Vietnamdefence.com

 

Chiến dịch Claret. Cuộc chiến bí mật ở Indonesia (1)

VietnamDefence - Trong cuộc xung đột quân sự giữa Indonesia và Malaysia (1964-1966), Anh đã tiến hành các chiến dịch mật, tung quân xâm nhập qua biên giới từ lãnh thổ Đông Malaysia (Sarawak và Sabah) vào lãnh thổ Kalimantan của Indonesia.

Các chiến dịch này có mật danh Claret (Operation Claret), được tiến hành theo sáng kiến của Thiếu tướng Walter Walker, Giám đốc chiến dịch ở Bornero (DOBOPS), và trên cơ sở thỏa thuận giữa các chính phủ Anh và Malaysia.


Thời kỳ đó, người Indonesia từ các căn cứ của mình trên biên giới Kalimantan đã thực hiện các cuộc tập kích chống các đơn vị Anh và các lực lượng khác của khối Liên hiệp Anh, gây những tổn thất lớn cho họ. Ngoài ra, quân Indonesia còn liên tục tấn công các mục tiêu của Malaysia.

Nhiệm vụ đặt ra với Anh và Malaysia là không để Indonesia bố trí lực lượng ở Kalimantan để chuẩn bị và tiến hành các cuộc tấn công. Để làm việc đó, cần giành lại thế chủ động và buộc đối phương chuyển từ các hành động tấn công tích cực sang thụ động phòng ngự.

Đồng thời, một điều rất quan trọng là không được kích động phía Indonesia leo thang xung đột và không để họ trưng ra với công luận thế giới những bằng chứng về “một cuộc xâm lược đế quốc”. Chính vì thế, các chiến dịch Claret được bảo mật nghiêm ngặt và nội dung của chúng, cũng như bản thân sự tồn tại của chương trình này trong thời gian khá dài không được tiết lộ. Chẳng hạn, ngay cả các tổn thất của quân Anh ở khu vực này cũng được thông báo là tổn thất ở Đông Malaysia.

Mãi đến năm 1974, Anh mới tiết lộ cho công luận rộng rãi về việc tiến hành các chiến dịch Claret. Còn chính phủ Australia, cũng là một bên tham gia cuộc xung đột, về chính thức không thừa nhận sự dính líu vào các hành động này cho đến tận năm 1996.

Claret và “những nguyên tắc vàng”

Đầu năm 1964, quân Indonesia gia tăng số lượng các cuộc đột kích vào lãnh thổ Malaysia, thường xuyên xâm phạm biên giới nước này. Tham gia các cuộc đột kích không phải là “các du kích quân” huấn luyện tồi mà toàn là các đơn vị quân đội chính quy Indonesia.

Điều đó khiến ban chỉ huy DOBOPS thêm lo lắng và ngay trong tháng 7/1964, chính phủ Công đảng mới ở London đã phê chuẩn việc tiến hành các chiến dịch tiến công có xâm nhập sâu vào lãnh thổ nước Indonesia láng giềng đến 5.000 yard (gần 4.600 m).

Phía Anh dự định sử dụng lực lượng của các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ lừng danh SAS và SBS, cũng như các đơn vị bộ binh để thực hiện các hành động tấn công có mật danh Claret.

Các bên tham gia xung đột

Quân Indonesia đẩy mạnh và gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động của mình khi Tướng Maratan Panggabean tham gia nắm quyền chỉ huy. Đây là người lính dày dạn kinh nghiệm, ban đầu được đào tạo ở Nhật, sau đó học chương trình đào tạo quân sự ở Mỹ. Thuộc cấp trực tiếp của ông là Đại tá Supargo, người đứng đầu bộ chỉ huy tác chiến số 4. Ông này cũng từng học ở Mỹ. Trong thời kỳ này, dọc biên giới tập trung hơn 20.000 quân Indonesia.

Ở giai đoạn đầu xung đột, đối đầu với mối đe dọa quân sự này chỉ có lực lượng rất khiêm tốn đóng ở Borneo từ phía Malaysia.

Lữ đoàn phía tây có nhiệm vụ trấn giữ tiền duyên mặt trận dài 600 dặm, bao gồm 5 tiểu đoàn: 1 tiểu đoàn Anh, 3 tiểu đoàn bộ binh Gurkha và 1 tiểu đoàn Malaysia. Lữ đoàn được sự yểm trợ của một phân đội 25 trực thăng vận tải.

Còn lữ đoàn trung tâm bên cạnh trấn giữ mặt trận dài 300 dặm chỉ gồm 2 tiểu đoàn bộ binh Gurkha. Lữ đoàn được phối thuộc đơn vị trực thăng gồm 12 chiếc.

Lữ đoàn phía đông giữ tiền duyên mặt trận dài 80 dặm, bao gồm 1 tiểu đoàn commandos Thủy quân lục chiến hoàng gia và 1 tiểu đoàn bộ binh, nhưng không có chiếc trực thăng nào. Lúc này, tổng quân số lực lượng đóng ở lãnh thổ Borneo và nằm dưới quyền chỉ huy của Tướng Walker là hơn 10.000 quân một chút.

Rõ ràng là cần khẩn cấp tăng cường lực lượng ở Borneo. Hơn nữa, cần tăng cường không chỉ các đơn vị bộ binh mà cả các tiểu đoàn công binh đang phải thực hiện nhiều nhiệm vụ xây dựng khẩn cấp sân bay, cầu, đường.

Cuối cùng, Tướng Walker đã được tăng viện 3 tiểu đoàn bộ binh. Nhờ đó, đến tháng 1/1965, quân số lực lượng Anh và đồng minh ở Borneo đã lên tới 14.000 người. Chi viện cho hoạt động tác chiến của họ là 29 khẩu pháo, 2 chi đội xe ô tô bọc thép và 4 tiểu đoàn công binh.

Tướng Walker tin chắc là nếu muốn giành thắng lợi, cần gia tăng các cuộc đột kích vào lãnh thổ Kalimantan bằng lực lượng của các đơn vị bộ binh và đặc nhiệm. Ngoài ra, binh lính đặc nhiệm hải quân SBS có nhiệm vụ bắt đầu tiến hành các chiến dịch đổ bộ nhỏ lên bờ biển.

Các chiến dịch đặc biệt được tiến hành bởi lực lượng Gurkha, SAS, SBS, các đơn vị trinh sát, các tiểu đoàn commandos số 40 và 42 của Thủy quân lục chiến hoàng gia, các đơn vị của trung đoàn đặc nhiệm đổ bộ đường không Australia SASR, cũng như lực lượng biệt kích của New Zealand và Sarawak.

Ngoài ra, ở giai đoạn cao trào chiến sự năm 1965-1966, tham gia các chiến dịch còn có 6 đại đội lựu pháo lục quân 105 mm và 2 đại đội lựu pháo 105 mm của Thủy quân lục chiến hoàng gia Anh, một nửa đại đội pháo 140 mm (5,5 inch) và một tiểu đội cối 106,7 mm (4,2 inch).

Ý đồ

Đặc nhiệm Anh chủ yếu hoạt động dưới hình thức các toán tuần thám xuất phát từ các bang Sarawak hay Sabah của Malaysia, vượt biên giới, xâm nhập vào lãnh thổ Kalimantan của Indonesia với nhiệm vụ trinh sát các đơn vị Indonesia đang chuẩn bị tấn công các mục tiêu ở Sarawak hay Sabah.

Các đơn vị thông thường thì được giao nhiệm vụ vận dụng thông tin trinh sát do đặc nhiệm thu thập được và thu được từ các nguồn khác. Nhằm mục đích đó, người ta thường tiến hành các cuộc phục kích hoặc tấn công phủ đầu vào các doanh trại Indonesia theo chủ trương “phòng ngự tích cực”.

Các chiến dịch này không phải không gây tranh cãi từ góc độ luật pháp, bởi lẽ, trên thực tế chúng xâm phạm chủ quyền của một quốc gia láng giềng. Nhưng thời đó, chúng có sự biện minh pháp lý theo cái gọi là “quyền truy kích nóng”.

Biên giới giữa Đông Malaysia và Kalimantan không được xác định rõ ràng và đến nay vẫn vậy. Chính yếu tố này đã được các toán tuần thám của Trung đoàn đặc nhiệm đường không 22 SAS của Anh lợi dụng từ cuối năm 1963.

Bản chất các chiến dịch

Các chiến dịch Claret khác nhau về quy mô và quân số lực lượng, phương tiện tham gia: từ các toán tuần thám 4 người lấy quân từ các đơn vị đặc nhiệm, cho đến các toán tuần tra chiến đấu có quân số đến 1 đại đội bộ binh.

Tất cả các toán này đều thực hiện ít nhất một nhiệm vụ “thường xuyên” mà các chiến dịch của chương trình Claret đặt ra là hướng dẫn hỏa lực pháo binh. Với mục đích này, các trinh sát viên chiếm lĩnh vị trí ở đài quan sát trên đỉnh dãy núi và tiến hành trinh sát các mục tiêu bên kia biên giới, trong lãnh thổ Indonesia.

Các nhiệm vụ của bộ binh bao gồm tuần tra chiến đấu trên lãnh thổ Indonesia nhằm tìm gặp giao chiến với các đơn vị Indonesia, tổ chức tấn công các vị trí đóng quân và phục kích trên các tuyến đường đối phương có thể tiến quân và trên các bờ sông.

Năm 1965, độ sâu xâm nhập được phép đã tăng lên đến 10.000 yard (9.100 m), còn sau đó là lên tới 20.000 yard (18.000 m). Ngoài ra, còn được phép tổ chức tiến hành các cuộc tập kích nhỏ của các tổ đặc nhiệm SBS.

Đặc điểm công tác kế hoạch

Thời gian đầu, việc lên kế hoạch các cuộc đột kích vào lãnh thổ Indonesia phải bảo đảm có sự yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị kể từ khi vượt biên giới với Kalimantan.

Các chiến dịch của bộ binh ở giai đoạn đầu được tiến hành trong phạm vi tầm bắn của pháo binh. Chiều sâu các cuộc tập kích bị hạn chế còn do nguy cơ bị chặn đánh khi xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ đối phương, trước hết là các vùng phía nam, nơi mật độ các đơn vị Indonesia cao hơn.

Khi lập kế hoạch các chiến dịch, đáng lo ngại nhất là vấn đề đưa thương binh, tử sĩ về lãnh thổ Sarawak và Sabah mà không sử dụng trực thăng. Điều đó có nghĩa là phải khiêng thương binh và tử sĩ qua rừng rậm, vách núi và sông chảy xiết. Vì thế, khả năng cứu sống một thương binh nặng phải cáng qua địa hình chia cắt như thế là rất thấp.

Một khó khăn khác là máy vô tuyến điện sóng cực ngắn (VHF) có tầm liên lạc ngắn, cũng như địa hình núi non ở một số vùng gây ra nhiễu khi sóng điện đi qua.

Hoạt động của đặc nhiệm SAS

Trong chiến dịch Claret, hoạt động ở Borneo có 2 chi đội В và D của SAS. Họ có đủ lính cho các cuộc tập kích bí mật qua biên giới vào lãnh thổ Indonesia. Ban đầu, các toán tuần thám 4 người, đôi khi có một người dẫn đường địa phương đi cùng, chỉ xâm nhập vài trăm mét vào lãnh thổ nước láng giềng bởi vì địa hình nói chung là mới lạ.

Các bản đồ các vùng miền trung Kalimantan mà quân Malaysia và quân Anh có trong tay đều rất tương đối, còn các bản đồ chi tiết hơn của Indonesia thì dĩ nhiên SAS không có.

Trong tình huống toán tuần thám bị phát hiện, để bộ chỉ huy có thể chính thức thông báo đó là tổn thất binh sĩ thường, chứ không phải các thành viên của toán thám báo, thì lính đặc nhiệm phải mặt quân phục thường của quân đội Anh và trang bị vũ khí nhẹ hơn, điều rất quan trọng khi phải di chuyển kéo dài và yêu cầu phải sẵn sàng nổ súng bất kỳ lúc nào.

Đặc nhiệm SAS làm hai nhiệm vụ chính. Một là, tiến hành tuần thám đường dài và chỉ do những binh sĩ được huấn luyện tốt nhất thực hiện. Hai là, hướng đạo cho các đơn vị bộ binh làm nhiệm vụ trên lãnh thổ địch. Nhiệm vụ này thường do các lính đặc nhiệm ít kinh nghiệm hơn đảm nhiệm.

Khi tiến hành trinh sát luồn sâu trong hậu phương địch, các toán phải phát hiện các tuyến liên lạc và tiếp vận của lực lượng Indonesia, đánh dấu trên bản đồ các căn cứ của quân Indonesia và các vị trí thuận lợi cho phục kích.

Những người đi nhón chân

Do các căn cứ thường ở cách biên giới 20-30 km, nằm sâu trong các rừng rậm khó đi, nhiều khi là nơi cư trú của các bộ tộc thù địch, nên nhiệm vụ này không phải đơn giản. Để phát hiện đối phương, lính đặc nhiệm Anh phải huy động hết các kỹ năng dò tìm dấu vết của mình. Trong bóng tối lờ mờ rừng rậm không thể đi qua, rắn rết, côn trùng và một số loài thực vật là mối nguy hiểm thực sự đối với tính mạng và sức khỏe, chưa nói đến chuyện binh lính quân đội Indonesia đã quen với điều kiện địa phương.

Thời gian tuần tra kéo dài trung bình 3 tuần và người lính phải mang theo người tất cả những gì cần trong suốt thời gian này. Khi các cuộc tuần tra tiến hành ngày càng sâu vào lãnh thổ đối phương, khối lượng quân trang, quân dụng bị giảm đến mức ít nhất để lính đặc nhiệm có thể nhanh chóng tấn công đối phương phát hiện được và rút lui cũng nhanh chóng để tránh tổn thất.

Cuối cùng, mỗi lính đặc nhiệm SAS mang trên mình không quá 15 kg quân trang, quân dụng gồm đồ ăn khô, các bi đông nước, dự trữ khẩn cấp và cơ số đạn trên dây lưng.

Do thiếu quân được chuẩn bị tốt, những người trở về sau chuyến tuần thám 3 tuần chỉ có thể được nghỉ ngơi dưới một tuần. Sau 3 lần hành quân vào hậu phương địch, lính đặc nhiệm Anh trông thảm hại hơn là phạm nhân ra tù sau 10 năm giam giữ.

Tuyến đường thuận lợi nhất trong từng rậm là các con sông và binh sĩ SAS đã nhanh chóng phát hiện ra các tuyến đường thủy mà đối phương thường sử dụng.

Sau khi trinh sát được các vị trí thuận lợi để phục kích, lính đặc nhiệm dẫn theo đơn vị Gurkha đông hơn và họ hòa lẫn vào địa hình xung quanh cho đến khi đoàn thuyền tiếp theo xuất hiện. Sau khi hỏa lực chính xác từ bờ bắn xuống, ít ai có thể sống sót rời khỏi mặt nước.

Nhờ có kỹ năng ngụy trang, truy tìm dấu vết và bí mật di chuyển, không tiếng động xuất sắc mà lính Trung đoàn đặc nhiệm SAS 22 được binh sĩ các lực lượng khác gọi là: “Những kẻ đi nhón chân”.

(Còn tiếp)

Print Print E-mail Print