Từ chống Liên Xô đến chống Mỹ
Thánh đường Đỏ, hay Lal Masjid do Maulana Qari Abdullah thành lập vào năm 1965 và được đặt tên như vậy do có các bức tường đỏ và nội thất bên trong cũng màu đỏ. Các quan chức, kể cả giới quân sự và các bộ trưởng trong chính phủ Pakistan thường đến thăm viếng Lal Masjid. Ngay cả nhà độc tài quân sự, tướng Mohammad Zia-ul-Haq cũng có quan hệ rất thân thiết với Maulana Qari Abdullah, người thường xuyên diễn thuyết về thánh chiến (Jihad).
Trong thập niên 1980, khi cuộc chiến của các tay súng thánh chiến Mujahideen chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan đang ở cao trào, ý tưởng thánh chiến rất phổ biến trong thế giới Hồi giáo. Thánh đường Đỏ tọa lạc gần đại bản doanh Cơ quan Tình báo liên quân Pakistan ISI khét tiếng, vốn đã giúp huấn luyện các Mujahideen và hỗ trợ cho “Quỹ chiến binh thánh chiến”. Nhiều nhân viên ISI thường xuyên tới Lal Masjid cầu nguyện. Sau chiến tranh ở Afghanistan kết thúc vào năm 1989, Thánh đường Đỏ tiếp tục hoạt động như một trung tâm đào tạo Hồi giáo cấp tiến và nơi cư trú của mấy ngàn sinh viên.
Hang ổ Hồi giáo cấp tiến
Vào năm 1998, Maulana Qari Abdullah bị giết trong thánh đường và từ đó, các con trai ông ta là Maulana Abdul Aziz và Abdul Rashid Ghazi lãnh đạo toàn bộ thánh đường. Họ thừa nhận có quan hệ mật thiết với nhiều thủ lĩnh bị truy nã của Al-Qaeda, kể cả Osama bin Laden. Đó là chuyện trước cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ, khi jihad còn là một phần của chính sách nhà nước chính thức của Pakistan.
Sau vụ khủng bố 11/9, chính phủ Pakistan tuyên bố sẽ ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Lập trường đó gây ra sự chống đối mạnh mẽ của một số thủ lĩnh Hồi giáo vốn công khai ủng hộ phong trào Taliban. Sau bài phát biểu, trong đó Tổng thống Pakistan, tướng Pervez Musharraf tuyên bố ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố, thánh đường Lal Masjid đã trở thành một trung tâm, nơi bắt đầu phát đi những lời kêu gọi giết chết Musharraf. Một trong những kẻ đe dọa là Maulana Masood Azhar thuộc nhóm cấp tiến Jaish-e-Mohammed. Các thành viên của nhóm này sau đó đã tham gia một số vụ mưu sát bất thành Musharraf.
Đối kháng leo thang
Những lời kêu gọi giết hại Tổng thống Pervez Musharraf vang lên khá thường xuyên trong những bức tường của Lal Masjid, bởi vậy, vào tháng 7/2005, chính quyền Pakistan đã định tổ chức cuộc truy quét trong thánh đường để điều tra các vụ nổ ở London vào ngày 7/7/2005. Cuộc tập kích kết thúc thất bại khi cảnh sát bị sinh viên vũ trang bằng gậy gộc đánh đập.
Trong năm 2006 và nửa đầu năm 2007, các sinh viên trong thánh đường và các thủ lĩnh của họ bằng các hành động của mình đã gieo rắc sự nghi ngờ đối với uy tín của chính phủ và thực chất đã dựng lên tại thủ đô một hệ thống tòa án song hành kiểu như của Taliban, tự ý đưa ra những phán quyết về các tội ác, kể cả bắt cóc người, đốt nhà và giết người. Những bất đồng cuối cùng với chính quyền đã xuất hiện khi các sinh viên Hồi giáo bắt đầu chiến dịch chống phá dỡ các thánh đường ở Islamabad bị chính quyền coi là xây dựng bất hợp pháp.
Đáp lại, các sinh viên, trong đó có không ít nữ sinh viên, được vũ trang bằng súng AK đã nổi dậy chống nỗ lực của chính quyền tiến đến khu đất phía trước thánh đường, sau đó thì đánh chiếm tòa nhà thư viện dành cho trẻ em ở gần đó trên khu đất của thánh đường Lal Masjid. Sau khi chính phủ tuyên bố sẽ đẩy đuổi họ khỏi thư viện, sinh viên đã tổ chức trực ngày đêm và thề chiến đấu đến chết.
Nhượng bộ bị xem là hèn yếu
Tình hình chỉ hạ nhiệt sau khi chính phủ đề nghị đàm phán. Một phần các thánh đường bị phá dỡ đã được khôi phục. Nhưng đồng thời, chính phủ tuyên bố, 6 thánh đường khác xung quanh thủ đô sẽ vẫn bị dỡ bỏ.
Bất chấp những nhượng bộ của chính quyền, sinh viên Hồi giáo đã không chịu rời khỏi thư viện và tiếp tục hoạt động tích cực chống chính phủ, tổ chức tập kích khu ký túc xá. Họ cũng bắt cóc 10 công dân Trung Quốc, một số nhân viên công lực, phụ nữ và trẻ em.
Quan điểm mềm mỏng của chính quyền trong giải quyết xung đột với thánh đường đã không mang lại kết quả mong muốn, vì thế, Tổng thống Pervez Musharraf đã chỉ trích chính phủ quá nhu nhược. Sau đó, sinh viên Hồi giáo đốt cháy tòa nhà Bộ Bảo vệ môi trường, làm nổ ra xung đột với quân chính phủ và cuối cùng dẫn đến cuộc vây hãm Thánh đường Đỏ.
Vây hãm
Ngày 3/7/2007, xung đột vũ trang bùng lên giữa lực lượng ủng hộ Lal Masjid và lực lượng an ninh Pakistan, khi một sinh viên từ trường Hồi giáo Jamia Hafsa lấy cắp một máy vô tuyến điện và súng tại một trạm gác ở gần đó do lính biệt kích Pakistan lập ra khi các nữ sinh tổ chức tuần hành. Cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán sinh viên. Một số sinh viên liền nổ súng bắn vào lính biệt kích, làm một người chết. Điều đó đã dẫn đến vụ đấu súng làm 9 người chết và gần 150 người bị thương.
Trong vài phút, các lực lượng an ninh đã vây kín quảng trường. Tình trạng khẩn cấp được tuyên bố tại các bệnh viện thủ đô. Cuộc vây hãm bắt đầu đã dẫn đến một loạt biến cố. Gần 150 sinh viên đã tấn công vào tòa nhà văn phòng cách không xa Bộ Bảo vệ môi trường, đốt cháy và phá hoại nhiều ô tô ở bãi đỗ.
Đàm phán
Ngày 4/7, chính quyền tuyên bố giới nghiêm vô thời hạn đối với các sinh viên của thánh đường ở quận có Lal Masjid của Islamabad. Người ta cũng hạ lệnh bắt bất cứ ai mang vũ khí đi ra khỏi thánh đường. Chính phủ Pakistan đã đưa ra một loạt cảnh cáo và công bố thời hạn cuối cùng để giải quyết vấn đề này. Những người đang ở trong khu thánh đường được đề nghị rời khỏi, không mang theo vũ khí để nhận được 5.000 rupi và được tiếp tục học miễn phí. Những phụ nữ ở trong thánh đường cũng được đề nghị dành cho lối đi an toàn để trở về nhà.
Chính phủ Pakistan đã đặt ra thời hạn chót để các sinh viên và những người có mặt bên trong Lal Masjid. Tuy nhiên, các thủ lĩnh thánh đường mỗi lần có một toán sinh viên rời thánh đường lại đòi lực lượng an ninh đàm phán lại và thời hạn kết thúc đàm phán đã bị hoãn 4 lần.
Người đứng đầu thánh đường Maulana Abdul Aziz bị bắt giữ khi mưu toan chuồn khỏi Lal Masjid sau khi cải trang bằng áo dài che mặt của phụ nữ Hồi giáo Burqa. Sau đó, gần 800 sinh viên và 400 nữ sinh viên trường Jamia Hafsa đã đầu hàng chính quyền.
|
Trước bình minh ngày 5/7, quân đội Pakistan tổ chức một loạt vụ nổ xung quanh thánh đường. Mặc dù trong ngày vẫn có đấu súng lẻ tẻ, nhưng các vụ đụng độ lớn đã chấm dứt. Vì muốn sơ tán càng nhiều người càng tốt khỏi thánh đường và trường Jamia Hafsa lân cận trước khi mở đầu chiến dịch, các cơ quan chính phủ tiếp tục đàm phán. Trong khi đó, vẫn có gần 2.000 sinh viên ở lại trong thánh đường. Em trai của Abdul Aziz là Abdul Rashid Ghazi đã hứa đầu hàng nếu chính phủ ngừng bắn và ân xá cho họ, nhưng trên thực tế, ông ta chỉ muốn tranh thủ thêm thời gian. Cuộc vây hãm tiếp tục đến ngày 6/7. Những cuộc đàm phán kéo dài giữa lãnh đạo Lal Masjid và chính quyền không mang lại kết quả. Trong các cuộc đấu súng không ngừng nghỉ, có thêm 2 sinh viên bị giết và 21 người đầu hàng chính quyền. Mặc dù vậy, chính phủ vẫn muốn cho số người bị vây hãm có thêm thời gian để sơ tán an toàn các sinh viên khỏi Lal Masjid và Jamia Hafsa.
Tối hậu thưCuối cùng, ngày 7/7, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf công bố tối hậu thư. Vụ mưu sát ông Musharraf vào ngày 6/7 được cho là đã ảnh hưởng đến quyết định này của Musharraf. Máy bay của ông ngay sau khi cất cánh đã bị bắn bằng pháo phòng không và súng máy.
Sau khi công bố tối hậu thư, quân đội Pakistan tiếp nhận quyền kiểm soát chiến dịch thay cho các đơn vị bán quân sự trước đó được triển khai gần khu thánh đường.
1 giờ sáng, ngày 7/7, đặc nhiệm Pakistan đã tổ chức tập kích vào vành đai ngoài của thánh đường. Họ dùng chất nổ phá các cửa mở xuyên qua các bức tường thánh đường để giúp phụ nữ và trẻ em chạy trốn. Các hành động của họ đã vấp phải hỏa lực mãnh liệt của các tay súng bị vây hãm. Tuy vậy, lực lượng đặc nhiệm đã xông vào được bên trong, các bức tường của Lal Masjid và Jamia Hafsa sụp đổ. Họ phát hiện ra là các tay súng Hồi giáo phòng ngự có đủ vũ khí và thực phẩm để cầm cự ít nhất một tháng nữa.
Tấn côngĐể thu thập thông tin về mục tiêu, quân đội Pakistan đã dùng các máy bay không người lái Predator mượn được của Mỹ. Chúng bay bên trên khu thánh đường vào đêm mồng 8 rạng sáng mồng 9/7 nhằm điều tra các yêu sách mà thủ lĩnh nổi loạn Abdul Rashid Ghazi đưa ra liên quan đến thiệt hại nhân mạng và vật chất của thánh đường Lal Masjid và trường Jamia Hafsa. Dựa trên thông tin thu được bằng máy bay không người lái, kế hoạch công kích thánh đường đã được xây dựng.
Các lực lượng được huy động tham gia chiến dịch là các đơn vị tinh nhuệ của quân đội Pakistan gồm Lực lượng tác chiến đặc biệt SSG (Special Services Group), Lữ đoàn 111, Tiểu đoàn biệt kích số 9 và đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ của cảnh sát Punjab.
Sáng 10/7, mấy phút sau khi cựu Thủ tướng Chaudhry Shujaat Hussain, Bộ trưởng Tôn giáo liên bang Muhammad Ijaz-ul-Haq và các đại diện đi cùng rời khỏi khu vực vì hết mọi cơ hội giải quyết hòa bình cuộc xung đột, đặc nhiệm Pakistan được lệnh công kích thánh đường. Binh lính tiến vào khuôn viên thánh đường từ phía nam và bắt đầu tấn công từ ba hướng vào lúc 4 giờ sáng. Họ lập tức vấp phải cơn mưa đạn của các tay súng vũ trang đến tận răng đang chiếm lĩnh vị trí trên các má nhà, ẩn nấp sau các bao cát, cũng như bắn xuyên qua các khe tường. Trong tiếng lựu đạn nổ chát chúa, SSG đã nhanh chóng quét sạch được tầng 1 của thánh đường Lal Masjid. Gần 20 đứa trẻ chạy ra với các binh lính đang tấn công vào, chúng đã được cứu thoát.
Kháng cự mãnh liệt
Mặc dù các binh sĩ SSG đã quét sạch được tầng 1 thánh đường, họ lại lọt vào tầm hỏa lực ác liệt từ các ngọn tháp thánh đường, làm chậm bước tiến của họ vào khu thánh đường.
Sau khi các tay súng trên các tháp thánh đường bị trấn áp, đặc nhiệm tiếp tục tiến sâu vào khu thánh đường. Để chặn bước tiến của họ, các tay súng ném mấy chai cháy, nhưng không tạo ra đám cháy. Ngay khi tầng 1 được quét sạch, đặc nhiệm cố gắng tiến vào khu trường Jamia Hafsa nối với thánh đường. Nhưng tại đây, đặc nhiệm đã vấp phải một số lượng lớn bẫy mìn do các tay súng bố trí. Việc gỡ các bẫy mìn này lại làm chậm bước tiến của binh sĩ SSG. Phải mấy giờ sau, họ mới tiếp tục tiến lên và đánh chiếm khu trường. Ba giờ sau, hơn một nửa khu thánh đường đã sạch bóng các tay súng, tuy nhiên, ở nhiều địa điểm, sự kháng cự vẫn tiếp diễn.
Trận đánh ác liệt trong khu trường Hồi giáo Jamia HafsaCác binh sĩ SSG đã tiến vào madrasah Jamia Hafsa, vốn cũng là nơi ở của Maulana Abdul Rashid Ghazi, và ở sân trước, họ đấu súng dữ dội với lực lượng bảo vệ khu nhà này.
Các tay súng bắn từ các boongke tạm thời dưới các cầu thang. Các boongke này được các tay súng lập ra không phải một tháng. Sau khi sân được quét sạch, các toán SSG tiến vào khu nhà madrasah vốn là cả một mê cung hành lang và phòng ốc của ngôi trường tôn giáo dành cho nữ sinh. Ở đây, một cuộc tàn sát thật sự đã bắt đầu. Trong trường này có 75 phòng, các tầng hầm lớn và các hàng hiên. Binh sĩ tấn công di chuyển từ phòng này sang phòng khách, khắp nơi đều gặp sự kháng cự dữ dội của các tay súng vũ trang tốt. Họ đã phải dùng lựu đạn gây choáng để tránh làm chết các con tin.
Các tay súng trong tòa nhà được trang bị súng chống tăng và súng máy, trong nhiều phòng có cài các bẫy mìn. Một số tay súng còn dùng những kiểu áo giáp mới nhất có tác dụng chống đạn và mảnh đạn, cũng như sóng xung kích. Những thứ đó thì ngay trong quân đội Pakistan hồi đó cũng chưa có. Các binh sĩ đặc nhiệm SSG đã chịu tổn thất rất nặng chính là trong trận đánh bên trong trường Jamia Hafsa. Trong cận chiến, các tay súng Hồi giáo cực đoan đã dùng lựu đạn khói, lựu đạn mảnh và đạn đum đum chống lại các nhóm đột kích SSG. 29 trong 33 lính đặc nhiệm bị thương trong chiến dịch chính là bị các vết thương mảnh. Trong khi tác chiến, một phân đội SSG đã gặp phải một căn phòng có nửa tá tay súng cố thủ bên trong. Một tên trong số đó mặc áo khoác nhồi đầy thuốc nổ đã kích nổ làm chết tất cả những người xung quanh cùng với hắn. Lực lượng đặc nhiệm đã phải mất mấy giờ giao chiến dữ dội mới kiểm soát được các căn phòng của madrasah Jamia Hafsa. Hơn 70 tay súng đã bị các binh sĩ Pakistan bắt giữ hoặc đầu hàng khi chạy khỏi tòa nhà madrasah với tay giơ cao.
Kết thúc chiến dịchĐến lúc này, hơn 80% khu thánh đường đã được giải phóng. Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm vẫn tiến chậm vì bị kháng cự mãnh liệt. Các tay súng lùi xuống tầng hầm và ở đó dùng phụ nữ và trẻ nhỏ làm lá chắn sống. Những tay súng phiến loạn ẩn náu trong tầng hầm được vũ trang bằng súng máy, súng chống tăng và chai cháy. Trong giao tranh, thủ lĩnh quân phiến loạn Abdul Rashid Ghazi bị thương vào chân nên người ta kêu gọi y đầu hàng. Một lúc sau, hắn đi ra cùng với 4-5 tay súng và bắn vào lực lượng an ninh. Ghazi bị giết bởi hỏa lực bắn trả.
Các trận đánh trong thánh đường vẫn tiếp diễn cho đến khi tay súng cuối cùng đầu hàng hoặc bị tiêu diệt.
Khu vực xung quanh thánh đường giống như một vùng chiến sự. Đây đó, đằng sau những bao cát là các khẩu đội súng máy của quân đội Pakistan, cũng như các xe bọc thép. Ngày 11/7, các quan chức tuyên bố, các tay súng đã bị quét sạch khỏi khu Thánh đường Đỏ, nhưng quân đội tiếp tục tìm kiếm các bẫy mìn và thiết bị nổ. Họ mất thêm 36 giờ cho việc này.
Càn quét thánh đườngChiến dịch giải phóng thánh đường Lal Masjid kéo dài tổng cộng 8 ngày và là chiến dịch kéo dài nhất có sự tham gia của đơn vị đặc nhiệm SSG của Pakistan. Các tay súng nổi loạn không chỉ đã phá vỡ kế hoạch đánh nhanh của đơn vị tinh nhuệ này của quân đội Pakistan mà còn gây tổn thất nặng nề cho lực lượng đặc nhiệm. Trong 8 ngày, SSG mất 10 người, trong đó có cả chỉ huy chiến dịch, chỉ huy trưởng SSG Haroon Islam.
Tại thánh đường Lal Masjid và madrasah Jamia Hafsa đã thu được một số lượng lớn vũ khí, kể cả súng chống tăng RPG-7 (B41). Trong số chiến lợi phẩm có cả mìn chống tăng và mìn sát thương, thắt lưng khủng bố liều chết, súng trường 5,6 mm, súng trung liên RPD và RPK-74, súng trường bắn tỉa Dragunov, súng carbin bán tự động SKS, súng ngắn, khí tài nhìn đêm và hơn 50.000 viên đạn các cỡ. Người ta cũng phát hiện ra 3 thùng chứa các chai cháy. Tại các vị trí của quân phiến loạn đã phát hiện các mặt nạ phòng độc, pháo không giật, hàng chục súng АK-47, máy vô tuyến điện, những thùng nhựa lớn chứa bom tự tạo, cũng như đủ loại vũ khí lạnh.
Các lực lượng an ninh kinh hồn khi thấy các tay súng cực đoan cho nhiều vũ khí hiện đại, tinh vi đến thế. Bởi vậy, họ đã tiến hành cuộc điều tra nhằm tìm ra các nguồn cung cấp vũ khí. Trong chiến dịch công kích thánh đường đã xảy ra một số vụ các tay súng tự kích nổ liều chết.
Tổn thấtCác quan chức ở Islamabad khẳng định chiến dịch thành công khi tiêu diệt được một nhóm tay súng phiến loạn bên trong thánh đường, trong đó có cả các phần tử khủng bố nước ngoài mà không để xảy ra thương vong lớn cho dân thường. Theo Thủ tướng Pakistan Shaukat Aziz, số nạn nhân thấp hơn nhiều so với dự đoán. Trong số 164 lính đặc nhiệm quân đội SSG tham gia công kích, 10 người chết và 33 người bị thương, ngoài ra còn 1 lính biệt kích thiệt mạng.
Trong thời gian từ ngày 3-11/7, đã rời khỏi Thánh đường Đỏ hoặc được giải cứu có 1.096 người, trong đó có 3 trẻ em, 628 đàn ông, 465 phụ nữ và em gái. Trong chiến dịch đã có 102 người chết, trong đó có 91 thường dân; bị thương 248 người, trong đó có 204 thường dân, 41 binh sĩ quân đội và 3 lính biệt kích Pakistan. 75 xác chết đã được đưa ra khỏi các căn phòng của khu thánh đường vào cuối chiến dịch. Thánh đường cũng bị hư hại nặng. Gian sảnh của nó bị cháy trụi, trần bị cháy, các bức tường đỏ cao hơn cổng vào hình oval bị cháy đen do các tay súng bên trong ném các chai cháy. Madrasah còn bị thiệt hại nặng hơn vì tại đây diễn ra những trận đánh ác liệt nhất.
Vai trò của Al-QaedaSau khi giành quyền kiểm soát khu Thánh đường Đỏ, tình báo Pakistan đã phát hiện ra trong tòa nhà những lá thư của Ayman al-Zawahiri, trợ thủ thân cận nhất của trùm khủng bố Osma bin Laden, trong đó có lời kêu gọi nổi dậy vũ trang, gửi các thủ lĩnh nổi loạn Abdul Rashid Ghazi, Abdul Aziz và các tay súng Hồi giáo. Sau đó, người ta biết rằng, có đến 18 tay súng nước ngoài, trong đó có người Uzbek, Ai Cập, Afghanistan đã từng người một đến thánh đường một tuần trước chiến dịch và mở thao trường huấn luyện sinh viên Hồi giáo, kể cả trẻ em cách sử dụng vũ khí.
Ngay ngày 11/7/2007, Ayman al-Zawahiri đeo kính, mặc đồ trắng trong thông điệp video đã kêu gọi người Pakistan tham gia vào jihad và báo thù cuộc tấn công của quân đội Pakistan vào các thánh đường đang truyền giảng Hồi giáo cấp tiến.
Dư âmSau cuộc đột kích Thánh đường Đỏ và lời kêu gọi thánh chiến của Ayman al-Zawahiri, một làn sóng biểu tình đã lan tràn khắp Pakistan do các đảng Hồi giáo tổ chức. Người biểu tình đòi tổng thống Pakistan từ chức, các phần tử cực đoan khu vực Bắc Waziristan, thành trì của lực lượng Hồi giáo chính thống, ủng hộ Taliban ở Afghanistan đã xé bỏ thỏa thuận đình chiến với chính phủ Pakistan và tuyên bố phát động chiến sự. Sự kiện này đã thúc đẩy al-Qaeda và Taliban mở các cuộc tấn công báo thù ở Pakistan, làm chết hơn 3.000 người, trong đó có hơn 1.000 lính Pakistan và 1.500 tay súng khủng bố.
Còn người hùng một thời, Tướng Pervez Musharraf, người đã hạ lệnh tấn công Thánh đường Đỏ năm 2007 thì đã bị bắt vào tháng 10/2013 và đang chờ ra tòa vì các tội phản quốc và cáo buộc giết người, kể cả vì tội ra lệnh tiến hành chiến dịch Sunrise.