Vietnamdefence.com

 

Điệp viên giá trị bằng cả tập đoàn quân

VietnamDefence - Nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge đi vào lịch sử tình báo thế giới với những chiến công bất tử. Vì những éo le lịch sử, công lao của ông được nhìn nhận trên thế giới trước khi được nhân dân Liên Xô biết đến và ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào năm 1964, 20 năm sau khi bị treo cổ (7.11.1944).

Richard Sorge (spy-stories.com)

Tên tuổi ông gắn với hai sự kiện phi thường là: cảnh báo cuộc xâm lược của Đức chống Liên Xô và đặc biệt là báo tin Nhật không tấn công Liên Xô trong năm 1941. 

Báo động cuộc xâm lược của Hitler

Báo cáo đầu tiên về việc Đức bắt đầu chuẩn bị tấn công Liên Xô Richard Sorge gửi về Moskva ngày 28.12.1940, chỉ 10 ngày sau khi Hitler ký kế hoạch chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô. Nhưng lãnh đạo Liên Xô không tin vào tin tình báo này vì chỉ mới một tháng trước Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov còn đến Berlin hội đàm với phía Đức.

Ngày 2.5.1941, dựa trên trao đổi với đại sứ Đức tại Tokyo Eugen Ott, Sorge đã báo về Moskva: nguy cơ Đức tấn công đã trở thành hiện thực.

Cuối cùng, bằng 2 điện mã ngày 30.5 và 1.6.1941, Richard Sorge đã khám phá hoàn toàn kế hoạch tấn công Liên Xô của Đức. Trong bức điện đầu, ông báo cuộc tấn công sẽ diễn ra “vào nửa cuối tháng 6”, còn trong bức điện thứ hai, ông cảnh báo, “đòn đánh mạnh nhất sẽ do cánh trái quân đội Đức thực hiện” (tức là theo hướng Leningrad, sau đó vòng về Moskva) và bộ chỉ huy Đức đã quyết định lợi dụng “sai lầm trầm trọng nhất” của ban lãnh đạo Liên Xô khi đưa quân áp sát biên giới phía Tây, nhưng không bảo đảm chiều sâu cần thiết cho đội hình triển khai các lực lượng này.

Một số bức mật điện của Ramsay/Sorge

Sorge đã lấy được thông tin này từ 2 sĩ quan Đức mới từ Berlin đến Tokyo trong tháng 5.1941. Một là nhà tình báo Đức nổi tiếng, tướng Oskar Ritter von Niedermayer, sĩ quan đặc phái của Thống chế Wilhelm Keitel, Tổng tư lệnh Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Đức. Niedermayer được cử sang Nhật để tìm hiểu khả năng Nhật cùng với Đức tấn công Liên Xô. Người thứ hai là trung tá Friedrich von Schol, cựu tùy viên quân sự Đức ở Tokyo, vừa được bổ nhiệm làm tùy viên quân sự tại Bangkok.

Cố vấn Thủ tướng Nhật Hotsumi Ozaki,
nguồn tin chính của tổ tình báo Sorge (Ảnh” SS)

Tuy nhiên, 2 mật điện này lại được Cục Tình báo Hồng quân Liên Xô xem là thông tin giả của Đức nên không gửi cho ban lãnh đạo Liên Xô. Cục Tình báo Hồng quân đặc biệt tức giận với bức điện thứ hai, trong đó có nói về những sai lầm trong triển khai quân đội. Kết quả, bức điện thứ hai phải chịu phán quyết: “Đưa vào danh sách các báo cáo đáng ngờ và thông tin giả của Ramsay”.

Ban lãnh đạo tình báo quân sự Liên Xô có thái độ như thế đối với thông tin từ Sorge một phần không nhỏ là do Stalin biết người hoạt động ở Nhật với mật danh Ramsay chính là Sorge, người mà ông rất thù ghét.
 
Như vậy, Richard Sorge là một trong những nguồn tin tình báo đầu tiên cảnh báo lãnh đạo Liên Xô về việc nước Đức phát xít chuẩn bị cuộc xâm lược chống Liên Xô. Tuy ông không phải là người đã báo tin chính xác ngày giờ Đức tấn công Liên Xô như khẳng định ban đầu của các nhà nghiên cứu Liên Xô vào năm 1964, khi công bố tên tuổi, thành tích và truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Sorge.

Trên thực tế, trong các điện mã của Sorge được giải mật không có tin đó. Mật điện của ông ngày 15.6.1941 cũng không có tin này, mặc dù một số nhà nghiên cứu đã dẫn nguồn này trước khi nó được công bố. Ngoài ra, cả Sorge và điện báo viên của tổ Ramsay là Max Gottfried Friedrich Clausen đều không nhắc đến việc này khi bị hỏi cung trong quá trình điều tra.

Cứu thoát Moskva

Richard Sorge (SS)

Richard Sorge cũng được khẳng định gần như là cứu tinh duy nhất của thủ đô Moskva vào mùa thu năm 1941. Thông tin của Sorge nói rằng, Nhật Bản từ bỏ kế hoạch tấn công Liên Xô trước mùa xuân năm 1942 là chính xác và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Tháng 9.1939, Liên Xô đã ký hiệp ước bất tương xâm với Đức và tháng 4.1941, ký hiệp ước trung lập với Nhật. Nhưng năm 1940, hai nước này cùng với Italia đã ký hiệp ước ba bên về phối hợp nỗ lực quân sự nhằm thiết lập “trật tự mới” ở châu Âu và Đông Á, khiến Liên Xô lâm vào nguy cơ “lưỡng đầu thọ địch”, bị tấn công cả từ hai hướng Tây và Đông. Sau khi Hitler tấn công Liên Xô, câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thực hiện cam kết đồng minh của mình với Đức để mở “mặt trận thứ hai” chống Liên Xô ở Viễn Đông hay không?

Việc tìm ra câu trả lời gặp khó khăn vì trong nội bộ giới cầm quyền vào nửa cuối năm 1941 diễn ra cuộc tranh cãi về hướng xâm lược tương lai của Nhật là gì. Họ đã thảo luận khả năng cho đạo quân Quan Đông từ Mãn Châu Lý tấn công lên phía Bắc hoặc là tiến xuống phía Nam vào các thuộc địa của Pháp và Hà Lan. Cuộc chiến cò cưa ở Trung Quốc cầm chân cả triệu quân chiếm đóng Nhật cũng làm cho tình hình rất rối ren.

Quyết định đầu tiên, có tính tạm thời về vấn đề này được đưa ra ở cấp cao nhất vào ngày 2.7.1941 tại cuộc họp có sự tham dự Hoàng đế Nhật. Họ phê chuẩn chiến thuật cho “các chiến dịch quân sự thống nhất ở phía Nam và phía Bắc”. Có nghĩa là Nhật tiếp tục chuẩn bị cho các cuộc tấn công cả lên hướng Bắc và xuống phía Nam. Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc điều kiện ở đâu thuận lợi hơn. Đây là chủ trương nhằm tranh thủ thêm thời gian để xem các sự kiện trên mặt trận Xô-Đức diễn biến ra sao. Cuộc tấn công vào vùng Viễn Đông của Liên Xô bị trì hoãn chứ không được loại bỏ hẳn khỏi nghị trình.

“Điệp viên ảnh hưởng” của Liên Xô trong giới quan chức chính phủ Nhật là Hotsumi Ozaki, bạn thân và đồng sự của Sorge. Hotsumi Ozaki không thuộc về một gia đình trâm anh thế phiệt, nhưng học tại một trường trung học danh tiếng ở Tokyo, nhiều học sinh tốt nghiệp trường này đã giữ các chức vụ cao trong ban lãnh đạo Nhật Bản. Các quan hệ bạn bè của Ozaki đã giúp ông đắc lực trong hoạt động tình báo. Sorge đã nhận được thông tin về cuộc họp ngày 2.7.1941 ngay từ giới quan chức chính phủ Nhật (qua Ozaki), cũng như từ đại sứ quán Đức ở Tokyo. Trong điện mã ngày 10.7.1941, ông báo: “Nguồn tin Invest (Ozaki) nói rằng, tại cuộc họp với Hoàng đế, đã quyết định không thay đổi kế hoạch hành động chống Sài Gòn (Đông Dương), nhưng đồng thời cũng quyết định chuẩn bị các hành động chống Liên Xô một khi Hồng quân thất bại. Đại sứ Đức cũng nói như thế, rằng Nhật Bản sẽ bắt đầu tham chiến nếu quân Đức đến được Sverdlovsk”. Trên điện mã này, người chỉ huy GRU lần đầu tiên ghi nhận xét: “Căn cứ vào những khả năng lớn của nguồn tin và tính xác thực của một phần đáng kể những báo cáo trước đó, những tin tức này là đáng tin cậy”. Đây gần như là sự thừa nhận đầu tiên công lao của Sorge từ phía lãnh đạo tình báo quân sự Liên Xô.

Nhưng cuối cùng thì quân Nhật có thể tấn công theo hướng nào? Quyết định cuối cùng của Nhật về vấn đề này được thông qua tại phiên họp với Hoàng đế Nhật ngày 6.9.1941. Trước thời điểm này, chiến dịch chớp nhoáng mùa hè năm 1941 Đức đã phá sản nên Nhật Bản quyết định thử vận may ở hướng Nam. Sorge đã báo cáo về quyết định có tính định mệnh đối với Liên Xô này trong một loạt các điện mã gửi ngày 14.9.1941. Hai ví dụ điển hình: “Theo thông tin của nguồn tin Invest, chính phủ Nhật đã quyết định trong năm nay không khai chiến chống Liên Xô, nhưng các lực lượng vũ trang vẫn được để lại Mã Châu quốc phòng trường hợp tham chiến vào mùa xuân năm tới một khi Liên Xô thua trận trước thời điểm này… Invest nói rằng, sau ngày 15.9, Liên Xô có thể hoàn toàn rảnh tay”. “Nếu đàm phán với Mỹ kết thúc không thành công, Nhật Bản sẽ khai chiến ở hướng Nam rất nhanh”.

Tượng đài nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge ở Moskva

Vấn đề quân Nhật tiến về phía Nam được nêu cụ thể hơn tại một trong những bức điện mã cuối cùng của Sorge ngày 3.10.1941: “Trong trường hợp Mỹ không thực sự thỏa hiệp trước giữa tháng 10, Nhật Bản sẽ khai chiến trước hết chống Thái, sau đó là Singaporer, Malayu và Sumatra”. Bí mật của việc nước Nhật quân phiệt chuẩn bị tham gia Thế chiến II bên phía khối trục, nhưng không phải chống Liên Xô mà chống Anh và Mỹ, đã bị khám phá.

Hoàn toàn an tâm là sau 15.9, “Liên Xô có thể hoàn toàn rảnh tay” do không phải lo Nhật khai chiến ở Viễn Đông cho đến “mùa xuân năm sau” thực tế đã tạo cơ hội cho bộ chỉ huy Liên Xô yên tâm thực hiện một hành động cơ động chiến lược cực kỳ quan trọng là tạm thời điều các binh đoàn từ Viễn Đông sang mặt trận phía Tây mà không phải lo Nhật tấn công. Các sư đoàn còn sung sức và được huấn luyện tốt này đã tạo bước ngoặt trong trận đánh bảo vệ Moskva thu-đông năm 1941, giữ vững thủ đô Moskva và giành thắng lợi quan trọng đầu tiên cả về chiến lược và quân sự-chính trị trước quân đội Đức.

Việc điều động quy mô lớn nhất các đơn vị Hồng quân từ Viễn Đông sang phía Tây đã được thực hiện trên cơ sở sắc lệnh của Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh tối cao ngày 12.10.1941. Trong ngày ký sắc lệnh này, tại Kremlin đã diễn ra cuộc họp kéo dài gần một giờ rưỡi do Stalin chủ trì có sự tham dự của Molotov, Malenkov và nhiều tướng lĩnh, quan chức cao cấp. Trên bàn của Stalin trong cuộc họp này có thể có các bức điện mã ngày 14.9.1941 của Sorge.

Không phải ngẫu nhiên mà theo lời kể của nhà tình báo Liên Xô kỳ cựu, Thiếu tướng M. Ivanov, trong khi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đang diễn ra, Stalin khi có mặt Nguyên soái A. Vasilevsky đã nói rằng, “tại Nhật Bản, tình báo quân sự (Liên Xô) đang có một tình báo viên mà giá trị bằng với một quân đoàn và thậm chí một tập đoàn quân”. Theo Tướng M. Ivanov, tuyên bố đó cho thấy, cùng với việc chiến tranh bùng nổ, thái độ nghi kỵ trước đây của Stalin đối với Sorge đã thay đổi.

Nhân cách phi thường và số phận nghiệt ngã

Richard Sorge có cha là người Đức, mẹ người Nga. Ông là một trí thức lớn, một đảng viên cộng sản nhiệt thành, một nhà báo giỏi, và trên hết ông là tình báo viên lỗi lạc của Cục Tình báo Hồng Quân công nông (tiền thân của Tổng cục Tình báo quân sự - Bộ Tổng tham mưu GRU sau này), nhà tình báo nổi tiếng nhất thời Thế chiến II.

Ishii Hanako (SS)

Trong đời thường, Richard Sorge nổi tiếng là người mê sách, phụ nữ, rượu và tốc độ, một tay chơi, thích phiêu lưu, người cực kỳ sành ăn, một nhà thông thái lớn về món ăn phương Đông. Là người ham mê phụ nữ và lão luyện tình trường, và theo các nhà nghiên cứu tiểu sử phương Tây, Richard Sorge “duy trì quan hệ lâu dài” với 52 phụ nữ, ông còn bạo gan “cắm sừng” cả đại sứ Đức tại Tokyo.

Mối tình cuối cùng và bất tử của ông là Ishii Hanako, người đã chăm nom phần mộ của ông cho đến khi bà qua đời ngày 4.7.2000 ở tuổi 89.

Tuy nhiên, với những con người phi thường làm công việc khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập và đầy áp lực là tình báo, chúng ta không thể lấy lẽ thường để phán xét họ. 
 
Số phận Sorge đầy những cay đắng, nghiệt ngã. Ông bị nhà lãnh đạo Liên Xô I. Stalin ngờ vực, thù ghét, tin tức do ông cung cấp bị cấp trên nghi ngờ, vợ ông bị truy bức ở Liên Xô trong khi ông hoạt động ở nước ngoài, bị bỏ rơi khi trong tù và bị lãng quên trong 20 năm sau khi hy sinh. Ông đã cả gan “kháng chỉ”, không chấp hành lệnh gọi về nước của Stalin và Trung ương tình báo vì ông biết nếu về nước, ông sẽ mất mạng hoặc ngồi tù bởi chiến dịch thanh trừng tình báo quân sự đang hồi khốc liệt. May nhờ có việc nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev xem bộ phim “Ông Sorge, ông là ai?” nói về ông của đạo diễn Pháp Yves Ciampi, tên tuổi và công lao của ông mới được biết đến và ghi nhận.

Sau Thế chiến II, tình báo Mỹ cáo buộc Richard Sorge không chỉ khám phá bí mật Nhật Bản sẽ xâm lược về hướng Nam, mà còn biết thời gian Nhật tấn công Mỹ và địa điểm tấn công là Trân Châu Cảng. Họ buộc tội Sorge đã “xúi giục” Nhật khai chiến với Mỹ khi ông tìm cách hướng mối đe dọa tấn công của Nhật khỏi Liên Xô, mặc dù các bằng chứng cho thấy, Sorge và các đồng chí của ông đã cố gắng cảnh báo nước Mỹ về việc Nhật Bản đang chuẩn bị tấn công quân sự. Ngoài ra, Sorge còn bị nghi là điệp viên hai mang làm việc cho cả tình báo Liên Xô và Đức, thậm chí cả tình báo Anh.

Với đánh giá “Đây là người anh hùng chân chính!” đối với ông của nhà lãnh đạo Khrushchev Richard Sorge đã đi vào lịch sử với tư cách nhà tình báo vĩ đại của thế kỷ XX. (Theo SS).

Print Print E-mail Print