|
Binh sĩ Delta Force ở Cận Đông (www.army.mil) |
Thất bại của đặc nhiệm Mỹ ở Syria mới đây khiến người ta nhớ lại nỗi nhục nhã của nước Mỹ năm 1979.
Những câu hỏi đặt ra với Obama
|
James Foley (mặc áo màu da cam) trước khi bị giết hại dã man
|
Chính quyền Mỹ đã chính thức xác nhận cái chết của nhà báo James Foley, người bị bắt cóc ở Syria từ mùa thu năm 2012. Họ thừa nhận, đoạn video quay cảnh hành quyết nhà báo mà các phiến quân nhóm khủng bố Hồi giáo "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria" (ISIS) (còn có tên gọi khác là "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant" (ISIL) hay "Nhà nước Hồi giáo" (IS)), phát tán trên Internet là thật.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu đặc biệt nhân vụ giết hại nhà báo Mỹ. Lên án gay gắt vụ giết hại dã man Foley và chia buồn cùng gia đình nhà báo, ông Obama cam kết bảo vệ người Mỹ trên toàn thế giới và tiếp tục đấu tranh chống các phần tử cực đoan.
Theo ông Obama, các tổ chức như ISIS không có chỗ đứng trong thế kỷ XXI và nhóm này chắc chắn sẽ bị tiêu diệt.
Bất chấp những tuyên bố cứng rắn và cương quyết của Tổng thống Mỹ, sau cái chết của Foley, trong xã hội Mỹ xuất hiện không ít câu hỏi đối với ông Obama. Chẳng hạn, tại sao một công dân Mỹ lại chết vì tay một nhóm khủng bố đang tiến hành chiến tranh với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad? Liệu cái chết của nhà báo Mỹ có phải là hậu quả trực tiếp của việc ủng hộ các nhóm đang đấu tranh vũ trang chống chính phủ Syria không? Và tại sao chính quyền Mỹ đã không áp dụng các biện pháp giải cứu nhà báo?
Thất bại trả giá bằng mạng sống
Phát ngôn viên Lầu Năm góc John Kirby đã trả lời câu hỏi cuối. Tuy nhiên, câu trả lời này khó có thể làm an lòng ai đó trong xã hội Mỹ.
Theo ông Kirby, đặc nhiệm Mỹ đã tiến hành một chiến dịch ở Syria với nhiệm vụ giải thoát các con tin, trong đó có Foley.
|
Binh sĩ Delta Force ở Cận Đông (www.army.mil) |
Tại khu vực mà thông tin tình báo Mỹ cho rằng, các con tin bị giam giữ ở đó, mấy chục lính đặc nhiệm đã được đổ từ trực thăng xuống. Trong trận giao chiến, mấy tay súng phiến quân đã bị diệt, 1 lính đặc nhiệm Mỹ bị thương. Tuy nhiên, tại địa điểm đó đã không có các con tin.
Trợ lý Tổng thống Mỹ về các vấn đề chống khủng bố Lisa Monaco nói rằng, chiến dịch đặc biệt nhằm giải cứu các con tin ở Syria đã được ông Barack Obama phê chuẩn vào đầu mùa hè năm 2014.
Tướng John Kirby đã xóa đi ấn tượng tiêu cực từ thông tin mà ông công bố bằng lời trấn an lạc quan rằng, chính phủ đang dùng mọi khả năng để đưa các công dân của mình trở về nước.
Tuy nhiên, tuyên bố này khó mà gieo sự lạc quan cho nhà báo tạp chí Time Steven Sotloff. Chính anh là người mà các tay súng ISIS đã dọa hành quyết nếu Mỹ tiếp tục đánh bom các vị trí của nhóm khủng bố Hồi giáo này ở Iraq. Nhưng do các vụ không kích đã được tiếp tục cả sau khi Foley bị hành quyết nên tính mạng của Sotloff giờ đây đang ngàn cân treo sợi tóc.
Các nhà ngoại giao Mỹ thành con tin trong tay Đại giáo chủ
Thất bại của đặc nhiệm Mỹ ở Syria trước ISIS mới đây khiến người ta nhớ lại nỗi nhục nhã của Mỹ và lực lượng đặc nhiệm Mỹ năm 1979 ở Iran.
Bất chấp sức mạnh hùng hậu của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ, “những sai sót” khi giải cứu con tin vẫn đã xảy ra trong hoạt động thực tế của họ không chỉ một lần. Nhưng thất bại ê chề nhất của đặc nhiệm Mỹ khi giải cứu các công dân Mỹ bị bắt làm con tin là chiến dịch “Vuốt đại bàng” (Operation Eagle Claw).
Năm 1979, ở Iran bùng nổ cuộc cách mạng Hồi giáo. Giành lấy vị trí của quốc vương tay sai Mỹ Reza Pahlevi là Đại giáo chủ Khomeini, một địch thủ không đội trời chung của Mỹ, cũng như Liên Xô. Vị quốc vương, tay sai trung thành của Mỹ, đã tìm thấy nơi nương nhờ ở Mỹ, điều đó gây nên một làn sóng phẫn nộ ở Iran.
Ngày 4/11/1979, một nhóm sinh viên ủng hộ Khomeini với sự đồng lõa của lực lượng chấp pháp sở tại đã chiếm giữ Tòa đại sứ Mỹ ở Tehran. Toàn bộ cán bộ, nhân viên sứ quán, cũng như lực lượng bảo vệ là các binh sĩ lính thủy đánh bộ Mỹ đều bị bắt làm con tin, tổng cộng là 66 người. Hai tuần sau, 13 người là phụ nữ, người Mỹ gốc Phi được thả, sau đó thêm 1 con tin được thả vì bệnh nặng, còn lại 52 người Mỹ vẫn bị giam giữ
Không cuộc đàm phán, thương lượng nào, không sự đe dọa nào, không biện pháp trừng phạt kinh tế được áp dụng nào mang lại kết quả - Iran nhất quyết từ chối thả các công dân Mỹ. Các sinh viên Iran, mà cùng với họ là cả chính quyền Iran lên tiếng đòi Mỹ trả lại vị quốc vương chạy trốn mà họ muốn đưa ra tòa xét xử. Mỹ cương quyết từ chối.
|
Binh sĩ Delta Force ở Cận Đông (www.army.mil) |
Kế hoạch xảo quyệt của Carter
Tình thế lâm vào ngõ cụt, và lúc đó Tổng thống Mỹ Jimmy Carter liền hạ lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown giải quyết vấn đề bằng vũ lực.
Chiến dịch được chia thành 2 giai đoạn: (1) Giai đoạn chuẩn bị có tên Operation Rice Bowl; (2) GIai đoạn hai gồm các hành động trực tiếp trên lãnh thổ Iran và có mật danh Operation Eagle Claw.
Công tác chuẩn bị kéo dài mấy tháng và cuối cùng, vào tháng 4/1980, lính đặc nhiệm Mỹ được cơ động sang châu Á.
Mỹ huy động những lực lượng chưa từng có tham gia chiến dịch. 12 máy bay của Không quân Mỹ, trong đó có 4 chiếc MC-130E Combat Talon, 3 máy bay sở chỉ huy đặc nhiệm EC-130E Commando Solo, 3 máy bay phóng pháo AC-130 Spectre trang bị pháo và súng máy uy lực mạnh và 2 máy bay vận tải quân sự C-141 Starlifter được điều động yểm trợ chiến dịch. 8 trực thăng RH-53D của Hải quân Mỹ với các tổ lái từ Thủy quân lục chiến có nhiệm vụ bốc rút các con tin được giải cứu. Trên biển Arab là 2 tàu sân bay Mỹ chở các tiêm kích và cường kích sẵn sàng hành động.
Nhiệm vụ chủ yếu giải cứu các con tin được giao cho các binh sĩ đơn vị đặc biệt tinh nhuệ Delta Force.
Trong đêm đầu tiên của chiến dịch, 3 chiếc МС-130 phải đưa đến Iran 118 lính Delta. Tiếp sau họ, 3 chiếc ЕС-130 phải hạ cánh và tiếp dầu cho các trực thăng bay đến từ một tàu sân bay. Sau đó, các trực thăng chở đặc nhiệm cất cánh bay đến ngoại ô thủ đô Tehran, nơi các điệp viên đặc biệt giúp che giấu cho họ ẩn náu cho đến đêm thứ hai.
Đêm thứ hai, các máy bay hạ cánh tại sân bay Manzariyeh vốn dự kiến đã được 100 biệt kích Mỹ đánh chiếm và chốt giữ với sự yểm trợ của không quân. Trong lúc đó, lực lượng Delta đi trên các xe tải được chuẩn bị sẽ tiến đến sứ quán Mỹ, đột kích đánh chiếm, đưa các con tin ra và chở họ bằng các trực thăng đến sân bay Manzariyeh, từ đó toàn bộ người Mỹ được các máy bay đưa khỏi Iran. Các trực thăng sau khi kết thúc chiến dịch dự kiến sẽ bị phá nổ.
“Vuốt” gãy
Chiến dịch bắt đầu chiều tối ngày 24/4/1980 và gần như lập tức diễn ra không đúng kế hoạch. 8 trực thăng bay ở độ cao nhỏ đã lọt vào một cơn bão bụi. Do trục trặc kỹ thuật, chỉ có 6 trong số 8 trực thăng đến được điểm hẹn với các máy bay tiếp dầu, nhưng chậm hơn một giờ. Sau khi hạ cánh, mới phát hiện ra rằng, trong số 6 trực thăng đến nơi được thì 1 chiếc không thể dùng được nữa, cũng vì các nguyên nhân kỹ thuật.
Trên thực tế, điều đó đã có nghĩa là chiến dịch bị đổ bể vì thực hiện chiến dịch bằng 5 trực thăng là không thể. Nhưng một khi bộ chỉ huy đã quyết làm thì các khó khăn cũng biến thành không. Trên con đường tại khu vực hạ cánh xuất hiện một xe buýt chở khách của Iran chở 40 người. Để không bại lộ sứ mệnh, chiếc xe buýt bị bắt giữ tạm thời, nhưng ngay lúc đó lại xuất hiện thêm một xe bồn chở xăng. Chiếc xe này cùng lái xe bị lính Mỹ bắn. Một tiếng nổ dữ dội vang lên, sau đó tính bí mật của sứ mệnh chỉ còn bằng không. Bộ chỉ huy chiến dịch hạ lệnh lập tức thu quân và quay về căn cứ.
Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước. Một trong các trực thăng khi di chuyển thay đổi vị trí đã quẹt phải chiếc ЕС -130 mà dự kiến sẽ nạp dầu cho nó. Đám cháy bùng lên, cả hai tổ lái đều thiệt mạng, tổng cộng 8 người. Khi các máy bay này nổ tung, 4 trực thăng còn lại đã bị thương tích nặng.
|
Chiếc trực thăng bị cháy khi thực hiện chiến dịch Vuốt đại bàng (Commons.wikimedia.org / Farvartish) |
Và chính ở đây mới bắt đầu sự hoảng loạn thực sự của người Mỹ. Khẩn cấp đưa những người bị thương lên các máy bay còn lại, lính đặc nhiệm Mỹ rời khỏi Iran, bỏ lại tại điểm hẹn không chỉ các trực thăng rách nát, mà cả các giấy tờ làm bại lộ các điệp viên của Mỹ ở Tehran. Tất cả số tài sản này lọt vào tay người Iran đang quá phấn khích.
Kết quả là thay vì giải thoát được các công dân của mình, nước Mỹ nhận được 8 xác chất, một thất bại nhục nhã và một vụ bê bối quốc tế to lớn.
Tiền đặt cược tăng cao
Thất bại của Eagle Claw đã khiến Tổng thống Carter phải trả giá đắt khi ông thua trắng cuộc bầu cử tổng thống năm 1980 trước Ronald Reagan. Ông thực tế còn phải cúi đầu trước người Iran để thỏa thuận “tử tế” với Đại giáo chủ Khomeini.
Thật may cho người Mỹ là cựu quốc vương Reza Pahlevi đã chết đúng lúc một cách tự nhiên, nên vật cản chính để thỏa thuận với Tehran đã không còn nữa. Để đổi lại việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế, Iran đã chấp nhận thả các con tin Mỹ và trả họ về nhà.
Mặc dù từ đó, các đơn vị đặc nhiệm Mỹ đã thực hiện được không ít chiến dịch thành công, bóng ma “Vuốt đại bàng” đến nay vẫn lơ lửng trên đầu họ.
Chỉ có điều trong câu chuyện năm 1979, thất bại của Delta ở Iran đã không khiến các con tin phải trả giá đắt như thất bại năm 2014 ở Syria.
Thời thế đang thay đổi, các môn đồ cực đoan của Đại giáo chủ Khomeini ngày nay xem ra giống như những con thỏ con dễ thương và mềm mại so với những con quái vật của tổ chức ISIL.
|
James Foley bị bọn khủng bố chặt đầu
|