Vietnamdefence.com

 

Putin thông qua chiến lược an ninh mạng

VietnamDefence - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua văn kiện xác định chính sách trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế đến năm 2020.

Vladimir Putin
Các mối đe dọa chủ yếu trong lĩnh vực này được nêu ra là sử dụng công nghệ Internet làm “vũ khí thông tin phục vụ các mục đích chính trị-quân sự, khủng bố và tội phạm”, cũng như để “can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia”.

Văn kiện có cái tên dài là “Nguyên tắc chính sách nhà nước của Liên bang Nga trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế giai đoạn đến năm 2020” được ông Putin ký vào cuối tuần trước.

Văn kiện này được Hội đồng An ninh Liên bang Nga soạn thảo với sự tham gia của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Truyền thông liên lạc và Bộ Tư pháp. Trong văn kiện lần đầu tiên tập trung những sáng kiến chủ yếu của Nga trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế, mà theo những người soạn thảo sẽ thúc đẩy việc xúc tiến chúng trên thế giới, cũng như cải thiện sự phối hợp liên ngành ở nước Nga.

Văn kiện nêu rõ 4 mối đe dọa chính đối với nước Nga trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế:

(1) Sử dụng công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) làm vũ khí thông tin phục vụ mục đích chính trị-quân sự, để thực hiện các hành động thù địch và xâm lược.

(2) Sử dụng công nghệ ICT vào mục đích khủng bố.

(3) Các tội ác mạng, bao gồm việc truy cập phi pháp thông tin máy tính, viết và phổ biến các phần mềm độc hại.

(4) Sử dụng công nghệ Internet để “can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia”, “phá vỡ trật tự xã hội” , “thổi bùng hận thù” và “tuyên truyền các tư tưởng kích động bạo lực”.

Ba mối đe dọa đầu được tất cả thừa nhận, được ghi trong các văn kiện của Liên Hiệp Quốc. Mối đe dọa thứ bay nêu trong văn kiện. Mối đe dọa thứ tư nêu trong văn kiện của Nga phản ánh cách tiếp cận của riêng Nga.
 
Các sự kiện “Mùa xuân Arab” thể hiện tiềm năng của Internet (trước hết là các mạng xã hội) trong việc tổ chức và phối hợp các hành động chống chính phủ đã buộc Nga phải chú ý đến mối đe dọa này.

Nga định đối phó các mối đe dọa này cùng với các đồng minh, trước hết là các thành viên  trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể và nhóm BRICS. Với sự hỗ trợ của các nước này, Moskva hy vọng thực hiện được hàng loạt sáng kiến then chốt của mình: Thông qua ở Liên Hiệp Quốc Công ước về bảo đảm an ninh thông tin quốc tế, xây dựng các quy tắc ứng xử trong không gian mạng được quốc tế thừa nhận, quốc tế hóa hệ thống quản trị Internet và thiết lập quy chế pháp lý không phổ biến vũ khí thông tin.

Văn kiện "Nguyên tắc..." này ở mức độ nào đó được thiết kế như sự đáp trả “Chiến lược quốc tề về các hành động trong không gian mạng” mà Mỹ thông qua vào năm 2011. Trong đó, các hành động phá hoại máy tính được xem như các hành động quân sự truyền thống, với quyền phản ứng tương xứng đối với chúng, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân.

Văn kiện của Nga xem ra dễ chịu hơn, Moskva dự định đấu tranh với các mối đe dọa trên mạng không phải bằng các phương pháp hăm dọa mà là củng cố sự hợp tác quốc tế. Nhưng cần lưu ý là các nước phương tây luôn phản đối những sáng kiến như thế của Nga vì cho rằng, chúng nhằm tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với Internet. Tuy nhiên, văn kiện của Nga trước hết vẫn kêu gọi tất cả hợp tác, hoặc là thông qua đối thoại, hoặc là xây dựng các biện pháp xây dựng lòng tin tối thiểu.

Mới đây, Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ đã ký hiệp định chưa từng có nhằm ngăn chặn các sự cố mạng leo thang thành xung đột giữa các quốc gia. Nga muốn ký các hiệp định như vậy với cả các quốc gia khác.

Theo chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Nga (PIR-Tsentr), Oleg Demidov, tính chất không đối đầu của chiến lược của Nga được giải thích bởi hai nguyên nhân. “Một là, mặc dù tích cực chuẩn bị để thành lập một bộ tư lệnh không gian mạng, Liên bang Nga về mặt công nghệ quân sự bị tụt hậu so với Mỹ, nước đã thành lập một bộ chỉ huy như vậy từ năm 2009. Hai là, ban lãnh đạo Liên bang Nga xuất phát từ một cách đặt vấn đề hoàn toàn khác: không đáp trả một cuộc tấn công mạng bằng vũ lực, mà là đạt được những thỏa thuận quốc tế rộng rãi, cho phép hạn chế việc sử dụng công nghệ ICT gây hại cho người dân và các quốc gia”, ông Demidov nói.

Theo đánh giá của chuyên gia này, văn kiện mới của Nga có thể theo đuổi “thậm chí những mục tiêu xa hơn là chiến lược không gian mạng của Nhà Trắng”: “Vấn đề là ở chỗ chúng thực tiễn và khả thi đến đâu”.

Sắp tới, Hội đồng An ninh Nga và các bộ chuyên ngành sẽ trình cho Tổng thống Nga các đề xuất cụ thể nhằm thực hiện “Nguyên tắc chính sách nhà nước của Liên bang Nga trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế giai đoạn đến năm 2020”.

Việc chuẩn bị khái niệm chiến lược của Nga về an ninh mạng đã được thành viên Hội đồng Liên bang Ruslan Gattarov thông báo hồi tháng 4/2013.

Nga đã nhiều lần thực hiện các bước đi đơn lẻ liên quan đến lĩnh vực an ninh thông tin và an ninh mạng quốc tế. Tháng 1/2013, được biết, Bộ Ngoại giao Nga từ năm 2011 đã tích cực thúc đẩy lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế và đang thành lập một vụ chuyên trách.

Tổng thống Putin hồi tháng 1/2013 cũng đã giao cho Cơ quan An ninh liên bang FSB xây dựng một hệ thống đối phó với các cuộc tấn công mạng nhằm vào các tài nguyên thông tin của Nga.

Chiến lược an ninh mạng của các nước khác

Ở Mỹ, tiền thân của “Chiến lược quốc tế hành động trên không gian mạng” hiện hành là “Chiến lược quốc gia bảo đảm an ninh không gian mạng” năm 2002. Mục tiêu của văn kiện là thiết lập một hệ thống thống nhất phản ứng với các cuộc tấn công vào các hệ thống và mạng thông tin mà hạ tầng nước Mỹ phụ thuộc vào.

Tháng 2/2011, Đức đã thông qua “Chiến lược an ninh trên không gian mạng” và thành lập Cơ quan Phòng vệ mạng quốc gia. Cơ quan này phối hợp với cảnh sát, tình báo và Cục An ninh thông tin liên bang. Giống như chiến lược của Mỹ, chiến lược của Đức cũng có phần bí mật. Dự đoán, phần này nói về hệ thống các biện pháp đối phó các cuộc tấn công thông tin. Một văn kiện tương tự có hiệu lực ở Anh từ tháng 11/2011.

Ở Ấn Độ, chiến lược an ninh mạng được thông qua vào tháng 5/2013. Trên cơ sở văn kiện này, sẽ thành lập một mạng của các cơ quan chính phủ, các khoản kinh phí bổ sung sẽ được chi cho các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực an ninh mạng.

Ngày 19/6/2013, chiến lược an ninh mạng cũng đã bắt đầu có hiệu lực ở EU. Theo văn kiện này, thẩm quyền của Cơ quan Mạng và an ninh thông tin đã được kéo dài thêm 7 năm. Văn kiện quy định, các chính phủ các nước EU được yêu cầu thành lập các cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh mạng, các công ty tài chính, giao thông và năng lượng phải xây dựng các biện pháp đối phó các mối đe dọa mạng. Giống như ở Mỹ và Ấn Độ, những người xây dựng chương trình hy vọng vào sự hợp tác giữa các khu vực tư nhân và nhà nước.


Nguồn: Kommersant, №135 (5166), Lenta, 1.8, Odnako, 2.8.2013.     

Print Print E-mail Print