Vietnamdefence.com

 

Chiến dịch Claret. Cuộc chiến bí mật ở Indonesia (2)

VietnamDefence - Các chiến dịch này có mật danh Claret (Operation Claret), được tiến hành theo sáng kiến của Thiếu tướng Walter Walker, Giám đốc chiến dịch ở Bornero (DOBOPS), và trên cơ sở thỏa thuận giữa các chính phủ Anh và Malaysia.

>> Chiến dịch  Claret. Cuộc chiến bí mật của Anh ở Indonesia (1)

Sử dụng mìn Claymore

Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng Anh và đồng minh được trang bị mìn định hướng Claymore. Loại vũ khí hiệu quả cao, nặng chỉ vài kilôgam này đã nhanh chóng được phổ biến. Các phần tử sát thương của mìn là hàng trăm viên bi kim loại để lẫn trong lượng nổ chứa trong vỏ thép. Mìn được kích nổ hoặc bằng ngòi nổ điện tử hoặc bằng dây vướng nổ, hủy diệt tất cả sự sống trong vùng sát thương của nó. Nếu như một toán trinh sát SAS phát hiện một đường mòn thường được quân Indonesia sử dụng, họ liền gài trên đó 2 quả mìn Claymore, rồi ẩn nấp ở ngoài vùng sát thương của mìn. Khi toán quân đối phương lọt vào giữa 2 quả mìn, chúng được kích nổ bằng ngòi nổ điện tử và cơn mưa bi khủng khiếp thường tiêu diệt phần lớn toán quân đối phương. Lính đặc nhiệm Anh chỉ còn việc thanh toán nốt những người sống sót bằng súng trường và súng máy. Vài phút sau, trước khi số ít người còn sống sót sau cơn mưa đạn có thể định thần lại sau cuộc tấn công bất ngờ, thì toán đặc nhiệm Anh đã tan biến vào rừng rậm.

Mìn Claymore còn được đặc nhiệm Anh sử dụng như một thứ lính gác, hơn nữa lại là lính gác thường xuyên sẵn sàng chiến đấu. Một quả mìn đơn lẻ được cài cách đường mòn mà đối phương thường xuyên sử dụng vài mét hay gần cành cây vắt qua dòng suối có thể được buộc dây vướng nổ hay ngòi nổ tiếp xúc kiểu đè nổ. Quả mìn “ngủ” ở trạng thái đó cho đến khi một toán quân Indonesia khác đánh thức nó bằng bước chân không thận trọng khiến họ gánh chịu những hậu quả đáng buồn.

Việc những người bị vấp phải quả mìn thường và bẫy mìn do đặc nhiệm cài có thể không phải là đối tượng của chúng cũng là một lý do nữa để lính đặc nhiệm SAS đi cùng các đơn vị bộ binh với tư cách hướng đạo, còn trong khuôn khổ chiến dịch Claret, ở mỗi thời khoảng cụ thể chỉ có một nhóm tham gia tập kích vào lãnh thổ nước láng giềng.

Bất chấp mọi biện pháp đề phòng của đặc nhiệm Anh, các đơn vị Indonesia thỉnh thoảng vẫn thực hiện được các cuộc tấn công phủ đầu vào các toán tuần tra SAS mà nói cho cùng thì quân Indonesia đang ở trên đất của chính họ. Trong rừng rậm, chiếm thế thượng phong là bên nào nổ súng trước, nhưng công tác huấn luyện chiến đấu cực kỳ tốt nhiều khi cho phép đặc nhiệm SAS đảo ngược tình thế có lợi cho mình. Song, binh sĩ SAS vẫn chịu thương tích, một số tử trận; một người được cho là bị bắt làm tù binh và sau đó bị chết do tra tấn.

Các chiến dịch của bộ binh

Thông thường, cuộc tuần tra kéo dài từ 5-10 ngày. Các toán tuần tra chiến đấu phải hành động độc lập với lực lượng chủ lực và phải tự mang toàn bộ vũ khí và lương thực cần cho suốt thời gian tuần tra. Bình thường, sau khi đụng độ với đối phương, các toán tuần tra rút về lãnh thổ của bên mình, nhưng một số có thể ở lại khu vực đó và sau đó dẫn dụ lực lượng truy kích của đối phương vào bẫy phục kích chuẩn bị sẵn. Phục kích trong rừng rậm là thủ đoạn chiến thuật phổ biến nhất được cả hai bên áp dụng. Một số đơn vị có thể phục kích trong vòng mấy ngày. Thường thì quân Indonesia không tuần tra ban đêm, nên các đơn vị phục kích có thể dễ dàng trở về căn cứ đóng quân của mình.

Lực lượng commandos Thủy quân lục chiến hoàng gia Anh thường di chuyển trên chiến trường vào ban đêm. Đội hình hành quân của toán tuần tra là đi hàng một, người nọ cách người kia một tầm tay với. Đôi khi, nếu cần thì binh sĩ bám vào ba lô hay trang bị khác của người đi trước.

Ban ngày, khi tuần tra trong rừng rậm, lực lượng commandos di chuyển cách nhau 10-15 m. Đôi khi, nếu có điều kiện thì giãn cách này được tăng lên. Như vậy, đối phương nếu muốn phục kích thành công một toán tuần tra của Thủy quân lục chiến Anh gồm 10 người buộc phải bố trí ở cự ly 150 m mới có cơ hội thành công.

Do các máy bay và trực thăng không được phép xâm phạm biên giới quốc gia nên các đơn vị Anh buộc phải đi bộ quay về đất mình. Họ chỉ được phép sử dụng phương tiện bay trên lãnh thổ Indonesia trong trường hợp khẩn cấp khi có sự cho phép của đích thân DOBOPS.

Việc chi viện hỏa lực cho các đơn vị hoạt động trong chương trình Claret thường do pháo binh đảm nhiệm, còn nếu mục tiêu ở sát biên giới thì sử dụng pháo cối của bộ binh.

Một tàu frigate của Anh hay Australia trực chiến như một “tàu tuần tiễu” trong vịnh Tawau, còn các toán quan sát đổ bộ có thể hướng dẫn cho hỏa lực pháo trên tàu.

Tính chất chung của hoạt động tác chiến

Một ví dụ của chiến dịch phức tạp này là chiến dịch của các đơn vị thuộc trung đoàn bộ binh hoàng gia Royal Green Jackets số 2 được tiến hành vào cuối năm 1965 trong đội hình nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn tại một dãy núi biên giới. Một đại đội tham gia chiến dịch tiến quân theo con sông và chiếm lĩnh trận địa phía sau căn cứ đối phương, đại đội thứ hai tổ chức phục kích trên sông. Khi quân Indonesia bắn pháo cối vào khu vực phục kích, các khẩu cối của tiểu đoàn được cơ động lên phía trước và khai hỏa bắn trả. Điều đó buộc một phần lực lượng Indonesia rút khỏi căn cứ. Khi rút chạy, họ rơi vào bẫy phục kích do đại đội thứ nhất giăng ra.

Một ví dụ khác là các cuộc phục kích vào cuối năm 1965. Trinh sát phát hiện ra một toán tuần tra Indonesia cỡ một tiểu đội trong một thời gian dài sử dụng cùng một con đường mòn và đi qua con đường này sau cùng một khoảng thời gian, một tuần hay 10 ngày một lần. Trung đội trinh sát của trung đoàn bộ binh Gordon Highlanders rời căn cứ ở Long Pa Sia và tổ chức phục kích trên con đường mòn này. Vài ngày sau, 5 lính Indonesia lọt vào vòng phục kích và bị giết.

Các ví dụ về chiến thuật

Đại đội С của sư đoàn 5 Sarawak và tiểu đoàn 1 của trung đoàn 2 Gurkha đóng ở Ba Kelan, bảo vệ các con đường tiếp cận biên giới. Thung lũng trải dài đến ngôi làng Long Medan mà Indonesia đã biến thành pháo đài. Cư dân địa phương đều thuộc về bộ lạc Murats. Họ nhiều lần vượt biên giới để buôn bán. Nhưng Indonesia cấm mọi hành động qua lại biên giới nên gây khó khăn nghiêm trọng cho đời sống của dân chúng địa phương ven biên giới. Cuối cùng, dân chúng các làng mạc đã xin tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bộ binh Gurkha số 1 giúp đỡ. Họ đã tổ chức các hoạt động của một số toán tuần thám và lại cho phép người dân qua lại biên giới.


Kế hoạch hành động khá đơn giản. Một trung đội sẽ làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho các đơn vị đột kích trong trường hợp họ bị lâm vào tình thế nghiêm trọng khi rơi vào tầm hỏa lực của các phương tiện hỏa lực chưa được phát hiện ra từ trước. Trong khi đó, đại đội trưởng phải dẫn đầu cuộc tấn công bằng lực lượng của 2 trung đội còn lại. Hai khẩu pháo cối 81,2 mm (3 inch) và 2 súng máy đã được bố trí trên ngọn đồi bên cạnh và do một trung đội của đại đội bộ binh khác bảo vệ. Đại đội С phải tiến quân trong đêm và vượt qua 8 dặm đường mà không để bị phát hiện. Đó là việc tương đối khó đối với một đơn vị 150 người, phải mang trên mình vũ khí, quân trang, các bệ phóng và tên lửa đi kèm. Mỗi lính bộ binh Gurkha còn mang thêm 2 quả đạn cối. Người ta ấn định đêm 29/1/1965 để xuất quân. Đại đội С lúc sáng sớm ngày 30/1/1965 đã đến tuyến xuất phát tấn công. Tất cả đã diễn ra đúng theo kế hoạch cho đến khi quân Indonesia bất thần tấn công các vị trí của trung đội 11.

Trung đội chi viện hỏa lực không do dự nã xuống 4 quả tên lửa vào các boongke của đối phương. Được yểm trợ hỏa lực, các đơn vị có nhiệm vụ tấn công vừa bắn súng và ném lựu đạn và vượt qua hết boongke này đến boongke khác. Trong khi đó, từ bờ sông bên kia, một khẩu súng máy phòng không 12,7 mm của Indonesia bắt đầu lên tiếng, không lâu sau thêm hỏa lực của một khẩu cối 60 mm và các súng trung liên, làm cho tình hình của lính Gurkha xấu đi nghiêm trọng. Nhưng hỏa lực của các khẩu cối 81,2 mm và súng máy bố trí kịp thời trên ngọn đồi bên cạnh đã làm đảo ngược tình thế. Một viên cai làm nhiệm vụ quan sát pháo binh cho các khẩu cối đã buộc phải đứng thẳng người dưới làn đạn địch để xác định vị trí trận địa cối của Indonesia. Sau đó, anh ta hiệu chỉnh hỏa lực và hướng dẫn để quả đạn cối thứ hai bắn trùm lên trận địa địch. Sau đó, anh ta đã phát hiện các hỏa điểm súng máy và cũng chế áp chúng bằng hỏa lực.

Nhưng trận địa súng máy phòng không DShK 12,7 mm vẫn không bị tổn hại và khẩu đội súng máy này vẫn bắn ồ ạt vào bên tấn công, buộc họ phải nằm sát đất. Để buộc nó câm họng, một viên cai và 2 lính bộ binh được cử lên. Cầm theo một khẩu súng phóng lựu và vượt qua cánh đồng lúa, họ tiến đến trận địa súng máy DShK. Viên cai giương súng phóng lựu ngắm và bắn. Quả đạn rơi thẳng vào công sự, tiêu diệt tất cả những người bên trong. Nó chấm hết cho trận đánh kéo dài tổng cộng 1 giờ 15 phút. Đại đội trưởng hạ lệnh rút về biên giới bằng tuyến đường thẳng hơn vì đại đội có 2 người bị thương nặng và 1 người bị tử trận đang được binh lính cáng đi.

Vài ngày sau, tình báo xác nhận đã tiêu diệt được 50% quân số đồn binh đối phương. Sau cuộc tập kích này, các đơn vị Indonesia không bao giờ còn chiếm giữ thung lũng Long Medan ở khu vực Ba’kelalan nữa.

Phục kích

Vài tháng sau, vào tháng 11/1965, người ta đã quyết định mở cuộc tập kích vào khu vực do sư đoàn 1 Sarawak chiếm giữ. Đây là chiến dịch tham vọng hơn. Một trong các đơn vị lính Gurkha có nhiệm vụ tổ chức phục kích trên con sông vốn là tuyến đường tiếp vận chính của quân Indonesia. Họ phải tổ chức phục kích ở đoạn giữa hai căn cứ của Indonesia. Đơn vị được giao nhiệm vụ tập kích đã phải mất hơn hai ngày để đến được khu vực làm nhiệm vụ. Mỗi người lính, ngoài vũ khí, đạn dược và quân trang, quân dụng cần thiết, còn mang trên mình dự trữ thực phẩm đủ cho 12 ngày làm nhiệm vụ. Trên đường đi, họ đã gặp và phải vượt hai con sông. Trong cả hai trường hợp, họ được trung đội công binh đột kích chặt cây cối để dẫn đường vượt sông.

Một ngày sau, đại đội đến được khu vực gần con sông Separan. Các toán tuần tra làm nhiệm vụ trinh sát địa hình đã báo cáo rằng, khu vực này phủ kín rừng rậm, còn một con sông chảy khá xiết, rộng gần 25 m. Đại đội trưởng hiểu rõ là anh ta sẽ phải tổ chức phục kích giữa hai doanh trại lớn của quân Indonesia nên đã áp dụng mọi biện pháp đề phóng khi vượt qua con sông cuối cùng này. Lần này, trung đội công binh đột kích lọt lại phía sau để bảo vệ phía sau của đại đội, còn phần còn lại của đại đội bí mật vượt sông và tổ chức phục kích trên con đường mòn nối hai doanh trại địch. Trung đội chống tăng và đại đội trưởng chiếm lĩnh các vị trí tại trận địa phục kích, trong khi trung đội trinh sát và sĩ quan quan sát tiền phương vẫn còn ở phía bên kia sông để bảo vệ phía sau. Toán quân này phải nổ súng đánh lạc hướng một khi quân địch tiến gần vị trí phục kích trong khi vượt sông.

Vào lúc 9 giờ 45, tất cả các vị trí đã được chiếm lĩnh, sau đó chỉ còn việc chờ đợi. Gần 11 giờ 00, đại đội trưởng nhận được tín hiệu từ các binh sĩ làm nhiệm vụ quan sát để cảnh báo địch đang đến gần, 5 phút sau, một toán quân Indonesia nhỏ đi qua khu vực phục kích. Toán thứ hai gồm 5 người tiếp nối sau đó, một lúc sau lại có 6 người tiếp theo. Sau đó, quân Indonesia đi thành hàng dài bất tận. Đã đến lúc tấn công.

Các súng máy khai hỏa bắn tạt sườn cùng với tiếng nổ của các quả mìn Claymore. Toàn bộ lực lượng ở khu vực phục kích nổ súng bắn vào các mục tiêu trước mặt họ, một đến hai phút sau, đạn pháo bắt đầu nổ ở hai bên trận địa phục kích.

Cuộc phục kích này làm quân lính Indonesia choáng váng, song không lâu sau, họ bắt đầu tổ chức phản kích từ hướng nam với sự yểm trợ hỏa lực của một khẩu cối. Nhưng đại đội yểm trợ chiến đấu mãnh liệt nên cuộc phản kích bị đẩy lùi.


Ngay sau khi gây tổn thất nặng cho đối phương, đại đội trưởng quyết định rút lui qua sông. Cuộc vượt sông được trung đội trinh sát do sĩ quan quan sát tiền phương chỉ huy yểm trợ bằng cách nổ súng vào các trận địa pháo ở ngay sát vị trí phục kích. Để không lọt vào tầm hỏa lực, đại đội bắt đầu rút nhanh cho đến khi trời sập tối. Hôm sau, tức là ngày thứ 5 của chiến dịch kể từ khi vượt biên giới, đại đội lại vượt qua biên giới để trở về đất mình. Đây là ví dụ cho một chiến dịch được lập kế hoạch tuyệt vời và thực hiện xuất sắc. Sau khi chịu thất bại nặng nề, Indonesia không còn có những hành động tích cực nữa tại khu vực này trong suốt thời gian xung đột sau đó.

Kết thúc xung đột

Khu vực phía nam Kuching phức tạp hơn. Ở đó có 3 quả núi cho phép kiểm soát đường biên giới. Trên mỗi quả núi bố trí trận địa của đại đội commandos, đó là cả một hệ thống giao thông hào và đường hầm. Ban chỉ huy tiểu đoàn 42 commandos của Thủy quân lục chiến hoàng gia Anh đặt tại Lundo. Ban đêm, quân Indonesia thỉnh thoảng lại bắn phá các trận địa của đại đội bằng pháo cối.

Nhưng các binh sĩ đang làm nhiệm vụ trên các quả núi chứ không phải trong đội hình các toán tuần tra hay đang nằm phục kích chẳng hề bị đe dọa gì.

Cuối cùng, 3 tháng sau, binh lính tiểu đoàn 42 phát hiện được một căn cứ của lực lượng đặc nhiệm Indonesia. Trong vòng 2 tuần, phân đội trinh sát đã điều nghiên kỹ càng mục tiêu. Các toán tuần tra của SAS và SBS đã gặp phân đội trinh sát và xác nhận thông tin mà họ có được về mục tiêu phát giác được là chính xác.

Sau đó, người ta lập kế hoạch tác chiến, trong đó lực lượng commandos đã tiêu diệt lực lượng đối phương đóng trong căn cứ, kể cả hai thành viên của chính phủ Tổng thống Sukarno. Một phân đội khác trong lúc đó đang ở trạng thái chờ đợi. Phân đội này lẻn vào phía sau đối phương và tổ chức phục kích ở gần con sông. Khi quân Indonesia đi thuyền cập bờ để tiếp nhận những xác chết đưa đi chôn thì bị hỏa lực tầm gần bất ngờ bắn mãnh liệt. Kết cả là toán quân địch này đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Đình chiến

Chiến dịch cuối cùng của dự án Claret mà các đơn vị quân đội Anh tiến hành vào tháng 7/1966 là để đáp trả cuộc tập kích vào Brunei của một đại đội Indonesia cùng các lính tình nguyện dưới sự chỉ huy của trung úy Sumbi vào tháng 5 cùng năm đó. Nhiệm vụ của chiến dịch là tổ chức và tiến hành phục kích bằng pháo binh trên con đường chạy từ Ba Kelan đến sân bay Long Bawang. Chiến dịch do các đơn vị của tiểu đoàn 1, trung đoàn 7 Gurkha và đại đội pháo nhẹ 38.

Chiến dịch Claret cơ bản là thành công và cho phép đạt được các mục đích đặt ra, bởi lẽ nhờ tiến hành chiến dịch này, các lực lượng của khối Thịnh vượng Anh đã giành lại quyền chủ động, còn phía Indonesia đã buộc phải chuyển sang phòng ngự. Chịu tổn thất lớn, Indonesia kêu gọi đình chiến, Malaysia cũng làm thế. Cuối cùng, ngày 11/81966, hiệp định hòa bình được ký kết.

Print Print E-mail Print