiều nên phải tới mấy tháng tôi không có dịp gặp anh, kể cả với chị Tư Thu. Một hôm, chị Tư vừa đi công tác trong thành về đã nhắn tôi sang “khu mật”. Mới thấy tôi, chị đã xởi lởi: "Chị có quà cho em đây. Toàn những thứ “hợp gu” em.
Chị lôi trong túi ra một mớ báo và tạp chí xuất bản ở Sài Gòn. Những Tin Sáng, Điện Tín, Đối Diện, Đứng Dậy... cùng một số tiểu thuyết của mấy cây bút nữ - Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hồng... Toàn những thứ nằm trong “hành trang nghề nghiệp” của chị.
Có lần ở Trạm kiểm soát Cầu Bông, một tên lính định kiểm tra cái giỏ xách của chị, tên lính phía sau giọng oang oang: "Thôi đi! Xét làm gì mấy bà trí thức “mọt sách” này cho mất công”. Chị lục trong giỏ rồi dúi vào tay mỗi đứa một bao Ruby: "Mấy cậu cầm mà hút. Thuốc của ông Đại tá nhà chị đó. Tha về cả đống, khói um nhà”.
“Chu cha!... bà chị lo bảo vệ sức khỏe ông anh tui phải không”. Chị khẽ cười: "Chớ sao! Ổng là “tài sản” của cả nhà đó”. Thực ra nhiều khi trong những tờ báo, những cuốn sách chị đem về lại chứa đựng bao điều bí mật - cán bộ nội thành viết báo cáo vào bên lề của mỗi trang, khi về căn cứ chúng tôi dùng mực mật quét vào chữ mới nổi lên.
Tôi lật lật mấy trang báo, bỗng reo lên: “A... Trong này có một bài họ nói tới Cù Lao Ba Xã. Quê anh Hai đó, chị biết không? Chắc là xa lắm”. - “Ừa... Qua Long An, Mỹ Tho rồi qua bắc (phà) Mỹ Thuận mới tới”. “Chị có biết hoàn cảnh gia đình anh Hai ra sao không?”.
“Dưới quê còn ông bà già, một người em trai cũng đi kháng chiến, hai đứa em gái thì một đã có chồng, còn một đứa bị bom, chết từ mấy năm trước. Chị mới về nghĩa trang Vĩnh Long thắp hương dùm anh ấy”. “Ơ!...”. Tôi định cãi lại, nhưng vội kìm mình.
Chị ngồi xuống ghế, hạ thấp giọng: “Có một việc chị muốn tham khảo ý kiến em. Hôm rồi... Anh Hai hỏi mượn chị một tấm hình...” - “Để làm chi vậy?” - “Bà già ép lấy vợ. Ảnh bí quá, nói đại là đã có người yêu trong vùng giải phóng. Bà già nói cho bả được coi hình con dâu tương lai để... có bề nào mới nhắm mắt được”. Tôi thở phào. Vậy là “có vấn đề rồi”.
Tôi khẽ cười: “Thì... thì chị cứ tặng luôn một tấm, mượn mõ làm gì cho mất công. Mà em hỏi thật, trước khi hỏi mượn hình, anh ấy có nói với chị gì không?”. Gương mặt chị bừng đỏ: “Thiệt tình mấy bữa trước ảnh có đặt vấn đề với chị. Chị nói thẳng là không thể... vì dầu sao chị cũng đã từng có gia đình. Còn ảnh... Rồi, còn chuyện anh Tư, đã hơn 10 năm anh bị bắt, chưa có một thông tin chính thức nào. Vì vậy chị không thể...”.
“Vậy hôm đó anh Hai nói sao?”. “Ảnh nói ảnh sẽ kiên quyết chờ, chờ cho tới khi nào có tin chính thức về anh Tư. Nếu may mắn anh Tư vẫn còn thì hai người vẫn là bạn tốt của nhau”.
Tình hình chiến trường ngày càng ác liệt. Địch đánh phá dữ dội địa bàn đông và tây bắc Sài Gòn. B48 một số đồng chí hy sinh và bị bắt (trong đó có cả lãnh đạo Cụm). Vì vậy, cấp trên quyết định nhập B48 với B49 thành một đơn vị lớn như là một trạm tình báo.
Sau tết Mậu Thân, Cụm H67 thiếu cán bộ nên J22 điều tôi về đó. Căn cứ bám trụ tại mật khu Bời Lời. Ngoài nhiệm vụ giữ vững liên lạc với các lưới điệp báo nội thành, H67 còn đảm nhận trách nhiệm như một trạm giao liên để một số cụm bạn dừng chân chuyển địa bàn hoạt động. Cũng vì thế mà tôi có dịp gặp lại chị Tư Thu.
Hai chị em gặp nhau trong nỗi xa xót, buồn thương. “Dương ơi! Em đã nghe tin chưa... Anh Hai Thăng mất rồi...”. Chị ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào. Chỉ nói được chừng đó rồi nấc lên. “Chị nói sao? Tin ở đâu vậy?...”. “Ngày... ảnh hy sinh, chị cũng ở đó”. Địch càn vào căn cứ vùng An Nhơn Tây, gần sông Thị Tính... Ảnh chỉ huy cụm chống càn...”.
Tôi lặng đi, chìm vào rừng chiều mật khu xơ xác sau một trận càn của địch và mơ hồ trong lời tâm sự đều đều của chị: “Hồi đó em đi, chị và anh Hai được phân công về một cụm. Bám trụ vùng nam Bến Cát. Trận càn kéo dài suốt ngày hôm đó. Hết bom, pháo rồi tới xe tăng, bộ binh. Anh Hai bị thương nặng, đưa xuống hầm được mấy tiếng sau thì ảnh đi.
Tài sản riêng anh em nhờ chị giữ là một chiếc bòng nhẹ tênh, chỉ có tăng, võng, 2 bộ quần áo và một cuốn sổ nhật trình ghi diễn biến tình hình địa bàn và công tác của đơn vị. Chỉ duy nhất có một tấm hình hồi “mượn” của chị kẹp trong cuốn sổ. Có một trang ghi nợ đơn vị “Ngày... tháng... tạm vay mật quỹ số tiền 5.000đ (năm nghìn tiền Sài Gòn). Lý do: mua một máy xay sinh tố tặng cô em ruột sinh con đầu lòng”.
Chị rút bớt lại số tiền tiêu vặt của mình tiết kiệm mấy năm kẹp vào trang ghi nợ của anh Hai để khi đơn vị kiểm tra tài chính khỏi mất công về khoản tiền thiếu có liên quan đến người đã khuất, để tâm hồn ảnh mãi mãi trong sáng, thanh thản”.
Ôi, nghĩa tình đồng đội thời máu lửa nó thiêng liêng, cao quý đến vậy! Cuối năm 1969, H67 chúng tôi là đơn vị tình báo cuối cùng rời chiến trường miền Đông về bám trụ tại Bến Tre để giữ vững liên lạc với Sài Gòn.
Cuối năm 1974, tôi nhận quyết định về đoàn bộ J22. Căn cứ tập trung ở vùng giải phóng Lộc Ninh. Bởi nhiều năm bám trụ ở chiến trường vùng yếu nay về trung tâm được “nghỉ xả hơi” mấy ngày, tha hồ “cưỡi xe đạp thồ” đi thăm đồng đội. Gặp được Thanh Xuân (nữ y tế của đơn vị), mừng quýnh. Có bao nhiêu chuyện thi nhau kể, tập trung vào “đề tài chị Tư Thu”.
Hồi đó cấp trên quyết định đưa chị về A11 (Ban huấn luyện của J22) phụ trách công tác huấn luyện giao thông viên hợp pháp. Một thời gian sau lại chuyển về làm cụm phó một cụm tình báo ở vùng biên giới Campuchia. Một chuyện vui đến ngỡ ngàng, đó là tin anh Ba Đại, chồng chị Tư vẫn còn sống, trong đoàn tử tù Côn Đảo vừa được trao trả tại sân bay Lộc Ninh”.
Chị Tư mừng rơi nước mắt. Những ngày hạnh phúc ngắn ngủi để rồi 20 năm thăm thẳm cách xa, bặt vô âm tín. Hỏi có nơi nào trên hành tinh này, con người phải chịu đựng nhiều hy sinh, đau khổ, thiệt thòi, mất mát như xứ sở chúng ta?
Hòa bình, thống nhất đất nước, cả dân tộc tập trung vào cuộc mưu sinh, hàn gắn vết thương chiến tranh. Bao công việc đè lên vai con người, trong đó có cuộc đời người lính. “Lực bất tòng tâm”. Bao nhiêu thứ kẹt - kẹt thời gian, kinh phí, nên tình xưa đành gác lại. Bởi thế, mãi tới đầu thập niên 80, nhân chuyến vào công tác phía Nam, tôi mới tìm về Biên Hòa thăm anh chị. Thật tội nghiệp. Hai mươi năm biền biệt cách xa, ngày gặp lại cả hai đều luống tuổi nên mãi mãi họ vẫn là cặp “vợ chồng son”.
Nỗi đau từ cuộc chiến đâu phải chỉ có chia lìa, chết chóc, đau thương mà còn có cả những thiệt thòi, mất mát cái quyền làm mẹ, làm cha. Song, với người cộng sản Võ Thế Đại lại là sự hiến dâng vì nghĩa lớn.
Tôi muốn trích mấy câu trong bài thơ anh viết tặng vợ trong ngày sum họp: “Làm sao ta quên được/ Hai mươi năm Ô Thước đủ nhịp cầu/ Cả thời xuân không được sống bên nhau/ Ngày sum họp đôi mái đầu đã bạc... Ta không mơ mà đây là sự thật/ Ta vẫn bên nhau sau trước thủy chung/ Ta tự hào tuổi xuân không hề mất/ Đã hiến dâng cho đất nước anh hùng”.
Ôi! Tấm lòng của hai người cộng sản, họ là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, biết hy sinh tình riêng vì nghiệp lớn. Là người yêu văn học, nghệ thuật, sau ngày chiến thắng trở về, Võ Thế Đại đã dành tâm trí cho thơ, cho những đứa con tinh thần của mình, đã cho ra đời hai tập thơ có tên là “Tiếng lòng 1” và “Tiếng lòng 2” do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1985 và 1994.
Anh đã gửi gắm vào đó tất cả tình cảm, nỗi lòng mình với Tổ quốc, với Đảng, Bác Hồ, đồng bào, đồng chí, anh em và với người vợ hiền rất đỗi yêu thương. Thơ anh còn chứa đựng bao nỗi day dứt, đau đời trước những hiện tượng trái ngang, phi lý, trước hiện tượng bọn tham ô, tham nhũng đang ngày đêm đục khoét mồ hôi nước mắt của nhân dân...
Như linh tính mách bảo, tôi đang viết tới phần cuối bài này trong một tâm trạng buồn. Có lẽ bởi nhuốm nỗi buồn từ một số bài thơ “thế sự” của anh thì nghe tin anh vừa qua đời. Tôi điện vào Biên Hòa sẻ chia nỗi buồn cùng chị Tư Thu. Nghe tiếng nghẹn ngào từ đầu dây bên kia mà lòng tôi se thắt lại. Thế là từ nay lại “thân gái dặm trường”, một thân một mình gánh vác mọi việc, chăm sóc mẹ già. Ngày 15/4 này, cụ đã bước vào cái ngưỡng “Đại thượng thọ bách niên” - tròn 100 tuổi.
Lẽ ra, bài viết này chỉ đơn thuần với ý nghĩa nhân kỷ niệm 30-4 - ngày vui của cả nước, nhắc tới ký ức một thời để nói về một người, một nữ giao thông viên bí mật - của Lực lượng tình báo Anh hùng mà ít ai biết tới. Bài viết còn thay cho nén tâm hương tưởng nhớ người quá cố và phân ưu với người đồng chí, người chị tôi vô cùng thương quý